Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

12/01/2017

Bất ngờ : Ngoại trưởng tương lai của Mỹ ra mặt chống Trung Quốc (tổng hợp)

tổng hợp

Biển Đông : Ứng viên ngoại trưởng Mỹ "khai chiến" với Trung Quốc ? (RFI , 12/01/2017)

batngo1

Ông Rex Tillerson - người được Donald Trump chỉ định vào chức ngoại trưởng - trong phiên thẩm định của Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện Mỹ, ngày 11/01/2017. REUTERS/Kevin Lamarque

Quả là không sai khi cho rằng trong cuộc điều trần tại Thượng Viện Hoa Kỳ ngày hôm qua, 11/01/2017, người được đề cử làm ngoại trưởng tới đây của nước Mỹ, Rex Tillerson, đã "khai chiến với Bắc Kinh trên hồ sơ Biển Đông". Khi được hỏi về đối sách của ông trước các hành động hung hăng của Trung Quốc ở vùng biển mà Bắc Kinh đòi hầu như toàn bộ chủ quyền, ông Tillerson đã không ngần ngại cho rằng cần phải cấm không cho Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã bồi đắp tại Biển Đông.

Phát biểu trước một ủy ban của Thượng Viện Mỹ, người có rất nhiều khả năng làm ngoại trưởng tới đây của Hoa Kỳ nói rõ như sau : "Chúng ta sẽ phải gửi đến Trung Quốc một tín hiệu rõ ràng rằng trước hết phải đình chỉ việc xây dựng các đảo, và thứ hai là không được phép tiếp cận những hòn đảo này".

Trong thời gian qua, Bắc Kinh đã khiến tình hình Biển Đông căng thẳng hẳn lên khi cho bồi đắp 7 thực thể mà họ chiếm giữ trong vùng quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo, bên trên có xây các cơ sở quân sự.

Đối với ông Tillerson, việc bồi đắp đảo nhân tạo tại Biển Đông, cũng như việc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên quần đảo Senkaku, dưới quyền kiểm soát của Nhật Bản ở Biển Hoa Đông, là những hành vi phi pháp vì đó là "xâm chiếm lãnh thổ hoặc giành quyền kiểm soát hoặc tuyên bố kiểm soát những vùng lãnh thổ không thuộc về Trung Quốc một cách hợp pháp".

Nhận xét của chuẩn ngoại trưởng Mỹ rất chính xác trong bối cảnh một tòa án quốc tế (Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye) – mà Bắc Kinh phủ nhận thẩm quyền – ngày 12/07/2016 đã phán quyết rằng yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc trên Biển Đông hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.

Ông Tillerson không ngần ngại so sánh việc xây dựng các hòn đảo, rồi cho triển khai thiết bị quân sự trên đó, với hành vi của Nga xâm chiếm bán đảo Crimée của Ukraina.

Phải nói rằng đây là lần đầu tiên mà người được đề cử làm nhân vật lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ lại bộc lộ một cách rõ ràng, công khai những suy nghĩ của ông về Biển Đông như vậy, một quan điểm rất cứng rắn đối với Trung Quốc.

Ông Tillerson tuy nhiên không nói là Hoa Kỳ có thể có những biện pháp cụ thể nào nhằm buộc Trung Quốc đình chỉ việc xây dựng đảo hay cấm không cho tiếp cận các đảo này, nhưng trong hơn một năm gần đây, Hải Quân Mỹ đã nhiều lần cho chiến hạm tiến hành các chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải trong khu vực Biển Đông.

Trả lời hãng tin Mỹ Bloomberg, ông Malcolm Davis, chuyên gia phân tích cấp cao tại Viện Chính Sách Chiến Lược Úc ở Canberra (Úc) nhận xét : "Đây là một kiểu phát ngôn ngẫu hứng, giống như một tin ngắn tweeter, có nguy cơ đổ dầu vào lửa và có thể làm cho mọi sự xấu hẳn đi".

Theo chuyên gia này, "trừ phi là động binh chống lại Trung Quốc, thì người Mỹ không có cách nào khác để ngăn cản Trung Quốc" xây dựng và tiếp cận các đảo họ nắm giữ trên Biển Đông.

Dẫu sao thì ý kiến người được đề cử làm ngoại trưởng Mỹ cũng không khác với quan điểm hiếm hoi về Biển Đông từng được tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhắc lại gần đây, khi ông đả kích "các pháo đài" to lớn mà Trung Quốc cho xây dựng giữa Biển Đông.

Trước đó, vào tháng Ba 2016 khi còn vận động tranh cử, ông Trump từng chê trách chính quyền Obama mềm yếu trước các hành động xây pháo đài quân sự trên Biển Đông của Trung Quốc. Theo ông Trump, Bắc Kinh đã ngang nhiên làm như vậy, vì họ "không có sự tôn trọng đối với tổng thống Mỹ và không có sự tôn trọng đối với nước Mỹ".

Điểm đáng ghi nhận là vào chiều nay, 24 tiếng đồng hồ sau phát biểu kiên quyết của ông Tillerson, Trung Quốc vẫn giữ im lặng, trái với lệ thường là ăn miếng trả miếng ngay lập tức mỗi khi bị công kích.

Trọng Nghĩa

********************

Phát biểu chính thức của ứng viên Ngoại trưởng Mỹ về Biển Đông (GDVN, 12/01/2017)

Trung Quốc, trước hết phải ngừng xây dựng ở các đảo nhân tạo, thứ hai là việc Trung Quốc truy cập các đảo nhân tạo này cũng không được phép.

Channel News Asia ngày 12/1 đưa tin, ứng viên Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson do Tổng thống đắc cử Donald Trump giới thiệu đã tuyên bố trước Thượng viện hôm thứ Tư rằng, nên ngăn chặn Trung Quốc truy cập các đảo nhân tạo bồi lấp bất hợp pháp ở Biển Đông.

Phát biểu dự kiến sẽ khiến Trung Quốc tức giận được ông Rex Tillerson nêu ra trong phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ.

Tại đây ông ví von hoạt động xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo ở Biển Đông mà Trung Quốc tiến hành giống như cách Nga "chiếm Crimea" từ Ukraine.

batngo2

Ứng viên Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, ảnh : Reuters / Channel News Asia.

Khi được hỏi liệu ông có ủng hộ một phản ứng tích cực hơn với Trung Quốc, ứng viên Ngoại trưởng Mỹ cho hay :

"Chúng ta sẽ phải gửi thông điệp rõ ràng đến Trung Quốc, trước hết phải ngừng xây dựng ở các đảo nhân tạo, thứ hai là việc Trung Quốc truy cập các đảo nhân tạo này cũng không được phép".

Cựu Chủ tịch và Giám đốc điều hành tập đoàn dầu khí Exxon Mobil đã không nói rõ làm thế nào để ngăn Trung Quốc tiếp tục xây dựng hay truy cập các đảo nhân tạo ở Biển Đông đã được củng cố bằng đường băng, vũ khí.

Nhóm chuyển giao của ông Donald Trump cũng không đáp ứng ngay các câu hỏi cụ thể về cách thức ngăn chặn Trung Quốc làm điều này.

Ông Rex Tillerson cũng cho rằng, Washington cần thiết phải tái khẳng định cam kết của mình với Đài Loan. Tuy nhiên ông khẳng định : "Tôi không biết bất kỳ kế hoạch nào để thay đổi lập trường một nước Trung Quốc".

Còn riêng hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông theo ông Tillerson là cực kỳ đáng lo ngại, nó sẽ là mối đe dọa cho toàn bộ nền kinh tế thế giới nếu Bắc Kinh kiểm soát hoàn toàn tuyến hàng hải quan trọng chiến lược cả về quân sự lẫn kinh tế.

Đánh giá nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiện nay ở Biển Đông, ứng viên Ngoại trưởng Hoa Kỳ cho rằng, do phản ứng yếu ớt của chính quyền tiền nhiệm :

"Sự thất bại trong phản ứng đã kích thích họ (Trung Quốc) đẩy mạnh, lấn tới trong các hoạt động này. Cách chúng ta đã có thể đối phó với chuyện này là, chúng ta cho thấy rõ sự hiện diện của mình trở lại khu vực, cùng các đồng minh truyền thống ở Đông Nam Á".

Bình luận về yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, ông Rex Tillerson cho rằng : "Họ đang theo đuổi yêu sách lãnh thổ, kiểm soát hoặc tuyên bố kiểm soát vùng lãnh thổ mà không phải thuộc về họ một cách chính đáng".

Hồng Thủy

Tài liệu tham khảo :

http://www.channelnewsasia.com/news/world/china-should-be-denied-access-to-south-china-sea-islands/3432244.html

************************

'Mỹ phải ngăn Trung Quốc vào các đảo mới xây ở Biển Đông' (BBC, 12/01/2017)

Bas du formulaire

batngo3

Một viện nghiên cứu năm ngoái công bố hình ảnh được cho là chụp các căn cứ quân sự trên một số hòn đảo

Hoa Kỳ phải chặn đường tiếp cận đến các đảo do Trung Quốc xây trong khu vực Biển Đông đang có tranh chấp, người được ông Donald Trump bổ nhiệm làm ngoại trưởng Mỹ nói.

Những bình luận của ông Tillerson, nhiều khả năng sẽ làm tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ với Bắc Kinh, được đưa ra tại phiên điều trần để Thượng viện Mỹ chẩn thuận việc bổ nhiệm ông vào chức ngoại trưởng.

Bắc Kinh thời gian qua đã xây dựng nhiều đảo nhân tạo trên các bãi san hô trong khu vực biển được nhiều nước khác cũng tuyên bố chủ quyền.

Những hình ảnh được đưa ra cuối năm ngoái cho thấy có sự hiện diện của lực lượng quân sự tại một số đảo này, một viện nghiên cứu nói.

Ông Tillerson, người phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, so sánh việc Trung Quốc xây đảo với việc Nga chiếm Crimea từ tay Ukraine.

"Chúng ta cần gửi đến Trung Quốc một dấu hiệu rõ ràng. Thứ nhất, việc xây dựng đảo phải chấm dứt, và thứ hai, họ sẽ không được phép tiếp cận các đảo đó nữa".

Động thái xây đảo của Trung Quốc đã gây nhiều bất bình trong khu vực.

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên phần lớn lãnh thổ biển Đông, nơi Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền.

batngo4

Tàu khu trục USS Decatur tuần tra gần Quần đảo Hoàng Sa hổi tháng 10/2016, trong chương trình Mỹ gọi là hoạt động tự do hàng hải

Hồi tháng Bảy, Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế tại The Hague (PCA) ra phán quyết theo đó bác tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Bển Động trong vụ kiện do Philippines đệ đơn. Bắc Kinh tuyên bố không chấp nhận nội dung phán quyết.

Chính quyền Obama đã có thông điệp phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc xây đảo, đồng thời nỗ lực xây dựng quan hệ với các nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc.

Mỹ cũng cam kết sẽ đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và đã điều tàu hải quân đến vùng biển có tranh chấp.

Nhưng chính quyền Obama không đe dọa chặn đường đến các đảo này, một tuyên bố nhiều khả năng sẽ làm Bắc Kinh tức giận.

Ông Tillerson không nói rõ Mỹ sẽ chặn đường đến các đảo này ra sao.

Nhưng ông nói các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và những tuyên bố của nước này về vùng nhận dạng phòng không trên vùng biển Đông do Nhật kiểm soát mà Bắc Kinh cũng đòi chủ quyền là "bất hợp pháp".

"Trung Quốc đang lấn chiếm, kiểm soát hay tuyên bố kiểm soát những vùng lãnh thổ họ không có quyền hợp pháp", ông Tillerson nói.

batngo5

Trung Quốc nói các cấu trúc họ xây cất là hợp pháp và các căn cứ quân sự là cho mục đích phòng vệ

Trung Quốc nói không làm gì sai khi tiến hành xây cất trên những nơi mà Bắc Kinh coi là lãnh thổ của mình.

Chính quyền Trung Quốc từng nói nước này không có ý định quân sự hóa các đảo này, nhưng thừa nhận có xây dựng cái mà họ gọi là căn cứ quân sự cho mục đích phòng vệ.

Đáp lại lời phát biểu của ông Tillerson, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói Trung Quốc có quyền thực hiện "những hoạt động bình thường" trên lãnh thổ của mình.

Khi được hỏi về bình luận chặn đường đến đảo của ông Tillerson và phản ứng của Trung Quốc, ông Lục Khảng nói ông không trả lời những câu hỏi mang tính giả thuyết.

Đã có một vài vụ đụng độ giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông. Hồi cuối năm ngoái, một tàu Trung Quốc thu giữ thiết bị lặn đại dương ngoài khơi Philippines, nhưng sau đó đã đồng ý trả lại cho Mỹ.

Các tàu Trung Quốc cũng có những đụng độ, căng thẳng với các tàu từ Việt Nam và Philippines.

*********************

Trung Quốc dịu giọng với Hoa Kỳ về vấn đề Biển Đông (RFA, 12/01/2017)

batngo6

Phát ngôn nhân Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Courtesy of viettimes.net

Trung Quốc hôm nay có phản ứng được cho là không gay gắt trước những phát biểu của người được tổng thống đắc cử Donald Trump chọn làm ngoại trưởng Hoa Kỳ.

Phát ngôn nhân Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng cho rằng căng thẳng tại tuyến đường hàng hải có tầm chiến lược quan trọng qua Biển Đông đã giảm bớt và những quốc gia bên ngoài cần hỗ trợ nỗ lực hướng đến ổn định tại đó.

Ông Lục Khảng nhắc lại mối quan hệ Mỹ- Trung được dựa trên căn bản không đối đầu, không xung khắc, hợp tác đôi bên cùng có lợi. Hai phía cần tôn trọng lẫn nhau.

Giới ngoại giao Trung Quốc lên tiếng cho rằng họ không quá lo lắng về những lời lẽ mạnh mẽ của tổng thống đắc cử Donald Trump cũng như những nhân vật được chọn vào tân chính phủ Hoa Kỳ. Trung Quốc sẽ không thay đổi phương pháp căn bản tích cực tiếp cận trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

*********************

Tillerson : Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông là "phi pháp" (RFI, 11/01/2017)

batngo7

Ảnh minh họa : Ông Rex Tillerson tại Hội nghị về Năng lượng, Houston, ngày 21/04/2015. Reuters

Ngoại trưởng Mỹ được chỉ định Rex Tillerson bày tỏ mối quan ngại về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, khẳng định việc Bắc Kinh xây đảo nhân tạo ở vùng biển này là "phi pháp".

Hôm nay, 11/01/2017, ông Rex Tillerson, nhân vật được tổng thống tân cử Hoa Kỳ Donald Trump chỉ định là Ngoại trưởng, sẽ ra trước Thượng viện Mỹ trong phiên điều trần nhằm thông qua việc bổ nhiệm các bộ trưởng trong chính quyền mới.

Êkíp chuyển tiếp quyền lực của ông Trump đã phân phát trước bài phát biểu mở đầu phiên điều trần mà ông Tillerson sẽ đọc hôm nay. Trong bài phát biểu này, Ngoại trưởng Mỹ được chỉ định bày tỏ mối quan ngại của ông trước những hành động của Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, đặc biệt là việc xây dựng đảo nhân tạo dùng làm căn cứ quân sự. Ông Tillerson khẳng định : "Việc Trung Quốc xây đảo ở Biển Đông là một hành động chiếm giữ phi pháp các vùng tranh chấp, bất chấp các chuẩn mực quốc tế".

Theo báo chí Mỹ, tuyên bố nói trên của ông Tillerson chắc chắn sẽ gặp phản ứng mạnh từ phía Trung Quốc, vốn đã rất bực tức về vụ ông Donald Trump điện đàm với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, đi ngược lại chính sách của Washington chỉ công nhận một nước Trung Quốc duy nhất.

Hôm 10/01, một giới chức Hoa Kỳ, xin được giấu tên, tiết lộ là một oanh tạc cơ chiến lược H-6 của Trung Quốc đã bay bên trên quần đảo Trường Sa vào cuối tuần qua, nhằm một lần nữa biểu dương lực lượng ở vùng Biển Đông. Đây là phi vụ thứ hai của một oanh tạc cơ Trung Quốc trên vùng Biển Đông trong năm nay, sau phi vụ đầu tiên vào đúng ngày đầu năm.

Thanh Phương

*************************

Ngoại trưởng Mỹ được đề cử : Trung Quốc phải ngưng ngay việc bồi đắp đảo ở Biển Đông (RFA, 12/01/2017)

batngo8

Ông Rex Tillerson điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ hôm 11/01/2017. AFP

Nhân vật được Tổng thống đắc cử Donald Trump chọn giữ chức vụ Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Rex Tillerson, hôm qua 11/01 phát biểu trong phiên điều trần về việc bổ nhiệm tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện rằng hoạt động bồi lắp đảo nhân tạo rồi bố trí khí tài trên đó của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp, tương tự như vụ Nga chiếm bán đảo Crimea của Ukraine.

Khi được hỏi liệu bản thân có ủng hộ đường lối cứng rắn hơn đối với Trung Quốc hay không ? thì ông Rex Tillerson trả lời là sẽ phải nhắn gửi đến Trung Quốc một tín hiệu rõ ràng hơn : đó là trước tiên Trung Quốc phải ngưng ngay việc bồi đắp đảo, thứ đến là việc tiếp cận đến những đảo nhân tạo đó cũng không được phép.

Tuy nhiên ông Rex Tillerson không nói rõ chi tiết về biện pháp nào sẽ thực hiện nhằm chặn Trung Quốc tại những đảo nhân tạo được dựng nên ở Biển Đông như thế.

Hãng thông tấn Reuters loan tin như vừa nêu và cho biết cả đội ngũ nhận chuyển giao của Tổng thổng đắc cử Donald Trump cũng chưa có trả lời ngay về những biện pháp cụ thể chặn Trung Quốc tại những đảo nhân tạo bồi đắp lên ở Biển Đông.

Bắc Kinh dịu giọng

Phản ứng trước các tuyên bố cứng rắn của nhân vật được đề cử nắm chức Ngoại trưởng Mỹ nhiệm kỳ tới, chính phủ Bắc Kinh hôm nay không tỏ ra gay gắt như thường lệ.

Phát ngôn nhân Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng cho rằng căng thẳng tại tuyến đường hàng hải có tầm chiến lược quan trọng qua Biển Đông đã giảm bớt và những quốc gia bên ngoài cần hỗ trợ nỗ lực hướng đến ổn định tại đó.

Ông Lục Khảng nhắc lại mối quan hệ Mỹ- Trung được dựa trên căn bản không đối đầu, không xung khắc, hợp tác đôi bên cùng có lợi. Hai phía cần tôn trọng lẫn nhau.

Giới ngoại giao Trung Quốc lên tiếng cho rằng họ không quá lo lắng về những lời lẽ mạnh mẽ của tổng thống đắc cử Donald Trump cũng như những nhân vật được chọn vào tân chính phủ Hoa Kỳ. Trung Quốc sẽ không thay đổi phương pháp căn bản tích cực tiếp cận trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Việt Nam cẩn trọng

Cũng liên quan đến tuyên bố cứng rắn của ông Rex Tillerson về các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam hôm nay đưa ra các phát biểu như thường lệ.

Phát ngôn nhân Lê Hải Bình của Bộ Ngoại giao Việt Nam khi được báo giới hỏi về những lời lẽ cứng rắn của ông Rex Tillerson như vừa nêu đối với Trung Quốc tại Biển Đông, ông Bình cho rằng "các bên liên quan và các bên trong, ngoài khu vực đều phải có trách nhiệm đóng góp mang tính xây dựng vào mục tiêu chung cũng như đảm bảo lợi ích chung".

**********************

Ông Trump, Tillerson nói về Biển Đông, Việt Nam sẽ là điểm nóng ? (VOA, 12/01/2017)

batngo9

Tổng thống đắc cử Donald Trump, trái, và Ngoại trưởng đề cử Rex Tillerson.

Tranh chấp Biển Đông đã được đề cập đến trong những phát biểu của hai nhân vật hàng đầu trong chính phủ sắp tới của Mỹ.

Hôm 11/1, trong cuộc họp báo đầu tiên với tư cách là tổng thống đắc cử, ông Donald Trump vài lần nhắc đến Trung Quốc về vấn đề thương mại và tấn công trên mạng. Ông nói Mỹ đã chịu thua thiệt hàng trăm tỷ đôla mỗi năm về thương mại và mất cân đối thương mại với Trung Quốc. Bên cạnh đó, ông nói Trung Quốc đã xâm nhập trên mạng vào 22 triệu tài khoản ở Mỹ.

Người sẽ trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ vào tuần sau cũng nói đến Biển Đông một cách ngắn gọn khi cho rằng nước Mỹ đã bị một số nước chơi xấu.

Ông Trump nói : "Nga và các nước khác, trong đó có Trung Quốc là nước đã hoàn toàn lợi dụng chúng ta về mặt kinh tế, hoàn toàn lợi dụng chúng ta ở Biển Đông bằng cách xây pháo đài lớn của họ".

Ông cho rằng với nội các mới là những người thông minh và thành công, nước Mỹ sẽ có những thỏa thuận tốt hơn và sẽ được tôn trọng hơn : "Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Mexico, tất cả các nước sẽ tôn trọng chúng ta hơn, hơn nhiều so với các chính quyền trước đây".

Cũng trong ngày 11/1, đã diễn ra phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện về phê chuẩn chức vụ ngoại trưởng Mỹ. Ông Rex Tillerson, ngoại trưởng đề cử, nói Trung Quốc phải bị chặn đường tiếp cận các đảo nhân tạo mà họ xây lên ở Biển Đông có tranh chấp. Ông so sánh hoạt động của Trung Quốc với hành động của Nga đoạt lấy Crimea.

Khi được hỏi liệu ông có ủng hộ một tư thế mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc, ông Tillerson trả lời : "Chúng ta sẽ phải gửi tới Trung Quốc một tín hiệu rõ ràng rằng trước hết, việc xây đảo phải dừng lại, và thứ nhì là việc quý vị tiếp cận các đảo đó sẽ không được cho phép".

Vị cựu chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành của hãng Exxon Mobil không nói cụ thể có thể là gì để chặn việc Trung Quốc tiếp cận các đảo mà họ đã xây kiên cố cũng như đã trang bị vũ khí, đường băng ở Biển Đông.

Các nhà quan sát cho rằng phát biểu của ông Tillerson sẽ làm Bắc Kinh tức giận và mở đường cho khả năng xảy ra đối đầu nghiêm trọng với Bắc Kinh.

Luật sư Vũ Đức Khanh ở Canada, nhà nghiên cứu về chính trị Việt Nam và quan hệ quốc tế, nhận định với VOA rằng chính quyền tới đây của ông Trump sẽ tiếp tục thúc đẩy chính sách xoay trục sang châu Á và có thể làm cho Việt Nam trở thành một điểm nóng. Ông nói :

"Có nhiều chỉ dấu là ông Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục cái chiến lược đó nhưng có thể là với một cái tên khác. Đồng thời cái giai đoạn mà ông Donald Trump lên sẽ là cái giai đoạn tăng tốc trong một chiến lược 4 năm. Tổng thống Obama đã nói trước đây tới năm 2020 sẽ đưa 60% khí tài cũng như lực lượng quân đội của Mỹ sang khu vực Á châu Thái Bình Dương. Tôi thấy rằng tiến trình đó sẽ được tăng tốc rất là nhanh. Có thể là trong vòng 2 năm đầu của nhiệm kỳ, tức là 2017, 2018 là có thể đã thực hiện được vấn đề đó. Cục diện của tình hình với chính sách đối đầu về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời chiến lược của Hoa Kỳ là tăng sự hiện diện của mình trong khu vực, điều đó cho thấy rằng Việt Nam sẽ là một điểm nóng trong thời gian sắp tới".

Một nhà nghiên cứu khác, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế ở Hà Nội, nói với VOA rằng cả Tổng thống đắc cử Trump lẫn Ngoại trưởng đề cử Tillerson đều "nắm rất chắc" những vấn đề liên quan đến Việt Nam, khu vực và Biển Đông. Ông Trường tin tưởng họ sẽ "kế thừa, phát triển và đảm bảo những lợi ích của nước Mỹ, trong đó có quan hệ với Việt Nam".

An Tôn

Quay lại trang chủ
Read 786 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)