Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

13/05/2022

Điểm báo Pháp - Viện trợ quân sự Mỹ cho Ukraine tăng vọt

RFI tiếng Việt

Viện trợ quân sự Mỹ cho Ukraine tăng vọt, kho vũ khí ở Mỹ bị nguy cơ thiếu hụt

Trọng Nghĩa, RFI, 13/05/2022

Cuộc chiến tranh tại Ukraine tiếp tục là chủ đề thu hút báo chí Pháp ra ngày 14/05/2022, được Le MondeLes Echos nêu bật trên trang nhất. Đáng chú ý nhất có lẽ là bài phân tích trên Le Monde về thách thức mà chính quyền Mỹ đang đặt ra cho ngành công nghiệp vũ khí của mình khi ồ ạt viện trợ quân sự cho Ukraine để chống Nga.

vientro1

Những binh sĩ Ukraine chất tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ cung cấp lên xe. Ảnh chụp ngày 11/02/2022 tại phi trường Boryspil, gần Kiev.  AP - Efrem Lukatsky

Bài phân tích trên Le Monde về thách thức mà cuộc chiến tranh Ukraine đặt ra cho Hoa Kỳ mang tựa đề : "Ngành công nghiệp quân sự Mỹ bị nguy cơ nóng máy". Tờ báo giải thích ngay : "Viện trợ quân sự mà Washington cung cấp cho Ukraine đang đẩy các kho dự trữ vũ khí của Quân đội Mỹ vào tình trạng căng thẳng vì phải nhanh chóng tìm nguồn thay thế số vũ khí đã gởi đi. 

Le Monde trước hết nhắc lại sự kiện Hạ Viện Mỹ, hôm 10/05/2022 đã thông qua một ngân sách trên 40 tỷ đô la để giúp Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga. Đây là một số tiền lớn hơn mong đợi của tổng thống Mỹ, vốn đã "chỉ" yêu cầu 33 tỷ mà thôi. 

Viện trợ vũ khí Mỹ ngang bằng ngân sách quốc phòng Ukraine

Nếu phần lớn gói viện trợ được dành cho các thiết bị dân sự hoặc viện trợ nhân đạo, thì có khoảng 6 tỷ đô la được lên kế hoạch để cung cấp vũ khí cho Ukraine, đặc biệt là các loại xe bọc thép và hệ thống phòng không.

Đối với tờ báo Pháp, đây là một khoản tiền khổng lồ - tương đương với ngân sách quốc phòng hàng năm của Ukraine. Theo một nguồn tin quân sự Pháp, Ukraine hiện đang "tiêu thụ" trong một ngày một phần tương đương với mười ngày vũ khí được phương Tây bàn giao. 

Kho vũ khí Mỹ không phải vô hạn

Vấn đề mà Le Monde đặt ra là liệu Hoa Kỳ có thể cung cấp cho Ukraine đầy đủ vũ khí như đã hứa hay không, vì quy mô các kho dự trữ vũ khí của Mỹ có giới hạn và giống như các kho dự trữ của các đối tác Châu Âu, cũng đang lâm vào tình trạng căng thẳng.

Joseph Henrotin, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích và Dự báo Rủi ro Quốc tế (Capri), giải thích : "Nếu kho vũ khí đơn giản của Mỹ, đặc biệt là đạn dược, không bị thiếu hụt và được thay mới khá thường xuyên, thì những hệ thống phức tạp hơn, chẳng hạn như máy bay không người lái hoặc tên lửa dẫn đường, gặp nhiều vấn đề hơn". 

Theo số liệu được Lầu Năm Góc công bố ngày 11/05, kể từ khi cuộc chiến nổ ra, Mỹ đã chuyển cho Ukraine hơn 5.500 tên lửa vác vai chống tăng Javelin. Con số này tương đương với hơn một phần ba kho dự trữ Javelin của Mỹ. Cũng như vậy, có hơn 1.400 tên lửa phòng không Stinger được lấy từ kho của quân đội để gửi qua Ukraine, tức là một phần tư kho dự trữ Stinger tại Hoa Kỳ. 

Mỹ không thể sản xuất kịp thời nhiều loại vũ khí đã viện trợ

Vấn đề là những loại vũ khí tối tân như trên không thể được thay thế trong một sớm một chiều. Hai hãng Lockheed Martin và Raytheon, chuyên sản xuất tên lửa Javelin, chỉ có thể làm ra 2.100 chiếc mỗi năm. Họ đã cam kết tăng gấp đôi mức sản xuất, nhưng trên đài truyền hình Mỹ CBS, ông Jim Taiclet, lãnh đạo tập đoàn Lockheed Martin, đã thừa nhận : "Sẽ mất vài tháng hoặc thậm chí vài năm để đạt được chỉ tiêu trên, bởi vì chúng tôi phải đảm bảo sao cho chuỗi cung ứng linh kiện đáp ứng được tốc độ đó". 

Các nhà sản xuất hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu các bộ vi xử lý sau đại dịch Covid-19. Một chiếc Javelin chẳng hạn, chứa đến 250 bộ vi xử lý. 

Đối với tên lửa Stinger, thách thức còn lớn hơn : Do thiếu đơn đặt hàng của Mỹ (mà lần đặt mua cuối cùng từ năm 2006), tập đoàn Raytheon đã giảm đáng kể việc sản xuất loại tên lửa phòng không này. Mới đây, một lời kêu gọi đấu thầu đã được đưa ra để khởi động lại công việc sản xuất, nhưng vào cuối tháng Tư vừa qua, ông Graig Hayes, tổng giám đốc Raytheon đã cảnh báo : "Hàng có thể sẽ không được giao trước năm 2023 hoặc 2024". 

Theo Le Monde, khó khăn trong việc bổ sung các kho dự trữ chiến lược bắt đầu gây ra lo ngại tại Hoa Kỳ. Trong một nghiên cứu gần đây, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) đã ước tính rằng Washington sẽ phải mất từ 3 đến 4 năm để thay thế số tên lửa Javelin gửi qua Ukraine và hơn 5 năm đối với loại Stinger.

Châu Âu giúp lúa mì Ukraine vượt phong tỏa Nga 

Cũng về chủ đề Ukraine, một bài viết lý thú khác được thấy trên nhật báo Le Figaro mang tựa đề "Châu Âu giúp lúa mì Ukraine vượt qua sự phong tỏa của Nga".

Đối với tờ báo thiên hữu Pháp, việc cung cấp các loại ngũ cốc trước chiến tranh được xuất khẩu qua ngã Biển Đen đã trở thành một thách thức hậu cần ghê gớm. Ủy Ban Châu Âu muốn tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển các mặt hàng này theo đường bộ và đường sắt xuyên qua các quốc gia thành viên EU. 

Công việc theo Le Figaro, rất to lớn. Adina Valean, Ủy viên Giao thông Vận tải Châu Âu cho biết : "Chúng tôi cần đưa 20 triệu tấn ngũ cốc ra khỏi Ukraine trong vòng chưa đầy ba tháng".

Trước chiến tranh, 75% sản lượng ngũ cốc của Ukraine được xuất khẩu chủ yếu sang Châu Âu, Trung Quốc và Châu Phi, và hàng hóa hầu như đều xuất phát từ các cảng Biển Đen của Ukraine, hiện đã bị Nga phong tỏa. Điều này gây nguy hiểm cho an ninh lương thực toàn cầu.

Bất chấp những nỗ lực ban đầu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa sang Châu Âu, hàng nghìn toa xe lửa và xe tải bị ùn tắc ở biên giới. Thời gian chờ đợi trung bình là 16 ngày và có thể tăng gấp đôi để vượt qua các biên giới nhất định. 

Một khó khăn đầu tiên mang tính chất thuần túy kỹ thuật : Khổ đường rầy của Ukraine (theo chuẩn của Liên Xô trước đây) và Châu Âu khác nhau, điều này buộc tất cả hàng hóa dùng đường sắt Ukraine phải được chuyển tải khi nhập cảnh vào UE, qua các xe tải hoặc các toa xe lửa theo tiêu chuẩn Châu Âu. Tuy nhiên, các phương tiện trung chuyển đang thiếu trầm trọng.

Bruxelles cũng đề xuất thiết lập những "con đường đoàn kết" để xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, lấy cảm hứng từ "con đường xanh" được áp dụng trong thời kỳ đại dịch. Ngành vận tải hàng hóa được mời "khẩn trương" huy động thêm phương tiện, xe vận tải, container và cơ cấu trung chuyển. Cũng có ý tưởng huy động xà lan và tàu lót ly để vận chuyển trên sông Danube.

Các quốc gia thành viên còn được khuyến khích thể hiện sự linh hoạt, đẩy nhanh các thủ tục hải quan tại biên giới. Các nhà quản lý mạng lưới đường sắt được yêu cầu dành vị trí "ưu tiên" cho vận chuyển hàng hóa của Ukraine. 

Điểm đến cuối cùng của ngũ cốc Ukraine không phải là Châu Âu, do đó sẽ phải xác định các cảng Châu Âu có khả năng cho phép giao hàng đến Châu Phi và Châu Á. 

Bi kịch của phụ nữ Ukraine bị lính Nga làm nhục

Ngoài bài phân tích về hệ lụy đối với Mỹ khi ồ ạt viện trợ vũ khí cho Ukraine, ngay trên trang nhất của mình, Le Monde đã giành một vị trí quan trọng cho một bi kịch mà người dân Ukraine tại một số vùng bị quân Nga tạm chiếm đã phải trải qua.

Dưới tựa đề "Ukraine, câu chuyện đau thương về những vụ hãm hiếp", tờ báo cho biết là các đặc phái viên của họ tại Ukraine đã điều tra về những vụ bạo hành tình dục do lính Nga tiến hành nhắm vào những người dân tại những khu vực bị Nga tạm chiếm vào tháng Ba vừa qua. 

Kết quả được nêu bật trong một phóng sự dài bên trong mang tựa đề "Trong một ngôi làng Ukraine bị quân Nga chiếm đóng là những nỗi đau rát bỏng của những vụ cưỡng hiếp". 

Nỗi đau đớn này đã được tờ báo Pháp rất tôn trọng, khi không nêu tên thực của ngôi làng, chỉ nói rằng đó là một địa phương ở phía đông bắc của thủ đô Kiev, bị Nga chiếm đóng từ ngày 24/02 đến 30/03. Tên của các nạn nhân và những người chứng đều được giữ kín.

Le Monde cho biết : Theo giới bảo vệ nhân quyền ở Ukraine, hiếp dâm được lính Nga sử dụng một cách có hệ thống như một vũ khí chiến tranh. 

Một bài viết thứ hai nói về một người Kazakhstan cư ngụ tại Bucha, đã giúp đỡ hàng chục nạn nhân bị lính Nga hãm hiếp và đã ghi lại nhiều bằng chứng về 173 trường hợp bạo lực tình dục vào lúc quân Nga chiếm đóng nơi này, mà nạn nhân không chỉ là phụ nữ, mà có cả đàn ông hay trẻ em.

Thương tâm nhất là trường hợp của một thiếu nữ chỉ 14 tuổi, đã bị hành hạ cho đến mức không còn có thể sinh con.

Putin siết chặt gọng kềm khí đốt trên Châu Âu

Nhật báo kinh tế Les Echos là tờ duy nhất hôm nay giành tựa đầu trang nhất cho chủ đề Ukraine, nhấn mạnh trên sự kiện "Putin siết chặt gọng kìm trên Châu Âu trên vấn đề khí đốt Nga".

Theo Les Echos, Nga đã dừng việc bơm khí vào một đường ống cung cấp khí đốt cho Đức thông qua ngã Ba Lan. Ngoài ra, Điện Kremlin còn ra biện pháp trừng phạt các công ty khí đốt Châu Âu và cho thấy là họ sẵn sang cắt đứt nguồn cung cấp loại nhiên liệu này cho Châu Âu.

Theo tờ báo, hệ quả được thấy ngay lập tức là giá khí đốt tăng cao trên thị trường trong bối cảnh Liên Hiệp Châu Âu đang đẩy nhanh tiến độ bổ sung trở lại các kho dự trữ cho mùa đông sắp tới.

Ngoài hồ sơ Ukraine, báo Pháp hôm nay cũng dành tựa lớn trang nhất cho những vấn đề thời sự khác. Không hẹn mà gặp, hai tờ Le Monde Le Figaro đều nhấn mạnh đến nỗi lo lạm phát đang gia tăng.

Lạm phát làm tăng đòi hỏi tăng lương

Trong lúc Le Figaro chạy tựa lớn trang nhất về việc "Lạm phát toàn cầu làm hồi sinh đòi hỏi tăng lương", thì Le Monde nhấn mạnh trên "Lãi suất chỉ đạo, sức mua : Tổng động viên chống lạm phát".

Theo Le Figaro, Ở Hoa Kỳ cũng như ở Châu Âu, các công đoàn đang vận động trong mọi thành phần đòi tăng lương để bù đắp cho chi phí sinh hoạt ngày càng tăng. 

Ở Châu Âu, nơi lạm phát ở mức 7,5% nhưng có thể tăng lên 9%, tiền lương đã tăng 2,5% trong khoảng thời gian từ tháng Giêng đến tháng Ba. 

Tại Pháp, trong khi chính phủ đã tăng gần 6% mức lương tối thiểu trong một năm, nhiều công ty đã đàm phán về mức tăng vào đầu năm nay và đang chuẩn bị đưa ra mức lương mới. 

Tại Hoa Kỳ, nơi tình trạng thiếu lao động ngày càng gia tăng, áp lực thêm mạnh mẽ trên các nhà tuyển dụng, và việc tăng lương rất ngoạn mục trong một số ngành. 

Tổng động viên chống lạm phát

Riêng Le Monde đã nêu lên việc Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu đang chuẩn bị một loạt các đợt tăng lãi suất, mà đợt đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng Bảy. Tờ báo ghi nhận đây là biện pháp chưa từng có trong 11 năm.

Tại Hoa Kỳ, lạm phát lên tới 8,3% trong tháng 4, giảm 0,2 điểm so với tháng 3, nhưng hiện tượng này đang lan sang lĩnh vực dịch vụ. 

Tại Pháp, chính phủ thông báo đang mở rộng và thúc đẩy gói biện pháp nhằm gia tăng sức mua của người dân. 

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa
Read 283 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)