Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

22/05/2023

Điểm báo Pháp - Ukraine gần G7 và xa Bakhmut

RFI tiếng Việt

Ukraine thắng lớn tại G7 nhưng lùi ở Bakhmut

Hội nghị thượng đỉnh G7 là thắng lợi ngoại giao rất lớn của tổng thống Zelensky : Ukraine trở thành chủ đề trung tâm, được Mỹ bật đèn xanh cho việc chi viện F-16. Cùng thời điểm, Wagner tuyên bố chiếm được Bakhmut sau khi đã mất ít nhất 20.000 mạng lính. Nhìn toàn cảnh địa chính trị, Les Echos nói về "Trật tự tam cực mới của thế giới" thay cho quan điểm lưỡng cực xưa nay.

uk1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bất ngờ đến Hiroshima dự hội nghị thượng đỉnh G7 ngày 20/05/2023 bằng chuyên cơ của chính phủ Pháp, từ sáng kiến của Paris. AP

Chiến tranh Ukraine thành trọng tâm G7 : Chiến thắng lớn của Zelensky

La Croix nhận định "Thượng đỉnh G7 là thắng lợi ngoại giao của Volodymyr Zelensky", ông được hứa hẹn viện trợ thêm vũ khí và có được sự ủng hộ "không gì lay chuyển nổi". Le Figaro cũng cho rằng đây là "Hoạt động ngoại giao mang lại rất nhiều lợi ích cho Volodymyr Zelensky".

Tổng thống Ukraine hiện diện khắp nơi, trước hết tại Châu Âu rồi đến Saudi Arabia với các nước Ả Rập, và G7 với những cường quốc kinh tế và đại diện các nước "phương Nam". Trong khi đó Vladimir Putin bị cô lập, tẩy chay và không dám đi đến một số nước vì lệnh truy nã của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Hình ảnh Volodymyr Zelensky – vị tổng thống được truyền thông chú ý nhiều nhất thế giới - thảo luận với lãnh đạo các đại cường và ông chủ điện Kremlin cố thủ tại nhà với niềm an ủi duy nhất là quân Nga vào được một thành phố đã thành bình địa, có thể tóm tắt tình hình hiện tại.

Theo Le Figaro, việc Volodymyr Zelensky đích thân đến Hiroshima đã đặt cuộc chiến tranh Ukraine vào trung tâm tranh luận ở G7, trên cả cuộc đối đầu Mỹ-Trung. Nỗ lực bền bỉ của ông, sự anh dũng của quân đội, phong trào kháng chiến của người dân Ukraine, cùng với áp lực từ một số nước Châu Âu khiến Mỹ bớt ngần ngại. Zelensky là đầu tàu đã cuốn phương Tây theo với những tiến triển của một lịch sử ngày càng được viết ra nhanh chóng. Vòng công du của tổng thống Ukraine trước cuộc phản công đã gặt hái nhiều thành công, mà việc Mỹ bật đèn xanh cho việc chuyển giao chiến đấu cơ F-16 mà Kiev mong đợi từ lâu là chiến thắng quan trọng của Zelensky.

Chuyến đi bất ngờ từ đề nghị của Pháp để gặp các nước "trung lập"

Bực tức khi thấy Volodymyr Zelensky hiện diện ở G7, Nga ra thông báo lên án khối này mời "người đứng đầu chế độ Kiev" đến để "biến Hiroshima thành nơi tuyên truyền". Nhưng theo Les Echos, chính để phản bác tuyên truyền của Kremlin mà Zelensky đã đến Nhật, bởi vì tổng thống Ukraine đã gặp gỡ hầu hết các nhà lãnh đạo G7 vài ngày trước đó ở Châu Âu. Đối với tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cần trao cho Zelensky cơ hội tiếp xúc với những nước nói muốn hòa bình nhưng lại đứng ngoài xa.

Les Echos cho biết thêm về chuyện hậu trường. Tối Chủ nhật trước đó tại Elysée, Emmanuel Macron đã đề nghị một ván bài tẩy với Volodymyr Zelensky : mời ông đến dự G7, và thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng có cùng ý tưởng. Theo Macron, gặp trực tiếp lãnh đạo các nước vẫn đang thuận theo Moskva thay vì qua video "có thể thay đổi tình thế". Đến giữa tuần, phía Kiev liên lạc nhờ Paris giúp cho việc di chuyển. Một chiếc A330 mang màu cờ Pháp cùng với cựu đại sứ Pháp ở Kiev đã đến Ba Lan, và đưa ông Zelensky bắt đầu vòng công du bất ngờ. Trước hết là 4 giờ bay đến Saudi Arabia dự thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập, rồi thêm 14 giờ để đến Hiroshima. Được báo tin rất trễ, chính phủ Nhật khá vất vả để sắp xếp lại chương trình nghị sự vốn đã dày đặc, tất cả lãnh đạo G7 và Úc, Hàn Quốc đều sẵn sàng gặp song phương.

Tuy nhiên, Libération nhận thấy "ở Nhật Bản, Zelensky không thuyết phục được những nước "trung lập"". Đối với Les Echos, "tại Hiroshima, Zelensky gặp khó khăn khi thuyết phục các nước mới nổi đứng về phía mình". Tuy có được cuộc đối thoại với tổng thống Indonesia Joko Widodo, Zelensky vẫn không có dịp tương tự với thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính. Ông cũng không gặp tổng thống Brazil Lula, mà theo Brasilia là vì "không sắp được lịch". Dấu hiệu tích cực nhất là thủ tướng Ấn Độ cho đến nay vẫn "trung lập", đã tỏ ra cởi mở hơn, hứa sẽ làm mọi cách để tìm ra giải pháp cho cuộc chiến.

Bakhmut đã thất thủ ?

Trên chiến trường Ukraine, các báo đều có những nhận xét về tình hình Bakhmut. Libération La Croix cùng ghi nhận "tại Bakhmut, Nga tuyên bố chiến thắng", Les Echos thấy rằng "Nga và Ukraine tranh giành việc kiểm soát thành phố hoang tàn", Le Figaro cho là "Bakhmut bị chiếm, Ukraine sẵn sàng tấn công tiếp". Chiến thuật của Ukraine để chuẩn bị bao vây Nga, hoặc là thất bại sau mười tháng chiến đấu ngoan cường.

Thủ lãnh Wagner tuyên bố đã kiểm soát toàn bộ thành phố, từ nay đến 25/05 sẽ lục soát và chuyển giao cho quân đội Nga. Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) nghi ngờ khả năng này, vì rút đi đội quân đang ở sát bên đối thủ rất phức tạp, khó thể thực hiện chỉ trong vài ngày. Có lẽ Yevgeny Prigozhin muốn sớm thoát ra khỏi lò sát sinh này. Đã nhiều lần ông ta nói rằng chiếm được Bakhmut, nhưng lần này dường như là thật. Theo một số nhà quan sát, Prigozhin và nhóm Wagner được Vladimir Putin giao cho nhiệm vụ chiếm cho được Bakhmut bằng mọi giá.

20.000 mạng lính Nga : Cái giá quá đắt để chiếm một thành phố nhỏ

Trong bài phóng sự dài, đặc phái viên Le Figaro tả lại cuộc di tản của những thường dân cuối cùng còn lại vào đêm 16 và 17/05, khi những chiến binh Ukraine tiếp tục bảo vệ một số tòa nhà ở rìa thành phố. Trung sĩ Roman Sinkievitch thuộc lữ đoàn cơ giới số 93 cho biết những trận đánh ở đây hết sức ác liệt. Từ 2014, họ đã quen với một cuộc chiến tiêu hao chủ yếu dựa vào đấu pháo, nhưng tại Bakhmut lại là cận chiến. Những trận đánh có thể khởi động bất kỳ lúc nào, không có thời gian nghỉ ngơi. Nếu mất một tòa nhà, phải lui ngay về con đường kế cận.

Timothy Shpara, một quân nhân từng bị thương kể lại : "Tình hình rất đáng sợ. Các drone của địch bay cùng khắp trên bầu trời, có thể nhận ra ta bất kỳ lúc nào và đổ xuống một trận mưa đạn pháo. Mỗi lần bắn hạ các lính Nga, họ nổi điên rót pháo gấp đôi". Chưa kể những tòa nhà đang trú ẩn có nguy cơ sụp đổ, chôn vùi những người lính, và đạn phốt-pho gây cháy của Nga. Những người bảo vệ Bakhmut từ nhiều tuần qua chỉ có thể ra vào ban đêm, dùng thiết giáp vượt qua những cánh đồng, hay chạy vài trăm mét để đến vị trí.

Nhưng theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, dù bị bao vây ba tháng qua, họ đã thành công trong việc rút lui có kiểm soát. Cựu tổng thống Petro Porochenko nói rằng "Bakhmut đã hoàn tất nhiệm vụ" khi giúp tiêu diệt hàng mấy chục ngàn lính Nga. Tướng Oleksandr Syrsky, tư lệnh lục quân, khẳng định "Wagner tiến vào Bakhmut như những con chuột chạy vào bẫy". Ông nêu ra cuộc "bao vây chiến thuật". Oleksander Yabchanka, người lính của đơn vị Gonor cho biết : "Việc Bakhmut bị chiếm không thay đổi gì nhiều, chúng tôi đã giành được những điểm cao ở trên và có thể dội pháo xuống phía địch". 

Chiến đấu cơ cho Ukraine và bài học quá khứ

Trong bài xã luận, cây bút Anne Sinclair trên Libération nhấn mạnh "Vâng, cần phải có chiến đấu cơ cho Ukraine". Từ nhiều tuần, qua những camera gắn ở đầu súng hoặc trên nón sắt của các chiến binh, người ta chứng kiến hàng mấy chục ngàn người lính mỗi bên ngã xuống vì vài mét đất giành được rồi mất đi. Những hình ảnh trông thấy hằng đêm có thể gây mất ngủ.

Và trong khi Bakhmut dần sụp đổ như thời Đệ nhất Thế chiến, chính tại thành phố có 100.000 người chết năm 1945, Hiroshima, mà tổng thống kiêm chiến binh xông pha trên mọi mặt trận, Volodymyr Zelensky đến gặp các nhà lãnh đạo G7. Và Hoa Kỳ bật đèn xanh cho việc chuyển giao F-16 và huấn luyện phi công ở Châu Âu. Một châu lục một lần nữa phải chịu đựng chiến tranh, một Châu Âu biết rằng chính ở Bakhmut, Soledar, Kherson, hay mai đây là Odessa chẳng hạn, mà định mệnh của Châu Âu được quyết định.

Cần phải sát cánh để Ukraine còn tiếp tục trụ được, để vũ lực không thể chiến thắng, để không thể có cuộc chiến tổng lực trong thế kỷ 21. Ukraine phải thắng và Putin phải bại trận. Hồi năm 1936, các chính phủ Châu Âu run sợ, nghĩ rằng có thể tránh được chiến tranh khi từ chối giúp đỡ Tây Ban Nha. Mặc cho những lời kêu gọi "phi cơ cho Tây Ban Nha", người ta để phe cộng hòa bị quân Franco đè bẹp, nhằm có được một nền hòa bình giả tạo. Giờ đây nhất thiết phải có được chiến đấu cơ cho Ukraine, bất chấp những rủi ro, bất chấp dư luận lo âu, hay "chiến tranh lan rộng", vì họ chiến đấu cho cả châu lục.

Trên 410 tỉ euro để tăng cường quân đội Pháp

Về phía Pháp, nhân dịp luật ngân sách quân sự được đưa ra thảo luận tại Quốc hội từ hôm nay, La Croix chạy tựa "quân đội, chuẩn bị cho những cuộc chiến tranh tương lai". Ngân sách quốc phòng sẽ được tăng mạnh, những lãnh vực được củng cố là tình báo, không gian, chiến tranh mạng và máy bay không người lái. Le Figaro nhấn mạnh "tương lai của quân đội đang trong tay Quốc hội". Libération đăng ảnh những người lính khai hỏa đại bác với dòng tít lớn : "Vũ khí : Những vụ làm ăn béo bở của chiến tranh".

Nhật báo thiên tả trong bài xã luận "món lợi bất ngờ" đánh giá cuộc xâm lăng Ukraine đã làm thay đổi quan điểm về nhu cầu vũ trang của Pháp, cần phải có thêm nhiều drone, radar, giám sát điện tử, hỏa tiễn, đạn, tình báo, tăng cường kho dự trữ chiến lược. Nhưng tờ báo thắc mắc do có nhiều món chi "cổ điển" trong ngân sách khổng lồ 413,3 tỉ euro rải ra trong bảy năm, và tỏ ra nghi ngờ kỹ nghệ vũ khí vì giá đội lên rất cao so với những kiểu cũ. Nhật báo công giáo La Croix hình dung ra "Quân đội Pháp sẽ như thế nào vào năm 2030 ?", nhấn mạnh đến "hợp tác". Paris không thể đơn thương độc mã, mà cần kết hợp chặt chẽ với các cường quốc phương Tây khác.

Thế giới tam cực : Trật tự quốc tế mới

Nhìn toàn cảnh địa chính trị, Les Echos nhận định về "Trật tự tam cực mới của thế giới". Theo tác giả Dominique Moïsi, cách nhìn một thế giới lưỡng cực, trong đó Đông và Tây đối đầu, không phản ánh được thực tế vốn phức tạp hơn nhiều. Một thế giới tam cực đang xuất hiện, mỗi cực tuân theo những quy luật riêng.

Ở phương Tây, do Hoa Kỳ không còn hào quang đạo đức và ưu thế kinh tế như thời chiến tranh lạnh, vị thế cân bằng hơn giữa các thành viên so với lúc Đệ nhị Thế chiến vừa chấm dứt. Không chỉ do Châu Âu hay "phương Tây Châu Á" như Nhật Bản, Hàn Quốc có trọng lượng hơn, mà là Mỹ giảm bớt sự hiện diện. Nhà báo Mỹ gốc Ấn Fareed Zakaria trong cuốn "Thế giới hậu Hoa Kỳ" xuất bản năm 2008, trùng với Thế vận hội Bắc Kinh, không nhấn mạnh đến sự xuống dốc của Hoa Kỳ mà là sự thăng hạng của các nước khác nhất là Trung Quốc.

Trong hội nghị Hội Đồng Toàn Châu Âu vừa kết thúc tại Iceland cách đây vài ngày, Anh Quốc và Hà Lan đã có những quyết định can đảm hơn Hoa Kỳ, khi ủng hộ việc giao chiến đấu cơ F-16 cho Kiev, khiến Washington rốt cuộc bớt do dự. Tuy đoàn kết trước mối đe dọa từ Nga, nhưng phương Tây lại không thống nhất trước Trung Quốc.

Phương Nam : Thêm một cực bên cạnh phương Đông và phương Tây

Cực thứ hai là phương Đông - phía sau Trung Quốc và Nga, nhưng giữa các nước này không có sự cân bằng như phương Tây, và Trung Quốc ngày càng thống trị. Cuộc xâm lăng Ukraine đã đẩy nhanh quá trình Nga trở thành chư hầu của Trung Quốc, ngược hẳn với thập niên 50 và 60. Một điểm khác nữa : trước kia Liên Xô và Trung Quốc cùng theo chủ nghĩa xã hội, nay là chế độ toàn trị. Một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa phương Tây và phương Đông chăng ? Nhưng nay Trung Quốc đã thay cho Liên Xô, và ngược với Moskva, Bắc Kinh là cường quốc về nhiều phương diện chứ không chỉ quân sự.

Và các nước phương Nam ngày nay không đơn giản là các quốc gia không liên kết xưa kia, cả về kinh tế, chiến lược lẫn dân số. Một người khổng lồ mới là Ấn Độ đã xuất hiện, được cả Mỹ, Châu Âu lẫn Nga chú ý, trở thành lãnh đạo của cực này. Trong thời chiến tranh lạnh trước đây, "không liên kết" có nghĩa là từ chối chọn lựa giữa phương Đông xã hội chủ nghĩa và phương Tây tư bản chủ nghĩa. Ngày nay, đó là một phương Nam muốn phục thù phương Tây thực dân xưa kia.

Các nước phương Tây cần ý thức về một thế giới mới gồm ba cực, không chỉ quảng bá những giá trị của mình với phương Nam, mà còn phải tỏ ra gương mẫu về dân chủ, khiêm tốn và thực tế hơn, vì không còn nắm giữ tất cả những lá bài như những thế kỷ trước.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 184 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)