Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

29/03/2023

Điểm báo Pháp - Xe tăng phương Tây đã đến Ukraine

RFI tiếng Việt

Xe tăng phương Tây đã đến Ukraine, Putin lại dùng ngoáo ộp nguyên tử

Le Figaro nhận thấy Ukraine chuẩn bị phản công, sau khi được trang bị các xe tăng từ phương Tây. Những chiếc Leopard 2 và Challenger 2 đã có mặt trên chiến trường. Còn về việc Putin thông báo đưa vũ khí nguyên tử chiến thuật đến Belarus, các báo cho rằng chẳng có gì mới, vấn đề là cần dò xét thái độ của Trung Quốc.

xetang1

Một quân nhân Ukraine kiểm tra súng máy trên xe tăng sau khi nạp đạn trong một cuộc huấn luyện quân sự gần tiền tuyến ở Zaporijia, ngày 29/03/2023. Reuters Stringer

Viện trợ quân sự đủ loại bắt đầu đổ vào Ukraine

Sau 14 xe tăng hạng nhẹ AMX-10 RC của Pháp, hơn ba chục chiếc xe tăng hạng nặng của Đức và Anh đã được chuyển giao. Bộ trưởng quốc phòng Oleksiy Reznikov cũng vui mừng khi nhận được các quân xa Stryker, Cougar từ Mỹ, Marder của Đức. Một số thiết bị khác của Ba Lan và Canada cũng đã đến nơi. Video về các xe tăng phương Tây được đăng tải cho thấy một cuộc phản công của Ukraine sắp diễn ra. Chiến tranh tâm lý, nhằm làm binh sĩ phấn chấn và khiến kẻ địch suy sụp tinh thần, là khúc dạo đầu trước những cuộc đụng độ thực sự.

Tấn công tại nhiều điểm ở Donbass, quân của Putin vẫn không tiến được. Tại Bakhmut dù rất cố gắng, quân Nga không chiếm nổi thành phố hoang tàn này, tại Avdiivka và Vuhledar Nga bị mất rất nhiều xe tăng. Giới quân sự Pháp cho rằng Ukraine sẽ phản công vào cuối mùa xuân. Liệu có quá trễ hay không ? Một sĩ quan cho biết xe tăng thiếu đạn thì cũng như không, và số lượng vừa nhận được chưa đủ để mở chiến dịch :  phía Ukraine cần đến 300 chiếc. Bên cạnh đó phải bổ sung lực lượng, tìm ra những phòng tuyến dễ bị chọc thủng nhất. Những hướng tấn công được dự báo là Zaporijjia, Melitopol ở miền nam, hay Donbass.

Các xe thiết giáp phương Tây mang lại lợi thế kỹ thuật cho Ukraine. Hệ thống ống nhắm giúp chỉnh hướng, trang bị hồng ngoại, và tầm bắn xa hơn giúp đánh trúng mục tiêu trước khi bị trả đũa. Về nhân lực, quân Nga luôn đông đảo hơn nên Ukraine đang tìm cách thu hút những người đã di tản trở về. Một nguồn tin quân sự cho biết các tù nhân có án dưới 10 tháng có thể được giảm án nếu tham gia chiến đấu. Bên cạnh đó là việc chuẩn bị các đơn vị. Phương Tây không chỉ huấn luyện cho binh sĩ Ukraine cách sử dụng những loại vũ khí được viện trợ, mà cả kỹ thuật tác chiến. Những quân nhân được Anh đào tạo nay đã về nước.

Con ngoáo ộp nguyên tử của Putin : Chẳng có gì mới !

Còn về việc Putin thông báo đưa vũ khí nguyên tử chiến thuật đến Belarus, Le Figaro  Les Echos đều cho rằng điều này không mới mẻ gì, khía cạnh đáng chú ý là mối quan hệ với Trung Quốc và nước láng giềng chư hầu - Minsk đã rơi hẳn vào vòng tay đế quốc của Kremlin. "Chẳng có gì mới dưới ánh mặt trời", vì Putin đã nhiều lần đe dọa.

Cứ mỗi khi phương Tây bước qua một giai đoạn mới trong viện trợ cho Kiev, hoặc quân Nga gặp khó khăn trên trận địa như ở Bakhmut hiện nay, là con ngoáo ộp nguyên tử lại được trưng ra để gây sợ hãi và thắng bớt nhiệt tình của các nước. Nhưng về căn bản không thay đổi gì, vì số vũ khí của Nga đủ để dọa nạt Châu Âu, kể cả tại vùng Kaliningrad nằm giữa Ba Lan và Litva. Còn kho được cho là chứa vũ khí hạt nhân của Nga tại Belarus, chỉ sẵn sàng vào tháng 7, cũng đúng là lúc diễn ra hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius, thủ đô nước Litva láng giềng. Một đòn cân não !

Theo một nhà ngoại giao được Les Echos trích dẫn, Vladimir Putin muốn gởi thông điệp không chỉ cho phương Tây mà cả với "bạn thiết" Trung Quốc. Bốn ngày trước đó, ông chủ điện Kremlin vừa ký với Tập Cận Bình bản tuyên bố chung trong đó có câu "Tất cả các nhà nước sở hữu vũ khí nguyên tử cần phải tránh triển khai ở nước ngoài". Loan báo của Putin đi ngược lại cam kết, và không chắc Bắc Kinh bằng lòng với sự trở cờ nhanh chóng này. Đa số chuyên gia cho rằng rất đáng ngạc nhiên nếu trong chuyến thăm kéo dài đến ba ngày, hai bên không đề cập đến. Chuyên gia Antoine Bondaz trên Le Figaro cho rằng tổng thống Emmanuel Macron nên đặt câu hỏi với ông Tập về chủ đề này trong chuyến công du Bắc Kinh sắp tới.

Truyền hình nhà nước Nga nhắc nhở, Moskva có đến 5.977 đầu đạn nguyên tử so với 5.943 của NATO. Tuy không hẳn tất cả đều có thể hoạt động, nhưng Vladimir Putin cảm thấy ở vị trí của kẻ mạnh. Một cựu viên chức cao cấp Kremlin vẫn còn giữ được liên lạc với giới chóp bu nói với Les Echos, "Putin không cảm nhận được sự nguy hiểm". Người này lo lắng : "Vào đầu cuộc chiến, tổng thống Nga biết rằng có thể chiến thắng, và nay ông biết có thể chiến bại. Nếu thấy bị thất thế trong chiến tranh quy ước, ông ta có hai giải pháp : tự sát, hay tấn công nguyên tử".

Ukraine : Phim chiến tranh và chuyện thật đời người

Trên mặt trận văn hóa, Le Figaro cho biết "Tại Kiev, loạt phim dài về chiến tranh đã bắt đầu được quay". Hôm 21/03, những người lính mặc quân phục Nga tiến vào một đường phố Kiev, vũ khí lăm lăm trên tay. Cư dân hoảng sợ, đường dây của cảnh sát và quân đội bị bão hòa với vô số cuộc gọi, có không ít người sẵn sàng đối đầu những kẻ xâm nhập, nhưng vào phút chót chính quyền thông báo đó là những diễn viên chuẩn bị một cảnh quay.

Bộ phim truyện nhiều tập "Những người ở lại" do Châu Âu và Ukraine đồng sản xuất vừa được bấm máy. Đạo diễn trẻ Maksym Nakonechnyi, từng có phim được trình chiếu tại Liên hoan Cannes 2022, khởi đầu sự nghiệp từ cuộc cách mạng Maidan năm 2013, lúc ấy chiến tranh đã bắt đầu ở Donbass. Thời đó phim ảnh Nga thống lĩnh màn ảnh Ukraine. Ngay cả bộ phim "Người đầy tớ nhân dân" đã đưa Volodymyr Zelensky lên đỉnh vinh quang, nhắm vào tài phiệt và tham nhũng, trong bốn tập đầu cũng không nhắc đến cuộc chiến đang xâu xé Donbass.

Cuộc xâm lăng đã thay đổi tất cả. Trong phim "Người bắn tỉa mang tên Quạ Trắng" trình chiếu vào mùa thu 2022, nhân vật "sniper" biệt danh "Quạ" bắn hạ những lính Nga đã sát hại vợ mình. Kịch bản phim từ một chuyện có thật, và diễn viên Pavlo Aldoshyn đóng vai tay súng bắn tỉa "Quạ" đã lên đường nhập ngũ ngay những ngày đầu đất nước bị quân Nga xâm lược. Để quảng bá cho bộ phim, anh đã quay lại hậu cứ, sử dụng thiết bị Starlink. Biên giới giữa sáng tạo nghệ thuật và thực tế khá nhòa nhạt. Pavlo nói : "Tôi chiến đấu với một camera GoPro trên trán. Sau chiến thắng của Ukraine, tôi muốn chứng tỏ những gì đã trải qua với tư cách một người lính".

"Thuế ra đi" : Moskva bắt chẹt các công ty muốn rời khỏi Nga

Cũng liên quan đến Nga, theo tin độc quyền của thông tín viên Les Echos, Moskva áp đặt một sắc thuế lên các công ty phương Tây muốn ra khỏi nước Nga. Chiếc bẫy đang khép chặt hơn. Lâu nay bị Kiev và Paris chỉ trích, nay các chi nhánh ở Nga của các tập đoàn Pháp lại lãnh một đòn mới : phải đóng "thuế ra đi" bằng ít nhất 5% giá trị cổ phiếu, và thuế tăng gấp đôi nếu bán với giá rẻ. Họ lâm vào thế lưỡng nan : ở lại Nga, chịu cáo buộc ủng hộ gián tiếp Kremlin và đội quân xâm lược ; hoặc ra đi, coi như chấp nhận đóng góp trực tiếp cho ngân sách Nga.

Cho đến nay, ủy ban đặc biệt do chính quyền Nga thành lập không chỉ buộc phải bán rẻ tài sản (ban đầu từ 20 đến 30%, nay trên 50%), mà còn "khuyến cáo" nên tặng thêm một khoản tiền cho Nhà nước. "Thuế ra đi" ban hành vào thứ Hai 27/03 chỉ chính thức hóa việc "trấn lột" các công ty ngoại quốc. Trên thực tế, đây là một "săng-ta" để họ phải ở lại, và chưa chi những con kền kền đã lượn lờ xung quanh các doanh nghiệp béo bở.

Bên cạnh mục tiêu làm những ai muốn rời thị trường Nga phải nản chí, còn nhằm kiếm tiền để nuôi quân đội và đầu tư vào những vùng đất chiếm được của Ukraine. Vladimir Putin cam đoan ngân sách "không giới hạn" cho "chiến dịch quân sự đặc biệt". Chỉ có một mình ông ta quyết định chương trình nào được đầu tư, và tất nhiên không có ai kiểm soát.

Lá bài phương Nam của Tập Cận Bình

Nhìn sang Châu Á, Le Monde nhận thấy "Tập Cận Bình chơi lá bài phương nam". Vừa nhận nhiệm kỳ thứ ba, ông Tập đã đặt vai trò quốc tế của Trung Quốc lên hàng đầu. Sau khi kỳ họp Quốc hội kết thúc ngày 13/03, ông không đi thanh tra một tỉnh nào mà sang thăm Nga ; và sắp sửa đón thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, tiếp đến là tổng thống Pháp và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen. Bắc Kinh còn tổ chức hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Trung Á đầu tiên, trước khi tưng bừng kỷ niệm 10 năm "Con đường tơ lụa mới".

Lợi dụng Nga đang ở thế yếu, Tập Cận Bình lấn sang sân nhà của Vladimir Putin là khu vực Trung Á. Bắc Kinh tuyên truyền rằng mô hình Mỹ đang thất bại, Trung Quốc sẽ là người thay thế. Ai cũng biết rằng dân số Trung Quốc đang sụt giảm, bất bình đẳng ngày càng tăng cao, tôn giáo duy nhất được thờ phụng là đảng cộng sản, chủ nghĩa hòa bình dừng lại ở eo biển Đài Loan. Một số nước từ Saudi Arabia đến Brazil, Nam Phi vẫn lắng nghe, nhưng chủ yếu những nước này mang tính cơ hội. Có hề gì, Bắc Kinh muốn được nhiều nước ủng hộ nếu một ngày nào đó bị phương Tây trừng phạt, trong trường hợp xâm lăng Đài Loan, chẳng hạn.

"Liệu pháp thú cưng" ở bệnh viện Pháp

Chuyển sang lãnh vực xã hội, Le Figaro cho biết "Chó mèo đã được phép vào bệnh viện ở Pháp" để an ủi bệnh nhân. Từ lâu, đây vẫn là "lằn ranh đỏ" ở tất cả các cơ sở y tế, ngoại trừ các viện dưỡng lão cho đưa thú nuôi như chó, mèo, gà, két… vào nếu không làm phiền người khác, và chỉ được xét theo từng trường hợp.

Gần đây một số khoa dành cho bệnh nhân ở giai đoạn cuối đã tiến thêm một bước, cho phép đưa thú cưng vào thăm người bệnh. Bác sĩ Gaëlle Ranchou nói rằng tình trạng của bệnh nhân khiến nhân viên y tế không muốn cấm đoán họ bất cứ thứ gì. Được vuốt ve thú cưng quen thuộc của mình, đôi khi nói lời vĩnh biệt với chúng, đối với những người mà sự sống chỉ còn đếm từng ngày là vô giá. Và nay các bệnh viện cũng đã có thay đổi. Viện Curie ở Paris vừa tuyển dụng một nhân viên làm việc toàn thời gian, đó là chó Snoopy, để an ủi người bệnh. Chú chó làm không khí dịu đi và mang lại hạnh phúc không chỉ cho các bệnh nhân mà cả y tá, bác sĩ.

Bên cạnh "nhân viên" này, chó mèo được vào thăm chủ đang nằm viện với điều kiện có người đi kèm, được cột dây, rọ mõm, đã chích ngừa và tắm rửa sạch sẽ. Ông Alexandre Piot vẫn còn xúc động khi kể lại việc ê-kíp khoa hồi sức bệnh viện Cochin ở Paris tổ chức cho chó Robert của ông vào thăm. Bị hôn mê 9 ngày, sụt mất 30 ký, hầu như bị điếc vì thuốc, ông không tin là mình có thể sống sót. Sau khi tâm sự với chuyên gia tâm lý của bệnh viện, hai tiếng đồng hồ sau chú chó thân yêu đã có mặt.

Hiện chưa có nghiên cứu nào về lợi ích của việc cho bệnh nhân gặp lại thú cưng vốn được coi là thành viên gia đình, nhưng chưa hề có ai kiện cáo. Theo các bác sĩ, chỉ cần chứng kiến một cuộc gặp đầy nước mắt, nụ cười là đủ hiểu.

Phong trào phản kháng hụt hơi, lối thoát vẫn chưa tìm thấy

Cải cách hưu trí và tình hình Israel chiếm trang nhất các báo Pháp hôm nay. Les Echos chạy tựa "Macron vẫn cứng rắn, phong trào phản kháng giảm sút", tương tự với Le Figaro "Phong trào yếu đi, chính quyền tìm lối thoát". Libération dành trang nhất cho những người trẻ tranh đấu mà tờ báo thiên tả gọi là "Thế hệ 49.3". Le Monde nhận thấy tại "Israel : Netanyahu buộc phải lùi bướ"c, còn La Croix đưa tít lớn "Netanyahu, quyền lực bằng mọi giá". Ở các trang trong, tình hình Ukraine tiếp tục được đề cập.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 224 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)