Mariupol bị trúng hai quả bom "cực mạnh", chiến hạm Nga nhập cuộc
Trọng Nghĩa, RFI, 23/03/2022
Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine hôm 23/03/2022 bước qua ngày thứ 28 và dù đã cố gắng rất nhiều, lực lượng Nga vẫn chưa kiểm soát được thủ đô Kiev cũng như thành phố cảng chiến lược Mariupol ở phía nam. Trong bối cảnh đó, quân đội Nga tiếp tục bắn phá dữ dội vào nhiều thành phố Ukraine, nhất là vào Mariupol, nơi mà theo chính quyền Ukraine, đã bị trúng hai quả bom "cực mạnh" vào hôm qua, trong lúc vẫn còn khoảng 100.000 thường dân bị kẹt trong vòng vây.
Ảnh vệ tinh chụp các toà nhà trong thành phố Mariupol, Ukraine, bị phá hủy, ngày 22/03/2022. via Reuters – Maxar Technologies
Chính quyền Mariupol, được hãng tin Pháp AFP trích dẫn, thành phố này vào hôm qua đã trúng hai "quả bom cực mạnh". Tòa thị chính Mariupol tuy nhiên không nói về những thiệt hại, chỉ tố cáo Nga là đã chủ trương "san bằng" thành phố.
Theo một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc, Hoa Kỳ đã nhận thấy là chiến lược mà Nga bắt đầu áp dụng "trong 24 tiếng đồng hồ vừa qua" là "oanh kích từ xa vào trung tâm thành phố".
Cho đến nay, Moskva chủ yếu dựa vào lực lượng pháo binh và tên lửa trên bộ để tấn công, nhưng theo phía Mỹ, 7 chiến hạm Nga có mặt tại vùng Biển Azov bắt đầu tham gia vào chiến dịch oanh kích vào cảng Mariupol.
Từ hơn hai tuần lễ nay, cảng Mariupol đã bị quân Nga bao vây và dội bom thường xuyên, phá hủy các hệ thống điện nước và sưởi ấm khoảng hơn 400.000 cư dân thành phố. Lực lượng Nga đã kêu gọi Mariupol đầu hàng, điều đã bị phía Ukraine bác bỏ.
Trong một đoạn video công bố tối hôm qua, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết là hiện vẫn còn 100.000 người phải sống ở thành phố Mariupol bị bao vây trong điều kiện vô nhân đạo, không có thức ăn, nước uống hoặc thuốc men.
Tổng thống Ukraine tố cáo lực lượng Nga gây khó khăn trong việc thiết lập các hành lang nhân đạo để rời khỏi thành phố. Ông đặc biệt lên án vụ quân Nga vào hôm qua đã bắt giữ các nhân viên Cơ Quan Cứu Hộ Khẩn Cấp Ukraine và các tài xế xe buýt của một đoàn xe chở người sơ tán ra khỏi Mariupol.
Những cư dân chạy được ra khỏi thành phố bị bao vây đã mô tả với tổ chức bảo vệ nhân quyền HRW là họ đã phải sống trong "một địa ngục giá lạnh, giữa xác người la liệt trên các đường phố và đống đổ nát của những tòa nhà bị phá hủy". Theo những nhân chứng này, "hàng nghìn người đã bị cắt rời khỏi thế giới, chui rúc trong những tầng hầm không có điện nước, thực phẩm, hoặc phương tiện thông tin liên lạc".
Phát biểu với AFP, bộ trưởng Tư Pháp Ukraine, bà Iryna Venediktova, cho rằng chiến dịch bao vây Mariupol của lực lượng Nga không phải là một hành động chiến tranh, mà là một " tội ác diệt chủng".
Các vụ quân đội Nga ném bom vào các khu đông dân cư tại Ukraine đã bị tổng thống Pháp Emmanuel Macron cực lực lên án.
Theo ông Macron, "không thể chấp nhận" việc "Luật pháp quốc tế bị coi thường, cơ sở hạ tầng dân sự bị đánh bom, vũ khí gây nổ được sử dụng ở các khu vực đông dân cư và các nhân viên cứu trợ là mục tiêu tấn công".
Trọng Nghĩa
*********************
Zelensky sẵn sàng nói chuyện với Putin về Donbass và Crimea
Anh Vũ, RFI, 22/03/2022
Gần một tháng sau cuộc xâm lược của Nga, những thành phố lớn của Ukraine tiếp tục bị dội bom. Tổng thống Volodymyr Zelensky, trong bài trả lời phỏng vấn với báo chí trong nước được phát đi đêm 21/03/2022, lần đầu tiên tuyên bố sẵn sàng nói chuyện với tổng thống Nga Vladimir Putin về một "thỏa hiệp" về vùng Donbass và Crimea, để "chấm dứt chiến tranh".
Tổng thống Zelensky phát biểu qua video tại Kiev, Ukraine, ngày 21/03/2022. AP
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, nếu ông Putin chấp nhận thương lượng trực tiếp, ông sẽ sẵn sàng thảo luận với tổng thống Nga về tất cả các vấn đề dẫn đến xung đột giữa hai nước, kể cả vấn đề Crimea và Donbass, nhưng trước tiên phải có "bảo đảm về an ninh" cho Ukraine. Volodymyr Zelensky cũng cảnh báo Ukraine sẽ bị "phá hủy" trước khi phải đầu hàng.
Tổng thống Ukraine cũng thừa nhận "Crimea và Donbass là vấn đề khó đối với mọi người". Bán đảo Crimea đã bị Nga sáp nhập năm 2014. Vùng Donbass ở miền đông là nơi mà các lực lượng ly khai thân Nga đã lập ra hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk cũng từ năm 2014 và đã được Nga tuyên bố công nhận ngay trước khi đưa quân xâm lược Ukraine.
Volodymyr Zelensky cho rằng nếu không gặp trực tiếp với Vladimir Putin thì sẽ "không thể hiểu hết những gì có thể khiến Nga sẵn sàng dừng chiến tranh". Đồng thời tổng thống Ukraine nhấn mạnh, một thỏa thuận nếu có với Moskva về Donbass và Crimea sẽ phải được thông qua trưng cầu dân ý. Ông Zelensky cũng nhắc lại là Ukraine không thể "chấp nhận bất kỳ tối hậu thư nào của Nga".
Trong cuộc phỏng vấn trên, ông Zelensky cũng nhắc nhiều đến một vấn đề mấu chốt là quan hệ với NATO. Ông cho rằng đến lúc này cần phải bình tĩnh và tìm những bảo đảm an ninh khác cho Ukraine, chứ không nhất thiết phải là thành viên NATO.
Moskva vẫn luôn đòi hỏi có bảo đảm trên văn bản rằng Ukraine sẽ không bao giờ gia nhập NATO, một yêu cầu vẫn chưa được phía Kiev đáp ứng.
Anh Vũ
************************
Ukraine còn lại gì sau một tháng chiến tranh
80 % khu dân cư ở Mariupol bị tàn phá © AP
Chiến sự tại Ukraine, hôm nay, 21/03/2022, bước sang ngày thứ 26. Bộ Quốc phòng Nga hôm qua ra tối hậu thư kêu gọi Ukraine "hạ vũ khí" và yêu cầu "phản hồi bằng văn bản" trước 5 giờ sáng ngày thứ Hai, 21/03. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bác bỏ tối hậu thư này.
RFI tiếng Việt, 22/03/2022