Quân Iraq tấn công Cổ thành Mosul (BBC, 18/06/2017)
Quân lực của Iraq nói rằng họ đã tiến hành một cuộc tấn công vào khu thành cổ Mosul, quận cuối cùng bị nhóm chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm giữ.
Các lực lượng Iraq đang quyết tâm tái chiếm khu Cổ thành vốn còn rất đông dân cư bị kẹt lại mà hiện đang ở trong tay IS.
Các đơn vị đặc biệt đang tiến vào quận này từ phía phía tây và cảnh sát liên bang đang tiến vào ở phía nam, một tuyên bố nói.
Liên Hiệp Quốc nói rằng có tới 100.000 thường dân bị mắc kẹt bên trong Cổ thành với rất đông cư dân.
Người dân đã được yêu cầu rời khỏi khu vực nếu có thể.
Khoảng 230 thường dân đã thiệt mạng ở mạn tây Mosul trong hai tuần qua, theo Liên Hiệp Quốc, một số chết trong các cuộc không kích và tấn công bằng hỏa tiễn, một số khác bị những tay súng bắn tỉa của IS bắn chết khi họ cố chạy trốn.
Các lực lượng Iraq nói với BBC rằng họ không biết có bao nhiêu chiến binh IS còn ở bên trong Cổ thành.
Những người dân trốn khỏi khu vực này gần đây mô tả điều kiện sống tuyệt vọng, với nhiều người cạn kiệt nước và thực phẩm.
'Bắt đầu của sự kết thúc'
Chiến sự ác liệt và thương vong cao có thể không tránh khỏi trong trận chiến mang tính quyết định ở Cổ thành Mosul.
Image captionChiến sự ở Mosul đang ở đỉnh cao với phóng viên của BBC gọi đây là bắt đầu của một sự kết thúc.
Cuộc tấn công do Mỹ hậu thuẫn để tái chiếm Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq, hiện đang ở tháng thứ chín. Các lực lượng Iraq đã chiếm lại phần phía đông của thành phố vào tháng Mười.
Hàng ngàn binh sỹ thuộc lực lượng an ninh Iraq, các chiến binh người Kurd Peshmerga, các tay súng bộ tộc Arab theo hệ phái Sunni và các chiến binh theo hệ phái Shia, được sự hỗ trợ của liên quân do Mỹ dẫn đầu cùng với các cố vấn quân sự, tham gia vào cuộc tấn công
IS tràn vào Mosul vào tháng 6 năm 2014, ngay sau đó tuyên bố thiết lập một 'vương triều' hồi Giáo trên phần lãnh thổ mà các phần tử này đã kiểm soát được.
Phái viên của BBC ở Trung Đông Joan Soley mô tả đây là sự bắt đầu của một kết thúc.
Kể cả sau khi tái chiếm được toàn bộ Mosul, quân đội Iraq vẫn còn phải tiếp tục giao chiến ở hai nơi khác với quân IS, theo phóng viên của BBC từ khu vực.
Các bộ phận khác nhau của lực lượng an ninh Iraq đã tiếp cận gần hơn về mọi hướng. Họ sẽ không thể dừng chiến dịch lại ngay hiện nay cho đến khi nào lấy lại toàn bộ Cổ thành.
Mặc dù các nguồn tin của Iraq và liên minh nói rằng có một "hành lang nhân đạo" chạy dọc theo con sông, số còn kẹt lại bên trong khu vực chắc chắn sẽ chịu thương vong đáng kể, trong đó có thường dân, các lực lượng Irac và các chiến binh IS.
Đối với chính phủ Iraq, lấy lại thành cổ giống như việc cán đích. Hình ảnh mạnh mẽ của lãnh đạo IS Abu Bakr al-Baghdadi khi tuyên bố bên trong nhà thờ Hồi giáo Nuri cách đây ba năm là điều mà quân đội Iraq đang quyết tâm thay thế bằng một hình ảnh "chiến thắng" - cho dù điều đó có nghĩa là chiến trận ác liệt đến mức nào hay khu Nhà thờ đạo Islam có thể bị 'thổi bay'.
Kể cả sau đó vẫn có thể sẽ còn giao chiến. Khu vực giữa Mosul và biên giới Syria vẫn còn phải được đảm bảo và thị trấn Hawija, nằm giữa Baghdad và Mosul, vẫn còn nằm dưới sự kiểm soát của IS, theo phái viên của chúng tôi.
**************************
Iraq : Daesh cầm giữ 100.000 bia người tại Mosul (RFI, 18/06/2017)
Khói đen bốc lên từ phía tây Mosul, ngày 15/06/2017. REUTERS/Erik De Castro
Quân đội Iraq thông báo tấn công vào điểm kháng cự cuối cùng của Daesh tại Mosul. Liên Hiệp Quốc khẳng định Daesh sử dụng 100.000 thường dân làm bia đỡ đạn. Trận đánh vào khu phố cổ, được dự báo rất khó khăn vì hết đất chạy, Daesh sẽ tử chiến.
Các lực lượng của Iraq hôm nay 18/06/2017 bắt đầu tấn công vào khu phố cổ Mosul, điểm chống cự cuối cùng tại thành phố lớn thứ hai Iraq, nằm trong tay tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo từ năm 2014. Trên đây là tuyên bố của tướng Adbelamir Yarallah, chỉ huy chiến dịch tái chiếm Mosul.
Trong một thông cáo, tướng Adbelamir Yarallah cho biết "các lực lượng quân sự, chống khủng bố và cảnh sát quốc gia đã bắt đầu tấn công vào khu phố cổ Mosul". Tướng Abdel Wahab al-Saadi, một chỉ huy lực lượng tinh nhuệ chống khủng bố cũng đã khẳng định thông tin trên với AFP. Mosul là thành phố lớn cuối cùng mà quân đội chính phủ Iraq chưa hoàn toàn kiểm soát từ khi chiến dịch tái chiếm lãnh thổ được tiến hành từ hơn một năm nay.
Trong bối cảnh Daesh bị thua trên hai chiến trường từ Syria cho đến Iraq, ông Bruno Geddo, Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn ở Iraq ngày 16/06/2017 khẳng định với báo chí tại Genève là khoảng 100.000 thường dân Iraq bị giữ lại bên trong thành phố Mosul để làm "lá chắn sống" cho tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Cao ủy Bruno Geddo cũng cho biết thêm là Daesh "gom dân về đây với mục đích đánh trận cuối cùng gây thiệt hại thật nặng, hầu để lại tiếng vang trong lịch sử".
Chiến binh Daesh tích trữ lượng thực, thực phẩm trong khi thức ăn, điện, nước và xăng dầu can kiệt. Liên Hiệp Quốc lo ngại điều kiện sống của các thường dân còn đang mắc kẹt bên trong thành phố Mosul ngày càng thiếu thốn.
RFI tiếng Việt
*******************
150.000 lá chắn sống và quyết tâm cố thủ điên cuồng của IS ở Mosul (Infonet, 18/06/2017)
Trong những kilomet vuông cuối cùng còn lại nơi lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Mosul đang cố thủ, hàng chục ngàn gia đình mắc kẹt dưới những tầng hầm chờ đợi cuộc chiến đấu điên cuồng kết thúc.
Khoảng 150.000 cư dân bị dồn về khu phố cổ ở Mosul khi các chiến binh IS đang cố củng cố vị trí của họ trong những khu phố và những con hẻm chập hẹp.
Không có nước sạch, bệnh tật và dịch bệnh đang lan nhanh, thức ăn và thuốc men đang trở nên khan hiếm. Các cuộc pháo kích của liên quân đang cố kéo phiến quân IS ra khỏi nơi cố thủ dội xuống như mưa, các cuộc không kích cũng dồn hỏa lực xuống các tòa nhà trong khu phố đông đúc.
Tuy nhiên, người dân Mosul không thể trốn chạy. Phiến quân IS dùng họ như những lá chắn sống. Chúng bắn chết hàng trăm người cố trốn thoát trong vài tuần gần đây, dù họ là đàn ông, phụ nữ hay trẻ em.
"Tôi nghĩ khả năng chết trên phố còn cao hơn khả năng chết trong nhà mình", một người dân giấu tên chia sẻ với tờ Washington Post trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, lo sợ sẽ bị lực lượng IS tiêu diệt, "Chúng tôi đang sống trong sự sợ hãi kinh hoàng".
Phố Cổ Mosul tan hoang sau trận chiến kéo dài suốt 8 tháng qua.
Trận đánh kéo dài suốt 8 tháng qua đã hủy hoại thành phố, biến nơi đây thành đống đổ nát. Quân IS giờ đây gần như bị bao vây trong khu phố cổ, nơi các chiến binh nước ngoài cứng rắn đã đến trong vài tuần qua, buộc họ phải co cụm lại, nhân chứng của Washington Post cho hay.
Ở giữa trung tâm thành phố lịch sử là Nhà thờ Hồi giáo vĩ đại al-Nuri – nơi nhà lãnh đạo IS Abu Bakr al-Baghdadi đã từng công khai xuất hiện 3 năm trước đây. Các chiến binh tập hợp thành từng nhóm 9 đến 10 người đi quanh các con hẻm trên những chiếc xe máy, một người dân khác mô tả hoạt động của lính IS.
Trung tướng Stephen Townsend, Chỉ huy liên quân do Mỹ dẫn đầu, cố vấn quân sự của cuộc chiến chống khủng bố ở Iraq, mô tả Mosul là cuộc nội chiến khó khăn nhất mà ông từng chứng kiến gần đây, thậm chí suốt 34 năm phục vụ quân đội của ông. Tuy nhiên, các quan chức quân đội Iraq và Mỹ đều dự đoán trận chiến kết thúc ở Phố Cổ sẽ tàn khốc hơn nhiều khi lực lượng tiến hành trận đánh cuối cùng.
Các cuộc thảm sát nhằm vào dân thường đã khiến nhiều người nản chí. Trong một vụ việc được cho là tồi tệ nhất, hơn 100 người đã bị bắn chết gần nhà máy Pepsi hồi đầu tháng Sáu. Binh lính đã tịch thu thẻ căn cước, một số người đã lo sợ nếu bỏ đi sẽ bị nghi ngờ là chiến binh IS.
Một cư dân Phố Cổ cho biết, gia đình gần 20 thành viên của anh đã hết lương thực dự trữ gần 3 tháng nay, nhưng cuối cùng cũng đã cố gắng mua được một ít bột mỳ với giá cắt cổ. Họ chỉ ăn mỗi bữa một ngày vào buổi tối. "Đó là cuộc sống xa xỉ rồi", anh nói, "nhiều nhà thậm chí còn chẳng tìm đâu ra (lương thực)". Người dân Mosul đối mặt với rất nhiều bệnh tật do nguồn nước uống mất vệ sinh, họ không có phương tiện để đun sôi nước uống.
Khoảng 10 – 15 người dân chết trong các cuộc đánh bom xảy ra mỗi ngày, người dân này tiếp tục chia sẻ với Washington Post. Lực lượng IS yêu cầu họ luôn phải mở cửa nhà để họ có thể lên sân thượng chiến đấu, điều này gây ra nỗi hoang mang lo sợ cho người dân rằng họ có thể bị không kích bất cứ lúc nào. Các tòa nhà đã cũ nát và không an toàn, luôn chực chờ bị đổ sập xuống chỉ với một cuộc không kích nhỏ lẻ.
"Chúng tôi cầu nguyện mong cho không có cuộc tấn công nào ở gần mình, không chỉ ở nhà mình mà còn ở các nhà xung quanh, bởi vì hậu quả là như nhau", người này nói, "Có rất nhiều gia đình bị mắc kẹt dưới những đống đổ nát".
Đại tá Ryan Dillon, phát ngôn viên của liên quân ở Baghdad, nói rằng liên quân đã tính đến sự toàn vẹn và mật độ của các tòa nhà trước khi tiến hành các cuộc không kích, kể cả chiến thuật của lực lượng IS sử dụng người dân làm lá chắn.
Những người có thể trốn chạy đã tập trung tại các điểm được chỉ định để lực lượng an ninh và sơ tán kiểm tra. Họ bị thiếu nước, bị thương, bị suy dinh dưỡng trước khi đến được điểm an toàn. Và tất cả họ đều bị chấn động.
"Chỉ có cái chết, cái chết và cái chết đẫm máu", Ahmed Haitham 22 tuổi cho biết, "Chúng tôi không được nhìn thấy mặt trời suốt cả tháng qua". 18 người đã bị giết trong một cuộc không kích nhắm vào nhà hàng xóm của Haitham. Gia đình anh vẫn còn thức ăn, nhưng nhiều nhà khác đã quá đói khát và họ buộc phải rời đi.
Các tổ chức dân sự ở đây đã gửi đề nghị cung cấp nhu yếu phẩm lên chính phủ và liên quân do Mỹ đứng đầu vào 2 tháng trước nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi. Trong khi đó, phía liên quân khẳng định họ chưa nhận được những đề nghị như vậy.
Số người bị mắc kẹt ở Phố Cổ Mosul ngày càng gia tăng. Một quan chức dân sự cho rằng có đến 45.000 người, trong khi Lise Grande, điều phối viên nhân đạo của Liên Hợp Quốc tại Iraq cho biết, con số nằm ở mức từ 120.000 đến 150.000 người. "Vấn đề chính là nước", bà cho biết, "Thức ăn có thể tạm thời, điện bị cắt hầu hết thời gian trong ngày và thiếu trầm trọng thuốc men".
Cuộc chiến cuối cùng ở Phố Cổ Mosul được cho là "sẽ nhanh chóng diễn ra", các tư lệnh quân đội Iraq dự đoán. Bởi nếu còn kéo dài, rất nhiều người dân ở đây sẽ tiếp tụcc chết bởi bị IS sử dụng làm lá chắn.
Minh Anh (lược dịch)