Chiến tranh Ukraine : Đập Kakhovka bị vỡ, bước ngoặt bất ngờ làm lợi cho Nga
Đập Kakhovka bị vỡ, thêm một bước ngoặt bất ngờ cho cuộc chiến tranh ở Ukraine. Trang nhất của báo chí Pháp hôm nay đều được dành cho sự kiện này. Le Monde chạy tựa "Đập Kakhovka bị tấn công", Le Figaro nhấn mạnh "Phá hoại trên sông Dniepr, leo thang trong chiến tranh". La Croix chú ý đến "Dniepr, một dòng sông trong thời chiến", Libération nói về "Chiến lược gây ngập lụt"
Bà Tetiana cùng với hai con chó Tsatsa, Chunya trong ngôi nhà bị ngập lụt sau khi đập Kakhovka ở Kherson, Ukraine, bị vỡ ngày 06/06/2023. AP - Evgeniy Maloletka
Dân Kherson hết chạy bom đến chạy lụt
Bị xé toang vì một vụ nổ sáng hôm qua, đập Kakhovka tuôn 18 tỉ mét khối nước về phía hạ nguồn, làm ngập lụt miền nam Ukraine đến tận Kherson, vẽ lại đường giới tuyến và làm phức tạp thêm việc khởi động cuộc phản công của Kiev.
Libération mô tả : Dòng nước màu nâu cuộn chảy trên những đường phố Kherson chạy dọc theo dòng sông. Vài con chó bập bõm bơi tại những vùng nước ít sâu hơn, dưới ánh nhìn của những cư dân hiếm hoi còn ở lại những tầng nhà trên cao. Hôm qua, thứ Ba, những khu phố từng bị quân Nga oanh kích thường xuyên đã bị ngập lụt chỉ trong vài giờ. Đập Nova Kakhovka, bị Nga chiếm ngay từ đầu cuộc xâm lăng, đã bị vỡ vào lúc rạng sáng, "chắc chắn làm cho nhiều người thiệt mạng", theo Nhà Trắng.
Nước từ hồ chứa nhanh chóng khiến sông Dniepr dâng lên tràn bờ. Những con thiên nga bơi trên quảng trường phía trước tòa thị chính Nova Kakhovka, dòng nước nâu lượn lờ quanh những bức tường trắng. Chính quyền do Nga dựng lên ở Kherson nói rằng trên 22.000 người bị đe dọa, phía do Kiev kiểm soát khoảng 16.000 người bị ảnh hưởng. Một số làng đã bị cô lập, những ngõ vào bị nước lụt chận ngang gây khó khăn cho việc sơ tán. Tại Kherson, điện nước và khí đốt đã bị cúp, những người dân chạy lụt tập trung tại nhà ga có cửa sổ bịt kín bằng bao cát, chờ tàu đưa đến Mykolaiv.
Trên sân ga ở Mykolaiv, phóng viên Le Figaro tiếp xúc với những người mới đến. Ludmila, với một ít quần áo đã bị hư hỏng trên lưng và giấy tờ trong chiếc bóp nhỏ cầm tay, vẫn còn run rẩy : "Giờ đây chúng tôi là người tị nạn, chẳng còn gì cả". Một tình nguyện viên cho biết vấn đề là có nhiều người già sống trong những ngôi làng dọc theo bờ sông, không thể tự đi đến Kherson để đi xe buýt và xe lửa.
Từ 6 tháng trước, Zelensky đã báo động nguy cơ Nga phá đập
Moskva tố cáo "hành động cố ý phá hoại của Kiev", trong khi Ukraine nói về "tội ác chiến tranh của những kẻ khủng bố Nga". Oleksy Danilov, chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine chỉ ra : "Chính lữ đoàn cơ giới 205 của Nga đóng trong khu vực đã làm nổ đập". Andriy Yermak, chánh văn phòng tổng thống Ukraine, nói : "Không thể hiểu được khi có người vẫn còn nghi ngờ. Cả nhà máy lẫn đập thủy điện đều nằm trong khu vực Nga tạm chiếm. Không một vụ oanh kích hay tác động từ bên ngoài có thể phá hủy được những công trình này, vụ nổ là từ bên trong". Về phần tổng thống Volodymyr Zelensky, ông lên án Nga "tiến hành cuộc chiến chống lại cuộc sống, thiên nhiên và nền văn minh".
Hiện chưa có bằng chứng chắc chắn để cáo buộc Nga, chỉ có một vài chỉ dấu được Libération ghi nhận. Trên mạng Telegram ở Nova Kakhovka, cư dân cho biết nghe được những tiếng nổ sau 2 giờ 20 phút sáng, rồi tiếng gầm của nước 20 phút sau đó. Đến 6 giờ 06, thị trưởng bù nhìn của Nga ban đầu nói rằng chuyện vỡ đập chỉ là "tin đồn". Song song đó, các tên tuổi nhiều ảnh hưởng trên Telegram Nga tỏ ra đắc chí vì đập bị vỡ làm chìm ngập những hòn đảo do Kiev kiểm soát, lính Ukraine phải khẩn cấp di tản dưới lằn đạn Nga. Năm mươi phút sau, thị trưởng đổi giọng, tố cáo Ukraine oanh kích vào đập trong đêm.
Nếu giả thiết Nga phá hoại là khả tín, cũng có khả năng con đập tự vỡ. Đập đã bị hư hại vào mùa thu khi quân đội Nga cho phá một phần con đường băng ngang để an toàn rút về tả ngạn sông Dniepr. Mùa xuân, hồ chứa đầy lên nhanh chóng so với quy định vì Nga quản lý tồi. Chuyên gia Stéphane Audrand nhận xét, nếu nhận ra những dấu hiệu hư hại, Nga có thể đổ thừa do Ukraine oanh kích. Ngược lại, từ sáu tháng qua Ukraine đã cảnh báo nguy cơ Moskva phá đập. Tổng thống Volodymyr Zelensky hồi tháng Mười cho biết công trình đã bị đặt mìn. Ông đòi gởi một phái đoàn quốc tế đến nhà máy điện Kakhovka, vì "Nga sắp có hành động khủng bố và sau đó đổ lỗi cho Ukraine".
Chuyên gia : Ukraine không có khả năng làm vỡ đập Kakhovka kiên cố
Theo Le Figaro, phản ứng quốc tế cho thấy ý kiến của các nhà lãnh đạo phương Tây về thủ phạm gây ra thảm họa. Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel khẳng định Nga phải chịu trách nhiệm về "tội ác chiến tranh". Lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrell tuyên bố : "Các vụ tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu đã đạt đến mức độ chưa từng thấy", nhấn mạnh hành động này "vi phạm luật pháp quốc tế".
Đại tá Michel Goya, chuyên gia quân sự, lưu ý : "Đập Nova Kakhovka là một công trình đặc biệt vững chắc. Ukraine không có vũ khí nào để tấn công mạnh mẽ và chính xác để phá hủy như vậy. Ngoài ra, khi xem xét các hình ảnh có thể kết luận đó là một vụ nổ theo chiều thẳng đứng, từ dưới lên trên, như vậy nhiều tấn chất nổ đã được đặt phía dưới đập, trong khu vực Nga chiếm đóng". Các chuyên gia đều cho rằng khó thể sửa chữa trong thời gian ngắn. Nước lụt gây khó khăn cho các hoạt động của Ukraine tại miền nam, nhất là việc vượt sông Dniepr. Thách thức khổng lồ về hậu cần của cuộc khủng hoảng nhân đạo là một đòn nặng cho Kiev và cho tinh thần người Ukraine.
Nga hoàn toàn có lợi, Châu Âu như sống trên núi lửa
Trong bài xã luận "Núi lửa", Libération nhận xét, cho dù Ukraine và Nga đổ trách nhiệm cho nhau về vụ vỡ đập thủy điện Kakhovka trên sông Dniepr ở miền nam Ukraine, không cần phải nghiên cứu tình hình lâu lắc mới hiểu được rằng người Nga hoàn toàn có lợi, còn Ukraine thiệt đơn thiệt kép. Đã nhiều tuần qua, cuộc phản công không tuyên bố chừng như đã được tiến hành : tấn công bằng drone, xâm nhập đất Nga, quân chủ lực chờ đợi mặt đất khô lại để đánh mạnh. Và bỗng dưng kế hoạch của Kiev trở thành con số không.
Vụ nổ và những hậu quả của nó là rất trầm trọng. Trả lời Libération, luật gia Mathilde Philip-Gay khẳng định vụ này có đầy đủ yếu tố của "tội ác chiến tranh" theo Công ước Genève. Và trong trường hợp cụ thể này, tác động quân sự của sự kiện chưa từng thấy trên đây có thể mang tính quyết định. Nhất là khi xảy ra gần một nhà máy điện nguyên tử, vốn cần nước cho các bồn trữ làm mát. Hiện tại nhà máy Zaporijia, bị Nga chiếm từ tháng 3/2022 và đã ngưng hoạt động nhiều tháng, theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) thì vẫn đang trong tầm kiểm soát. Nhưng rõ ràng kể từ ngày 24/02/2022, Châu Âu sống trên miệng núi lửa.
Libération nhận thấy "Cách đó 150 kilomet, mọi cặp mắt đều đổ dồn về nhà máy điện nguyên tử Zaporijia". Le Figaro trấn an "Trước mắt, an ninh của nhà máy chưa bị đe dọa". Vụ vỡ đập làm mực nước hồ chứa giảm xuống 5 centimet mỗi giờ. Vào đầu giờ sáng, mức nước là 16,4 mét ; nếu giảm xuống còn 12,7 mét sẽ không thể bơm vào làm mát các tổ máy. Như vậy theo AIEA, còn được "vài ngày nữa" để tìm ra giải pháp. Giám đốc nhà máy Yuri Chernichuk cho biết có năm tổ máy đã ngưng chạy trong tình trạng "lạnh" (tức nhiệt độ bình thường đến 100°C) và một tổ máy ở tình trạng "nóng" (từ 200 đến 250°C).
Người dân Ukraine dũng cảm đương cự từ một năm qua, và chắc chắn họ sẽ vượt được thảm họa mới này, nhưng trong khi chờ đợi cần siết chặt hàng ngũ. Chiến tranh chưa bao giờ vô hại, nó gây ra những tổn thất to lớn về con người và của cải. Đó chính là mục tiêu : làm tổn hại nguồn lực, sức kháng cự và tinh thần của kẻ thù. Nhưng trong cuộc chiến này, dường như chẳng có một giới hạn nào. Mọi chiêu trò đều được sử dụng, và rất đáng sợ khi nghĩ đến sức khỏe tâm thần của kẻ đang điều hành nước Nga cùng với bè lũ của mình.
Cuộc phản công của Ukraine bị đảo lộn
Le Figaro cũng cho rằng "Lịch trình cuộc phản công của Ukraine bị đảo lộn vì vụ phá hoại". Sự kiện đập Kakhovka bị phá vỡ gây ngạc nhiên cho bộ tham mưu các nước phương Tây, làm xáo trộn kế hoạch trong lúc Kiev chuẩn bị tấn công. Một ngày trước đó, một nhà quan sát dự đoán nếu cuộc phản công "được tung ra vào ngày 6 tháng Sáu, trùng với D Day (cuộc đổ bộ Normandy) thì sẽ rất ý nghĩa", trong bối cảnh các trận đánh ngoài mặt trận đang dữ dội hơn. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận xét : "Hành động thô bỉ này một lần nữa cho thấy sự tàn bạo của cuộc chiến mà Nga tiến hành ở Ukraine". Giới quân sự đều nghiêng về giả thiết con đập do Nga kiểm soát bị đặt mìn hơn là trúng hỏa tiễn.
Đối với quân Nga đóng ở bờ nam sông Dniepr, sẽ phải lùi lại, số mìn gài để ngăn Ukraine bị phân tán trong dòng nước. Nhưng Nga được lợi lớn khi dòng sông mở rộng, giới tuyến rút ngắn hơn. Chuyên gia Stéphane Audrand trên Libération cho rằng, Moskva có thể giảm bớt quân ở Kherson, tập trung cho những khu vực khác ; còn theo nhà nghiên cứu Thibault Fouillet, nước lụt làm chậm lại nhịp độ nhưng về lâu về dài không thể ngăn Ukraine tiến quân.
Với quân đội Ukraine, vượt qua một con sông rộng như thế cần năng lực công binh phức tạp mà hiện Kiev chưa có được. Con sông Dniepr trở nên rộng hơn, địa lý thay đổi khiến họ buộc lòng phải bố trí lại lực lượng. Trước mắt, đập Kakhovka bị phá hủy làm Kiev thiệt thòi rất lớn vì phải tập trung nguồn lực, phương tiện cho việc sơ tán, ổn định đời sống dân chúng, trong khi khả năng mở chiến dịch sẽ khép lại vào tháng Mười.
Thảm họa sinh thái từ cuộc chiến tranh hủy diệt
Le Monde cũng cho rằng vụ phá hoại này gây khó khăn cho chiến dịch phản công của Kiev, đồng thời gây ra thảm họa sinh thái. Theo La Croix, 150 tấn dầu máy đổ ra sông Dniepr gây ô nhiễm, những con thú được nuôi trong sở thú Nova Kakhovka đều bị chết đuối. Trên 400.000 hecta đất nông nghiệp bị mất nguồn nước tưới, 400.000 đến 450.000 dân không còn nước sinh hoạt. Nhà nghiên cứu Ivan Savchuk nói với Les Echos rằng những vùng đất màu mỡ nhất dọc theo dòng sông Dniepr đã bị ngập trong nước lụt.
Tại Crimea, đến 85% lượng nước sử dụng lấy từ một kênh dẫn nước ở thượng nguồn đập Kakhovka. Đây cũng là cái cớ để Kremlin đổ lỗi cho Ukraine phá đập nhằm cắt nguồn nước cho Crimea. Trước đó, khi Kiev còn kiểm soát Kakhovka, 2.000 giếng đã được đào tại Crimea, và ngay ngày đầu của cuộc xâm lăng đặc nhiệm và lính dù đã chiếm lấy con đập quan trọng này. Về lâu về dài, cùng với các hoạt động quấy rối, drone, hỏa tiễn, mối nguy thiếu nước chính là gót chân Achille của bán đảo bị Nga sáp nhập từ 2014.
Bài xã luận của Le Figaro chơi chữ "đất ngập, đất cháy", ý nói đây là phiên bản khác của "terre brûlée" (tiêu thổ kháng chiến). Sự kiện này cho thấy các bên tham chiến không lùi bước trước bất cứ việc gì để gây khốn đốn cho địch thủ. Nhưng người Nga phải biết rằng rốt cuộc chiến này luôn kết thúc bằng thất bại của kẻ xâm lược.
Thụy My