Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

09/06/2022

Điểm báo Pháp - Nga-Ukraine : đánh đến cùng hay thương lượng

RFI tiếng Việt

Châu Âu chia rẽ về chiến tranh Ukraine : Đánh đến cùng hay tìm cơ hội thương lượng ?

Thời sự chính của các báo Pháp ra hôm nay vẫn là cuộc chiến tranh ở Ukraine. Nhật báo Le Monde đề cập đến việc Liên Âu chia rẽ về các mục tiêu qua bài "Châu Âu chia rẽ về các mục tiêu của cuộc chiến tại Ukraine".

chiare1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trực tuyến tại cuộc họp đặc biệt của Hội Đồng Châu Âu, Bruxelles, Bỉ, ngày 30/5/2022.  Reuters - Pool

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã kéo dài hơn 3 tháng, chiến sự vẫn diễn ra ngày thêm ác liệt ở miền Đông. Trong khi đó câu hỏi đang gây chia rẽ trong những đồng minh của Kiev : Trước cuộc xâm lược của Nga, đâu là mục tiêu của cuộc chiến ? Theo Le Monde, "các nước vùng Baltic và Ba Lan ủng hộ theo đuổi cuộc chiến cho đến khi đánh bại Nga. Pháp, Đức, Ý thì vẫn muốn duy trì một kênh đối thoại mở với Moskva với hy vọng sẽ có được một thỏa thuận ngừng bắn".  

Le Monde cho biết gương mặt nổi bật của phe "chủ chiến đến cùng" là thủ tướng Estonia, bà Kaja Kallas. Theo thủ tướng Estonia, phải hậu thuẫn cho Ukraine chiến đấu cho đến khi Nga bại trận để giúp cho Kiev thu hồi lại các vùng lãnh thổ đã bị mất, không chỉ từ hôm 24/02 vừa rồi, mà cả những vùng đất bị chiếm từ 8 năm nay, tức là gồm cả bán đảo Crimea và các vùng do quân lý khai chiếm giữ ở Donbass, cho dù dường như lúc này mục tiêu này là không thể.  

Theo bà thủ tướng Kallas, một người có gia đình đã từng nếm trải đàn áp thời Liên Xô, không có chuyện đối thoại với Vladimir Putin. Mọi ý định đối thoại thậm chí còn bị coi như là hành động chiều theo ý của chủ nhân điện Kremlin, nhân vật bị coi là tội phạm chiến tranh phải đưa ra xét xử.  

Đối lập với phe cứng rắn là Pháp, Đức và Ý. Lãnh đạo ba nước này cho rằng không có sự can thiệp trực tiếp của phương Tây thì khó có khả năng Nga thất bại hoàn toàn, cho dù vũ khí vẫn được cung cấp cho Ukraine. Vì thế phải tiếp tục nói chuyện với Vladimir Putin, nếu không muốn cuộc chiến tranh kéo dài mãi, có nguy cơ phá hủy đất nước Ukraine. 

Le Monde ghi nhận : Từ đầu cuộc xung đột, 27 nước Liên Âu đã làm được một việc là siết chặt hàng ngũ để trừng phạt nhiều nhất có thể được nước Nga của ông Putin. Pháp, Đức và Ý đều ủng hộ nỗ lực này để Moskva thấy phải trả giá đắt mà ngừng chiến, nhưng đến giờ điều này vẫn không thành hiện thực. Các nước thành viên Liên Âu cũng đã đẩy mạnh cung cấp vũ khí cho Kiev, dù vẫn còn rất ít so với Hoa Kỳ. Các nước Châu Âu đã làm tất cả để cô lập Nga trên trường quốc tế, nhưng cũng giống như Washington, đã vấp phải lập trường không liên kết của phần lớn những nước không thuộc phương Tây. Nguy cơ sa lầy trong cuộc chiến tranh này giờ là có thực ở cả hai bên Ukraine và Nga. Đến lúc này, không chỉ Châu Âu mà cả phương Tây đều không nhìn thấy lối thoát nào cho cuộc chiến. 

Một cuộc chiến khác

Vẫn nhìn về Ukraine, nhật báo La Croix chú ý đến một cuộc chiến khác bên cạnh cuộc xung đột quân sự với bài : "Chiến tranh lúa mì" Ukraine tiếp diễn. 

Theo La Croix, từ đầu cuộc xâm lược Ukraine của Nga, đây là cuộc xung đột trên hai mặt trận. Một "cuộc chiến tranh lúa mì" với những thách thức toàn cầu. Từ nhiều tuần qua, Nga đã phong tỏa toàn vùng Biển Đen, không cho Ukraine xuất đi gần 20 triệu tấn ngũ cốc đang nằm trong kho chứa ở miền nam nước này. Cùng lúc, Kiev tố cáo Moskva đã cướp hơn 400 nghìn tấn hạt ngũ cốc trong vùng Kherson và Zaporijia, đang bị quân Nga chiếm đóng để rồi đưa về các cảng ở Crimea.  

Hôm 08/06, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp ngoại trưởng Nga tại Ankara để bàn giải pháp dỡ bỏ phong tỏa, tạo một "hành lang ngũ cốc" trên Biển Đen, nhưng không có kết quả. 

Trong bài xã luận tựa đề "Vũ khí lúa mì", La Croix nhận định : "Cuộc chiến tranh tại Ukraine không chỉ là việc của Châu Âu. Cuộc chiến xảy ra trên lục địa Châu Âu nhưng lại có tác động đến toàn thế giới. Cuộc chiến tranh làm rối loạn nhiều thị trường, nhất là trong lĩnh vực năng lượng và lương thực thực phẩm".  

Thất bại của cuộc gặp giữa ngoại trưởng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua cho thấy Moskva không có ý định giải tỏa vùng Biển Đen để Ukraine có thể xuất khẩu ngũ cốc. Như vậy giá lúa mì sẽ tăng cao hơn, khiến tình hình thiếu lương thực ở các nước nghèo thêm trầm trọng, đặc biệt với một số nước Châu Phi. Tờ báo cho hay, Nga sử dụng xuất khẩu lương thực cũng như năng lượng của mình như một thứ vũ khí ngoại giao để thuyết phục nhiều nước nghèo không ủng hộ phương Tây. Moskva đổ lỗi cho chính các trừng phạt của phương Tây, mà theo họ đã dẫn đến tình trạng hiện nay, như một lá bài mặc cả nhằm được dỡ bỏ trừng phạt.  

Miền Đông Ukraine kháng cự trong tuyệt vọng

Vẫn trong chủ đề chiến tranh Ukraine, nhật báo Le Figaro có bài phóng sự về những binh sĩ Ukraine, chiến đấu trên tuyến đầu của mặt trận Donbass đang rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, không được trang bị, huấn luyện thích hợp, không thể kháng cự quân Nga, buộc phải rời bỏ mặt trận và bị quy tội không phục tùng mệnh lệnh, đào ngũ. Một số người bị đưa ra tòa xét xử.

Trong một bài viết khác, Le Figaro ghi nhận "quân đội của Volodymyr Zelensky đang phòng thủ một cách tuyệt vọng tại Severodonesk". Những ngày qua, thành phố Severodonesk liên tục bị quân Nga oanh kích, phá hủy đến hơn 90% thành phố, theo chính quyền địa phương. Quân đội Ukraine kháng cự buộc phải rút về phòng thủ ở nhà máy hóa chất Azot. Giới quan sát đang lo ngại một Mariupol thứ hai, nhưng có điều lần này không phải là nhà máy luyện kim Azovstal mà là nhà máy hóa chất, nguy hiểm hơn rất nhiều. Nếu nhà máy lại bị tấn công san phẳng như ở Azovstal thì sẽ là một thảm họa lớn.

Thổ Nhĩ Kỳ, nhà trung gian hòa giải công minh ? 

Từ đầu cuộc chiến tranh ở Ukraine, Ankara sử dụng các mối quan hệ tương đối tốt với cả hai bên tham chiến để đứng ra làm trung gian. Trang tranh luận của La Croix đặt vấn đề : Giữa Ukraine – Nga, Thổ Nhĩ Kỳ có phải là nhà trung gian công minh ?  

Tờ báo lấy ý kiến của ông Marc Pierini, cựu đại sứ Liên Hiệp Châu Âu tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện là nhà nghiên cứu của Viện Carnegie Châu Âu. Chuyên gia này cho rằng Ankara không hoàn toàn trung lập giữa Kiev và Moskva. Theo ông Pierini, Nga đã bán tên lửa tầm xa, xây một nhà máy điện hạt nhân, cung cấp khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng lúc, Ankara lại cung cấp cho Kiev các máy bay không người lái tấn công Bayraktar TB2 rất hiệu quả để chống lại các chiến xa thiết giáp của Nga. Nhưng loại vũ khí này không mang tính quyết định trên chiến trường, nhất là khi Nga sử dụng tên lửa hành trình và pháo tầm xa. 

Để lấy lại uy tín trong NATO, và đối phó với những thách thức chính trị nội bộ, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ,  Recep Tayyip Erdogan, thấy hoàn toàn có lợi khi đóng vai trò rõ rệt trong cuộc xung đột này, dù biết là khó có thể thành công. Thổ Nhĩ Kỳ muốn một mình làm việc này, nhưng không thể nào thành công, nếu không có sự hỗ trợ của quốc tế, theo tờ báo. Trong khi đó, mọi người đều biết Thổ Nhĩ Kỳ không áp dụng các trừng phạt của phương Tây với Nga, không đóng cửa không phận với hàng không Nga, vẫn lệ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga.

Tóm lại, đóng vai trò trung lập và trung gian hòa giải là một bài toán khó và phức tạp cho Ankara. Đây là công việc đòi hỏi có nhiều nhượng bộ, không dễ dàng, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có lợi về mặt đối nội cũng như đối ngoại.  

Mỹ : Chờ đợi kết luận về vụ tấn công đồi Capitol

Tối hôm 09/06, một ủy ban điều tra của Hạ Viện Mỹ sẽ công bố một phần bản báo cáo kết quả điều tra vụ những người ủng hộ Donald Trump tấn công trụ sở Quốc hội trên đồi Capitol, tại Washington, hôm 06/01/2021. Hầu hết các tờ báo chính của Pháp đều có bài liên quan đến sự kiện này với những nhận định :  Vụ tấn công đồi Capitol : Thời điểm của sự thật, tựa của Le Monde. La Croix thông báo :  Vụ tấn công đồi Capitol, điều tra tái hiện trực tiếp trên truyền hình. Còn Libération đặt câu hỏi : Vụ tấn công đồi Capitol : Sau những dối trá, giờ là báo cáo của sự thật ?   

Theo các báo thì đây là sự kiện được dư luận Mỹ mong đợi. Tối nay họ sẽ có 1 giờ để nghe ủy ban điều tra của Hạ Viện Mỹ thông báo kết luận đầu tiên, kết quả của một năm điều tra về vụ những người ủng hộ Donald Trump tràn vào nhà Quốc hội làm loạn hôm 06/01/2021, một sự kiện làm chấn động nền dân chủ Mỹ, cũng như dư luận quốc tế. Một thành viên trong ủy ban điều tra cho biết bản báo cáo sẽ đưa ra những "phát hiện gây chấn động", theo Libération

La Croix cho biết : Được tiến hành kín từ 11 tháng qua, cuộc điều tra của Quốc hội nhằm quy trách nhiệm cho một số người cụ thể trong vụ bạo động. Mọi sự chú ý tập trung vào vai trò của ông Donald Trump, khi đó vẫn còn là tổng thống Mỹ, trong vụ việc này ra sao. Các nhà điều tra của Nghị Viện đã thu thập khoảng 140 nghìn tài liệu các loại, từ video, tín nhắn, ghi chép… và thực hiện thẩm vấn hơn 1.000 nhân chứng, trong đó có cả những người thân cận của cựu tổng thống.  

2035, Châu Âu đoạn tuyệt với xe hơi động cơ nhiệt

Về kinh tế - môi trường, Le Figaro cho hay, hôm qua, Nghị Viện Châu Âu đã thông qua quyết định đến năm 2035, Liên Hiệp Châu Âu sẽ cấm bán tất cả các loại xe hơi mới với động cơ nhiệt. Tuy nhiên, quyết định này còn phải được các quốc gia thành viên phê chuẩn. Dù chỉ là bước đầu tiên, quyết định được thông qua mang tính lịch sử cho thấy nhiều tham vọng của Châu Âu trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng và bảo vệ môi trường.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ
Read 258 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)