Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

16/03/2023

Điểm báo Pháp - Ukraine chuẩn bị thời hậu chiến

Thụy My

Ukraine tự tin chuẩn bị thời hậu chiến, Nga bắt đầu lao đao vì cấm vận

Tình hình Ukraine tiếp tục là đề tài được các báo đề cập nhiều hôm nay. Le Figaro nhận thấy "Tin tưởng vào chiến thắng chung cuộc, người Ukraine đã nghĩ đến thời hậu chiến". Trong khi đó Les Echos ghi nhận biện pháp cấm vận dầu lửa của Châu Âu bắt đầu có tác động rõ rệt lên nền kinh tế Nga.

uk1

Một khu nhà bị phá hủy ở Mariupol, thành phố của Ukraine đang bị Nga kiểm soát. Ảnh chụp ngày16/03/2023 Reuters – Alexander Ermochenko

Không còn sợ, kể cả vũ khí nguyên tử

Họp lại lần thứ hai kể từ đầu cuộc chiến, Diễn đàn Pháp-Ukraine do IFRI và New Europe Center (NEC) của Kiev đồng tổ chức, phía Ukraine đã nhắm đến hai mục tiêu tái thiết và tham gia vào thế giới phương Tây. Le Figaro dẫn lời Aliona Getmanchuk, giám đốc NEC ? tóm tắt quyết tâm của xã hội dân sự Ukraine : "Chúng tôi không còn sợ gì nữa, ngay cả việc Nga dùng đến vũ khí nguyên tử chiến thuật ! Đối với người Ukraine, thà chịu đựng hỏa tiễn Nga còn hơn bị Moskva chiếm đóng".

Người dân càng thêm kiên quyết trước sự chiến đấu anh dũng của những người lính, đã chống cự được những đợt tấn công dữ dội của Nga ở Bakhmut. Nay họ chờ đợi chi viện của phương Tây để tung ra những đợt phản công lớn. Một số xe tăng đã được đưa đến, các phi công Ukraine được huấn luyện tại nhiều nước phương Tây. Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu (EU) vẫn hỗ trợ mạnh mẽ.

Về đạn dược, Les Echos cho biết Châu Âu đang chuẩn bị một kế hoạch khẩn cấp để giúp Ukraine. Kiev đề nghị cung cấp 250.000 quả đạn một tháng, nhưng con số này cao gấp đôi so với năng lực của EU. Nhà sản xuất hàng đầu EU là tập đoàn Đức Rheinmetall khẳng định có thể xuất xưởng từ 450.000 đến 600.000 quả một năm nếu có hợp đồng, tập đoàn thứ nhì là Nexter của Pháp không thể vượt được con số 40.000 đạn pháo cỡ lớn/năm vì lâu nay chỉ tập trung xuất khẩu. EU dự định huy động khoảng 15 công ty ở 11 nước sản xuất thêm đạn pháo với khoản trợ cấp một tỉ euro.

100% dân Ukraine tin cậy quân đội và chính phủ

Ý hướng thương thảo của một số nước Châu Âu không còn nữa, trước sự ngoan cố của Moskva và nỗi lo một nền hòa bình được thương lượng sẽ không kéo dài, dẫn đến chiến tranh lan rộng tại châu lục. Có người còn không tin vào khả năng đàm phán với Nga khi chiến tranh kết thúc. Nhà nghiên cứu Pierre Haroche, đại học Queen Mary ở Luân Đôn, lý luận : "Nhiều cuộc chiến kết thúc mà không qua đàm phán, Hoa Kỳ và Liên Xô đã giải quyết những bất đồng sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt".

Hơn nữa, quân đội, chính quyền và nhân dân Ukraine vô cùng đoàn kết trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Cả 100% dân Ukraine hiện nay tin tưởng vào lực lượng vũ trang và các định chế nhà nước, đối với họ, Nga đã bại trận. Hanna Hopko, người sáng lập tổ chức phi chính phủ Centre international khẳng định : "Cho dù ngày mai Nga chiếm được Bakhmut, 95% dân Ukraine vẫn tin vào chiến thắng".

Nếu vào đầu cuộc xâm lăng, tổng thống Volodymyr Zelensky tạm gác lại vấn đề Crimea thì từ nhiều tháng qua Kiev đặt mục tiêu tái chiếm bán đảo. Yehor Cherniev, phó chủ tịch ủy ban quốc phòng của Quốc hội Ukraine, nhấn mạnh : "Kịch bản duy nhất là thu hồi lại tất cả những vùng đất bị chiếm". Các nhà lãnh đạo Ukraine và xã hội dân sự vẫn luôn hướng về NATO. Theo Cherniev, Liên minh sẽ có lợi khi có thêm một quân đội hiệu quả, đầy kinh nghiệm chiến trường và được huấn luyện theo các tiêu chuẩn của NATO.

Thảm họa môi trường từ cuộc chiến

Theo Le Figaro "Cuộc xâm lăng còn gây thảm họa môi trường cho Ukraine". Có thể kể một số vụ : Tháng 9/2022, tám hỏa tiễn Nga đã phá hủy đập thủy điện Kryvyi Rih ở miền trung làm hơn 100 ngôi nhà bị ngập lụt. Tháng 11/2022, quân Nga đặt chất nổ phá đập Kakhovka khổng lồ ở miền nam. Hơn một triệu dân vùng Zaporijia sắp tới có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt. Về lâu về dài, nông nghiệp sẽ Ukraine bị ảnh hưởng nặng nề vì 200.000 hecta hướng dương, ngũ cốc, rau quả không còn nước tưới.

Tuy chỉ bằng 6% diện tích Châu Âu, nhưng Ukraine chiếm đến 35% đa dạng sinh học. Những trận đánh khiến nhiều con thú bị chết hoặc phải chạy trốn khỏi khu vực sinh sống. Hàng ngàn con cá heo ở Hắc Hải và vùng duyên hải Ukraine bị chết vì mìn hay ô nhiễm âm thanh từ radar tàu ngầm.

Nhiều vùng nông nghiệp và khu bảo tồn rộng lớn nay đầy mìn và hố bom, muốn khử kim loại nặng trong đất phải mất mấy chục năm nữa. Rừng bị cháy vì bom đạn, hóa chất để chữa lửa ngấm vào nước ngầm. Ngay cả vùng tương đối yên bình nhất là Lviv, ammoniac trong nước sông cao gấp 165 lần so với bình thường. Chính phủ Kiev ước tính thiệt hại môi trường do cuộc xâm lăng lên đến 43 tỉ euro, và muốn Moskva phải bồi thường sau chiến tranh.

Lính Ukraine học điều khiển Leopard : hai năm rút còn 6 tuần

Về quân sự, La Croix cho biết thêm "Tại Đức, quân nhân Ukraine được huấn luyện sử dụng xe tăng Leopard". Những người lính đầu tiên đã kết thúc khóa học tại căn cứ Basse-Saxe (Neddersassen) sắp sửa có mặt trên chiến trường, điều khiển những chiến xa Leopard 2A6 do Đức chuyển giao. Tướng Đức Björn Schulz nhận xét : những quân nhân này vô cùng hăng hái, nắm vững được kiến thức kỹ thuật cũng như cách sử dụng.

Chương trình huấn luyện hết sức dày đặc, từ hai năm rút lại chỉ còn sáu tuần, nên chỉ tập trung vào những vấn đề cơ bản. Họ làm việc suốt bảy ngày trong tuần, từ 8 đến 20 giờ, mỗi một phút đều quý báu. Có những buổi huấn luyện thâu đêm, vì một trong những đặc điểm của Leopard hai là có thể bắn được trong đêm tối.

Bên cạnh bất đồng ngôn ngữ, một số người lính Ukraine phải bắt đầu từ số không vì chưa bao giờ điều khiển xe tăng, trong khi chiến xa này phức tạp hơn nhiều so với các loại xe tăng Liên Xô. Phó đô đốc Hervé Bléjean, điều phối viên của chương trình ở Bruxelles, nhận định những xe tăng này sẽ là yếu tố chính trong các cuộc phản công sắp tới của Ukraine để chọc thủng những phòng tuyến, nhất là có thể vừa chạy vừa bắn.

Răn đe nhưng tránh leo thang : Cả một nghệ thuật !

Về sự cố mới đây giữa drone Mỹ với máy bay Nga, Le Figaro đặt vấn đề, phương Tây làm thế nào làm chủ được tình hình, tránh leo thang trong cuộc chiến tranh ở Ukraine ? Tháng 9/2022, một tiêm kích Su 27 của Nga đã bắn một hỏa tiễn sát bên một phi cơ thám sát của Anh, được cho là sự cố kỹ thuật. Tháng 11, một hỏa tiễn Ukraine bay chệch hướng làm hai người chết tại Ba Lan, khiến mọi người đều lo ngại trong vài tiếng đồng hồ. Đến hôm thứ Ba, căng thẳng đã tăng lên một cấp độ mới khi một chiếc máy bay không người lái Reaper MQ 9 của Mỹ bị rơi do hai phi cơ Nga ngăn chặn phía trên Hắc Hải, cách Sevastopol khoảng 40 hải lý.

Hoa Kỳ vẫn thường xuyên thu thập thông tin cho Ukraine, Nga trả đũa bằng cách dọa nạt. Đôi bên đều không muốn tỏ ra yếu kém. Một nhà phân tích nhận xét, Moskva muốn tỏ ra thoải mái trước việc leo thang, nhưng Washington cũng thế. Khi khai mạc cuộc họp của nhóm tiếp xúc về Ukraine hôm qua, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cảnh báo : "Không nên phạm sai lầm, Hoa Kỳ tiếp tục hoạt động ở tất cả những nơi luật pháp quốc tế cho phép". Tuy nhiên, Nhà Trắng cũng cố xoa dịu bằng cách quy trách nhiệm cá nhân của phi công thay vì bộ tham mưu của đối thủ. Còn Nga phía sau những lời đả kích cũng tránh khiêu khích.

Từ đầu cuộc xâm lăng, phương Tây luôn lo ngại xung đột bị mở rộng. Quân đội Nga cũng ý thức rằng không thể đương đầu với NATO trong một cuộc chiến tranh quy ước. Tuy nhiên theo Le Figaro, các bên vẫn có thể được lợi khi lên gân. Nước Nga của Vladimir Putin cần thuyết phục rằng mình là nạn nhân của tham vọng Hoa Kỳ và Châu Âu, Ukraine mong được tăng cường ủng hộ. Còn phương Tây cần tác động mạnh vào cuộc chiến để giúp Kiev chiến thắng, buộc Nga phải chấp nhận thất bại. Chủ động được tình hình không có nghĩa là tránh leo thang, mà biết chấp nhận những rủi ro để răn đe kẻ địch.

Nga hung hăng vì coi Hắc Hải là ao nhà

Trả lời Le Figaro về vụ drone của Mỹ bị hạ trên Hắc Hải, tướng Không quân Pháp Patrick Charaix từng là phi công tiêm kích nhận thấy "sự hung hăng của Nga là rất rõ". Ông cho biết trên không phận quốc tế, bắt đầu từ 22 kilomet phía trên biên giới mỗi nước, Không quân có quyền ngăn chặn một vật thể bay.

Cụ thể là tìm hiểu bằng cách bay gần vật thể này, chụp ảnh rồi lại bay đi, chứ không nhất thiết phải buộc hạ cánh hoặc chuyển hướng, đe dọa hủy diệt lại càng không. Thường thì phi công quân đội có thể bay gần 50 mét để chụp hình, và chất vấn qua radio. Nhưng đối với các drone, chưa có quy định quốc tế. Quân đội Mỹ hôm nay công bố những hình ảnh cho thấy một tiêm kích Nga thẳng thừng xả nhiên liệu vào chiếc Reaper, và sau hai lần bay rà sát, một cánh của drone bị hư hại.

Vụ vừa rồi cần được đặt trong bối cảnh Nga cảm thấy Hắc Hải là ao nhà của mình và muốn chứng tỏ uy quyền. Hơn nữa Nga vốn hung hăng, cũng như Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ chiếc Sukhoi Nga bị bắn hạ trước đây. Sự nhạy cảm càng tăng trên bình diện địa chính trị. Tại Biển Đông, phương Tây vẫn thường xuyên bay qua và Trung Quốc luôn tìm cách ngăn chặn để thị uy.

Cấm vận dầu lửa bắt đầu tác động lên kinh tế Nga

Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos nhận thấy "Cấm vận dầu lửa Nga của Châu Âu bắt đầu chứng tỏ hiệu quả", xuất khẩu dầu của Nga giảm mất nửa triệu thùng một ngày. Số dầu lửa không bán được cho Châu Âu, nay Ấn Độ và Trung Quốc tiêu thụ đến 70%. Tuy hai nước này lợi dụng để mua rẻ, nhưng theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (AIE), tỉ trọng dầu lửa Nga quá lớn có thể gây mất cân bằng. Nga tìm được khách hàng mới nhưng phải đại hạ giá, khiến thu nhập giảm mất 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài việc bị Châu Âu cấm vận ; quyết định của EU, G7 và Na Uy đặt mức trần 60 đô la cho một thùng dầu thô Nga, đã làm thặng dư thương mại Nga trong hai tháng đầu năm nay bị sụt gấp ba lần.

Các nhà kinh tế cho rằng ngoại thương sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng của Nga trong năm nay. Dự kiến GDP nước Nga giảm 2% trong năm 2023 và trì trệ vào năm tới. Theo Agathe Demarais của Economist Intelligence Unit, "Đến năm 2027, GDP Nga mới có thể trở lại mức trước chiến tranh, cho thấy khủng hoảng kinh tế sâu sắc đến chừng nào". Tuy kinh tế Nga không bị sụp đổ như phương Tây cách đây một năm đã hy vọng, nhưng những biện pháp trừng phạt đã để lại những vết thẹo hằn sâu.

SVB, vụ phá sản lịch sử thời kỹ thuật số

Về vụ ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) phá sản, Les Echos lấy làm tiếc : "SVB : Khi một ngân hàng bị chết trong lúc vẫn khỏe mạnh". Đó là cả một nghịch lý, vì cuộc khủng hoảng này không giống như hồi năm 2008. Hơn nữa, không có sự gian lận nào ở đây, dù không loại trừ khả năng cuộc điều tra có thể phát hiện được vài điều. Sai lầm của SVB là không đa dạng hóa đầu tư, dùng tiền gởi của khách hàng để mua hàng loạt trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm vốn chắc chắn, không phải là cổ phiếu "rác". Khi ngân hàng trung ương tăng lãi suất, trái phiếu rớt giá, khách hàng ồ ạt rút tiền. SVB bị chìm ngập trước 42 tỉ đô la bị rút trong vòng một ngày, một kỷ lục lịch sử.

Đó là do đặc điểm khách hàng của SVB thuộc giới start-up. Thông tin lan truyền nhanh chóng trên Twitter, WhatsApp, Slack, Reddit… gây hoảng loạn, nhưng không có những hình ảnh hàng người dài dằng dặc trước ngân hàng như thường lệ. Chỉ cần một cú "swipe", lướt ngón tay trên màn hình smartphone để chuyển tiền sang nơi khác. Les Echos gọi đây là vụ "swipe-crash" đầu tiên của kỷ nguyên mạng xã hội và ngân hàng trên mạng. Le Monde rút ra hai bài học : lỗ hổng trong giám sát những ngân hàng có tích sản dưới ngưỡng 250 tỉ đô la, và tác động của việc tăng lãi suất chưa được đo lường hết.

Honduras bỏ rơi Đài Loan trước vòng công du Châu Mỹ của Thái Anh Văn

Nhìn sang Châu Á, La Croix  Les Echos cùng chú ý đến sự kiện "Honduras bỏ rơi Đài Loan để quay sang Trung Quốc", khiến "Đài Loan ngày càng bị cô lập về ngoại giao". Như vậy chỉ còn 13/193 nước thành viên Liên Hiệp Quốc công nhận Đài Loan. Trong số đó có Vatican, một nước Châu Phi duy nhất, ba nước Trung và Nam Mỹ, tám nước Châu Đại dương và vùng vịnh Carribean, tóm lại không phải là những quốc gia có ảnh hưởng lớn về kinh tế và ngoại giao. Khi Bắc Kinh hất cẳng Đài Bắc ra khỏi chiếc ghế Liên Hiệp Quốc năm 1971, vẫn còn 68 nước công nhận Đài Loan.

Chiến lược "ngoại giao chi phiếu" tiếp tục tỏ ra hiệu quả. Hôm 02/02, Trung Quốc bắt đầu thương lượng về việc xây dựng một đập thủy điện, và trước đó Bắc Kinh đã tài trợ 300 triệu đô la cho một đập khác ở Honduras, khánh thành năm 2021. Sự phản bội của Honduras là một đòn nặng cho tổng thống Đài Loan. Bà Thái Anh Văn dự định đi thăm Trung Mỹ và Châu Mỹ la-tinh tháng Tư tới, vòng công du này gồm cả việc gặp gỡ chủ tịch Hạ Viện Mỹ tại Kevin McCarthy, mà chưa chi ngoại trưởng Tần Cương đã lên tiếng đe dọa.

Cải cách hưu trí, khủng hoảng tài chánh : Tựa chính báo Pháp

Hồ sơ cải cách chế độ hưu trí tại Pháp bước vào giai đoạn quyết định hôm nay. La Croix chạy tít "Cải cách, bằng mọi giá", "Hưu trí, giờ của sự thật", tựa của Libération. Le Figaro ghi nhận chính phủ đứng trước thế lưỡng nan phải vận dụng Điều 49.3 của Hiến pháp để thông qua cải cách hưu trí mà không cần bỏ phiếu.

Trong bài xã luận, nhật báo cánh hữu cho rằng "Cần biết hoàn tất một cuộc cải cách". Số người biểu tình ngày càng giảm, phe cực tả đã vận dụng mọi cách để khích động phong trào, và đã đến lúc phải kết thúc bằng cách chọn lựa con đường an toàn nhất. Trên trang Ý kiến, ông Jean-Éric Schoettl, cựu tổng thư ký Hội Đồng Bảo Hiến, tố cáo cách thức của những người chống đối cải cách hưu trí là một kiểu "đảo chánh thường xuyên". Ngược lại, nhật báo thiên tả Libération tố cáo đây là "cải cách hữu khuynh, bất công, gây thiệt hại cho những người dễ tổn thương".

Tựa trang nhất của Le Monde nhấn mạnh, sự thay đổi ý kiến của Đức trong những hồ sơ đã được đồng thuận, gây lo ngại cho Châu Âu. Nhật báo kinh tế Les Echos chạy tít "Thụy Sĩ khiến Châu Âu rơi vào cơn bão tài chánh". Cổ phiếu Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ nhì của nước này, mất giá 30%, chính quyền phải can thiệp sau khi nhiều nước khác yêu cầu. Toàn bộ lĩnh vực ngân hàng Châu Âu chao đảo, sau vụ phá sản của Silicon Valley Bank.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 228 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)