Tổng thống Zelensky đến Mỹ : Chuyến đi mang tính biểu tượng
Thời sự quốc tế nổi bật được các báo Pháp chú ý nhiều là sự kiện tổng thống Volodymyr Zelensky tới thăm Washington hôm 21/12. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của lãnh đạo Ukraine từ khi đất nước bị Nga xâm lược cách đây 10 tháng. Một chuyến công du mang tính biểu tượng cao.
Tổng thống Zelensky tặng Quốc hội Mỹ lá cờ Ukraine ông mang từ Bakhmut đến Washington. Ảnh ngày 21/12/2022. AFP – Jim Watson
Mục đích của chuyến đi đã được nhật báo Le Monde tóm tắt bằng tựa lớn trang nhất : "Hoa Kỳ và Ukraine tăng cường quan hệ liên minh", trên bức ảnh cho thấy tổng thống Zelensky đang phát biểu trước Quốc hội Mỹ, phía sau bà chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi và phó tổng thống Kamala Harris cầm lá cờ Ukraine ký tên các binh sĩ chiến đấu tại Bakhmut mà tổng thống mang từ mặt trận sang tặng Hạ Viện Mỹ.
Tờ báo ghi nhận trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi chiến tranh nổ ray, "Zelensky được đón tiếp như người hùng tại Nhà Trắng và điện Capitol". Đến Washington trong chuyến đi ngắn sát ngày lễ Noel, khi cuộc chiến tranh do Nga phát động tại Ukraine bước sang ngày thứ 301, tổng thống Zelensky muốn cảm ơn cường quốc số một thế giới. Không có sự giúp đỡ ồ ạt của Mỹ, quân đội của ông Zelensky chắc chắn đã không kháng cự được trước những kẻ xâm lược. Về phía Washington, đón tiếp tổng thống Ukraine, "Joe Biden hy vọng quét sạch ảo tưởng của Kremlin cho rằng đã đến lúc Hoa Kỳ mệt mỏi trong việc hậu thuẫn Ukraine, phải ép đồng minh ngồi vào đàm phán, vội vàng chấp nhận tương quan sức mạnh có lợi cho Moskva".
Theo Le Monde, ở Nhà Trắng cũng như trước Hạ Viện, tổng thống Ukraine liên tục các phát biểu khẳng định lại cuộc kháng chiến của nhân dân Ukraine trước quân xâm lược Nga là sự nghiệp chung với Mỹ cũng như với các nước gắn bó với các giá trị dân chủ. Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố : "Tiền của quý vị không phải là của bố thí. Đó là sự đầu tư cho an ninh quốc tế và dân chủ mà chúng tôi sẽ quản lý một cách có trách nhiệm nhất…".
Le Monde ghi nhận, trong chuyến đi này, tổng thống Ukraine đã thay đổi vị thế. Giờ đây, "không còn ai nhắc đến một Zelensky diễn viên hay một người non nớt chính trị. Ông đã trở thành một gương mặt mang dấu ấn của nhân dân mình".
Về kết quả chuyến công du Mỹ của tổng thống Ukraine, Le Figaro ghi nhận qua bài viết "Được hoan nghênh ở Washington, Zelensky được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Biden".
Le Figaro cho biết, "Zelensky đã thu hoạch được nhiều trong chuyến thăm ngắn ngủi này". Ông Biden đã thông báo cung cấp cho Ukraine một hệ thống tên lửa phòng Patriot, một trong những trang thiết bị hiện đại và đắt tiền nhất trong kho vũ khí Mỹ. Ngoài ra, Washington cùng thông báo khoản viện trợ mới trị giá 1,85 tỷ đô la. Hôm nay (23/12) Quốc hội Mỹ sẽ bỏ phiếu thông qua gói viện trợ bổ sung 45 tỷ đô la cho Kiev trong năm 2023.
Tuy nhiên, Le Figaro cũng nhận thấy sự bất đồng về chiến lược giữa Washington và Kiev vẫn còn. Ukraine cần các vũ khí tấn công hiện đại có thể tiến giới chiến thắng trong khi Mỹ vẫn còn ngần ngại. Những đe dọa của Putin vẫn ít nhiều có tác động, ông Biden không muốn thấy cuộc xung đột mở rộng hay leo thang.
Một mối quan tâm khác của tổng thống Zelensky trong chuyến đi này đó là thái độ của Quốc hội mới của Mỹ, đặc biệt là từ ngày 3 tháng Giêng tới Hạ Viện mới sẽ dưới quyền kiểm soát của phe Cộng hòa. Theo tờ báo, một bộ phận không ít các dân biểu Cộng hòa vẫn công khai chỉ trích chính quyền Dân chủ quá hào phóng tung tiền chi cho cuộc chiến ở Ukraine trong khi nước Mỹ đang gặp nhiều khó khăn. Tờ báo nhận định, dù ít khả năng viện trợ của Mỹ ngừng ngay, có thể các trợ giúp của Mỹ sẽ trở nên khó khăn và hạn hẹp hơn.
Vi mạch bán dẫn : Lá bùa hộ mệnh của Đài Loan trước Trung Quốc
Libération có bài phóng sự dài liên quan đến Châu Á với tiêu đề đáng chú ý : "Đối mặt với những đe dọa của Trung Quốc, Đài Loan chơi lá bài vi mạch".
Phóng viên của tờ báo đưa bạn đọc đến khu công nghiệp Đại Nam nằm trong vùng núi ở phía nam đảo Đài Loan, nơi có nhà máy lớn của tập đoàn TSMC, cái tên đã trở nên nổi tiếng thế giới vì là nhà sản xuất đi đầu trong lĩnh vực vi mạch điện tử, một yếu tố không thể thiếu được trong hầu hết các sản phẩm công nghệ điện tử ngày nay.
Giờ đây mọi người đều biết, hòn đảo nhỏ bé nằm sát cạnh Trung Quốc, sản xuất 65% chip điện tử của thế giới. TSMC lấn át mọi cạnh tranh và chiếm 92% thị trường thế giới vi mạch điện tử thế hệ mới, thành phần không thể thay thế trong hầu hết tất cả các nhãn mác sản phẩm công nghệ cao ngày nay. Người Đài Loan không chỉ tự hào mà còn coi TSMC là một công cụ răn đe trước những mưu toan xâm lược của Bắc Kinh.
Bài phóng sự ghi nhận ý kiến của một lãnh đạo trong lĩnh vực sản xuất chíp điện tử của Đài Loan tự hào nói rằng : "Cả thế giới phụ thuộc vào Đài Loan, kể cả Trung Quốc… Chừng nào Đài Loan còn thống trị ngành công nghiệp này, không ai thấy có lợi để Trung Quốc xâm lược chúng tôi".
Vi mạch điện tử là một sáng chế của người Mỹ, nhưng người Đài Loan sản xuất sản phẩm này từ các đây gần 50 năm. Trong thập kỷ 1970, khi kinh tế của hòn đảo chủ yếu vào ngành công nghiệp đơn giản như dệt, chế tạo thiết bị điện gia dụng, họ đã đến với sản xuất các vi mạch bán dẫn khi các công ty Mỹ không quan tâm đến việc sản xuất giản đơn này. Cùng với thời gian, người Đài Loan tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng chế tạo bán dẫn ngày càng tinh vi, để rồi 40 năm sau họ gần như độc quyền mặt hàng mà giờ trở thành như một thứ lá bùa hộ mệnh bảo vệ hòn đảo.
Tuy nhiên theo tác giả bài phóng sự, nghành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan cũng đang đứng trước thách thức. Đại dịch Covid-19, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang làm dấy lên những phản ứng bảo hộ của một số cường quốc. Chính phủ ở nhiều nước đã nhận ra sự lệ thuộc vào các nhà sản xuất vi mạch điện tử của Châu Á này và bắt đầu có những tính toán. Ở Châu Âu, Hoa Kỳ cũng như Trung Quốc, nhiều kế hoạch phát triển công nghiệp chế tạo vi mạch đang được thúc đẩy mạnh mẽ.
Hàn Quốc và quyền lực mềm văn hóa
Vẫn liên quan đến Châu Á, nhật báo La Croix có bài viết cho thấy Hàn Quốc đã thành công trong việc xây dựng văn hóa thành một thứ quyền lực mềm như thế nào. Theo thông tín viên của La Croix tại khu vực Đông Á, trong vòng hai chục năm Hàn Quốc đã quyến rũ cả thế giới bằng việc xây dựng thành công một thứ "quyền lực mềm" độc đáo từ những sản phẩm âm nhạc, văn hóa, ẩm thực và phim truyền hình dài tập. Đó là cả một chủ trương của chính phủ Hàn Quốc để giờ đây đất nước này đang gặt hái những thành công ngoài mong đợi.
La Croix trích dẫn nhận xét của Juliette Morilot, chuyên gia về văn hóa Hàn Quốc : "Cách đây 20 năm, Hàn Quốc là một đất nước không được biết đến nhiều. Trong suy nghĩ của mọi người, đất nước này gắn liền với hình ảnh nặng nề của chiến tranh, của giáo phái Moon và cùng lắm là xe hơi. Giờ đây, Hàn Quốc được giới trẻ cả thế giới biết đến và ngưỡng mộ". Nằm kẹt giữa các cường quốc Trung Quốc và Nhật Bản, đất nước Hàn Quốc nhỏ bé đã phải tự sáng tạo để có được vị trí cho mình.
Đó là một thứ quyền lực mềm khiến cả thế giới kinh ngạc. Giờ đây cả thế giới không chỉ biết đến dòng nhạc K-Pop, mà còn biết đến điện ảnh, ẩm thực, thẩm mỹ và cả ngôn ngữ Hàn.
Bài báo cho biết, ra khỏi thể chế độc tài quân sự cuối những năm 1980, Hàn Quốc đã nhạy bén, sáng tạo trong dòng chảy toàn cầu hóa và sự bùng nổ của internet. Chính phủ đã nhanh chóng chủ trương xây dựng một quyền lực mềm qua ngành công nghiệp giải trí, để xuất khẩu sản phẩm ra khắp thế giới. Một văn phòng văn hóa và một quỹ đầu tư phát triển văn hóa đại chúng được thành lập. Các đại tập đoàn lớn của Hàn Quốc đều có trách nhiệm đầu tư vào chương trình này. Năm 2020 các tập đoàn lớn của nước này đã đầu tư đến 5 tỷ đô la cho chương trình phát triển văn hóa của đất nước.
Giờ người Hàn Quốc đã thành công trong ván cược đặt ra cách đây 20 năm, La Croix ghi nhận : Năm 2019 bộ phim Parasites (Ký sinh trùng) của đạo diễn Boon Joon-ho giành 2 giải thưởng quốc tế lớn Cành Cọ Vàng ở Cannes và Oscar ở Hollywood. Đến 2021, bộ phim Squid Game (Trò chơi con mực), chiếu trên mạng Netflix chỉ vài ngày đã gây sốt toàn cầu. Nhóm nhạc BTS trong 10 tuần liền dẫn đầu tốp 100 trong làng nhạc ở Mỹ, và lôi cuốn hàng tỷ người hâm mộ.
Trung Quốc loay hoay với chiến lược chống Covid
Một thời sự khác được nhật báo Les Echos chú ý : Trung Quốc đang loay hoay vật lộn với dịch Covid 19 giữa lúc cả thế giới đã bắt đầu biết chung sống với căn dịch bệnh này.
Tờ báo có bài "Sau Zero Covid, Trung Quốc nhắm vào miễn dịch cộng đồng". Như vậy là sau một thời gian dài duy trì những biện pháp phòng chống dịch hà khắc nhất, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế cũng như gây bất bình xã hội, Bắc Kinh vừa bất ngờ xóa bỏ chính sách Zero Covid thì dịch lại bùng lên mạnh ở khắp nơi. Lúc này chính quyền quay sang một cách tiếp cận mới để dịch không lây nhiễm ồ ạt trong dân chúng, với hy vọng tạo được miễn dịch cộng đồng vào mùa xuân tới. Theo tính toán thì sẽ có khoảng một tỷ người Trung Quốc sẽ nhanh chóng bị nhiễm Covid-19.
Nếu thực hiện chiến lược miễn dịch cộng đồng, theo các mô phỏng tính toán của một cơ quan nghiên cứu thuộc Đại học Washington, từ nay đến đầu tháng 4 năm tới sẽ có khoảng 300 nghìn người Trung Quốc tử vong. Trong khi một ước tính của Đại học Hồng Kông, con số tử vong ở Trung Quốc có thể lên đến 1 triệu người. Tờ báo nhận xét, Trung Quốc đang cố gắng trong vài tháng làm được cái việc mà cả thế giới phải mất 2 năm.
Anh Vũ