Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

19/03/2023

Kế hoạch của Putin là chiếm Crimea và khống chế Moldova

RFI tổng hợp

Tổng thống Putin bất ngờ thăm cảng Mariupol bị Nga chiếm đóng sau khi ghé Crimea

Trọng Nghĩa, RFI, 19/03/2023

Lần đầu tiên từ ngày khởi động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, tổng thống Nga Vladimir Putin đã bất ngờ đến thăm Mariupol, một thành phố cảng của Ukraine ở vùng Donbass bị đã quân đội Nga chiếm đóng vào tháng 5/2022. Theo truyền thông Nga vào hôm 19/03/2023, chuyến thăm thành phố Ukraine bị chiếm đóng được thực hiện ngay sau khi ông Putin ghé bán đảo Crimea bị Nga sáp nhập từ năm 2014.

tham1

Tổng thống Nga Vladimir Putin và phó thủ tướng Marat Khousnoulline tại nhà hát Marioupol, ngày 19/03/2023. AP

Theo hãng thông tấn Tass của Nga, ông Vladimir Putin đã bay tới Mariupol bằng trực thăng, sau đó tự mình lái xe tham quan thành phố. Ông đã nói chuyện với người dân địa phương, đến thăm nhiều địa điểm và được báo cáo về công cuộc tái thiết thành phố đã bị tàn phá nặng nề vào năm ngoái.

Chuyến thị sát Mariupol, vùng đất của Ukraine mới bị Nga sáp nhập, diễn ra ngay sau khi ông Putin cũng bất ngờ ghé thăm bán đảo Crimea vào hôm qua, một vùng lãnh thổ của Ukraine đã bị Nga chiếm đóng từ năm 2014, nhân dịp kỷ niệm 9 năm ngày Nga sáp nhập Crimea.

Theo thông tín viên RFI Julian Colling tại Moskva, động thái đi thăm Crimea của tổng thống Nga quả là một cử chỉ nhạo báng hướng về phương Tây, vào lúc ông vừa bị Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành lệnh truy nã về các tội ác chiến tranh ở Ukraine :

"Chuyến thăm này có thể được hiểu là một cử chỉ ủng hộ mạnh mẽ đối với bán đảo bị sáp nhập. Thật vậy, là người đã thực hiện liên tiếp nhiều chuyến công du trong những tuần lễ gần đây, sự kiện tổng thống Nga đích thân đến Crimea diễn ra vào lúc bán đảo này ngày càng trở thành một vấn đề sống còn đối với Điện Kremlin.

Lý do là tại Kiev, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp tục hứa với người dân của ông mình về việc chiếm lại toàn bộ bán đảo Crimea. Trong những tháng gần đây, nhiều sự cố an ninh khác nhau đã khuấy động bề ngoài yên tĩnh của nơi này, trong đó có các vụ tấn công bằng drone và nhiều vụ nổ khác nhau gần các địa điểm chiến lược. Nổi bật nhất là cuộc tấn công phá hoại nhắm vào cầu Kerch ở Crimea.

Trong một cuộc họp về sự phát triển kinh tế của vùng Crimea hôm thứ Sáu vừa qua, Vladimir Putin đã hứa làm mọi việc để "loại bỏ mọi mối đe dọa".

Cần nhớ rằng, cho đến nay, Moskva đã bơm hàng tỷ euro vào bán đảo vốn đã trở thành ưu tiên hàng đầu trước sự bất mãn của nhiều vùng khác của Nga. Putin cũng gọi "sự thống nhất" của Crimea với nước Nga là một "lựa chọn lịch sử".

Vào hôm qua, thứ Bảy, theo các hình ảnh được chính quyền công bố, ông Putin đã tự lái xe đến Crimea, điều đã khiến thống đốc vùng này thốt lên rằng ông Putin là một "lãnh đạo đáng kinh ngạc, người biết cách gây bất ngờ".

Sau đó, hai người đã cùng nhau đến thăm một trung tâm văn hóa mới ở Sevastopol, trước khi rời đi - trên một chiếc xe nước ngoài, cụ thể là một chiếc xe Nhật Bản - điều mà các kênh thông tin độc lập của Nga đã không quên ghi nhận một cách mỉa mai".

Các chuyến thăm của tổng thống Putin diễn ra vào lúc lực lượng Nga tiếp tục các cuộc tấn công vào Ukraine. Theo quân đội Ukraine, khu vực Lviv ở miền tây, lại bị drone do Iran sản xuất tấn công. Trong lúc đó, theo hãng tin Anh Reuters, lực lượng lính đánh thuê Wagner của Nga đã lên kế hoạch tuyển mộ khoảng 30.000 chiến binh mới vào giữa tháng 5 tới đây.

Trọng Nghĩa

*************************

Sau 9 năm Crimea bị Nga sáp nhập, Ukraine quyết tâm giành lại bán đảo này

Chi Phương, RFI, 18/03/2023

Cách nay 9 năm, ngày 18/03/2014, tổng thống Vladimir Putin đã ký thoả thuận sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào Nga sau một cuộc trưng cầu dân ý bị cho là "giả tạo". Vấn đề Crimea nổi lên kể từ khi Nga tiến hành xâm lược Ukraine và vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của Ukraine. Mong muốn của Kiev giành lại bán đảo Crimea đã khiến phương Tây bối rối.

ambition1

Lễ kỷ niệm bán đảo Crimea 9 năm bị sáp nhập vào Nga, Crimea, ngày 17/03/2023. AP

"Qua việc giành lại bán đảo Crimea, chúng ta sẽ lập lại hòa bình. Đó là lãnh thổ của chúng ta, dân tộc chúng ta, lịch sử của chúng ta", Volodymyr Zelensky đã viết như vậy trên Twitter vào tháng trước. Tổng thống Ukraine thường xuyên tuyên bố rằng Ukraine sẽ giành lại kiểm soát bán đảo bị sáp nhập này. Kể từ khi Nga rút quân khỏi Kherson và khu vực hữu ngạn sông Dniepr, viễn cảnh này có vẻ như không còn khó thực hiện so với hồi đầu cuộc tấn công của Nga.

Các lãnh đạo phương Tây vẫn luôn công khai khẳng định rằng Crimea thuộc về Ukraine, nhưng trên thực tế đối với họ, bán đảo này có vẻ như là một trường hợp đặc biệt. Tuy không nói ra, nhưng nhiều quan chức tin rằng Ukraine không đủ khả năng giành lại toàn bộ lãnh thổ của mình bằng vũ lực. Paris cũng như Luân Đôn hay Berlin đều nhấn mạnh rằng phương Tây chỉ có thể hỗ trợ nỗ lực chiến tranh trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên, cũng có lo ngại về việc Nga sẽ phản ứng dữ dội hơn hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân, dobán đảo Crimea có giá trị biểu tượng và chính trị rất quan trọng đối với Vladimir Putin.  

Những nước ủng hộ Ukraine không khuyến khích nước này giành lại Crimea nhưng không công khai nói điều này. Về mặt chính thức họ để cho Kiev tự quyết định về nhịp độ của cuộc chiến.

Chi Phương

**********************

Putin đã có kế hoạch kiểm soát Moldova ngay cả trước khi xâm lược Ukraine

Thanh Phương, RFI, 18/03/2023

Theo tuần báo Pháp L’Express hôm 17/03/2023, một tổ hợp truyền thông quốc tế cách đây vài ngày vừa tiết lộ là ngay cả trước khi phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, tổng thống Nga Vladimir Putin đã dự trù một kế hoạch nhằm kiểm soát Moldova, cũng là một nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.

ambition2

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp trực tuyến với tổng thống Moldova Igor Dodon, Sochi, Nga, ngày 28/09/2020. AP - Alexei Druzhinin

Tổ hợp truyền thông nói trên, trong đó có một truyền thông đối lập Nga và một nhật báo Ukraine, đã đưa ra tiết lộ nói trên hôm 13/03, dựa trên một tài liệu trình bày chi tiết tham vọng đế quốc của Putin. Kế hoạch này dường như được soạn thảo vào năm 2021, với mục tiêu sẽ đặt Moldova dưới ảnh hưởng của Nga trước năm 2030. Cụ thể, kế hoạch của tổng thống Putin bao gồm việc kích động tâm lý thù ghét Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) thông qua các cơ quan truyền thông thân Nga và đưa người của điện Kremlin thâm nhập giới kinh tế và chính trị ở Moldova. 

Đồng thời, kế hoạch nói trên dự trù phải làm sao cho vùng lãnh thổ Transnistria của Moldova vẫn là một vùng ly khai thân Nga. Đây là vùng của cộng đồng nói tiếng Nga, đã tách khỏi Moldova vào năm 1992 sau một cuộc chiến tranh ngắn. Từ đó đến nay, Nga đã triển khai tại Transnistria 1.500 quân và đặt tại đây một kho đạn lớn.

Sau khi đọc tài liệu nói trên, thủ tướng Moldova Dorin Recean hôm 13/03 tố cáo Moskva muốn gia tăng con số các tổ chức bất vụ lợi của Nga, thúc đẩy việc giảng dạy tiếng Nga và tăng cường khả năng của các phương tiện truyền thông Nga tại nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này.

Tuy nhiên, trả lời hãng tin AFP ngày 13/03, bộ trưởng Quốc Phòng Moldova Anatolie Nosatii cho rằng hiện giờ chưa có mối đe dọa quân sự nào đối với Moldova, tuy rằng Nga nỗ lực gây nhiễu thông tin, gây các căng thẳng trong xã hội Moldova.

Thanh Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa, Chi Phương, Thanh Phương
Read 291 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)