Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

28/10/2022

Điểm báo Pháp - Biến đổi khí hậu

RFI tiếng Việt

Biến đổi khí hậu : "Thảm họa được dự báo, nhưng quyết tâm ngăn chặn vẫn yếu ớt

Chủ đề nổi bật trên báo chí Pháp ra ngày hôm 28/10/2022 dĩ nhiên là các mối đe dọa nghiêm trọng đối với khí hậu và môi trường và các phản ứng còn yếu kém của các chính phủ, nhà nước được ghi trong bản báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) công bố hôm qua. 

biendoi1

Lòng sông Zayandeh Roud bị khô cạn, Ispahan, Iran. Ảnh chụp ngày 10/07/2018. AP - Vahid Salemi

Trên trang nhất Le Monde chạy hàng tựa lớn: "Khí hậu: Những nỗ lực "thiếu sót một cách khủng khiếp". Tờ báo ghi nhận là 10 ngày trước khi diễn ra Hội nghị Khí hậu Thế giới (COP27) từ ngày 06-18/11 tại Sharm-El-Sheikh (Ai Cập), Liên Hiệp Quốc đã đưa ra một lời cảnh báo mới cho các chính phủ trên toàn thế giới. 

Nỗ lực chống biến đổi khí hậu còn yếu kém

Theo Liên Hiệp Quốc, các cam kết về chống biến đổi khí hậu mà các quốc gia đưa ra cho đến nay, ngay cả khi được tôn trọng, vẫn đẩy trái đất vào một quỹ đạo nóng lên thảm khốc với nhiệt độ tăng thêm 2,5°C vào cuối thế kỷ này. 

Đối với Liên Hiệp Quốc, các kế hoạch khắc phục mới nhất được các quốc gia khác nhau thông qua vẫn không tương xứng với nguy cơ. Định chế này kết luận: Năm vừa qua quả là một "năm lãng phí" trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. 

Trong bài phân tích trang trong, Le Monde nói rõ thêm là báo cáo do Chương Trình Môi Trường Liên Hiệp Quốc công bố cũng ghi nhận một vài tiến bộ nhỏ từ phía các quốc gia, nhưng cộng đồng quốc tế vẫn còn rất xa các mục tiêu của Thỏa thuận Khí hậu Paris, và vẫn không vạch ra được một con đường "đáng tin cậy" để hạn chế đà nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C, mục tiêu tham vọng nhất của hiệp ước quốc tế này. 

Điều đáng lo ngại là các cam kết được đưa ra vừa không đủ, vừa không được tôn trọng. Theo Liên Hiệp Quốc, nếu các quốc gia tiếp tục chính sách hiện tại, mức tăng của nhiệt độ thậm chí có thể lên tới 2,8°C vào năm 2100. 

Trong một khung nhỏ mang tựa đề "Lượng khí nhà kính trong khí quyển đạt những kỷ lục", Le Monde nêu bật báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), báo động rằng trong năm 2021 vừa qua nồng độ CO₂ trong khí quyn đã đạt mc cao chưa tng thy trong hơn 2 triu năm. Ha vô đơn chí, nng độ khí mêtan, một loại khí khác gây hiệu ứng nhà kính, cũng đặc biệt tăng cao. 

Hậu quả, theo Tổ chức Khí tượng Thế giới là nhiệt độ trái đất đã tăng thêm 1,2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, mực nước biển dâng cao và hiện tượng thời tiết khắc nghiệt bất thường ngày càng nhiều. 

Trong bài "Tác hại của hiện tượng khí hậu bị hâm nóng trên sức khỏe con người", Le Monde cho biết là theo một báo cáo của tạp chí y khoa The Lancet, mỗi năm đều có đến hàng trăm ngàn người bị tử vong một cách trực tiếp hay gián tiếp vì biến đổi khí hậu. Tỷ lệ người chết vì nóng bức chẳng hạn, đã tăng 68% trong giai đoạn 2017-2021 so với giai đoạn 2000-2014 trước đó. 

Mùa thu nóng nực không phải là hay 

Nhật báo thiên tả Libération cũng đưa tin về bản báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc qua hàng tựa : "Để hạn chế đà hâm nóng, các nỗ lực không xứng tầm". Tuy nhiên, trang nhất và hồ sơ chính của tờ báo đã nhấn mạnh đến tình trạng thời tiết thất thường hiện nay tại Pháp với hàng tựa lớn : "30 độ vào mùa thu – hiện tượng thời tiết ấm lại đáng ngại". 

Theo Libération, việc trời đang nóng trở lại tại Pháp là điều chưa từng thấy với nguy cơ là làm cho hạn hán kéo dài qua mùa đông, dẫn đến tình trạng thiếu nước đáng kể. 

Đối với tờ báo thiên tả Pháp, tình hình nhiệt độ nóng bất thường trong những tuần lễ gần đây, sau đợt hạn hán lịch sử vào mùa hè vừa qua, là một biểu hiện mới, có thể nhìn thấy rõ ràng, của biến đổi khí hậu, và đe dọa khả năng tiếp cận nguồn nước và gây tổn hại cho đa dạng sinh học. 

Phóng viên của Libération đã đến tỉnh Var, miền đông nam nước Pháp, nơi đang bị hạn hán, tìm gặp nhiều dân làng đang phải sống trong hoàn cảnh bị thiếu nước. Tại nhiều nơi, cư dân chỉ được dùng không đầy 100 lít mỗi ngày cho mỗi người, thành ra có người thú nhận "hai ngày mới tắm một lần", chỉ xả bồn cầu "sau hai hoặc ba lần đi tiểu"… Thị xã Saint-Paul-en-Forêt, vốn đã nhận được "giải thưởng làng hoa" đầu tiên của mình, năm nay đã đành phải để hoa tàn vì thiếu nước. 

Theo Libération, tác hại của biến đổi khí hậu tại Pháp rõ nét như vậy, thể mà cấp lãnh đạo cao nhất lại có vẻ lơ là. 

Trong bài xã luận "Đối mặt với mùa thu nóng nực, Macron có những phản ứng thờ ơ", tờ báo ghi nhận là trong buổi xuất hiện trên đài truyền hình nhà nước France 2 vào tối thứ Tư vừa qua, tổng thống Pháp đã thể hiện sự thiếu quan tâm đến chủ đề này khi hầu như không đề cập đến sinh thái, chỉ nói phớt qua vào lúc cuối, nhưng lại mượn lời của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc báo động rằng một "thảm họa toàn cầu" đang rình rập. 

Đối với Libération, ông Macron đã lại bỏ phí một cơ hội đánh động dư luận, vào lúc mà nước Pháp đang trải qua một mùa thu "nóng nực" khác thường và đáng lo ngại trên nhiều khía cạnh, trong khi Liên Hiệp Quốc cùng ngày báo động về khả năng của các quốc gia ký kết thỏa thuận Paris trong việc kiềm chế đà hâm nóng toàn cầu. 

Cuộc sống người Pháp ra sao khi giá cả tăng cao 

Cũng dành trang nhất cho thời sự Pháp như Libération, nhưng nhật báo thiên hữu Le Figaro lại chú ý đến khía cạnh tác động của tình trạng giả cả tăng cao trên đời sống hàng ngày của người dân Pháp. Ngay dưới hàng tựa lớn : Cuộc sống người Pháp thay đổi ra sao khi giá cả tăng cao", Le Figaro ghi nhận là khi lạm phát vượt quá 5%, phần lớn người dân đang thay đổi thói quen tiêu dùng. 

Tờ báo đã dành nhiều trang bài để phân tích và minh họa kết quả một cuộc khảo sát do hãng Odoxa-Backbone Consulting thực hiện, theo đó đã có đến 3/4 trong số những người được thăm dò cho biết là họ đã giảm chi tiêu cho các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày, trong lúc 2/3 đã giảm phần chi tiêu cho ăn uống. 

Theo Le Figaro, trong những tuần lễ gần đây, người Pháp đã cố thích nghi cách sống của mình với tình hình giá cả tăng cao: Hạ nhiệt độ sưởi trong các căn hộ, bớt đi nghỉ với bạn bè, tăng mua đồ đã kinh qua sử dụng...

Giới giầu cũng tiết kiệm, theo cách riêng !

Điều lý thú được Le Figaro ghi nhận là nếu tiết kiệm đã trở nên bắt buộc với tầng lớp ít tiền, thì việc giảm bớt chi tiêu cũng biến thành thực tế đối với các tầng lớp khá giả nhất trong xã hội. 

Theo ghi nhận của giám đốc hãng thăm dò ý kiến Odexa thực hiện cuộc điều tra cho báo Le Figaro thì "Các tầng lớp giàu có lo sợ rằng ngày mai sẽ khó khăn hơn. [...] Mối quan ngại này thậm chí còn xuất hiện trong giới đã bỏ phiếu cho Macron hoặc Pécresse trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua". 

Tờ báo nêu bật một số lời chứng, từ Camille, một bà mẹ ở độ tuổi bốn mươi có bảy đứa con, "tay cầm điện thoại thông minh, chân đi giầy cao gót (đắt tiền) hiệu Louboutin" đã quyết định là sẽ không về nghỉ ở nhà quê trong nhiều tháng "ít ra là vào những ngày cuối tuần ngắn ngủi", cho đến bà Marie-Thérèse, sẽ cúp khẩu phần "bánh mì cá hồi" thường dành cho con mèo cưng của bà. Không kể đến Charles, một giám đốc điều hành sống tại Paris, đã rất "phẫn nộ" trước tình trạng vật giá leo thang khiến cho ông chỉ còn có thể "đi nghỉ một lần nữa tại biệt thự của ông ở miền quê Normandie". 

Theo Le Figaro, không phải ai cũng ngán ngẩm vì lạm phát. Nhiều giới đã nhìn tình hình một cách phấn khởi : Các hãng hàng không giá rẻ đang đầy khách, việc bán đồ cũ bùng nổ và các cửa hàng giảm giá mạnh luôn đầy khách. 

Cuộc sống sau một cơn đột quỵ ra sao 

Nhân dịp ngày mai 29/10 là "Ngày đột quỵ thế giới", nhật báo công giáo Pháp La Croix đã chạy tựa lớn trang nhất : "Tái tạo cuộc sống sau một cơn đột quỵ", ghi nhận lời chứng của một số bệnh nhân về cuộc sống hoàn toàn bị đảo lộn của họ sau khi bị tai biến mạch máu não, từ cú sốc ban đầu cho đến những hậu quả liên tục với quá trình phục hồi chậm chạp. 

Điều được tờ báo ghi nhận là đột quỵ là nguyên nhân tử vong hàng đầu nơi phụ nữ Pháp. Với 30.000 ca tử vong mỗi năm, đây là nguyên nhân tử vong thứ ba trên cả nước và là nguyên nhân đầu tiên nơi phụ nữ. 

Theo Bộ Y tế, hiện có hơn 500.000 người phải sống với hậu quả của đột quỵ ở Pháp. Hơn một nửa số ca đột quỵ là những người từ 75 tuổi trở lên. Một phần tư số nạn nhân dưới 65 tuổi và 15% dưới 50 tuổi. 

Các nguyên nhân dẫn đến đột quỵ là huyết áp cao, hút thuốc và béo phì. 

"Thâu tóm Twitter" 

Riêng nhật báo kinh tế Les Echos đã dành tựa lớn trang nhất cho vụ "Thâu tóm Twitter", phân tích sự kiện rốt cuộc nhà tỷ phú Mỹ Elon Musk, chủ nhân của Tesla và SpaceX đã chính thức hóa việc mua lại Twitter với giá 44 tỷ đô la. 

Sau nhiều tháng lộn xộn, nhà tỷ phú này đã loan báo việc mua qua một dòng tin ngắn vào hôm qua, một ngày trước thời hạn mà tư pháp Mỹ đưa ra. Elon Musk đã gửi một thông điệp đến các nhà quảng cáo để làm rõ ý định của mình. 

Les Echos tự hỏi đây là một "kết cuộc có hậu" hay sự mở đầu cho sự cáo chung của Twitter dưới dạng thức hiện tại. Trong thông điệp vài dòng, ông chủ mới của Twitter khẳng định sở dĩ ông mua mạng xã hội này, đó là vì điều quan trọng đối với tương lai của nền văn minh là có một nơi công cộng để trao đổi trực tuyến, nơi nhiều ý kiến có thể tranh luận một cách lành mạnh, không dùng đến bạo lực. 

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa
Read 208 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)