Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

29/07/2022

Điểm báo Pháp - Các hãng lớn của Pháp vẫn phong độ

RFI tiếng Việt

Nửa đầu 2022 : Các hãng lớn của Pháp vẫn phong độ, bất chấp khủng hoảng

Các hãng lớn của Pháp duy trì phong độ trong nửa đầu 2022, bất chấp khủng hoảng dồn dập là tựa lớn của nhiều báo Pháp. Lính biên phòng Liên Âu bị tố đàn áp dân di cư, Macron "phản công" Nga tại Châu Phi là các chủ đề chính khác. Về Ukraine, nhiều bài viết dành cho chủ đề cuộc chiến truyền thông của Nga, chiến thuật tấn công vào thường dân của Moskva, hay đóng góp to lớn của Ba Lan trong việc tiếp nhận người tị nạn.

phap1

La Défense, Paris, một trung tâm kinh tế - thương mại của nước Pháp.  Ros K/Flickr

"Các tập đoàn lớn của Pháp đứng vững trước cú sốc lạm phát" là tựa trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos. Bất chấp các cú sốc liên tiếp, đa số các tập đoàn kinh tế hàng đầu của Pháp thuộc nhóm CAC40 vào ngày 30/06 thông báo kết quả kinh doanh "rất tốt". Tuy nhiên, nửa cuối năm 2022, sẽ có nhiều bất trắc, và đây là điều mà nước Pháp đang phải sẵn sàng đương đầu.

Bài "Total, Oreal, LVMH, Stellantis… : Tất cả các đầu máy của Pháp đều vững vàng" hoan hỉ, bởi tình hình của sáu tháng đầu năm nay biến động còn "hơn cả dậy sóng", từ chiến tranh trở lại đất Châu Âu đến lạm phát, rồi chính sách Zero Covid của Trung Quốc. Theo Les Echos, có nhiều lý do dẫn đến thành công này. Nguyên do hàng đầu là nhờ "người tiêu thụ lấy lại được cảm hứng", cũng như "việc tăng giá" bán hàng được chấp nhận. Đối với nhiều tập đoàn, như du lịch, hay vận tải, giai đoạn Covid giờ đã ở phía sau.

Tuy nhiên, Les Echos cũng cảnh báo là viễn cảnh tương lai trước mắt đối với nền kinh tế Pháp là "không hoàn toàn tươi sáng, và thậm chí đáng lo ngại". Les Echos nêu bật các hệ quả của lạm phát ảnh hưởng nặng nề đến "sức mua", cuộc khủng hoảng khí đốt Nga hứa hẹn giá năng lượng sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới. Nguy cơ suy thoái kinh tế là điều giờ đây "tất cả đều nghĩ đến".

Không khí phấn chấn tại các tập đoàn Pháp 

Về phần mình, trang nhất Le Figaro nhấn mạnh đến không khí phấn chấn của các tập đoàn công nghiệp Pháp bất chấp khủng hoảng. Có phần ngược lại với Les Echos, Le Figaro ghi nhận mức độ tin tưởng cao vào tương lai của đa số các tập đoàn lớn. Không khí phấn chấn tại các tập đoàn công nghiệp Pháp cũng là chủ đề chính của "phụ trương kinh tế" của Le Figaro hôm nay. Theo Le Figaro, giới công nghiệp Pháp "đã phát triển được một hiểu biết thực sự để lèo lái qua các thử thách". Đơn cử như tập đoàn Schneider Electric, vô địch trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng của Pháp, đạt được tăng trưởng kỷ lục 16,7% doanh thu. Tập đoàn vật liệu xây dựng Saint-Gobain đạt kết quả chưa từng có trong lịch sử của hãng với +15,1% doanh thu.

Lĩnh vực mà Le Figaro nhấn mạnh là các ngành liên quan đến "cuộc cách mạng năng lượng thứ ba", với điện là lĩnh vực trung tâm. Tập đoàn Nexans tập trung cho lĩnh vực dây cáp, hứa hẹn sẽ được sử dụng ngày càng nhiều hơn trong các phương tiện giao thông (xe chạy điện), nhà ở hay xí nghiệp. Saint-Gobain hay Air Liquide tập trung cho việc tiết kiệm năng lượng nhà cửa. Triển vọng trong lĩnh vực điện được đánh giá là rất lớn, khi xu thế xí nghiệp tái bố trí trở lại Châu Âu, tại Pháp, được tăng cường. Cùng với điện là việc phát triển các loại hình năng lượng (như hydrogene) đi liền với tiến trình chuyển sang nền kinh tế phi năng lượng hóa thạch. Chính "các xu thế căn bản mang tính bề sâu này" cho phép giới công nghiệp Pháp lạc quan.

Dù sao, cũng như Les Echos, Le Figaro thừa nhận tình hình là thực sự đầy thách thức, đặc biệt với giá năng lượng rất cao ở Châu Âu, cùng với lạm phát, khiến chi phí sản xuất tăng mạnh. Viện INSEE nhấn mạnh đến việc giá thành trong công nghiệp Pháp "tăng đến 25% trong một năm". Đồng thời việc tăng lãi suất tín dụng cũng khiến ‘’đầu tư trở nên tốn kém hơn".

"Khách trở lại đông… nhưng nhân viên thì không" 

Nhật báo công giáo La Croix hôm nay cũng dành cho hồ sơ lớn trang nhất cho lĩnh vực du lịch tại Pháp : "Khách trở lại đông… nhưng nhân viên thì không".

Phóng sự của La Croix tại tỉnh Loire-Atlantique, ven Đại Tây Dương, với các khu nghỉ mát tại Côte-d’Amour, cho biết giới nhà hàng, khách sạn, trung tâm nghỉ mát đang phải vất vả "xây dựng lại đội ngũ nhân viên". Một khó khăn hàng đầu khiến việc tuyển mộ nhân viên khó khăn hơn là tìm nơi ở ổn định cho nhân viên tại chỗ. Trong năm vừa qua, giá đất tại đây tăng vọt, ví dụ 26% (hơn 6.000 euro/m²) tại Pouliguen.

Macron phản công Nga tại Châu Phi

Những nỗ lực ngoại giao của tổng thống Pháp liên quan đến Châu Phi và Trung Cận Đông cũng là chủ đề chính của nhiều báo. Miền trung Châu Phi là nơi đầu tiên tổng thống Emmanuel Macron chọn công du kể từ khi tái nhậm chức. Le Monde có bài xã luận "Khó đánh giá về tiếp cận của Pháp với Châu Phi", phân tích về chuyến công du này, cũng như chính sách Châu Phi nói chung của chính quyền Macron.

Le Monde ghi nhận chuyến đi tuần này của tổng thống Macron là một nỗ lực để "sang trang" giai đoạn hiện diện tại Mali (Tây Phi), chấm dứt sau hai cuộc đảo chính quân sự. Với chuyến đi Châu Phi lần này, tổng thống Pháp muốn trắc nghiệm một chính sách mới : trao đổi kinh tế đi kèm với đối thoại với xã hội dân sự (vốn thường xuyên bị bịt miệng tại nhiều quốc gia Châu Phi), cùng với việc tăng cường hợp tác về quân sự, chính trị với các chính quyền độc tài.

Theo Le Monde, trong 5 năm vừa qua, bối cảnh thường là ngày càng trở nên bất lợi hơn với Pháp trong quan hệ với Châu Phi, với mối đe dọa thánh chiến Hồi giáo, các chế độ độc tài và đặt biệt là đà lấn sân của Nga tại Châu Phi. Tại Mali, "tâm lý chống Pháp" gia tăng với việc Nga tăng cường triển khai lực lượng. Cuộc chiến Nga chống Ukraine lại càng khiến tình hình thêm phức tạp. Nhiều quốc gia Châu Phi không chấp nhận chọn bên, không lên án Nga xâm lược Ukraine. Nhiều nước Châu Phi là nạn nhân của cuộc xung đột này, nhưng không muốn cắt đứt quan hệ lâu đời với Nga, có từ thời Liên Xô.

Nhìn chung, theo Le Monde, những cảnh báo của tổng thống Macron, đưa ra tại Châu Phi, về nguy cơ "cuộc chiến tranh tổng hợp" của Nga, khó được các nước Châu Phi lắng nghe. Le Monde tỏ ra nghi ngờ về các phương tiện mà chính quyền Pháp triển khai tại Châu Phi để đảo ngược tương quan bất lợi hiện nay.

Gọi Nga là một "đế quốc thực dân" đúng không ?

Macron lên án "đế quốc thực dân Nga" cũng là chủ đề mục Tranh luận của La Croix, với tiêu đề có thể gọi Nga là một "đế quốc thực dân" hay không ? Tờ báo phỏng vấn nhà nghiên cứu Sophie Coeuré, Đại học Paris – Cité. Chuyên gia về lịch sử đương đại nhận định : "Ông Putin đã tạo ra một ý thức hệ đế chế tập trung vào mục tiêu bảo vệ nước Nga". Nhà sử học Sophie Coeuré tán đồng cách gọi của tổng thống Pháp, khi mệnh danh Nga là một "đế quốc thực dân", bởi tổng thống Nga có ý thức rõ ràng trong việc sử dụng di sản thời đế chế Sa hoàng, để biện minh cho các can thiệp vũ trang hiện nay.

Từ "thực dân" cũng được tổng thống Pháp sử dụng một cách có ý thức để vạch ra thực chất cuộc chiến tranh của Nga tại Ukraine là nhằm thôn tính đất đai, mặt khác, cũng nhằm phản công lại các tuyên truyền của Nga chống lại hiện diện của Pháp tại Châu Phi, khi luôn tập trung nhấn mạnh đến quá khứ thuộc địa của Pháp tại Châu Phi, hiện còn để lại nhiều hậu quả.

Nga xâm lăng Ukraine : Mạng xã hội cũng là chiến trường

Chiến tranh xâm lăng Ukraine của Nga đương nhiên vẫn là một chủ đề chính. Cuộc chiến trên mặt trận truyền thông của Nga là một hồ sơ chính của Le Figaro, với bài "Chiến tranh thông tin : các kỹ thuật và những giới hạn của Vladimir Putin".

Tháng 6 vừa qua, cơ quan tình báo Ukraine SBU nhận được một tài liệu từ nội bộ cơ quan an ninh Nga FSB, tổ chức có mục tiêu chính là khuếch trương ảnh hưởng của Nga. Trong tài liệu này, mà hiện mức độ khả tín còn đang được xác định, tình báo Nga ghi nhận các mục tiêu tuyên truyền đã không đạt.

Văn phòng Mỹ Recorded Future, chuyên về lĩnh vực tình báo và tin học, sau khi thẩm định tài liệu nói trên, nhấn mạnh đến thủ thuật của chính quyền Nga, tung ra "các cách tường thuật khác nhau" về cuộc chiến tại Ukraine, được truyền thông Nga và các mạng xã hội loan tải, nhằm thổi bùng tâm trạng bất bình trong các xã hội Châu Âu với các nhà lãnh đạo Châu Âu, về làn sóng tị nạn người Ukraine, về hệ quả của các trừng phạt Nga đối với việc giá cả năng lượng và thực phẩm gia tăng… Theo Le Figaro, chính quyền Ukraine coi cuộc chiến truyền thông là một mặt trận chính, các mạng xã hội là chiến trường. Cuộc chiến chống tin giả là hoạt động thường trực.

Chiến tranh Ukraine : Nga - Trung Quốc hợp tác tung tin giả

Nga và Trung Quốc hợp tác tung tin giả ("fake news") trên quy mô toàn cầu là chủ đề cuộc phỏng vấn của Le Figaro với giải Nobel Hòa bình người Philippines, Maria Rassa, tổng biên tập trang mạng điều tra Rappler.

"Ba Lan : Hậu thuẫn to lớn dành cho dân tị nạn Ukraine" là một bài viết đáng chú ý khác trên Le Figaro, trong lúc Le Monde chú ý đến chiến thuật tấn công thường dân của Nga trong cuộc chiến tranh Ukraine. Chỉ tính riêng từ tháng 5 đến nay, 8 vụ tấn công bằng hỏa tiễn của quân đội Nga nhắm vào các đô thị xa chiến tuyến đã giết hại gần 300 thường dân. Giờ đây, đối với người Ukraine, Nga không chỉ là "quân xâm lược", mà còn là một "Nhà nước khủng bố". 

Biên phòng Liên Âu bị tố đàn áp dân di cư 

Vụ những khuất tất của Cơ quan Bảo vệ Biên giới Châu Âu Frontex, liên quan đến hành động phi pháp chống dân di cư, là hồ sơ lớn trang nhất của báo Le Monde. Báo cáo của Cơ quan Châu Âu chống lừa đảo (OLAF) đã cho biết chi tiết làm thế nào mà Frontex đã bao che cho các hành động xâm phạm nhân quyền. Báo Le Monde, cùng với một số đồng nghiệp Đức, có điều kiện truy cập tài liệu hiện còn đang được giữ bí mật này.

Lực lượng Frontex bị cáo buộc đã làm ngơ trước việc biên phòng Hy Lạp đẩy bật ra khơi những người tị nạn, di dân đến Hy Lạp bằng đường biển, một hành động vốn bị nghiêm cấm. Cuộc điều tra của Cơ quan Châu Âu chống lừa đảo cũng cho biết cụ thể việc ba lãnh đạo cơ quan Frontex chỉ trích Ủy Ban Châu Âu là đã "quá tập trung vào chuyện nhân quyền". OLAF đã đưa ra kết luận từ giữa tháng 2/2022. Bản cáo mật này đã có vai trò một phần trong việc một giám đốc Frontex mất chức.

Kiếm tiền như chơi trên mạng : Nghệ sĩ rap khởi kiện giới lừa đảo ở Dubai

Nhật báo thiên tả Libération hôm nay dành cả bài xã luận và hồ sơ chính cho chủ đề chống lừa đảo trên mạng. Bao nhiêu người Pháp đã quá tin vào những nhân vật nổi tiếng trên mạng, được cho là đã thành công tại miền đất hứa Dubai, để theo những lời dụ dỗ, đặt tiền đầu tư mạo hiểm, với hy vọng được ngồi mát ăn bát vàng, để rồi tiền mất ? Hàng nghìn, hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn người ?

Trang nhất Libération đăng hình ảnh blogger Marc Blata, một trong những nhân vật có ảnh hưởng trên mạng, với hàng triệu người theo dõi. Phía sau lưng nhân vật này là tòa tháp chọc trời nổi tiếng ở Dubai, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, biểu tượng cho sự thành công tại miền đất hứa vùng Vịnh. Ở đầu kia của tấm hình là nghệ sĩ rap Booba, người đã đưa ra các báo động và quyết định khởi kiện những kẻ lừa đảo.

"Cánh cửa hẹp" : cánh hữu mất thêm uy tín

Nhật báo thiên hữu Le Figaro số ra hôm nay đặc biệt chú ý đến nội bộ của cánh hữu vào thời điểm đảng Những Người Cộng Hòa LR bắt đầu cuộc tranh cử vào chức chủ tịch đảng. "Cánh cửa hẹp" là nhan đề bài xã luận của Le Figaro, nhấn mạnh đến việc đảng LR đang đứng trước nguy cơ mất đi bản sắc, mất đi uy tín đối với cử tri truyền thống của đảng, khi chấp nhận hợp tác về điểm này hay điểm khác với liên minh cầm quyền. "Những Người Cộng Hòa đối diện với thách thức tái thiết" là tựa lớn trang nhất của Le Figaro.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 320 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)