Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

13/01/2023

Điểm báo Pháp - Nga động viên lính mới

RFI tiếng Việt

Ukraine lo ngại Nga lại động viên lính mới

Các tờ báo Pháp hôm 13/01/2023 quan tâm đến nhiều chủ đề khác nhau. Nhật báo Le Monde dành trang nhất nói về việc Ukraine đang cảm thấy lo lắng trước những thông tin cho rằng tổng thống Nga Vladimir Putin đang có ý định tiếp tục động viên quân dự bị tham gia vào chiến tranh chống Ukraine. 

linhmoi1

Quân dự bị Nga mới được tuyển dụng, trong một buổi lễ xuất quân, Omsk, Nga, ngày 06/01/2023. Reuters – Alexey Malgavko

Một câu hỏi liên tục xuất hiện trong giới quân sự phương Tây trong những tuần gần đây : điều gì sẽ xảy ra nếu Nga gửi thêm vài trăm nghìn quân tới Ukraine ? Mặc dù không được trang bị vũ khí tối tân và không có kinh nghiệm chiến đấu, nhưng nhiều chuyên gia lo ngại rằng những binh sĩ này vẫn có thể tấn công vào các tuyến phòng thủ của Ukraine, vốn đang kiệt sức sau gần một năm chiến tranh. 

Le Monde thuật lại việc do phải đối mặt với sự kháng cự quyết liệt của quân đội Ukraine, Nga đã không đạt được bất kỳ tiến bộ nào kể từ khi chiếm được các thành phố Lysychansk và Severodonetsk ở vùng Donbass vào đầu mùa hè năm 2022. Vào tháng 9, Nga tiếp tục gặp khó khăn trong việc ngăn chặn cuộc phản công do Kiev phát động ở khu vực Kharkiv và vào tháng 11, Kremlin đã phải từ bỏ hữu ngạn sông Dnepr và thành phố phía nam Kherson sau khi đường tiếp tế của họ bị quân Ukraine cắt đứt. 

Cho đến nay, bộ tổng tham mưu Ukraine tuyên bố đã tiêu diệt hơn 113.000 lính Nga kể từ ngày 24/02, tương đương với một nửa quân số mà điện Kremlin điều sang nước láng giềng. 

Và để ngăn chặn tình hình ngày càng trầm trọng, tổng thống Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh vào ngày 21/09 động viên khoảng 300.000 binh sĩ dự bị. Quá trình động viên này diễn ra một cách hỗn loạn và quân đội Nga không còn đủ sĩ quan hoặc cơ sở hạ tầng để có thể đào tạo nhiều tân binh cùng một lúc. Tuy nhiên, lệnh động viên này dường như đã có tác dụng khi người ta ước tính rằng đã có 80.000 người tham gia vào chiến dịch ở Ukraine, trong đó có 50.000 người trực tiếp ra chiến trường. 

Nhưng điều khiến Ukraine và phương Tây lo lắng hơn hết là khả năng xảy ra làn sóng động viên thứ hai của Nga, đặc biệt là khi Vladimir Putin vẫn chưa chính thức chấm dứt lệnh động viên bằng một sắc lệnh khác. Vadym Skibitsky, phó giám đốc tình báo quân đội Ukraine, được nhật báo Anh The Guardian dẫn lời ngày 06/01 cho biết rằng Nga đang chuẩn bị động viên thêm 500.000 binh sĩ, điều sẽ nâng tổng quân số của Kremlin ở Ukraine lên gần 1 triệu binh sĩ. Mặc dù thông tin này đã bị Moskva phủ nhận, nhưng lại được xác nhận bởi tình báo quân đội Estonia. Anna Colin Lebedev, nhà nghiên cứu ở trường đại học Paris-Nanterre nhận định rằng Nga đang trong quá trình thống nhất danh sách các công dân có thể được động viên. 

Theo các chuyên gia quân sự, nhóm tân binh này cho dù không có nhiều kinh nghiệm, nhưng hoàn toàn có thể gây ra sự khác biệt. Kể từ khi chiến tranh bùng nổ và đặc biệt là trong những tháng gần đây, bộ tổng tham mưu Nga dường như không quan tâm đến số phận của các binh sĩ được động viên và đã áp dụng chiến lược "máy ủi" càn quét vào các tuyến phòng thủ của Ukraine. Thứ trưởng bộ quốc phòng Ukraine Hanna Malyar hôm 09/01 cho biết rằng Moskva không hề màng đến những tổn thất to lớn về nhân mạng và tiếp tục tiến hành tấn công dồn dập. 

Chiến tranh không còn đường lùi 

Vẫn về tình hình ở Ukraine, nhật báo thiên hữu Le Figaro có bài phân tích nói về việc dường như chiến tranh đã đi quá giới hạn và các bên không còn đường lùi. 

Khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine hồi tháng 2, vào lúc vẫn còn bao nhiều bất trắc ở phía trước, tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết sẵn sàng đàm phán với điện Kremlin. Giờ đây, cánh cửa đàm phán dường như đã đóng chặt. Tội ác của quân đội Nga đối với thường dân Ukraine như các vụ hãm hiếp và giết người trên diện rộng, sự điên rồ của chủ nghĩa đế quốc Vladimir Putin, người vẫn kiên trì thực hiện mục tiêu chiến tranh của mình, cũng như sự thành công trong cuộc phản công của Ukraine hồi mùa thu đã khiến mọi khả năng đàm phán với Moskva đi vào dĩ vãng. 

Về phần mình, điện Kremlin dường như cũng không hề có ý định nhượng bộ. Sau khi hứa hẹn với người dân một chiến thắng chóng vánh và dễ dàng, đưa một Ukraine nổi loạn trở lại vòng tay của đế chế Nga hoàng, Vladimir Putin giờ đây đang "đâm lao phải theo lao". Sau những thất bại quân sự trong vài tháng qua, bất kỳ một bước lùi nào thông qua các cuộc đàm phán chắc chắn sẽ là dấu hiệu cho thấy ông Putin đang dần để mất quyền lực. Rõ ràng là tổng thống Nga chưa bao giờ nghĩ đến điều đó, và ông vẫn tiếp tục khẳng định rằng Ukraine thuộc về Nga. 

Và cuối cùng thì phương Tây cũng đã hiểu rằng rất khó có thể tổ chức đàm phán trong tương lai. Một số quốc gia đã hiểu một cách muộn màng rằng xung đột Nga-Ukraine không đơn giản chỉ là cuộc chiến giữa Nga và Ukraine mà còn liên quan đến tương lai của các nền dân chủ, luật pháp quốc tế và sự ổn định lâu dài trên toàn thế giới. Bởi nếu Nga giành chiến thắng, thì đó cũng sẽ là một chiến thắng của các chế độ chuyên chế và độc tài, trong đó nổi bật nhất là Trung Quốc và Iran. Ngược lại, đó sẽ là một thất bại đối với phương Tây cùng với các giá trị của mình. 

Châu Phi chịu nhiều ảnh hưởng do chiến tranh Ukraine 

Nhật báo công giáo La Croix thì chú ý đến những ảnh hưởng mà Châu Phi phải hứng chịu do cuộc chiến tranh Ukraine gây ra, điển hình là việc giá lương thực tăng cao. 

Ukraine và Nga cung cấp 1/3 lượng ngũ cốc và dầu nhập khẩu của các nước Châu Phi. Từ năm 2019 đến 2022, giá lúa mì và ngô ở Châu Phi đã tăng gấp đôi, giá dầu hướng dương tăng 50%. 

Thỏa thuận nối lại xuất khẩu ngũ cốc Ukraine do Thổ Nhĩ Kỳ đàm phán từ mùa hè năm 2022 đã làm cho tình hình trở nên bớt căng thẳng hơn. Tuy nhiên, việc giá lương thực tăng ở các thành phố lớn của Châu Phi khiến người dân ở đó rất vất vả, trong khi những người ở khu vực nông thôn sống nhiều hơn bằng các thực phẩm tự trồng. 

Ngoài ra, Ukraine và Nga cũng là những nước sản xuất phân bón lớn. Một nửa nguồn cung phân bón của Châu Phi đến từ hai quốc gia này. Tuy nhiên, Ukraine không còn khả năng xuất khẩu, trong khi Nga đang gặp khó khăn do các ngân hàng và công ty bảo hiểm không muốn mạo hiểm hứng chịu các lệnh trừng phạt. 

Do những tắc nghẽn này, giá phân bón trên thị trường Châu Phi đã tăng gấp 3 lần trong 2 năm qua. Đó là một cú sốc có tác động lâu dài đối với toàn bộ ngành nông nghiệp – thực phẩm của châu lục này. 

Phản ứng của người Pháp về cải cách hưu bổng 

Về thời sự nước Pháp, Le Figaro dành trang nhất và bài xã luận nói về dự án cải cách hưu trí. Giờ đây, khi nội dung của kế hoạch cải cách đã được công bố, người dân Pháp sẽ phản ứng ra sao ? Có rất nhiều ẩn số lớn mà chưa có câu trả lời. 

Đúng là đa số người dân Pháp không muốn làm việc lâu hơn, nhưng liệu có phải tất cả mọi người sẽ có cùng chung một quan điểm nếu văn bản được thông qua ? Phải thừa nhận rằng các công đoàn đang bày tỏ một lập trường nhất quán, nhưng điều đó sẽ kéo dài trong bao lâu ? Cũng phải thấy rằng các cuộc biểu tình đúng là đang bùng nổ, nhưng chúng sẽ được kiểm soát hay mọi thứ sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát như trường hợp phong trào "áo vàng" và liệu chúng có dẫn đến các cuộc đình công làm tê liệt đất nước hay không ? Và hiển nhiên cũng phải thừa nhận rằng người Pháp giờ đây đang rất lo lắng và có tâm trạng tồi tệ, nhưng liệu họ có thực sự muốn đấu tranh hết mình hay không, khi chi phí sinh hoạt đang buộc họ phải sống thắt lưng buộc bụng ? Đó là những câu hỏi mà chưa có câu trả lời. 

Trước kia, ở Pháp đã từng có hai cuộc biểu tình lớn liên quan đến hồ sơ cải cách hệ thống hưu bổng, và kết quả của chúng không cùng nghiêng về một bên. Năm 1995, các công đoàn đã giành chiến thắng. Hồi tháng 12 năm đó, nước Pháp bị tê liệt khi phương tiện đi lại công cộng không hoạt động và rốt cuộc người dân phải đi bộ dưới thời tiết giá lạnh trong vòng hơn 1 tháng. Dự án cải cách của chính phủ Juppé nhắm vào một số ngành nghề cụ thể với việc bãi bỏ các chế độ đặc biệt. Không lâu trước lễ Giáng Sinh, tổng thống Jacques Chirac cuối cùng đã quyết định nhượng bộ. 

Ngược lại, 15 năm sau vào năm 2010, chính quyền do tổng thống Nicolas Sarkozy lãnh đạo đã giành chiến thắng. Các cuộc biểu tình lan rộng – tổng cộng 14 cuộc biểu tình đã diễn ra trong vài tháng và đôi khi có tới hơn 1 triệu người tham gia, nhưng đất nước không bị tê liệt và cảnh sát được huy động để giải phóng các nhà máy lọc dầu. Phong trào biểu tình cuối cùng đã lắng xuống. 

Nhật báo thiên hữu nhận định rằng, giờ đây, tổng thống Emmanuel Macron sẽ áp dụng đường lối giống với Nicolas Sarkozy hơn là Jacques Chirac. 

Trí thông minh nhân tạo phát triển mạnh có phải là điều có lợi ? 

Về lĩnh vực công nghệ, La Croix dành trang nhất và bài xã luận nói về sự tiến bộ về mặt công nghệ luôn khơi dậy một sự mê hoặc đối với người dùng, và ChatGPT hiển nhiên cũng không phải là ngoại lệ.

Ra mắt vào cuối tháng 11, ứng dụng dùng trí thông minh nhân tạo này này có thể viết một văn bản về bất kỳ chủ đề nào bằng tiếng Pháp một cách gần như hoàn hảo. Các chuyên gia coi đó là một bước đột phá lớn về công nghệ, có khả năng làm rung chuyển toàn bộ hệ thống xã hội. Ngành giáo dục đương nhiên đang được để ý. Không mất nhiều thời gian để các học sinh sinh viên hiểu được tất cả những lợi ích mà họ có thể nhận được từ công cụ siêu phàm này : rất dễ bị cám dỗ để sử dụng trong việc làm bài tập về nhà. Thành phố New York vừa công bố lệnh cấm ChatGPT trong các trường công lập.

Nhưng vấn đề giáo dục bao trùm rất nhiều thứ, trong đó có việc chuẩn bị cho thế hệ tương lai đón nhận một sự đảo lộn lớn về mặt công nghệ. Máy móc cạnh tranh với con người trong các công việc trí óc mà từ trước đến nay tương đối ít. Giờ đây, máy móc không chỉ tính toán, chúng còn có khả năng phân tích, tổng hợp… Đó đơn giản là trí thông minh nhân tạo, nhưng liệu con người đã sẵn sàng cho một biến đổi lớn như vậy hay chưa ?

Phan Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phan Minh
Read 150 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)