Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

29/08/2022

Nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia bị Putin sử dụng như là "con tin"

RFI tổng hợp

Nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia : "Con tin" năng lượng giữa Nga và Mỹ ?

Minh Anh, RFI, 29/08/2022

Những cuộc giao tranh diễn ra xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia của Ukraine từ nhiều tuần qua khiến thế giới, đặc biệt là Châu Âu lo lắng trước rủi ro xảy ra một thảm họa hạt nhân khác. Nhưng ẩn sau cuộc đọ sức giữa Nga và Ukraine, giành lại quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân còn là một cuộc chiến chủ quyền năng lượng của Kiev và tranh giành địa chính trị - kinh tế giữa Nga và Mỹ cùng với Châu Âu.

zaporijjia1

Lính Nga kiểm soát an ninh tại nhà máy điện hạt nhân Zaporijja, miền nam Ukraine. Ảnh chụp ngày 01/05/2022.  AP

Chuyện gì đang xảy ra tại Zoporijjia Nuclear Power Plant (ZNPP hay viết tắt theo tiếng Ukraine là ZAEC), một tổ hợp công nghiệp bao la, có chiều dài gần 10 km và rộng 3 km, chạy dọc theo sông Dniepr ? Khu tổ hợp này nằm ở thành phố Enerhodar, một thành phố công nghiệp "Xô Viết". Ngày 04/03/2022, Nga đã chiếm đóng nơi đây và cho triển khai 500 binh sĩ. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy sự hiện diện của nhiều trang thiết bị quân sự như kho vũ khí hạng nặng.

Theo nhận định của nhà nghiên cứu Dmitri Minic, chuyên gia địa chính trị về Nga, thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI) với tờ báo Pháp Le Parisien, thì dường như Nga đang sử dụng địa điểm này như là một "lá chắn" để răn đe kẻ thù trước mọi ý đồ tấn công đáp trả. Việc sử dụng các cơ sở dân sự như bệnh viện, trường học, một khu chợ để cất trữ các phương tiện quân sự là điều thường thấy trong nhiều cuộc chiến, nhưng đây là lần đầu tiên, một cơ sở hạt nhân được sử dụng vào mục đích này.

Tuy nhiên, ngoài việc phải bảo đảm an toàn hạt nhân chiểu theo luật quốc tế, Công ước Geneve (Protocole II), cấm mọi cuộc tấn công nhắm vào những cơ sở dân sự quan trọng có thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho dân thường, xung đột xung quanh nhà máy Zaporijjia còn liên quan đến vấn đề chủ quyền năng lượng của Ukraine, vốn dĩ rất lo sợ bị Nga ngắt mất nguồn điện này.

Ông Marc Endeweld, tác giả tập sách "Những cuộc chiến bị che giấu, những mặt khuất của cuộc xung đột Nga – Ukraine" (NXB Seuil), được tờ L’Opinion trích dẫn, thì "Ukraine thật sự lo sợ bị ngắt điện. Zaporijjia là mục tiêu trọng tâm của cuộc chiến tranh của ông Putin vì ông ấy muốn "kết liễu" chủ quyền năng lượng của Ukraine".

Trên thực tế, với 6 lò phản ứng có thể sản xuất điện với công suất 1.000 MW cho mỗi lò, nhà máy Zaporijjia cung cấp đến hơn 20% nguồn điện cho cả nước. Chỉ có điều từ năm 2014, chính quyền Kiev đã tìm cách thoát khỏi sự bảo hộ của Nga về năng lượng hạt nhân khi cho thay thế dần các thanh nhiên liệu được thiết kế theo công nghệ của Nga (Rosatom) bằng các thiết bị tương ứng đến từ một đối thủ cạnh tranh của Rosatom là Westinghouse của Mỹ.

Và điều này đã khiến Rosatom và điện Kremlin tức giận. Bởi vì, ngành năng lượng hạt nhân dân sự là một trong số lĩnh vực công nghiệp hiếm hoi mà Nga chiếm vị thế hàng đầu, như lưu ý của ông Marc Endeweld. Và nhất là hạt nhân dân sự không nằm trong các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Đáng chú ý là tháng 9/2021, tập đoàn năng lượng Energoatom đã ký một hợp đồng để mua thêm hai lò phản ứng từ Westinghouse cho nhà máy Khmelnystskyi, ở tây bắc Ukraine. Nếu chiến tranh không xảy ra, doanh nghiệp Mỹ sẽ cung cấp tổng cộng cho Ukraine 9 lò phản ứng mới. Thế nên, theo phân tích của ông Marc Endeweld, "đây còn là một cuộc chiến kinh tế vào lúc địa chính trị đang trở lại trong hạt nhân dân sự".

Cuối cùng, cũng theo tờ L’Opinion, mạng lưới điện của Ukraine, trong đó có nhà máy Zaporijjia, đã được hòa vào lưới điện của Châu Âu hồi trung tuần tháng Ba năm 2022. Và cuộc thử nghiệm đầu tiên đã diễn ra vào ngày 24/02, đúng ngày Nga phát động cuộc chiến xâm lược Ukraine.

Và việc "đồng bộ hóa các mạng lưới điện" này là một chiến dịch phức tạp mà các chuyên gia Pháp và Ba Lan có đóng góp, vì phải đồng nhất một cách cẩn trọng dòng điện xoay chiều bằng không sẽ gây ra tình trạng ngắt mạch hay giảm tải.

Như vậy, trên phương diện điện năng, Ukraine kể từ giờ là một phần của Châu Âu, không còn thuộc mạng lưới điện của Nga nữa. Và cùng với việc ngắt điện nhà máy hạt nhân Zaporijjia, rồi kết nối vào mạng lưới điện của Nga để cung cấp điện cho bán đảo Crimée như tố cáo của Kiev từ nhiều ngày qua, tất cả những điều này cho thấy đây còn là một thách thức địa chính trị. Đó chính là những gì đang diễn ra xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia ! 

Minh Anh

Nguồn : RFI, 29/08/2022

***********************

Ukraine : Phái đoàn AIEA lên đường đến thanh sát nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia

Minh Anh, RFI, 29/08/2022

Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế - AIEA, sáng 29/08/2022, thông báo dẫn đầu một nhóm chuyên gia đến nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia của Ukraine, hiện bị quân Nga kiểm soát. Trung tâm khai thác hạt nhân lớn nhất Châu Âu này từ nhiều tuần qua là mục tiêu tấn công mà cả Nga và Ukraine đều đổ lỗi cho nhau, làm dấy lên nhiều lo lắng nguy cơ xảy ra một tai nạn hạt nhân nghiêm trọng. 

zaporijjia2

Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế -AIEA Rafael Grossi (giữa) dẫn đầu nhóm 13 chuyên gia đến thanh sát nhà máy điện nguyên tử Zaporijjia, Ukraine. Ảnh do AIEA công bố trên Twitter ngày 29/08/2022.  AFP - -

Trên tài khoản Twitter, ông Rafael Grossi, viết : "Thời điểm đã đến, phái đoàn của AIEA đi Zaporijjia đã lên đường. Chúng tôi phải bảo vệ an toàn cho Ukraine và trung tâm hạt nhân lớn nhất Châu Âu", kèm theo đó là hình ảnh của khoảng một chục chuyên gia, đội mũ lưỡi trai và áo phông có in logo của định chế Liên Hiệp Quốc. 

Theo AFP, từ nhiều tháng qua, lãnh đạo AIEA đã yêu cầu được đến thanh sát địa điểm, cảnh báo "nguy cơ thật sự về một thảm họa hạt nhân". Nhà máy hạt nhân Zaporijjia với sáu lò phản ứng có thể sản xuất 1.000 MW mỗi lò, đã bị quân Nga chiếm từ hồi đầu tháng Ba và giờ là mục tiêu oanh kích từ nhiều tuần qua. Moskva và Kiev đổ lỗi cho nhau là thủ phạm. 

Hôm thứ Bảy, 27/08, tập đoàn năng lượng Energoatom của Ukraine cảnh báo nguy cơ rò rỉ phóng xạ và hỏa hoạn sau nhiều vụ pháo kích mới. Trước đó, giữa hai ngày thứ Năm 25 và thứ Sáu 26/8, nhà máy này đã "hoàn toàn bị ngắt kết nối" với mạng lưới điện quốc gia do các đường dây điện đã bị hư hại. Diễn tiến này đã khiến phương Tây và quốc tế lo ngại. Liên Hiệp Quốc nhiều lần kêu gọi ngưng các hoạt động quân sự xung quanh khu vực.

AFP nhắc lại, đòi hỏi này của AIEA đã từng bị tổng thống Ukraine phản đối, khi lo sợ rằng một chuyến thăm như vậy sẽ hợp pháp hóa hành động chiếm đóng nhà máy của Nga trước cộng đồng quốc tế. Sau cuộc điện đàm giữa tổng thống Pháp Emmanuel Macron và nguyên thủ Nga Vladimir Putin, phía Nga đã chấp thuận cho AIEA thanh sát. 

Tuy nhiên, trong cuộc trả lời phỏng vấn đài RFI hôm thứ Bảy 27/08, lãnh đạo của AIEA Rafael Grossi lưu ý là vấn còn nhiều rào cản trong nhiệm vụ quan trọng này : 

"Đây là một nhiệm vụ phức tạp. Trước hết, việc đến được địa điểm đã không là điều đơn giản. Đây là một vùng chiến sự. Tôi đã từng đến Ukraine hai lần (ở Tchernobyl rồi ở miền nam Ukraine), nhưng lần này đây thật sự là giữa vùng có chiến sự. 

Do vậy, cần phải bảo đảm an ninh lộ trình, phải phối hợp với cả hai nước, điều này là không dễ trong hoàn cảnh hiện nay. Chúng tôi phải dựa vào sự hậu thuẫn của Liên Hiệp Quốc, và các loại xe bọc thép của họ sẽ đưa chúng tôi đến tận địa điểm. Đó là vấn đề hậu cần, tiếp đến là ở cấp độ kỹ thuật, phải xác định rõ các tiêu chí của nhiệm vụ và nếu có thể thiết lập một sự hiện diện liên tục của cơ quan tại chỗ". 

Minh Anh

Nguồn : RFI, 29/08/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh
Read 238 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)