Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

23/02/2023

Điểm báo Pháp - Cuộc đua công nghệ drone

RFI tiếng Việt

Cuộc đua công nghệ drone giữa Nga và Ukraine

Về chiến tranh Ukraine, Libération quan tâm đến drone, mà tờ báo xem là một yếu tố chính trong cuộc xung đột, đặc biệt là đối với phía Kiev. Libération nhận định, dù khó có được số liệu chính xác do tính chất tuyên truyền thông tin của cả Nga và Ukraine, nhưng rõ ràng là quân đội hai nước này hiện giờ được trang bị tốt nhất thế giới về drone, từ thiết bị bay cực nhỏ chỉ nặng vài chục gram, cho đến những máy bay không người lái nặng nửa tấn có thể chở theo bom.

drone0

Bayraktar TB2 là máy bay không người lái chiến đấu ở độ cao hành trình trung bình và độ bền dài (MALE) do công ty Baykar của Thổ Nhĩ Kỳ phát triển. (Nina Liashonok/Ukrinform/SIPA)

Máy bay quân sự không người lái đầu tiên đã bay ở Pháp vào năm 1918, nhưng việc sử dụng drone mới trở nên phổ biến ở các vùng có xung đột từ khoảng 20 năm trở lại đây. Chi phí thấp cộng với việc sử dụng tương đối dễ là những lý do khiến drone trở nên phổ biến tại các vùng chiến sự ở Ukraine, có thể chỉ là để thu hình ảnh và đăng lên mạng xã hội, nhưng trên hết là để thay thế trực thăng trinh sát và phi cơ hạng nhẹ, vận chuyển đạn dược và thiết bị mà không gây nguy hiểm đến tính mạng của phi công, thậm chí là làm mồi nhử và tấn công, làm suy yếu hệ thống phòng không của địch.

Sau những bất ngờ ban đầu, quân đội hai nước đã thích nghi với cả những điểm mạnh và điểm yếu của công nghệ drone, loại thiết bị dễ hỏng và phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống định vị GPS. Và Libération nhận định cuộc đua công nghệ mới chỉ bắt đầu. Để bù đắp cho sự yếu kém trong nước, Moskva đang đàm phán với Tehran để chế tạo ngay tại Nga drone giám sát và tấn công. Còn Kiev đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy chế tạo drone Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ ngay trên lãnh thổ Ukraine trong vòng 2 năm.

Thế giới và cái nhìn trái ngược nhau về chiến tranh Ukraine

Bên cạnh "cuộc đối đầu Putin - Biden", "nỗi sợ hãi về một sự leo thang căng thẳng giữa Biden và Putin", "một cuộc chiến tranh, hai cách nhìn về thế giới", Le Monde hôm nay vẫn dành phần lớn các bài viết cho chiến tranh Ukraine, dưới nhiều góc độ, từ các nạn nhân ở cả hai phía trong chiến tranh, đến tác động của cuộc chiến đối với khủng hoảng lương thực toàn cầu…

Trên trang nhất, Le Monde chạy tựa "Công luận thế giới về cuộc chiến" và cho biết những nét chính : Một năm sau khi Nga xâm lược Ukraine, dù lối thoát cho cuộc chiến vẫn chưa có, nhưng công luận phương Tây luôn ủng hộ Kiev, với những sắc thái riêng tùy theo các nước. Moskva vẫn là đối thủ của Mỹ, nhưng lại là đối tác của Trung Quốc.

Nhìn rộng ra toàn thế giới, Le Monde, trong bài viết "Hai cách nhìn trái ngược nhau của người dân trên thế giới về chiến tranh Ukraine", cho biết, theo một cuộc thăm dò mà Hội đồng Quan hệ Quốc tế Châu Âu thực hiện tại 15 nước, gồm 9 nước thành viên Liên Âu, Anh Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Nga, đang có một hố sâu ngăn cách công luận các nước Tây phương và những cường quốc khác ngoài Tây phương về một trật tự quốc tế mới, hình ảnh của nước Nga, cũng như về sự ủng hộ dành cho Ukraine.

Sự đối lập trước hết nằm ở cái nhìn về việc chấm dứt cuộc xung đột. Các nước phương Tây, đoàn kết bảo vệ Ukraine, thì ủng hộ việc Kiev giành lại toàn bộ lãnh thổ Ukraine, cho dù phải kéo dài cuộc xung đột và khiến số nạn nhân gia tăng. Trong khi đó, người dân của một số cường quốc khác lại cho rằng chiến tranh nên kết thúc càng sớm càng tốt, kể cả nếu Ukraine phải nhượng một phần lãnh thổ cho Nga.

Tương tự, trong bối cảnh chiến tranh, cái nhìn về nước Nga cũng thay đổi đáng kể giữa Tây phương và các nước khác. Anh Quốc (77%), Mỹ (71%), Liên Âu (65%) xem Moskva là "đối phương" hay "đối thủ" cần cạnh tranh. Trái lại, 51% người dân Ấn Độ xem Nga là một "đồng minh" "chia sẻ các lợi ích và giá trị" với New Delhi. 44% người dân Trung Quốc và 55% người dân Thổ Nhĩ Kỳ lại xem Moskva là "một đối tác cần thiết" và nên "hợp tác vì các lý do chiến lược".

Các lý do khiến phương Tây ủng hộ Ukraine cũng không có sự đồng nhất. 40% dân Trung Quốc và 27% dân Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Châu Âu lấy cớ để bảo vệ "thế thống trị của phương Tây". Người dân ở phương Tây (45% số người được hỏi là người dân Liên Âu) lại nói rằng đó là để "bảo vệ an ninh của chính họ". Chỉ 15% người Châu Âu tin rằng sự ủng hộ của phương Tây là một phương tiện để "bảo vệ nền dân chủ Ukraine".

Cuộc khảo sát cũng chỉ ra sự khác biệt trong đánh giá giữa phương Tây và khối ngoài phương Tây về bản chất của trật tự thế giới mới do xung đột. Một điểm chung là tất cả đều cho rằng Hoa Kỳ sẽ không còn là cường quốc duy nhất thống trị thế giới. Các nước phương Tây đều dự đoán sự trở lại của một thế giới lưỡng cực xung quanh hai khối cạnh tranh nhau, đứng đầu là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Các nước như Thổ Nhĩ Kỳ hay Ấn Độ, với những mâu thuẫn trong các liên minh địa chính trị, sẽ phải chọn phe. Các nước ngoài phương Tây mong chờ một mô hình thế giới đa cực, trong đó phương Tây sẽ chỉ là một trong số các cực. Các tác giả của nghiên cứu cũng dự báo sự ra đời của các liên minh mà trong đó "quan hệ đối tác thương mại" không hẳn là "quan hệ đối tác an ninh".

Tội ác chiến tranh nhắm vào nhà báo ở Ukraine

Liên quan đến chiến tranh Ukraine, La Croix hướng sự chú ý tới giới nhà báo Ukraine. Tờ báo ghi nhận cuộc chiến do Nga tiến hành ở Ukraine đã làm đảo lộn các điều kiện hành nghề của giới nhà báo và làm suy yếu nghiêm trọng các cơ quan truyền thông. Nhiều người làm việc trong ngành truyền thông cũng trở thành mục tiêu tấn công.

Marianna Perebenesiuk, người theo dõi tình hình thông tin ở Ukraine cho tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, RSF, xác nhận với La Croix là nhiều phương tiện truyền thông Ukraine đã bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là báo giấy. Nhiều phương tiện truyền thông trực tuyến bị mất quảng cáo. Các phương tiện truyền thông lớn (nhiều phương tiện thuộc về giới tài phiệt), đặc biệt là các phương tiện nghe nhìn, hoạt động tốt hơn.

La Croix đặc biệt lo ngại về số phận của các nhà báo địa phương ở những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tại Ukraine. Phía Nga biết rằng người dân địa phương không tin vào họ mà tin tưởng hơn vào thông tin từ báo chí Ukraine. Do đó, họ tìm mọi cách để gây áp lực buộc các nhà báo địa phương phải đăng tin có lợi cho phía Nga trên Telegram. Các nhà báo Ukraine bị vây dồn, phải sống trong hoang mang, sợ hãi. Các hành vi trấn áp, bắt bớ, dọa hành quyết, bắt làm con tin và tra tấn các nhà báo và thân nhân họ xảy ra thường xuyên.

La Croix cũng cho biết thêm là RSF đã liệt kê 44 cuộc tấn công vào lãnh thổ Ukraine nhắm vào khoảng 100 nhà báo và 11 cơ sở hạ tầng phát thanh - truyền hình. Tám nhà báo đã thiệt mạng và 19 người bị thương. RSFđã đệ lên Tòa án Hình s Quc tế (ICC) và chưởng lý Ukraine 7 đơn kiện về tội ác chiến tranh nhắm vào giới nhà báo.

Căng thẳng leo thang giữa Wagner và quân đội Nga

Liên quan đến chiến tranh Ukraine, Le Figaro hướng cái nhìn sang nước Nga và nói về "những ngôi sao hoen màu" của "tướng quân" Prigozhin, chỉ huy đội lính đánh thuê Wagner. Le Figaro nhận định, Prigozhin đang tham gia hai trận chiến : một ở chiến trường Ukraine, và một cuộc chiến khốc liệt trên mặt trận chính trị, chống lại cả bộ tổng tham mưu và bộ quốc phòng Nga.

Sau nhiều năm chỉ ở hậu trường điện Kremlin, người đàn ông 61 tuổi, với những hành xử tàn bạo, nay ngày nào cũng trở thành tâm điểm của truyền thông. Mới đây nhất, hôm qua Prigozhin ra lời kêu gọi "mỗi người dân Nga", theo khả năng của họ, gây sức ép, yêu cầu quân đội Nga cấp đạn dược cho đội quân Wagner chiến đấu ở mặt trận Ukraine. Đối với Le Figaro, những tuyên bố nói trên của Prigozhin đánh dấu một sự leo thang căng thẳng giữa lực lượng lính đánh thuê Wagner và quân đội Nga, hai đối thủ cạnh tranh trên chiến trường trong những ngày qua đều thông báo có nhiều bước tiến, nhưng thông tin đưa ra nhiều khi mâu thuẫn nhau.

Tuy nhiên, trong trận đấu này, Prigozhin đã phải xác nhận một số thất bại, chẳng hạn như đã phải dừng tuyển quân từ nhà tù. Theo Le Figaro, dường như Vladimir Putin đã can thiệp để đưa Prigozhin trở lại vị trí ban đầu của ông ta, điện Kremlin đã ra chỉ thị để tên của Prigojine không còn được nhắc đến trên các kênh của nhà nước, trong khi hồi tháng 1 Prigozhin có tên trong danh sách 10 nhân vật được truyền thông nói đến nhiều nhất. Nhưng cú đánh nặng nề nhất vào Prigozhin, theo Le Figaro, là việc tướng Valery Guerassimov được Vladimir Putin bổ nhiệm làm chỉ huy chiến dịch quân sự ở Ukraine, thay cho tướng Sergey Surovikin, một đồng minh của Prigozhin.

Trong "bài phát biểu trước quốc dân" hôm thứ Ba, Vladimir Putin không hề nhắc đến tên hoặc ngụ ý nói đến Prigozhin và Wagner. Câu hỏi đặt ra giờ đây là liệu Prigozhin có chịu khuất phục hay không. Đối với giới quan sát, dường như không thể có chuyện vị doanh nhân từng nổi lên nhờ núp bóng Putin lại đối đầu với ông chủ điện Kremlin. Nhưng Prigozhin, được cho là đã kiếm được 250 triệu đô la trong 4 năm, đặc biệt là ở Syria và Châu Phi bất chấp các lệnh trừng phạt của quốc tế, dường như vẫn chưa chịu hạ giọng.

Trung - Nga : Trò chơi thăng bằng giữa địa chính trị và kinh tế

Les Echos hôm nay quan tâm đến việc "Bắc Kinh thông đồng với Moskva" và chơi trò giữ thăng bằng giữa các ưu tiên địa chính trị với điện Kremlin và các ưu tiên kinh tế với Châu Âu. Trong chuyến công du Moskva vào hôm qua và được tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp đón, lãnh đạo ngành ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã lạc quan phát biểu về "một quan hệ đối tác vượt qua những biên giới mới".

Đối với Les Echos, đây là một cuộc gặp "rất bất thường", bởi Vladimir Putin thường chỉ tiếp các nguyên thủ quốc gia hoặc thủ tướng. Thế nhưng, nước Nga hiện đang ở hoàn cảnh rất đặc biệt. Sau bài phát biểu với hàng loạt cáo buộc phương Tây, Vladimir Putin cần phô bày quan hệ tốt đẹp với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và cũng là thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Về phía Trung Quốc, chuyến thăm của Vương Nghị diễn ra trong bối cảnh ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm thứ Bảy đã cảnh báo lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc về việc Bắc Kinh chuyển vũ khí cho Moskva. Les Echos nhận định Trung Quốc hiện khó bày tỏ lập trường, bởi Nga là cường quốc duy nhất mà Bắc Kinh duy trì mối quan hệ đối tác ưu tiên, thế nhưng các mối quan hệ kinh tế của Trung Quốc lại ngả về phương Tây.

Tại thượng đỉnh ở Uzbekistan, Tập Cận Bình cũng đã không che giấu sự khó chịu trước Vladimir Putin vì những nguy cơ bất ổn do chiến tranh. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đã đẩy hầu hết trách nhiệm để xảy ra chiến tranh cho Hoa Kỳ, bỏ phiếu trắng tại các cuộc biểu quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về các nghị quyết lên án Nga. Bắc Kinh cũng không công nhận việc Nước cộng hòa tự xưng ở Donbass tuyên bố độc lập, cũng như việc Nga sáp nhập Donbass của Ukraine.

Quan hệ thương mại giữa Moskva và Bắc Kinh đã được thúc đẩy nhờ việc lách các lệnh cấm vận do phương Tây ban hành. Nga đã xuất khẩu sang Trung Quốc và Ấn Độ khoảng 1/3 lượng dầu vốn dĩ là dành để bán cho Châu Âu. Moskva cũng đã mua từ Bắc Kinh một số mặt hàng công nghiệp mà phương Tây không bán cho Nga nữa. Nhờ đó, giao dịch thương mại song phương đã đạt 185 tỷ đô la vào năm 2022. Nhưng theo Les Echos, như vậy cũng vẫn chưa là gì so với khối lượng giao dịch 800 tỷ đô la giữa Bắc Kinh và Liên Âu, hoặc 660 tỷ đô la giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Nga chỉ là đối tác thương mại thứ 8 của Trung Quốc. Và 6 trong số 7 đối tác chính của Trung Quốc, chẳng hạn Mỹ, Đức, Nhật, Úc, đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Le Figaro, tờ báo thiên hữu, hôm nay quan tâm nhiều tình hình trong nước, như sự chia rẽ trong liên đảng cánh tả NUPES ; cơn chấn động về vụ một học sinh dùng dao đâm giáo viên ở Saint-Jean-de-Luz, miền nam Pháp ; nạn khô hạn kỷ lục trong mùa đông và các nguồn nước ngầm cạn kiệt ở nhiều vùng đe dọa mùa màng. Về quốc phòng, Le Figaro quan tâm đến thông báo của bộ trưởng quân lực Pháp về việc đẩy mạnh sản xuất đạn dược để bổ sung kho dự trữ.

Báo công giáo La Croix hôm nay dành nhiều chỗ, cả trang nhất, bài xã luận và hai trang báo cho đề tài chuyển giới ở trẻ em, thanh thiếu niên. La Croix ghi nhận nhu cầu thay đổi giới tính của thanh thiếu niên ngày càng gia tăng mạnh. Bên cạnh các can thiệp y học, các yêu cầu về chuyển đổi trên giấy tờ hành chính hoặc trong đời sống xã hội (ví dụ như thay tên ở trường học) ngày càng thường xuyên. La Croix trích dẫn các chuyên gia tâm lý là cần thận trọng trước xu hướng này, nên lắng nghe, đồng hành cùng các em để bảo đảm sự cân bằng về tâm lý cho các thanh thiếu niên, đồng thời nên có thời gian suy xét trước khi tiến hành các thay đổi.

Thùy Dương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương
Read 237 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)