Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

07/04/2023

Điểm báo Pháp – Nghiệp đoàn và chính phủ Pháp

RFI tiếng Việt

Pháp : Căng thẳng gia tăng giữa phe phản đối cải cách hưu trí và tổng thống "độc đoán" Macron

Biểu tình chống cải cách hưu trí và chuyến công du Trung Quốc của tổng thống Emmanuel Macron là những chủ đề chính được các tờ báo Pháp quan tâm hôm 07/04/2023. 

phap1

Đoàn người biểu tình chống cải cách hưu trí của chính phủ Pháp tại Lille ngày 06/04/2023. AP - Michel Spingler

Tờ Libération dành bài xã luận nói về lần phát biểu trên truyền hình gần đây nhất của tổng thống Macron đã bị chỉ trích vì ông so sánh những người biểu tình chống cải cách hưu trí của chính phủ Pháp với những người dân Mỹ hoặc Brazil, ủng hộ Trump hoặc ủng hộ Bolsonaro, những người đã đe dọa nền dân chủ bằng các cuộc biểu tình bạo lực. Kết quả một cuộc thăm dò ý kiến Viavoice-Libération cho thấy rất nhiều người bất bình khi chủ nhân điện Elysée ví những người biểu tình ở Pháp với những cảm tình viên của ông Trump hoặc Bolsonaro. Đồng thời, nhật báo thiên tả nhận định rằng tổng thống Pháp đang có những biểu hiện đáng lo ngại. 61% những người được hỏi cho rằng Emmanuel Macron giờ đây "độc đoán" hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Việc thực thi quyền lực của ông được 53% số người được hỏi cho là chuyên quyền và 69% cho rằng ông thiếu tôn trọng phe đối lập chính trị. Ngoài ra, hơn một nửa (55%) số người được hỏi đánh giá các quyền tự do đã giảm sút kể từ khi ông nhậm chức tổng thống vào năm 2017. 

Theo Libération, ông Macron đang phải trả giá cho cuộc "khủng hoảng chế độ" với cải cách nói trên khi ông không chịu đối thoại với các công đoàn và áp dụng điều 49.3 trong Hiến Pháp để thông qua dự luật cải cách hưu trí tại Hạ Viện. Ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên, tổng thống Macron đã bị chỉ trích vì thực thi quyền lực một cách "độc đoán", và giờ đây, công luận cho rằng chủ nhân điện Elysée ngày càng chuyên quyền. Bối cảnh chính trị hiện nay khiến mọi người lo ngại về các dấu hiệu cực đoan gia tăng với sự trỗi dậy của một phe cực hữu bạo lực cùng với chiến lược quấy rối và đe dọa của các mạng lưới thân cận với chủ tịch đảng Reconquête Eric Zemmour. Đối với Libération, đây không phải là so sánh những điều không thể so sánh, nhưng nếu không cẩn thận, nước Pháp sẽ không tránh khỏi việc bị lãnh đạo bởi chế độ độc tài, và chỉ một nền dân chủ vững chắc mới giúp tránh điều đó xảy ra. 

Hy vọng cuối cùng – phán quyết của Hội Đồng Bảo Hiến 

Tờ Le Figaro cũng dành trang nhất cho cùng chủ đề. Được mời đến phủ thủ tướng hôm 05/04, các lãnh đạo công đoàn đã thất vọng ra về sau cuộc gặp kéo dài một tiếng với thủ tướng Elisabeth Borne. Họ lên án thái độ "cứng nhắc" của chính phủ khi từ chối xem xét lại cải cách hưu trí. 

Theo cuộc khảo sát Odoxa-Backbone, một nửa số người được hỏi cho rằng bà Elisabeth Borne hoàn toàn chịu trách nhiệm cho tình trạng này. Trong số những người phản đối cải cách gay gắt nhất, 3/4 là cảm tình viên của đảng Nước Pháp Bất Khuất (La France insoumise) và đảng Tập Hợp Dân Tộc (Rassemblement national). Ngoài ra, cũng có những người ủng hộ tổng thống nhưng cũng cho rằng ông Macron và chính phủ phải nhận một phần trách nhiệm. 

Nhật báo thiên hữu cho biết rằng sự "cứng đầu" của chính phủ không làm dư luận nhụt chí. Theo viện thăm dò dư luận, 64% người Pháp ủng hộ phong trào xã hội, giảm 2 điểm so với ngày 30/03. Mặc dù hai cuộc biểu tình gần đây có phần bớt căng thẳng, song 59% những người được hỏi dự đoán rằng các cuộc biểu tình sẽ tiếp diễn và thậm chí sẽ trở nên bạo lực hơn. Tổng giám đốc viện khảo sát Odoxa, Céline Bracq nhấn mạnh rằng người Pháp không ủng hộ bạo lực, nhưng họ cho rằng bạo lực có thể khiến chính phủ phải nhượng bộ giống như phong trào "Áo Vàng". 

Đồng thời, những người biểu tình vẫn cố níu kéo hy vọng cuối cùng : phán quyết của Hội Đồng Bảo Hiến. Định chế này sẽ ra phán quyết về cải cách vào ngày 14/04. Theo các cuộc thăm dò, 55% những người được hỏi mong muốn cải cách sẽ bị hủy bỏ hoàn toàn và 43% muốn dự luật bị hủy bỏ một phần. Trong cùng ngày, các thành viên Hội Đồng Bảo Hiến cũng sẽ đưa ra quyết định có cho tổ chức trưng cầu dân ý về hồ sơ này hay không. 

Macron tìm cách thuyết phục Tập Cận Bình trong hồ sơ Ukraine 

Tờ Le Figaro tiếp tục chú ý đến chuyến công du Trung Quốc của tổng thống Emmanuel Macron. Nguyên thủ quốc gia Pháp sang Bắc Kinh với ý định khởi động một "hành trình hướng tới hòa bình". Trong phiên họp ba bên với sự có mặt của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, chủ nhân điện Elysée đã có cuộc hội đàm thẳng thắn với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhà lãnh đạo Trung Quốc bày tỏ lo ngại về "khủng hoảng" ở Ukraine, rằng mọi thứ có thể "vượt khỏi tầm kiểm soát" và cho biết muốn "đồng tâm hiệp lực" để bảo đảm cho tình hình ở Ukraine được cải thiện. Trong cuộc họp, tổng thống Macron chỉ ra những mâu thuẫn trong phát biểu của ông Tập, khi lãnh đạo Trung Quốc im lặng trước việc tổng thống Nga Putin tuyên bố triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus. 

Đối mặt với hai quan chức Châu Âu, "hoàng tử đỏ" nhắc lại quan điểm phản đối sử dụng vũ khí hạt nhân và tuyên bố sẵn sàng nói chuyện với tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Bà von der Leyen nhận định rằng đó là một yếu tố tích cực, và bà cũng nhấn mạnh đến "trách nhiệm" của Bắc Kinh, với tư cách là thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. 

Một chủ đề khác được các lãnh đạo thảo luận là quan hệ Mỹ - Trung sau cuộc gặp giữa tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy. Le Figaro nhận định rằng tổng thống Macron tuy có ráo riết trong hồ sơ Ukraine, nhưng vẫn tỏ ra nhu nhược khi đề cập đến Đài Loan. Về phần mình, bà von der Leyen cảnh báo sự ổn định ở eo biển Đài Loan "là điều tối quan trọng". 

Căng thẳng Israel-Palestine 

Nhìn sang Trung Đông, tờ La Croix dành trang nhất và bài xã luận đề cập đến bạo lực tôn giáo-chính trị giữa người Palestine và người Israel. 

Tình hình đang trở nên rất căng thẳng ở Jerusalem, đặc biệt ở nơi mang tính biểu tượng nhất của cuộc xung đột Israel-Palestine là lối đi vào khu vực Mái vòm đá. Ngọn đồi thiêng liêng này gợi cho người Do Thái những ngày tháng đầu tiên của họ với tư cách là một cộng đồng chính trị và tôn giáo, thời của các vị vua David và Salomon. Trong bối cảnh những cuộc đối đầu dân tộc chủ nghĩa gia tăng, khu vực này đang trở thành một nơi rất nhạy cảm. 

Nhật báo công giáo lo lắng nhũng điều đáng tiếc có thể xảy ra. Năm nay, ngày lễ Quá Hải của người Do Thái, trùng với lễ Phục Sinh của những người theo đạo Thiên Chúa, diễn ra vào giữa tháng Ramadan, dẫn đến việc tín đồ Hồi giáo tập trung đông đảo. Cảnh sát Israel hôm 05/04 đã phải "dẹp loạn" ở nhà thờ Al-Aqsa. Ngày hôm sau, đã có những quả rocket được bắn đi từ dải Gaza và miền nam Liban. 

Giờ đây, trong thành phần chính phủ Israel có những thành viên thuộc hai đảng tôn giáo theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, những đảng tuyên bố kiểm soát toàn bộ khu vực mà họ gọi là "Lãnh thổ của Israel", trong đó có khu vực Mái vòm đá. La Croix nhận định rằng chính phủ Netanyahu đang tìm kiếm sự đối đầu thay vì hòa dịu. Cầu cho Jerusalem xứng với biệt danh "thành phố hòa bình" ! 

Nguồn nước của Pháp bị ô nhiễm trầm trọng 

Về lĩnh vực môi trường, nhật báo Le Monde chú ý đến chất R471811 vượt quá nồng độ cho phép trong các nguồn nước của Pháp. Đây là một thảm họa mà các nhà sản xuất nước uống có lẽ chưa từng trải qua, và thiệt hại có thể lên tới hàng tỷ euro và khó có thể khắc phục một sớm một chiều. Trong vài tháng, tại nhiều nơi ở Pháp, chính quyền và các công ty được Nhà nước ủy thác dịch vụ nước uống công cộng bàng hoàng khi phát hiện ra nồng độ cao của một sản phẩm phân hủy (hoặc "chất chuyển hóa") của chlorothalonil R471811 - một loại thuốc trừ sâu được tập đoàn Syngenta bán trên thị trường từ năm 1970 và bị cấm ở Châu Âu vào năm 2019. 

Đây là những lo ngại có cơ sở. Trong một báo cáo được công bố hôm 06/04, cơ quan Quốc gia về An toàn và Sức khỏe Thực phẩm và Môi trường (ANSES) xác nhận sự hiện diện của chất R471811 trong hệ thống nước lộ thiên và hệ thống nước ngầm. 

Điều đáng báo động hơn nữa là các biện pháp xử lý thông thường không thể loại bỏ R471811, và như vậy, hiện giờ, một tỷ lệ lớn người dân Pháp đang uống nước vòi không bảo đảm các tiêu chí chất lượng, bởi nồng độ của R471811 vượt quá giới hạn cho phép theo quy định là 0,1 microgam trên lít (µg/l). Vào tháng 01/2022, ANSES đã phân loại chất R471811 là một loại chất "cần phải chú ý", và là chất được các cơ quan y tế Châu Âu coi là chất có thể gây ung thư và có liên quan đến sự xuất hiện các khối u thận ở những động vật thí nghiệm. 

Cũng theo nghiên cứu của ANSES, khoảng 34% lượng nước được phân phối ở Pháp không tuân thủ các quy định - một con số chỉ là ước tính tùy thuộc vào việc lựa chọn các mẫu được thực hiện bởi các chuyên gia. Hiện tại, không thể xác định chính xác tỷ lệ phần trăm dân số sử dụng nước bị ô nhiễm, vì R471811 vẫn chưa được tích hợp vào kế hoạch giám sát của tất cả các cơ quan y tế khu vực (ARS). Tuy nhiên, một chuyên gia giấu tên "tin chắc rằng hơn một nửa dân số Pháp uống loại nước này", và nước đóng chai cũng không phải là ngoại lệ. 

ANSES cũng xác nhận trong báo cáo của mình rằng các khu vực đông dân cư rộng lớn bị ảnh hưởng, chẳng hạn như toàn bộ lưu vực Paris. Cơ quan phụ trách cung ứng nước Ile-de-France (Syndicat des eaux d'Ile-de-France - Sedif), phục vụ 4 triệu người dùng, xác nhận rằng hơn 75% người dân sử dụng nước có hàm lượng R471811 cao gấp 4 đến 5 lần ngưỡng quy định. Sylvie Thibert, phụ trách về vấn đề sức khỏe tại Sedif, chỉ rõ : "Nước lộ thiên, chiếm 97% nguồn nước ở vùng Ile-de-France như sông Seine, sông Marne và sông Oise, đều bị ô nhiễm". 

Phan Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phan Minh
Read 223 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)