Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

31/05/2022

Liên Âu giải quyết cảng biển Ukraine, trừng phạt và mua dầu khí Nga

RFI tổng hợp

Khủng hoảng lương thực : Liên Âu cố mở lại các cảng biển Ukraine

Thùy Dương, RFI, 31/05/2022

Trong ngày thứ hai cuộc họp của các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu, hôm 31/05/2022, bên cạnh các vấn đề về chuyển đổi năng lượng để bớt lệ thuộc vào khí đốt của Nga, 27 nước thành viên Liên Âu còn thảo luận về cuộc khủng hoảng lương thực do tác động từ chiến tranh Ukraine.

eu1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy phát biểu tại thượng đỉnh Châu Âu, Bruxelles, Bỉ, ngày 30/05/2022. Reuters - Pool

Liên Âu dự kiến nhiều biện pháp để vượt qua lệnh phong tỏa xuất khẩu lương thực, thực phẩm mà Nga áp đặt ở các cảng của Ukraine, đặc biệt là cảng Odessa, kể cả huy động lực lượng hải quân đặc nhiệm để hộ tống các tàu hàng.

Do việc vận chuyển ngũ cốc Ukraine sang các nước Châu Âu bằng đường bộ hoặc đường sắt không thực sự hiệu quả vì các vấn đề cơ sở hạ tầng, nên Liên Âu đặt ưu tiên vào việc mở lại các cảng biển chính của Ukraine.

Theo trang tin Euractiv, Liên Âu sẽ không nhượng bộ đòi hỏi của Nga về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, đánh đổi lấy việc không ngăn cản xuất khẩu lương thực, kể cả ngũ cốc của Ukraine, từ các cảng ở Biển Đen.

Nga - Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác mở hành lang an toàn

Cũng trong ngày hôm nay, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Cavusoglu cho biết đồng nhiệm Nga Sergei Lavrov sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 08/06 để thảo luận về việc triển khai "các hành lang an toàn" để vận chuyển ngũ cốc của Ukraine theo đường hàng hải. Theo AFP, ngày 30/05, tổng thống Nga Vladimir Putin, trong cuộc điện đàm với đồng nhiệm Erdohan, cho biết sẵn sàng hợp tác với Ankara về tự do lưu thông hàng hóa ở Biển Đen, trong đó có cả việc vận chuyển ngũ cốc từ các cảng của Ukraine.

Trong video công bố đêm 30/05, tổng thống Ukraine Zelensky tố cáo Nga phong tỏa các cảng biển của Ukraine, cản trở Kiev xuất khẩu 22 triệu tấn ngũ cốc. Nguyên thủ Ukraine cho rằng nạn đói ở các nước vốn phụ thuộc vào nguồn ngũ cốc nhập khẩu có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng di dân mới và "đây rõ ràng là điều mà các nhà lãnh đạo Nga đang tìm kiếm".

Thùy Dương

********************

Chiến tranh Ukraine : Liên Âu đồng thuận về loạt trừng phạt thứ sáu nhắm vào Nga

Minh Anh, RFI, 31/05/2022

Ukraine đã giành được một chiến thắng trên mặt trận cấm vận dầu khí của Nga ? Hôm 30/5/2022, sau một ngày họp căng thẳng, lãnh đạo các nước trong Liên Hiệp Châu Âu đã đạt được một đồng thuận về loạt trừng phạt mới, loạt thứ sáu, nhắm vào Nga. Thỏa thuận này đặc biệt cho phép thiết lập một lệnh cấm vận đối với dầu khí của Nga. 

eu2

Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel tới dự thượng đỉnh Liên Âu, Bruxelles, Bỉ, ngày 30/05/2022. Reuters – Johanna Geron

Từ Bruxelles, đặc phái viên đài RFI, Valérie Gas cho biết cụ thể :

"Đúng vào nửa đêm, làn khói trắng bốc lên từ cuộc họp của lãnh đạo Liên Âu – hình ảnh ví von như cuộc bầu giáo hoàng thành công, một thông báo rất được trông đợi : Một thỏa thuận ngưng nhập khẩu khoảng 90% dầu hỏa của Nga từ đây đến cuối năm. Thỏa thuận liên quan đến việc giảm dần nhập khẩu dầu lửa qua đường biển, chiếm đến 2/3 lượng mua, cộng với việc Đức và Ba Lan cam kết ngưng nguồn nhập bằng đường bộ từ đây đến năm 2023.

Sự ngập ngừng của Hungary, vốn bị phụ thuộc nhiều vào dầu hỏa của Nga, cuối cùng cũng đã được giải quyết. Hungary đã có được một thời hạn để nhập khẩu và những bảo đảm về nguồn cung ứng để chấp nhận các đề xuất của Liên Âu và cho phép thông qua loạt trừng phạt mới nhắm vào Nga.

Nhiều biện pháp khác cũng được dự trù : Sherbank, ngân hàng lớn nhất của Nga chẳng hạn sẽ bị gạt ra khỏi hệ thống SWIFT ; ba kênh truyền hình của Nga sẽ bị cấm hoạt động cũng như nhiều trừng phạt khác nhắm vào các cá nhân có can dự vào cuộc chiến sẽ được đưa ra.

Mục tiêu ở đây, đặc biệt là từ phía Pháp, là buộc Nga phải "đánh giá lại chi phí chiến tranh" của mình. Khi đồng thuận về những loạt trừng phạt mới, Châu Âu cuối cùng đã vượt qua được những chia rẽ để thể hiện tình đoàn kết với Ukraine".

Theo giải thích chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Charles Michel, cấm vận dầu lửa của Nga sẽ được tiến hành từng bước, ngừng nhập dầu thô trong sáu tháng tới, ngừng nhập các loại sản phẩm đã qua tinh chế, trong tháng tới/ Biện pháp này là vấn đề gai góc nhất gây nhiều tranh cãi do vấp phải sự phản đối từ Budapest. Ngay sau khi thông báo được đưa ra, thủ tướng Hungary, Victor Orban hoan nghênh Liên Âu miễn trừ cấm nhập khẩu dầu hỏa bằng hệ thống ống dẫn trên bộ. 

Cuối cùng, Liên Hiệp Châu Âu cũng nhất trí cấp một khoản tín dụng 9 tỷ euro cho Ukraine để trang trải nhu cầu tiền mặt trong trước mắt và điều hành nền kinh tế. Kiev ước tính mỗi tháng cần đến 5 tỷ euro. Châu Âu khẳng định đây là khoản "cho vay dài hạn" với lãi suất ưu đãi.

Minh Anh

**********************

Liên Hiệp Châu Âu họp phiên bất thường, Hungary đặt điều kiện để từ bỏ dầu khí Nga

Minh Anh, RFI, 30/05/2022

Trong hai ngày, 30/05 và 01/6, Hội đồng Châu Âu họp phiên bất thường. Viện trợ khẩn cấp cho Ukraine, kế hoạch tái thiết đất nước, tăng cường năng lực quốc phòng cho Liên Hiệp Châu Âu và nhất là vấn đề thông qua loạt trừng phạt thứ sáu, cấm vận dầu khí Nga là những nội dung chính chương trình nghị sự.

eu3

   Đường ống dẫn dầu Druzhba nối từ Nga sang Hungary. Ảnh chụp tại nhà máy lọc dầu ở Szazhalombatta, Hungary, ngày 18/05/2022. Reuters – Bernade Szabo

Cuộc họp thượng đỉnh bất thường này đặc biệt thảo luận đề xuất của Ủy Ban Châu Âu cấp một tín dụng 9 tỷ euro cho Ukraine. Về điểm này, điện Elysée nêu rõ đây là một khoản cho vay chứ không phải là một khoản tài trợ không hoàn lại, và qua đó, gởi đi tín hiệu đến thị trường tài chính về việc một nước, bất chấp chiến tranh, vẫn tiếp tục thanh toán các khoản nợ của mình.

Cuộc họp thượng đỉnh lần này còn tìm cách thúc đẩy nhiều chủ đề nhậy cảm khác : Sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch của Nga, an ninh lương thực lâm nguy do xuất khẩu bị ngưng trệ hay việc khôi phục kho dự trữ vũ khí, một chủ đề rất được phía Pháp – nước giữ vai trò chủ tịch luân phiên đến hết tháng 6/2022, hoan nghênh.

Tuy nhiên, hồ sơ gây nhiều tranh cãi nhất và cho đến giờ vẫn chưa đạt được đồng thuận là việc thông qua loạt trừng phạt thứ sáu nhắm vào Nga. AFP cho biết, trong suốt một tuần qua, các cuộc đàm phán vẫn tiếp diễn nhằm tìm kiếm một đồng thuận và cứu vãn tình đoàn kết của khối Liên Âu.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho đến hiện tại từ chối thông qua việc cấm vận dầu khí của Nga. Để có thể từ bỏ dần dần nguồn dầu khí của Nga (chiếm đến 65% nguồn cung), chính quyền Budapest đòi hỏi một khoản hỗ trợ 800 triệu euro và thời hạn từ bỏ nguồn năng lượng này là 4 năm thay vì là hai như đề xuất ban đầu của Liên Hiệp Châu Âu. 

Thủ tướng Orban giải thích số tiền này là cần thiết để cho phép cải tạo hệ thống tinh lọc dầu thích ứng với những nguồn dầu thô khác và cho phép mở rộng hệ thống ống dẫn Adria đến từ Croatia. 

Trong số các đồng thuận được đề xuất ở Hội Đồng Châu Âu, việc tạm thời loại bỏ cấm vận dầu hỏa của Nga thông qua đường ống dẫn Droujba và chỉ trừng phạt nguồn cung ứng bằng đường biển được cho là khả dĩ. Hãng tin Pháp cho biết đường ống dẫn Droujba cung cấp đến 2/3 nguồn năng lượng cho ba nước Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech.

Minh Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương, Minh Anh
Read 205 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)