Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

03/06/2022

Điểm báo Pháp - 100 ngày chiến tranh Ukraine

RFI tiếng Việt

100 ngày chiến tranh Ukraine làm thay đổi thế giới

Cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã bước qua ngày thứ 100, mốc thời gian biểu tượng, tiếp tục là chủ đề chính của nhiều tờ báo Pháp ra hôm 03/06/2022.

100ngay1

Thành phố Severodonetsk ở vùng Donbass, miền đông Ukraine, dưới bom đạn của lực lượng Nga ngày 02/06/2022.  AFP – Aris Messins

Le Figaro chạy tựa lớn trang nhất : "Sau 100 ngày, gọng kìm Nga siết chặt lên Donbass". Tờ báo khái quát lại những nét diễn biến chính của cuộc chiến tranh tại Ukraine sau 100 ngày : Cuộc tấn công quân sự do tổng thống Nga Vladimir Putin phát động ban đầu tưởng như chỉ trong vòng vài ngày đã có thể buộc chính quyền Kiev đầu hàng và giải trừ quân sự Ukraine, nhưng cuối cùng đã bị sa lầy. Tổng thống Ukraine đã thách thức lãnh đạo Nga, không chấp nhận bỏ chạy khỏi đất nước. Ukraine đã giành chiến thắng trên mặt trận truyền thông, được phương Tây cung cấp vũ khí. Hơn một tháng sau, Ukraine đã đẩy lùi được quân Nga ra khỏi vùng phía bắc thủ đô đồng thời phát hiện ra những tội ác thảm sát man rợ của quân Nga. Quân đội Ukraine giờ đang ở dưới làn lửa đạn dữ dội của Nga trong vùng Donbass, nơi gọng kìm đang dần siết chặt. Lực lượng Ukraine chỉ còn giữ được hai thành phố trong vùng miền đông. Những nơi chiến tranh đi qua, đó là sự hoang tàn đổ nát và chết chóc.

Phương Tây muốn có chiến thắng nào cho Ukraine ?

Một trăm ngày chiến tranh ở Ukraine đã làm thay đổi thế giới, Le Figaro ghi nhận trong bài xã luận có tiêu đề : "Chiến thắng nào ?". Trước hết đó là sự thay đổi của một Châu Âu đang chia rẽ, của khối NATO đang trong tình trạng được gọi là "chết não".

Theo tờ báo, không như mong đợi của Kremlin khi mở cuộc tấn công vào Ukraine, phương Tây đã kết thành một khối trước hành động bạo tàn của quân đội Nga, oanh kích các khu dân cư, bệnh viện, sát hại thường dân, đẩy hàng triệu người Ukraine phải bỏ nhà cửa chạy nạn chiến tranh. Phương Tây không khoanh tay trước việc trật tự quốc tế và an ninh thế giới bị vi phạm thô bạo, đã hỗ trợ Ukraine đẩy lùi quân Nga khỏi thủ đô và thành phố Kharkov, giữ vững chính phủ. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã trở thành người hùng của một dân tộc đoàn kết, quyết tâm kháng cự với cuộc xâm lược.

Nhưng Le Figaro cũng nhận thấy, cùng với sự tiến triển của cuộc chiến tranh, tình hình cũng ngày thêm phức tạp. Cung cấp thêm vũ khí hiện đại cho Kiev có thể sẽ tăng thêm sức mạnh cho Ukraine phá gọng kìm Nga ở Donbass nhưng đồng thời cũng có nguy cơ đẩy phương Tây đến gần giới hạn là một bên tham chiến với Nga, trước mối đe dọa sử dụng hạt nhân của chế độ chuyên quyền ở Moskva.

Mặt khác, các hậu quả kinh tế do chiến tranh gây ra đang ngày trở nên gay go ở Châu Âu.  "Các nước phương Tây hy vọng trừng phạt sẽ làm chùn bước của Kremlin cho nên đã tuyên bố ủng hộ Ukraine "cho đến khi giành chiến thắng", nhân danh các nguyên tắc dân chủ, đã bị Nga phá hoại bằng đại bác và tin giả", xã luận tờ báo viết.

Cuối cùng Le Figaro kết luận : "Với phương Tây, đã đến lúc phải tự hỏi họ muốn có "chiến thắng nào ?". Hiển nhiên cái giá phải trả cho một giả thuyết Putin thất bại sẽ không thể chịu nổi. Vậy nên Phương Tây phải phác họa được một lối thoát bằng thương lượng mà Moskva cũng như Kiev chấp nhận được".

Kinh tế thế giới bị sốc lâu dài

Cái giá mà thế giới phải trả đến giờ đã có thể cảm nhận rõ nét nhất là về kinh tế. Le Figaro ghi nhận hậu qủa của cuộc chiến tranh tại Ukraine sẽ là cú "Sốc mạnh và lâu dài cho nến kinh tế thế giới".

Tờ báo nhận thấy, đáng lẽ ra năm 2022 phải là năm phục hồi mạnh mẽ kinh tế thế giới sau hai năm khốn đốn vì đại dịch Covid. Thế nhưng đó lại là năm của chiến tranh nổ ra ở Châu Âu với cú sốc năng lượng, lạm phát gia tăng, tăng trưởng chậm lại, thị trường tài chính bất ổn.

Với riêng Ukraine, bom đạn Nga đã làm GDP của nước này giảm ít nhất 30% trong năm. Nga, bị các trừng phạt, kinh tế cũng sụt giảm 10%. Kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề. Philippe Gudin, nhà kinh tế của ngân hàng Barclay, nhận định : "Đây không phải là cú sốc tạm thời : Tình hình địa chính trị sẽ trong tình trạng xuống cấp lâu dài, kể cả có ngừng bắn thì cũng khó mà nghĩ sẽ có dỡ bỏ trừng phạt ngay."

Phương Tây tiếp tục nỗ lực cấp vũ khí cho Ukraine

Cuộc chiến tranh Ukraine chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ ngừng lại trong khi hôm 01/06, Hoa Kỳ thông báo tiếp tục đợt cung cấp vũ khí hiện đại hơn cho Ukraine với giá trị lên tới 700 triệu đô la. Về sự kiện này, nhật báo Le Monde có bài nhận định : Giao vũ khí cho Ukraine : "Những nỗ lực không đồng đều của phương Tây".

Tờ báo ghi nhận, tổng thống Mỹ Joe Biden, tiếp theo là thủ tướng Đức Olaf Scholz cam kết sẽ cung cấp cho Kiev hệ thống tên lửa và đạn được hiện đại hơn. Một loạt các nước Đông Âu cũng sẵn sàng đẩy mạnh cung cấp các loại vũ khí mới nhằm giúp quân đội Ukraine đáp trả các cuộc tấn công của Nga tại vùng Donbass bằng hỏa lực ngày càng lớn.

Trong khi đó, dường như nỗ lực của Pháp trong việc này lại vẫn rất khiêm tốn. Lý do, theo Le Monde là vì Pháp muốn giữ lập trường ngoại giao của một "cường quốc cân bằng" nhưng cũng còn là vì kho dự trữ vũ khí của Pháp không có nhiều. Hiện Paris đã giao cho Kiev 6 khẩu đại bác Caesar trên tổng số 76 khẩu quân đội Pháp hiện có.

Trong chuyến thăm Kiev hôm 30/05, ngoại trưởng Pháp Catherine Colona đã cam kết "tiếp tục và tăng cường cấp vũ khí cho Ukraine". Nhưng giới phân tích tỏ hoài nghi khi mà nguồn lực về vũ khí hạng nặng của quân đội Pháp đâu có nhiều, không biết Paris có gì để cho Ukraine.

Số phận của các chiến binh ở Azovstal

Trong dòng cuộc chiến tranh ở Ukraine, vẫn trên nhật báo Le Monde có bài : "Tương lai bất trắc của các chiến binh ở Azovstal".

Theo báo Le Monde, hai tuần sau khi những người lính tử thủ tại cứ điểm khu luyện kim Azovstal tại thành phố Mariupol ra hàng quân Nga, số phận của những chiến binh Ukraine này trở nên bất trắc hơn bao giờ hết. Người thân của những binh sĩ này đã tập hợp nhau gây áp lực để đòi chính quyền Ukraine cũng như Nga tiến hành trao đổi tù binh chiến tranh. Trong khi đó, phía Nga đã ngỏ ý cho biết một số các binh sĩ bị bắt là tù binh, thuộc tiểu đoàn Azov, sẽ phải bị đưa ra tòa xét xử vì phạm tội ác chiến tranh.

Tờ báo cũng cho biết, số lượng chính xác những chiến binh Azovstal, mà Ukraine coi là những người anh hùng, được chính quyền Kiev giữ bí mật, để bảo đảm an toàn tính mạng cho họ và để đàm phán với Nga, theo như giải thích của thứ trưởng quốc phòng Ukraine, bà Anna Malyar. Về phía Nga thì đưa ra con số 2.439 binh sĩ Ukraine tại Azovstal bị bắt làm tù binh. Trong số này ngoài các chiến binh của tiểu đoàn Azvov bị Nga coi là "khủng bố phát xít", còn có nhiều binh sĩ thuộc quân đội chính quy, lính biên phòng, cảnh sát và dân quân tình nguyện của Ukraine.

Các chiến binh của Azovstal đã thề không bao giờ ra hàng quân Nga dù bị dội bom liên tục và trong vòng vây suốt gần ba tháng, chỉ đến khi hôm 16/05, bộ tổng tham mưu quân đội Ukraine ra lệnh cho các chỉ huy đơn vị tử thủ ở khu luyện kim này phải bảo toàn mạng sống của các binh sĩ thì các chiến binh mới ra hàng quân Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng cho biết sẵn sàng tiến hành trao đổi tù binh ngay lập tức. Hôm 01/06 vừa rồi tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng "nhấn mạnh cần thiết phải trao đổi tù binh chiến tranh ngay khi có thể".

Le Monde cho biết, ngoài các chiến binh ở Azovstal ra hàng, từ đầu cuộc chiến tranh đến nay, Nga đã giữ 8.000 tù binh của Ukraine. Theo báo chí Nga, số lượng tù binh chiến tranh hiện đã quá tải so với sức chứa các nhà tù Nga.

Le Monde nhận thấy, thời gian trôi đi, lời hứa sẽ cứu các "anh hùng ở Azovstal" của tổng thống Zelensky đã mất đi độ tin cậy về khả năng chính quyền Kiev có thể bảo vệ các công dân của mình.  

Kinh tế Việt Nam hưởng lợi từ chính sách "zero Covid" của Trung Quốc

Về chủ đề kinh tế liên quan đến Việt Nam, nhật báo Les Echos có bài viết đáng chú ý : Việt Nam hưởng lợi từ chính sách "zero Covid" của Bắc Kinh.

Les Echos cho hay, lần đầu tiên, Apple sẽ cho rắp ráp các iPad của họ bên ngoài Trung Quốc. Dù chưa chính thức hóa việc di dời sản xuất này, nhưng theo báo Nhật Nikkei, tập đoàn Mỹ đã yêu cầu các nhà cung cấp sản phẩm chuẩn bị sản xuất một phần của máy tính bảng thế hệ mới tại các nhà máy của Việt Nam.

Các nhà hoạch định chiến lược của Apple đã nghĩ tới việc đa dạng hóa sản xuất từ nhiều năm nay do các căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh. Năm 2020, tập đoàn đã chuyển sang Việt Nam một phần sản xuất sản phẩm AirPod. Chính sách "zero covid" hà khắc của Bắc Kinh càng làm các hãng đẩy nhanh tốc độ chuyển sản xuất ra ngoài Trung Quốc. Theo bà Trinh Nguyễn, nhà kinh tế của tập đoàn tài chính Natixis, "Apple đã đi theo Samsung, tập đoàn đã đa dạng hóa các cơ sở sản xuất của mình, chủ yếu sang hướng Việt Nam".

Les Echos nhận thấy, các nỗ lực đa dạng hóa sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia đã có tác động tích cực đối với kinh tế Việt Nam. Trong năm nay, Việt Nam hy vọng đạt tăng trưởng GDP 6,5%. Thậm chí 6 nước Đông Nam Á gồm Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines và Việt Nam có thể đạt tăng trưởng cao hơn Trung Quốc mà theo dự báo chỉ đạt khoảng 4,5% trong năm nay.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ
Read 271 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)