Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

07/06/2017

Tại sao khủng hoảng Qatar lại xảy ra vào lúc này ?

Tổng hợp

Qatar : Khủng hoảng ngoại giao và hệ lụy tới chiến lược ngoại giao thể thao (RFI, 07/06/2017)

Bị các quốc gia vùng Vịnh nhất loạt cô lập, Qatar đang phải chịu những hậu quả nghiêm trọng cho chiến lược ngoại giao thể thao, trong đó có việc tổ chức Cúp bóng đá thế giới 2022. Từ năm 2000, quốc gia vùng Vịnh này đã không tiếc tiền của đầu tư vào thể thao nhằm tạo dựng hình ảnh một đất nước Qatar phồn vinh và thân thiện với thế giới.

qatar1

Giành quyền đăng cai Cúp bóng đá thế giới 2022 là một thành công lớn trong chiến lược ngoại giao thể thao của người Qatar. KARIM JAAFAR / AFP

Hôm thứ Hai (05/06), Ai Cập, Ả Rập Xê Út, Yemen, Bahrein và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đã quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar cùng với hàng loạt các biện pháp như đóng cửa biên giới trên không, trên biển và đất liền, cấm thông thương đi lại với quốc gia này. Năm quốc gia vùng Vịnh tố cáo Qatar "ủng hộ khủng bố", đồng lõa với Iran, quốc gia Hồi Giáo Shia, kẻ thù số 1 của các nước Hồi Giáo Suni.

Các biện pháp nhằm cô lập Qatar có thể đe dọa việc tổ chức Cúp bóng đá thế giới 2022, một sự kiện thể thao đã được lãnh đạo quốc gia dầu mỏ này ấp ủ từ bao lâu nay, coi như là tiêu điểm của chiến lược dùng thể thao để nâng cao vị thế và hình ảnh đất nước. Giành quyền tổ chức Cúp bóng đá thế giới FIFA là một thắng lợi lớn về ngoại giao của Dohar, chứng tỏ Qatar là đất nước ổn định và thân thiện nhất trong vùng Trung Đông bất ổn triền miên.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng ngoại giao chưa từng có lần này sẽ có thể gây những hệ lụy nghiêm trọng đối với việc xây dựng các sân vận động phục vụ Cúp bóng đá thế giới 2022. Các công trình hạ tầng cơ sở cho sự kiện này dự trù tiêu tốn khoảng 200 tỷ đô la. Nếu việc đóng cửa biên giới với các nước xung quanh kéo dài, tiến độ xây dựng, trang thiết bị cho các công trình chuẩn bị cho Qatar 2022 sẽ bị chậm lại, công việc tổ chức sự kiện sẽ bị xáo trộn.

Từ khi quyền đăng cai tổ chức Cúp thế giới được trao cho Qatar năm 2010, nhiều tranh cãi, chỉ trích đã nổi lên. Ban đầu là lịch trình thi đấu. Theo thông lệ Cúp bóng đá thế giới vẫn được tổ chức từ tháng 6 đến tháng 7, trước những tranh cãi về điều kiện thời tiết khắc nghiệt, Qatar đã thành công khiến FIFA phải thỏa hiệp rời lịch thi đấu xuống tháng 11 và 12 cho phù hợp.

Chưa hết, nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế liên tiếp tố cáo Qatar sử dụng lao động nước ngoài như nô lệ trong các công trường khổng lồ của Cúp thế giới. Nhưng rồi mọi việc lại lắng xuống nhanh chóng. Gần đây nhất, tư pháp Thụy Sĩ và Mỹ mở các cuộc điều tra về nghi vấn tham nhũng ở FIFA liên quan đến bỏ phiếu việc trao quyền đăng cai cho Qatar. Các cuộc điều tra đến nay đã được 2 năm nhưng vẫn không có thêm tình tiết nào mới.

Cuộc khủng hoảng ngoại giao với các nước Ả Rập trong vùng lần này sẽ là cơ hội để khuấy lại những tranh cãi xung quanh quyền đăng cai Cúp thế giới cho Qatar. Đặc biệt đại bộ phận dư luận quốc tế vẫn bảo lưu ý kiến đòi chuyển sự kiện thể thao lớn này sang nước khác.

Bành trướng đầu tư thể thao ở nước ngoài

Ở Pháp, Qatar đã quá nổi tiếng qua thương vụ năm 2011 quỹ đầu tư Qatar Sport Investments mua lại câu lạc bộ bóng đá Paris Saint-Germain (PSG). Nhờ nguồn tài chính vô tận của các ông chủ dầu mỏ mà câu lạc bộ bóng đá thành Paris đang trong tình trạng chết đuối, đã nổi lên trở lại là đội bóng hàng đầu của Pháp, vươn ra đấu trường Châu lục.

Một vấn đề mới nảy sinh từ vụ khủng khoảng Qatar. Hãng hàng không của Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Fly Emirates là nhà tài trợ chính, đầu tư 25 triệu euros mỗi mùa bóng để được hiện tên trên áo các cầu thủ PSG. Hợp đồng này kéo dài đến năm 2019. Trong bối cảnh Qatar bị phong tỏa như hiện nay, thiệt hại tài chính sẽ không nhỏ cho cả nhà tài trợ cũng như đội bóng của Paris nếu hợp đồng trên bị phá vỡ.

Ngoài ra, Vương quốc Qatar còn là chủ sở hữu nhiều cuộc đua ngựa nổi tiếng ở Pháp. Kênh truyền hình beIN Sport có mặt tại Pháp từ năm 2012 nhưng đã nhanh chóng thâu tóm bản quyền truyền hình các trận đấu của toàn bộ giải vô địch quốc gia bóng đá Pháp Ligue1 cũng như các giải đấu thể thao lớn của quốc tế.

Cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay vừa nổ ra , beIn Sport ngay lập tức đã bị tẩy chay tại Ả Rập Xê Út hay Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, những thị trường chính của tập đoàn truyền thông Qatar. Theo thông tín viên thể thao của RFI tại Cairo, các câu lạc bộ bóng đá và Liên Đoàn Bóng Đá Ai Cập đã thông báo tẩy chay beIN Sport, hiện giữ độc quyền truyền hình các trận đấu bóng của Liên Đoàn Bóng Đá Châu Phi và nhiều giải vô địch quốc gia trong khu vực.

Ngoại giao thể thao, quyền lực mềm của Qatar

Chỉ trong vòng khoảng gần hai chục năm, thế giới đã chứng kiến sự bành trướng ngoại giao thể thao của Qatar. Chính quyền Doha đặt mục tiêu biến đất nước nhỏ bé vùng Vịnh này trở thành trung tâm thể thao của thế giới.

Không chỉ có Cúp thế giới 2022, năm 2015 Qatar đã là nơi tổ chức giải Vô địch thế giới môn bóng ném ; năm 2016 với giải Vô địch thế giới đua xe đạp trong nhà. Chỉ riêng trong năm 2017, Qatar dự kiến tổ chức 39 cuộc thi đấu thể thao quốc tế ở quy mô lớn nhỏ khác. Năm 2018, Qatar sẽ tổ chức các giải Vô địch thế giới về thể dục nghệ thuật và 2019 giải Vô địch điền kinh thế giới cũng sẽ đến với quốc gia dầu mỏ này và 2023 sẽ là giải Vô địch bơi thế giới. Nếu cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar với các quốc gia trong vùng kéo dài, các chương trình sự kiện đã dự trù trên có thể bị đảo lộn.

Hồi cuối năm 2013, tổng thư ký Ủy Ban Olympic Quốc Gia Qatar, hoàng thân Saoud Addulrahman Al Thani trước báo giới đã ấn định tham vọng đến, vào năm 2030, Qatar sẽ là tổ chức 50 cuộc thi đấu quốc tế, tức là tuần nào cũng có một cuộc so tài thể thao quốc tế.

Người Qatar chỉ còn thiếu một sự kiện lớn khác, đó là Thế vận hội Olympic mùa hè. Ở mục tiêu này, Doha đang sử dụng chiến lược "lấn dần" và chiếm lĩnh trận địa. Ngay từ cuộc đua giành quyền đăng cai kỳ Thế vận hội mùa hè 2016 và 2020, Doha đã tham dự nộp đơn, nhưng hồ sơ của thành phố giàu có này đã bị Ủy Ban Olympic Quốc Tế loại ngay từ trước vòng bỏ phiếu. Thế nhưng Ủy Ban Olympic Qatar vẫn không từ bỏ giấc mơ, vẫn nhăm nhe tính toán cho các kỳ Olympic mùa hè 2028 hoặc 2032 cho dù không có nhiều hy vọng.

Là một quốc gia nhỏ bé, không thể có tiềm lực, phương tiện đủ mạnh để đối phó với các đe dọa từ bên ngoài, tức là quyền lực cứng ở ngoài tầm với của họ, vì thế Qatar chọn "quyền lực mềm" để được nhìn nhận trên trường quốc tế. Không chỉ đơn thuần là chính trị, tổ chức các sự kiện thể thao tầm thế giới cũng là dịp giúp Qatar bảo đảm tăng trưởng kinh tế. Bỏ cả trăm tỷ đô la đầu tư cho Cúp bóng đá thế giới không chỉ là vấn đề hình ảnh, xa hơn là để Qatar dự trù khả năng nguồn dầu lửa và khí đốt giảm sút khi đó có thể chuyển qua nền kinh tế dựa chủ yếu vào du lịch.

Qatar có thực sự thành công trong thể thao ?

Dù có một chiến lược phát triển thể thao rộng lớn, nhưng Qatar không phải là quốc gia thành công trong lĩnh vực này. Đất nước nhỏ bé này chỉ có khoảng hai chục nghìn vận động viên thể thao cả chuyên nghiệp cũng như không chuyên. Đội tuyển bóng đá Qatar xếp thứ 88 trong bảng xếp hạng của FIFA.

Để lấp vào chỗ trống, Qatar thực thi song song chính sách phát triển đào tạo cùng với nhập khẩu nhân tài thể thao. Người ta giờ đây có thể thấy trong thành phần các đội tuyển của đủ các môn thể thao ở Vương Quốc vùng Vịnh này các vận động viên có gốc gác ở khắp thế giới, từ Châu Phi, Châu Mỹ, qua Châu Âu. Một điều dễ hiểu vì quốc gia nhỏ bé chỉ có 2,4 triệu dân trong đó người nước ngoài chiếm tới 90% nhưng người Qatar thì có tiền và rất nhiều tiền.

(Tổng hợp từ AFO và RFI)

********************

Philippines ngưng xuất khẩu lao động sang Qatar (RFI, 07/06/2017)

Hai ngày sau khi Qatar bị các nước láng giềng cắt đứt quan hệ với cáo buộc ủng hộ khủng bố, Philippines hôm 06/6/2017 loan báo ngưng gởi lao động đến Doha cho đến khi có lệnh mới. Hiện nay có trên 200.000 người Philippines làm việc tại Qatar, đặc biệt là trong lãnh vực giúp việc nhà.

qatar2

Cảnh khu chợ Wakif ở Doha, Qatar. Ảnh ngày 06/06/2017. Reuters

 Từ Manila, thông tín viên RFI Marianne Dardard cho biết thêm chi tiết :

"Hôm qua bộ trưởng Lao Động Philippines Silvestre Bello tuyên bố lo ngại "nguy cơ khan hiếm thực phẩm" tại Qatar, vốn phải nhập khẩu đa số mặt hàng thực phẩm. Cũng trong ngày hôm qua, đại sứ Philippines ở Qatar đã kêu gọi các công dân "bình tĩnh và thận trọng", sau khi trên các mạng xã hội lan truyền những hình ảnh cho thấy các siêu thị tràn ngập người mua.

Trên hai triệu người Philippines làm việc tại Trung Đông, đa số giúp việc nhà, làm y tá hay công nhân xây dựng. Qatar đứng thứ tư trong số các nước có nhiều người lao động Philippines. Sau Mexico, Philippines là nước xuất khẩu lao động nhiều nhất, và số kiều hối gởi về nước chiếm một phần đáng kể trong sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Trước nhiều vụ lạm dụng mà những người giúp việc Philippines là nạn nhân tại Trung Đông, gần đây chính phủ Manila ngày càng rút các công dân về nước. Liên quan đến cuộc khủng hoảng ngoại giao tại Qatar, hiện nay Manila vẫn chưa loan báo việc hồi hương khẩn cấp, nhưng cho biết đang xem xét vấn đề này".

Thụy My

********************

Qatar : Lao động Việt sẽ về nước nếu tình huống xấu xảy ra (RFA, 07/06/2017)

qatar3

Văn phòng Qatar Airways tại Riyadh, thủ đô Ả Rập Saudi, dán thông báo đóng cửa cho đến khi có thông báo mới theo hướng dẫn của Cơ quan hàng không dân dụng Ả Rập Saudi hôm 7 tháng 6 năm 2017. AFP photo

Liên quan số lao động Việt Nam đang ở tại Qatar, thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh- Xã hội Việt Nam vào chiều ngày 7 tháng 6 cho biết đã có yêu cầu các cơ quan chức năng theo dõi diễn biến và dự phòng các kịch bản xấu nhất.

Ông thứ trưởng Doãn Mậu Diệp của Bộ Lao động- Thương binh- Xã hội Việt Nam cho biết hiện có khoảng chừng 1800 người Việt Nam đang lao động theo hợp đồng phái cử tại Qatar. Số này làm việc cho các nhà thầu có nguồn gốc từ Châu Âu tại các công trình phục vụ Olympic 2018 và World Cup 2022.

Ông Doãn Mậu Diệp cho biết sau khi có những thông tin liên quan tình hình Qatar, Bộ Lao động- Thương binh- Xã hội Việt Nam có yêu cầu Cục Quản lý Lao động ngoài nước báo cáo những thông tin liên quan.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho báo chí trong nước biết rằng các doanh nghiệp trong phạm vi quản lý phải chủ động có kế hoạch đưa lao động về nước khi có tình hình xấu.

Ông Doãn Mậu Diệp còn nêu rõ ngoài số 1800 lao động chính thức, có thể còn có những lao động được đưa sang Qatar bất hợp pháp.

Quay lại trang chủ
Read 769 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)