Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

22/05/2023

Tổng thống Zelensky được mời tham dự Thượng đỉnh G7 Hiroshima

RFI tổng hợp

Ukraine làm đảo lộn chương trình nghị sự của thượng đỉnh G7 tại Hiroshima

Thanh Hà, RFI, 22/05/2023

Bế mạc thượng đỉnh G7 tại Hiroshima hôm 21/05/2023, phương Tây đã cam kết tăng viện trợ quân sự cho Ukraine và tiếp tục hỗ trợ Kiev về mặt ngoại giao. Đây là một thắng lợi của tổng thống Volodymyr Zelensky cho dù Kiev không thuyết phục được các nước đang phát triển như Brazil hay Nam Phi, Ấn Độ lên án Moskva xâm chiếm Ukraine.

summit1

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (phải) đón tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến dự hội nghị thượng đỉnh G7, Hiroshima, Nhật Bản, ngày 21/05/2023. © AP - Eugene Hoshiko

Trong hai ngày hiện diện tại Hiroshima, Nhật Bản, tổng thống Zelensky đã ráo riết vận động ngoại giao với hàng loạt cuộc họp song phương. Đáng chú ý nhất là cuộc gặp với thủ tướng Narendra Modi, trong đó lãnh đạo Ấn Độ cam kết "làm tất cả để giúp vãn hồi hòa bình", do ông "thấu hiểu" nỗi đau của người dân Ukraine đang phải đối mặt với chiến tranh. Tuy nhiên, ông Zelensky đã không có dịp trao đổi riêng với tổng thống Brazil, Lula da Silva, một thành viên quan trọng của khối G20. Brasilia trong thông cáo sáng nay cho biết tổng thống Lula rất "bực bội" vì không có dịp trao đổi trực tiếp với đồng cấp Ukraine do "thời gian không cho phép".

Đặc phái viên của đài RFI Vincent Souriau từ Hiroshima, Nhật Bản ghi nhận chiến tranh Ukraine và sự hiện diện của tổng thống Zelensky đã làm lu mờ các chủ đề quan trọng khác của hội nghị :

"Trước hết, ngay từ ngày đầu thượng đỉnh, báo chí Mỹ đã tiết lộ thông tin tổng thống Ukraine sẽ hiện diện tại Hiroshima do một sự dàn xếp rất tỉ mỉ. Sau hội nghị của Liên Đoàn Ả Rập tại Saudi Arabia, máy bay chở tổng thống Volodymyr Zelensky đã đáp xuống phi trường Hiroshima và sự kiện này thu hút chú ý của tất cả các phương tiện truyền thông.

Chương trình nghị sự của thượng đỉnh G7 và thượng đỉnh G7 mở rộng đã rất dày đặt, các phái đoàn đã thực sự phải cân nhắc từng chút để tổ chức các cuộc họp song phương bên cạnh các cuộc họp chung. Chẳng hạn, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và đồng cấp Indonesia được dự trù họp trong vòng 45 phút, nhưng vào giờ chót, cuộc trao đổi đã bị rút ngắn xuống chỉ còn 15 phút, do tổng thống Ukraine muốn gặp riêng tất cả các đối tác có mặt tại đây trong hai ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật vừa qua trước khi ra về.

Ngay cả khi ông Zelensky chưa đến Hiroshima, Ukraine đã lấn át hẳn mọi hồ sơ khác. Các bên đã thảo luận về những biện pháp mới trừng phạt Nga xâm chiếm Ukraine, hay về khả năng cung cấp chiến đấu cơ hiện đại nhất của Hoa Kỳ F-16 cho quân đội Ukraine.

Chẳng mấy ai chú ý đến cảnh cáo của G7 gần như là trực tiếp nhắm vào Trung Quốc, lên án Bắc Kinh dùng đòn kinh tế uy hiếp nhiều quốc gia trên thế giới. Kế hoạch hành động chống biến đổi khí hậu, vốn được coi là một trọng tâm của thượng đỉnh, đã gần như hoàn toàn bị lãng quên".

Họp báo chiều qua, tổng thống Biden nhấn mạnh hai điểm : Một là Kiev cam kết không sử dụng chiến đấu cơ F-16 của Mỹ "trên lãnh thổ Nga", và hai là tổng thống Nga không thể phá vỡ quyết tâm của G7 yểm trợ Ukraine. Nhưng đối với Moskva, việc ông Zelensky đến Nhật Bản lần này chứng tỏ "sự kiện tại Hiroshima là một màn trình diễn mang nặng màu sắc tuyên truyền".

Thanh Hà

***********************

Tổng thống Zelensky đến G7 tìm hậu thuẫn từ các nước phương nam cho Ukraine

Thu Hằng, RFI, 21/05/2023

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến thượng đỉnh G7 tìm thêm hậu thuẫn ngoại giao và quân sự. Trong hai ngày 20/05 và 21/05/2023, ông Zelensky lần lượt gặp thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và tổng thống Brazil Lula, để thuyết phục hai nhà lãnh đạo tham gia vào kế hoạch hòa bình của Kiev, được trình bày lần đầu vào tháng 11/2022. Ấn Độ và Brazil là hai nước cho đến nay vẫn từ chối lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

summit2

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy (G) và các nhà lãnh đạo G7 khác chụp ảnh trước một phiên họp về Ukraine tại Thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản, ngày 21 tháng 5 năm 2023. © Офіс Президента України

Ngay khi tới Hiroshima ngày 20/05 trên chuyên cơ của Pháp, tổng thống Zelensky liên tục có các cuộc họp song phương với các đồng minh và đối tác để vận động các nước này hỗ trợ thêm cho Ukraine. Ngoài các cuộc họp với lãnh đạo các nước đồng minh Châu Âu, ông Zelensky cũng gặp tổng thống Mỹ, thủ tướng Nhật Bản và thủ tướng Canada.

Đây cũng là lần đầu tiên nguyên thủ Ukraine gặp trực tiếp thủ tướng Ấn Độ và mời ông Narendra Modi tham gia nỗ lực chấm dứt chiến tranh của Kiev. Ông Modi bày tỏ "hoàn toàn hiểu được nỗi đau của ông (Zelensky) và của người dân Ukraine", đồng thời hứa "Ấn Độ và cá nhân tôi sẽ làm mọi việc có thể để giải quyết cuộc xung đột này" vì "đó không chỉ là vấn đề chính trị hay kinh tế, mà còn là vấn đề nhân đạo".

Sáng 21/05, tổng thống Ukraine gặp đồng nhiệm Brazil Lula, cho đến giờ vẫn lưỡng lự lên án cuộc xâm lược của Nga. Tháng 04/2023, ông Lula còn tuyên bố rằng Hoa Kỳ nên ngừng "cổ vũ chiến tranh" ở Ukraine.

Zelensky tại G7 : Sáng kiến của Pháp thành công

Theo tổng thống Pháp Emmanuel Macron, việc tổng thống Ukraine có mặt tại thượng đỉnh G7 ở Hiroshima "có thể làm thay đổi cán cân" cho Ukraine vì giúp Kiev thắt chặt mối liên hệ với các nhà lãnh đạo các nước đang trỗi dậy. Trước báo giới ngày 20/05, ông Macron nhấn mạnh "sáng kiến của Pháp" đã thành công :

"Tôi nghĩ Pháp đã vinh dự làm được việc này, giúp tổng thống Zelensky đến phát biểu tại thượng đỉnh Liên Đoàn Ả Rập, nhận được sự ủng hộ rất rõ ràng từ phía Saudi Arabia và nhiều nước lớn trong vùng, đó là một bước ngoặt thực sự. Tiếp theo là đến đây (Hiroshima) để có thể phát biểu trước các thành viên của nhóm G7, nhận được những giải thích rõ ràng hơn về lập trường hoặc có thể là sự ủng hộ và vận động trước bộ ba chủ tịch G20, đó là cách xây dựng hòa bình.

Nếu tái lập hòa bình là biến chiến tranh Ukraine thành một cuộc xung đột bị đóng băng, thì đó là một sai lầm đối với tất cả chúng ta. Bởi vì kinh nghiệm đã dạy chúng ta rằng một cuộc xung đột bị đóng băng sẽ là một cuộc chiến tương lai, cho nên đó không phải là ưu tiên tuyệt đối cho hiện tại. Hòa bình phải là việc xây dựng một nền hòa bình lâu dài, được thương lượng, giải quyết vấn đề trên cơ sở nền tảng của nó và tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Và đây là lúc phải bỏ điểm nhập nhằng".

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà, Thu Hằng
Read 192 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)