Pháp : Chính quyền bị tình nghi "nói dối" trong vụ hỗn loạn ở Stade de France
Ngoại trừ Le Monde với chủ đề chiến sự Ukraine, tựa chính trang nhất các tờ báo lớn ra tại Pháp ngày 01/06/2022 đều đề cập đến thời sự Pháp, dưới góc độ xã hội trên Libération, La Croix, chính trị trên Le Figaro, và kinh tế trên Les Echos. Nóng bỏng nhất là việc hai bộ trưởng Nội vụ và Thể thao phải ra giải trình trước Thượng Viện về những sự cố ở sân vận động Stade de France, nhân trận chung kết Cúp C1 ngày 28/05 giữa đội Anh Liverpool và đội Tây Ban Nha Real Madrid.
Trang nhất báo Libération ngày 01/06/2022. Ảnh chụp màn hình. © Copie écran
Những sự cố xảy ra phải nói là rất đáng xấu hổ. Vào hôm đó, đã có hàng chục ngàn cổ động viên và khán giả đổ về Stade de France. Rất nhiều người không có vé hoặc dùng vé giả bị chặn lại gây ra cảnh ùn tắc hỗn loạn. Lực lượng bảo vệ và cảnh sát không đủ sức kiểm soát tình hình đã phải phản ứng mạnh tay, thậm chí dùng lựu đạn cay để giải tán đám đông. Trong lúc đó, nhiều phần tử bất lương đã thừa cơ móc túi, trấn lột. Trận đấu phải lùi lại hơn nửa tiếng đồng hồ, trong lúc nhiều khán giả có vé thật không thể vào sân.
Vấn đề là giới chức chịu trách nhiệm về trật tự, đi đầu là bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin đã đổ lỗi cho "từ 30.000 đến 40.000 cổ động viên Anh, đã đổ về sân vận động mà không có vé hoặc dùng vé giả". Bất chấp phản bác của nhiều giới, rất hoài nghi về số liệu đầy tranh cãi đó, ông Darmanin, được tân bộ trưởng Thể thao Amélie Oudéa-Castéra và Liên Đoàn Bóng Đá Pháp phụ họa, vẫn duy trì cáo buộc của mình.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp đã "nói dối"
Đối với nhật báo thiên tả Pháp Libération, tờ báo gay gắt nhất với chính quyền trong vụ này, thì bộ trưởng Nội vụ Pháp Darmanin đã "nói dối" để phủi trách nhiệm.
Tựa lớn trang nhất của tờ báo châm biếm : "Darmanin làm giả trở lại trận đấu" ngay dưới tiêu đề "Thảm họa tại Stade de France". Trong hàng tựa nguyên văn tiếng Pháp "Darmanin refake le match", Libération đã không ngần ngại chế ra động từ "refake", dựa trên từ "fake" nghĩa là giả mạo. Tờ báo Pháp ghi nhận là vị bộ trưởng Pháp, người vẫn cố đổ lỗi cho người Anh, sẽ phải giải trình trước Thượng Viện Pháp vào hôm nay.
Trong bài viết bên trong tựa đề "Hãy bắn bỏ các lập luận giả tạo", Libération cho biết : "Con số từ 30.000 đến 40.000 người không có vé hoặc dùng vé giả có mặt ngoài sân vận động Stade de France mà chính quyền lặp đi lặp lại một cách chắc nịch để giải thích cho thảm bại trong việc duy trì trật tự hôm thứ Bảy vừa qua đã bị cơ quan chuyên chở công cộng Paris RATP và các nhà quan sát bác bỏ. Thế nhưng Gérald Darmanin – tức bộ trưởng Nội vụ Pháp – vẫn cố bám vào cách giải thích gian dối đó".
Trong bài xã luận không khoan nhượng "Nói dối", Libération không ngần ngại nêu ra một bài toán đơn giản : "Tại chốt kiểm soát A, 40.000 cổ động viên Liverpool được cho là đã xuất hiện, "không có vé hoặc dùng vé giả". Nhưng tại chốt B, cách đó chưa đầy 800 mét, chỉ có 2.800 tờ vé giả bị phát hiện. Như vậy thì 37.200 người gian lận còn lại đã có thể biến mất ở đâu và bằng cách nào ?".
Đối với Libération, đã đến lúc bộ trưởng Nội vụ Pháp phải từ bỏ các cách giải thích hoang đường của ông, và "từ bỏ ý đồ nói dối ở cấp Nhà nước, đặc biệt là khi lời nói dối khá lố bịch".
Uy tín nước Pháp bị đe dọa
Nhật báo công giáo Pháp La Croix cũng chạy tựa "Nhiều vấn đề còn để ngỏ sau các sự cố ở Stade de France", nêu bật ba câu hỏi đang cần lời giải đáp.
Con số 40.000 cổ động viên không vé hay có vé giả có chính xác hay không ? Những vụ cổ động viên Anh và Tây Ban Nha bị hành hung hay trấn lột trước và sau trận đấu thực hư ra sao ? Hệ quả chính trị của vụ tranh cãi sẽ là như thế nào ?
Trong bài xã luận ngay trên trang nhất mang tựa đề "Nhanh chóng hay nóng vội", La Croix trước hết lấy làm tiếc trước việc chính quyền Pháp đã để xảy ra một cảnh tượng chẳng có gì là vinh quang.
Thế nhưng, theo tờ báo, tranh cãi bùng lên sau đó thậm chí còn tệ hại hơn nữa, với hai bộ trưởng Nội vụ và Thể thao Pháp đã vội vã đổ lỗi cho vấn đề gian lận vé giả trên quy mô lớn, dẫn đến việc có từ 30.000 đến 40.000 cổ động viên câu lạc bộ Anh Liverpool đến Stade de France mà không thể vào sân, gây nên tình trạng hỗn loạn.
Có điều là, theo La Croix, cho đến nay, không có gì chứng minh cho những lập luận kể trên, và hai vị bộ trưởng Pháp phải làm sáng tỏ vụ việc tại Thượng Viện hôm nay.
Đối với tờ báo Pháp, vấn đề rất quan trọng, không chỉ là uy tín của nước Pháp trong tư cách một nhà tổ chức các sự kiện quan trọng, mà còn là uy tín của các phát ngôn công cộng. Đối mặt với một thực tế cần được công nhận là một thất bại thê thảm, chỉ có duy nhất một phản ứng đúng đắn : Minh bạch.
Pháp yếu kém trong cách quản lý cổ động viên thể thao
Báo Le Monde cũng đề cập đến các sự cố xung quanh trận chung kết bóng đá Cúp C1. Trong một khung nhỏ trên trang nhất, tờ báo chạy tưa : "Stade de France : Darmanin (tức bộ trưởng Nội vụ Pháp) phủ nhận mọi sai sót".
Tờ báo ghi nhận việc ông Darmanin tiếp tục đổ lỗi cho các cổ động viên Anh Quốc, mà theo ông đã phạm tội "gian lận vé giả ồ ạt, trên quy mô công nghiệp và có tổ chức".
Theo Le Monde, cáo buộc này đã bị nhiều nhà quan sát, nhất là người Anh, phản bác. Theo họ, tình trạng hỗn loạn đến từ các giới hạn trong chính sách duy trì trật tự và quản lý cổ động viên thể thao của Pháp.
Ukraine : Cư dân những vùng "thân Nga" cũng chống xâm lược
Như nói ở trên, Le Monde đã dành tựa lớn trang nhất cho chiến sự tại Ukraine, đề cập đến sự kiện "Vùng Donbass chịu sức ép từ đà tiến công của Nga".
Theo ghi nhận của tờ báo, số phận của vùng Donbass phụ thuộc vào sự kháng cự trước quân đội Nga của bốn thành phố Severodonesk và Lyssychansk ở phía đông, cũng như Sloviansk và Kramatorsk ở phía bắc.
Le Monde cũng tỏ ý thán phục sức đề kháng của người dân Ukraine chống lại lực lượng Nga xâm lược. Trong bài phóng sự mang tựa đề "Mykolaiv, mô hình của tinh thần kháng chiến của người dân chống lại sự xâm lược của Nga", tờ báo ghi nhận rằng, dù nổi tiếng là "thân Nga" trước chiến tranh, nhưng người dân tại thành phố phía nam Ukraine này đã động viên nhau để làm mọi cách giúp Quân đội Ukraine chống lại Nga.
Theo Le Monde, lính Nga từng tưởng lầm là khi tiến vào những thành phố, thị trấn được cho là thân Nga như Mykolaiv, họ sẽ được hoan ngênh, nào ngờ thay vì vỗ tay đón mừng quân Nga, cư dân nơi này đã trở thành một cột trụ của phong trào kháng chiến chống Nga, kể cả về quân sự.
Tờ báo Pháp nhận định : Trường hợp Mykolaiv không phải là cá biệt, mà diễn ra gần như khắp nơi trên lãnh thổ Ukraine, tới mức mà hiện tượng này đang được giới chuyên gia nhiều nơi trên thế giới nghiên cứu.
Giá dầu lại bùng cháy vì cấm vận dầu hỏa Nga
Sự kiện Liên Hiệp Châu Âu nhất trí cấm vận dầu hỏa Nga dĩ nhiên cũng được các báo chú ý với Les Echos nêu bật trên trang nhất hâu quả : "Cấm vận dầu hỏa Nga khiến giá dầu bùng cháy".
Theo ghi nhận của tờ báo kinh tế Pháp, quyết định của Liên Âu tại Bruxelles lại khiến giá dầu hỏa tăng vọt một lần nữa. Vốn đã không ngừng vươn lên từ sáu tháng nay, hôm qua, giá một thùng dầu thô Brent đã vượt mức 124 đô la. Không mua dầu của Nga, các nước Châu Âu có thể quay sáng các nước OPEP hay Hoa Kỳ, nhưng với giá cao hơn.
Đối với Les Echos, nếu các lãnh đạo Liên Âu rốt cuộc đã đồng thuận được trên việc đình chỉ đến mức 90% lượng dầu nhập từ Nga, từ nay đến cuối năm, thì họ ngần ngại nhiều hơn trong việc ngừng mua khí đốt từ Nga, nhất là trong bối cảnh lạm phát tăng vọt.
Như nắm được chỗ yếu của Liên Âu, Moskva đã tăng cường sức ép. Sau Ba Lan, Bulgaria và Phần Lan, giờ đây tập đoàn Gazprom của Nga đã cắt nguồn cung ứng cho Hà Lan và Đan Mạch, hai nước đã từ chối mở tài khoản bằng đồng rúp để thanh toán như yêu cầu của điện Kremlin.
Pháp : Lạm phát cao, tăng trưởng thấp
Tình hình lạm phát tại Pháp đã được Les Echos nêu bật trong hàng tựa trang nhất : "Lạm phát, tăng trưởng : Nước Pháp trong tình trạng báo động".
Theo tờ báo, ước tính tạm thời của Viện thống kê Pháp INSEE công bố hôm qua đã ghi nhận tỷ lệ lạm phát lên đến 5,2% vào tháng Năm tại Pháp. Đây là mức cao mới kể từ năm 1985, sau tỷ lệ vốn đã cao là 4,8% vào tháng Tư.
Đối với Les Echos, lạm phát tiếp tục tăng do việc giá năng lượng tăng vọt (+ 28% trong 12 tháng) bắt nguồn từ xung đột Ukraine. Tuy nhiên, vào lúc này, mọi thứ đang tăng lên : Từ thực phẩm (tăng 4,2%), dịch vụ (+ 3,2%) cho đến hàng công nghiệp tiêu dùng (+ 2,9%), tất cả lần lượt bị cuốn vào vòng xoáy tăng giá.
Vấn đề theo tờ báo, vì tin xấu không bao giờ đến một mình (nói theo tiếng Việt là họa vô đơn chí), cho nên tốc độ tăng trưởng cũng ở mức thấp. Trong bối cảnh đó, Les Echos nêu bật : "Để bảo vệ hầu bao của người Pháp, hành pháp đã hứa hẹn nhiều biện pháp mới".
Trọng Nghĩa