Tập Cận Bình phải bỏ dần "Zero Covid", nhưng chưa thừa nhận thất bại
Trọng Thành, RFI, 03/12/2022
Tập Cận Bình đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ khi lên nắm quyền năm 2012, với phản kháng bùng lên khắp cả nước mươi ngày qua. Lần đầu tiên chủ tịch Trung Quốc thừa nhận "biến thể chủ yếu hiện nay tại Trung Quốc là Omicron, ít gây tử vong hơn". Tuy nhiên, lãnh đạo Trung Quốc không dễ từ bỏ chính sách đã giúp phe cánh Tập Cận Bình kiểm soát xã hội Trung Quốc với bàn tay sắt những năm qua.
Panô châm biếm Tập Cận Bình dùng virus corona để khẳng định quyền lực. Biểu tình bày tỏ đoàn kết với phong trào phản kháng chống chính sách Zero Covid ở Trung Quốc, Tokyo, ngày 30/11/2022. Reuters – Kim Kyung-Hoon
Hàng nghìn mẹ quân nhân Nga ký tên kiến nghị đòi chấm dứt chiến dịch quân sự của tổng thống Nga tại Ukraine. Ngoại trưởng Belarus, một người nổi tiếng là có quan điểm gần với phương Tây nhất trong chính quyền Belarus, đột ngột qua đời trong tình trạng sức khoẻ được coi là bình thường. Nhiều cổ động viên bóng đá Iran hoan nghênh thất bại của đội nhà trước tuyển Mỹ. Vì sao ? Trên đây là các chủ đề chính của Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.
***
Tập Cận Bình đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất. Cuộc khủng hoảng mà một phần lớn do chính lãnh đạo Trung Quốc tạo ra. Theo nhiều nhà quan sát, để thâu tóm quyền lực, lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc đã áp đặt chính sách Zero Covid từ gần ba năm nay, với nội dung chính là kiểm soát tối đa virus, để duy trì số tử vong thấp nhất.
Chính sách "Dập dịch" và Gậy ông đập lưng ông
Chính quyền Tập Cận Bình coi việc khống chế được con virus đáng sợ bằng các biện pháp các biện pháp hành chính, an ninh (nhiều hơn là dịch tễ), và thậm chí quân sự. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, duy trì xã hội trong tình trạng gần như thời chiến, được coi là một con đường đặc thù của Trung Quốc. Tuy nhiên, chính sách DẬP DỊCH duy ý chí (xét nghiệm đại trà, liên tục, phong toả diện rộng, cách ly tập trung để ngăn chặn virus…), vốn được coi là CƠ HỘI TUYỆT VỜI để khẳng định uy thế của chế độ, đang khiến chính quyền Tập Cận Bình bị gậy ông đập lưng ông. Trả lời đài France 24 (phát ngày 02/12/2022), bác sĩ Jan-Cédric Hansen – thành viên tổ chức Y tế Khủng hoảng (Société Française de Médecine de Catastrophe) nêu bật ảo tưởng của chính quyền Tập Cận Bình :
"Khi tập trung vào tác nhân gốc gây khủng hoảng - tức sự lan truyền của virus -, nhà cầm quyền Trung Quốc đã quên đi một vấn đề cơ bản. Đó là về phương diện khủng hoảng, tác nhân gốc gây khủng hoảng không phải là điều duy nhất, và không thể quy khủng hoảng về tác nhân này. Khủng hoảng bao gồm nhiều thứ, các hệ quả của tác nhân, về mặt xã hội, về kinh tế, về tâm lý đám đông,…
Những gì chúng ta chứng kiến nay là tình trạng gậy ông đập lưng ông tại Trung Quốc do chính sách (tập trung quá mức vào việc khống chế virus), mà ở Châu Âu rất ít hoặc không biết đến…
…Chúng ta không thể ngăn chặn virus không lan truyền (như Trung Quốc đã làm), mà chỉ có thể thích ứng với đà lây lan của nó, như ở Châu Âu đã cố gắng làm…
Với những gì nhìn chung chúng ta có thể quan sát được về xã hội Trung Quốc, rõ ràng điều mà chúng ta thấy là nhà cầm quyền Trung Quốc đã tin tưởng là họ có thể khống chế được virus, là cái thuộc về thế giới vô cùng nhỏ bé, và vốn là cái không thể nắm bắt, khống chế được. Về chính sách xử lý khủng hoảng, cần phải thấy rằng mục tiêu Zero (Covid) là hoàn toàn mang tính ảo tưởng. Bằng chứng là giờ đây Gậy ông đập lưng ông".
Ảo tưởng "Zero Covid" giúp cai trị Trung Quốc, Tập Cận Bình có dễ từ bỏ ?
Trong cuộc gặp chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel tại Bắc Kinh hôm 01/12/2022, một giới chức Châu Âu cho biết (truyền thông Pháp thuật lại), chủ tịch Trung Quốc thừa nhận lý do biểu tình của người dân là các "bất mãn" sau ba năm dịch. Và theo lãnh đạo Trung Quốc, chính sách Zero Covid cần được nới lỏng. Theo nhiều nhà quan sát, con đường Trung Quốc mở cửa trở lại còn đầy chông gai, trong bối cảnh Bắc Kinh vẫn từ chối sử dụng vac-xin do nước ngoài sản xuất, và hệ thống y tế và xã hội đã được đầu tư quá mạnh theo hướng "DẬP DỊCH", thay vì khuyến khích chăm sóc tại chỗ với người thể nhẹ, củng cố các cơ sở điều trị bệnh nhân nặng (tỉ lệ máy ICU trên đầu người của Trung Quốc xấp xỉ Malaysia, nhưng thấp hơn Thái Lan và Hàn Quốc 3 lần, ít hơn 7 lần so với Đài Loan).
Chính quyền Tập Cận Bình có ảo tưởng về chính sách Zero Covid hay không hề ảo tưởng ? Phe cánh Tập Cận Bình đã hoàn toàn có ý thức khi sử dụng ảo tưởng về Zero Covid để áp đặt quyền thống trị lên toản xã hội ? Sự lựa chọn chính sách với Covid trong thời gian tới của Bắc Kinh sẽ cung cấp thêm thông tin để trả lời rõ cho câu hỏi này. Tuy nhiên có thể thấy việc thừa nhận thất bại là điều rất khó với lãnh đạo họ Tập, bởi đây là chính sách đã cho phép Tập Cận Bình có thể kiểm soát Trung Quốc với bàn tay sắt trong ba năm qua ("China enters a new era with Xi Jinping in full command ", DW, 24/10/2022).
Không ai biết được rõ và toàn diện những gì thực sự diễn tại Trung Quốc, bởi truyền thông nằm trong tay chính quyền, các mạng xã hội bị kiểm duyệt nghiêm ngặt. Báo chí quốc tế nói đến các vụ tự sát, người chết do không được cấp cứu kịp thời (bởi bệnh tật, hoả hoạn, và nhiều nguyên nhân khác…). Và trên đây chỉ là một phần trong số các thảm cảnh do chính sách Zero Covid thô bạo và độc đoán.
Điều đặc biệt nguy hại khác, được một số nhà quan sát nêu bật là chính sách Zero Covid lôi cuốn hàng triệu người tham gia vào việc áp đặt các biện pháp khắc nghiệt của chính quyền. Nhà báo Li Yuan nói đến sự mẫn cán phi thường của các quan chức và thường dân phụng sự cho chính sách Zero Covid độc đoán, phi nhân. Hành động một cách mẫn cán để cho "cái ác trở nên chuyện thường ngày"("The banality of evil") (như khái niệm mà triết gia Đức Hannah Arendt dùng để nói về tội phạm chiến tranh Adolf Eichmann, một trong các kiến trúc sư của chính sách diệt chủng Holocaust của chế độ Đức Quốc Xã) ("The Army of Millions Who Enforce China’s Zero-Covid Policy, at All Costs ", 12/01/2022, New York Times).
Chính sách mập mờ của Tập : "Hãy ghi nhớ những gì đã xảy ra !"
Trước mặt chính quyền Tập Cận Bình có hai con đường. Một là thực sự từ bỏ hẳn chính sách Zero Covid, dứt khoát hướng hẳn sang chính sách dịch tễ mới. Từ bỏ chính sách Zero Covid cũng có nghĩa là giải thể cỗ máy hàng triệu người đang thực thi một cách mẫn cán và mù quáng chính sách khắc nghiệt, đầy ảo tưởng này. Và thứ hai là nới lỏng dần dần chính sách Zero Covid, nhưng không thừa nhận sẽ từ bỏ chính sách Zero Covid phi nhân tính, không thừa nhận các hậu quả ghê gớm của Zero Covid. Duy trì một chính sách mập mờ là hành xử của Bắc Kinh, theo ghi nhận của nhà chính trị học Paul Haenle, "China’s Zero Covid Policy Is a Double-Edged Sword ", Carnegie Endowment,01/12/2022).
Khi chính quyền bấu víu lấy ảo tưởng ưu việt của Zero Covid, không thừa nhận sự phá sản của Zero Covid (mà các nước đã từ bỏ từ lâu), con đường để xã hội Trung Quốc mở cửa trở lại dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình chưa biết sẽ ra sao. Liệu xã hội Trung Quốc có chấp nhận ?
Trên mạng Twitter hôm 02/12, sau khi Bắc Kinh có dấu hiệu điều chỉnh chính sách, xuất hiện lời kêu gọi : ngay cả khi Tập Cận Bình từ bỏ chính sách Zero Covid, hãy đừng để lãnh đạo Trung Quốc độc chiếm diễn đàn, "Hãy nhớ lấy những gì (đau thương) đã diễn ra !" (Remember what happened !).
Một nhóm mẹ quân nhân Nga phản đối chiến tranh chống Ukraine
Cuộc can thiệp quân sự của tổng thống Nga tại Ukraine đã bước sang tháng thứ 10. Khác với thời đầu chiến tranh, thái độ phản đối chiến tranh dường như bắt đầu lan rộng trong xã hội Nga, đặc biệt sau khi điện Kremlin bắt thêm hàng trăm nghìn người ra trận, trong các điều kiện trang bị và huấn luyện tồi tệ. Ngày 27/11 vừa qua, nhân ngày Mẹ Nga, các phụ nữ, mẹ quân nhân thuộc "Phong trào nữ quyền phản chiến và nhóm sáng kiến các bà mẹ của quân nhân bị động viên và lính nghĩa vụ" đã gửi thư ngỏ đến chính quyền kêu gọi chấm dứt chiến tranh. Tính đến ngày 03/12/2022, kiến nghị thu được hơn 40.000 chữ ký .
Bản kiến nghị chống chiến tranh nói trên là một nỗ lực hiếm hoi tại Nga. Tại Nga, hiện có nhiều nhóm và vợ quân nhân tranh đấu, nhưng không phải với mục tiêu chống chiến tranh. Trả lời RFI, bà Anna Colin Lebedev, giảng viên Đại học Paris Nanterre, một chuyên gia về Nga – Ukraine, cho biết một số nét về các nhóm mẹ, vợ quân nhân tranh đấu :
"Chúng ta có nhiều nhóm mẹ quân nhân, với các mục tiêu khác nhau. Có nhóm mẹ quân nhân lâu đời hoạt động từ những năm 1990, ngay cả trước chiến tranh Chechenya. Các hoạt động của nhóm này chủ yếu trong lĩnh vực pháp lý, nhằm giúp các công dân thoát khỏi lệnh động viên, hoặc tìm cách đưa binh sĩ đã được động viên trở về nhà.
Chúng ta cũng có các nhóm mẹ quân nhân, hoạt động tại các điểm xuất phát, tức nơi các quân nhân được động viên ra trận… mục tiêu của họ rất giới hạn, cụ thể là làm cách nào để cải thiện điều kiện của thân nhân gia đình mình hoặc của nhóm mình".
Nhà chính trị học Anna Colin Lebedev cũng nói đến một nhóm thứ banổi bật hơn cả về thái độ phản đối chính quyền Putin, trên các không gian công cộng hiện nay, tổ chức Hội đồng Vợ và Mẹ quân nhân. Tuy nhiên, theo chuyên gia Lebedev, sở dĩ điện Kremlin dung dưỡng tổ chức này, vì các quan điểm chỉ trích theo thuyết âm mưu, cực đoan, thiếu cơ sở, nên dễ dàng bị bác bỏ.
Ngoại trưởng Belarus đột tử : Đã đến lúc Nga kéo Minsk vào chiến tranh ?
Trong cuộc chiến tranh của Nga chống Ukraine, nước láng giềng Belarus đóng vai trò quan trọng. Có tiếng là đồng minh thân cận nhất của Nga, cung cấp cơ sở hậu cần cho chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, nhưng cho đến nay chính quyền Belarus vẫn không chấp nhận đưa quân tấn công Ukraine, bất chấp các áp lực từ Moskva. Tuy nhiên, biến cố sau đây có thể khiến tình hình thay đổi. Một nhân vật trụ cột trong chính quyền Minsk – được coi là có quan điểm gần với phương Tây nhất - đột ngột qua đời.
Cái chết của ngoại trưởng Belarus Vladimir Makeï, 64 tuổi, được thông báo hôm thứ Bảy vừa qua. Bộ Ngoại giao Belarus chỉ đưa một dòng ngắn ngủi : "Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei đột tử". Chính quyền Belarus không đưa ra giải thích nào về cái chết bất ngờ của ngoại trưởng, lãnh đạo ngành ngoại giao Belarus từ năm 2012. Ông Vladimir Makei được biết không hề mắc chứng bệnh mãn tính nào.
Nhật báo Pháp Le Monde dẫn lời nhà báo Denis Kazakiewicz, chuyên gia về Belarus, nhận định : cái chết của ngoại trưởng Makei có thể khiến tình hình tại Belarus "biến chuyển mau lẹ", đây là "một tổn thất" đối với nhà độc tài Lukachenko, bởi cố ngoại trưởng Makei đóng vai trò trụ cột trong thế đi dây của tổng thống Belarus. Cố ngoại trưởng Makei vốn được coi là người kế nghiệm tổng thống Lukachenko, tham gia tích cực vào các đàn áp chống phong trào đòi dân chủ, nhưng cũng tỏ ra không nhân nhượng Moskva đến mức thừa nhận các vùng lãnh thổ mà Nga sáp nhập của Ukraine ở Donbass.
Về nguyên nhân cái chết của ngoại trưởng Makei, một số người đặt nghi vấn về bàn tay của an ninh Nga. Cựu nghị sĩ đối lập Nga Ilya Ponomarev tị nạn tại Kiev từ 2016, nhận định trên báo Odessa khẳng định điều quan trọng là tổng thống Lukachenko nhìn nhận như thế nào. Theo nhà đối lập Nga, Moskva có thể là thủ phạm vụ sát hại, nhưng cũng có thể lợi dụng cái chết của ngoại trưởng Makei để gieo rắc hoang mang, gia tăng áp lực lên tổng thống Belarus.
World Cup ở Qatar : Dân Iran ăn mừng thất bại của đội nhà trước đội Mỹ
Khi nào có thể ăn mừng thất bại của đội tuyển bóng đá quốc gia ? Câu hỏi nghe có vẻ phi lý đó trở thành thực tế với không ít người dân Iran hôm 30/11 vừa qua. Tại một số khu vực ở Iran, ngay sau khi đội tuyển bóng đá Mỹ ghi bàn thắng đầu tiên, đã có pháo hoa chào mừng. Sau khi trận đấu kết thúc, một số người phản kháng tại Iran đã đổ ra đường ăn mừng chiến thắng của đội tuyển Mỹ.
Hãng tin Pháp AFP dẫn lại các nguồn tin tại Iran cho hay, pháo hoa đã được bắn lên từ một số thành phố ở vùng Kurdistan, thuộc Iran, như Mahabad, sau thất bại của đội tuyển Iran. Nhóm bảo vệ nhân quyền Hengaw, có trụ sở tại Na Uy, cho biết nhiều tài xế tại thành phố này đã bóp còi inh ỏi để mừng chiến thắng của Mỹ.
Chiến thắng của Mỹ đã loại đội Iran khỏi vòng 1/8. Trên Twitter, nhà báo, nhà tranh đấu Hamid Jafari nhận định : "Trò hề của đội tuyển bóng đá của Cộng hòa Hồi giáo đã chấm dứt". Một poscaster (cô Elahe Khosravi) nhận xét : đội tuyển quốc gia "đã thua trước nhân dân, trước đối thủ và cả trước chính quyền".
Phong trào tranh đấu đòi dân chủ tại Iran đang sôi sục. Phong trào bùng lên từ tháng 9, sau cái chết của thiếu nữ Mahsa Amini, 22 tuổi, gốc Kurdistan, bị "cảnh sát đạo đức" của chế độ Hồi giáo câu lưu. Trong trận cầu đầu tiên tại giải World Cup ở Qatar, đội tuyển quốc gia Iran đã không hát quốc ca để bày tỏ thái độ ngầm ủng hộ phong trào tranh đấu trong nước. Tuy nhiên, đến trận đấu tiếp theo họ đã hát. Ắt hẳn do áp lực của chính quyền.
Theo tổ chức nhân quyền Iran có trụ sở tại Oslo, ít nhất 488 người bị các lực lượng an ninh Iran giết hại kể từ đầu cuộc phản kháng, kéo dài hơn hai tháng nay.
Trọng Thành