Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

30/06/2023

Điểm báo Pháp - Pháp lún sâu vào bạo động thành phố

RFI tiếng Việt

Ngoại ô Pháp lún sâu vào cảnh bạo động, chính quyền bất lực ?

Vụ thiếu niên Nahel, 17 tuổi, bị cảnh sát bắn chết tại thành phố Nanterre, ngoại ô phía tây của Paris vẫn là chủ đề chiếm trang nhất của tất cả các tờ báo Pháp ra hôm nay 30/06/2023. 

baodong1

Bà Mounia, mẹ của Nahel, thiếu niên 17 tuổi bị cảnh sát Pháp bắn chết ở Nanterre, tham dự một cuộc tuần hành tưởng nhớ con trai bà ở Nanterre, ngoại ô Paris, Pháp, ngày 29/06/2023. Reuters – Sarah Meyssonnier

Tờ Le Figaro dành trang nhất và bài xã luận nói về cuộc tuần hành sau cái chết của Nahel dường như không nhằm mục đích tưởng niệm nạn nhân. Cuộc tuần hành được dẫn đầu bởi mẹ của nạn nhân, ngồi trên một chiếc xe tải, không phải là một cuộc tưởng niệm mà là một cuộc biểu tình với những ý đồ nổi loạn. Với những nắm đấm giơ cao, những lời thóa mạ, đám đông hô vang sự căm ghét của họ đối với Nhà nước và cảnh sát. Cuộc tuần hành sau đó chuyển sang một cuộc đụng độ với cảnh sát với những hành động ném đá, đốt xe hơi và đập phá các cơ sở kinh doanh. 

Mọi chuyện liệu có thể khác ? Tất cả những nhân vật, trong nhiều năm, đã kêu gọi nổi dậy, đều có mặt trong cuộc tuần hành : từ những thanh niên vô công rồi nghề cho đến các nhà hoạt động cộng đồng, từ Assa Traoré, nhân vật tự xưng là đại diện cho những người theo chủ nghĩa chống cảnh sát, cho đến các dân biểu của đảng Nước Pháp Bất Khuất (LFI), những người coi lực lượng bảo vệ an ninh là kẻ thù. Tất cả đều lên án việc quyền tự do ngôn luận không được tôn trọng mà họ nói bị tước đoạt. Tuy nhiên, vào hôm qua, không có nhà báo nào có thể trà trộn được vào đoàn tuần hành để tác nghiệp, nếu không muốn bị lăng mạ hoặc hành hung... 

Cựu bộ trưởng Nội Vụ Pháp Gérard Collomb, từ chức vào năm 2018, đã tiên đoán rằng "mai sau, mọi người sẽ phải sống chung với đụng độ bạo lực". Và giờ đây điều đó đã thành hiện thực. Những cuộc đụng độ này không chỉ xảy ra ở các đô thị lớn, mà còn lan rộng ra các thị trấn cỡ trung bình như Alençon, Sens hay Étampes, những nơi xảy ra bạo loạn khi hoàng hôn buông xuống. Và lần nào các cuộc bạo loạn cũng nhắm đến cùng một mục tiêu, đó là các tòa nhà công sở, chẳng hạn như tòa thị chính, đồn cảnh sát – biểu tượng của quyền lực. 

Nhật báo thiên hữu kết luận rằng các cuộc tuần hành giờ đây không còn mang ý nghĩa tưởng niệm cái chết của người đã khuất, mà là nhằm mục đích chính trị nhiều hơn. 

Pháp bất lực trước những hiện tượng bạo lực ? 

Tờ Libération cũng dành tranh nhất và bài xã luận cho cùng chủ đề. Cuộc tuần hành tưởng niệm cái chết của Nahel đã quy tụ hàng ngàn người đến bày tỏ lòng thương tiếc và bất bình trước cái chết của thanh niên này. Nhật báo thiên tả nhận định rằng cái chết của Nahel "không thể giải thích và không thể bào chữa được". Làm sao một người có thể chết như thế ở Pháp ? Làm sao có thể chết như thế ở tuổi 17, để lại cho người thân bao tiếc nuối ? 

Viên cảnh sát nổ súng đã bị truy tố và bị tạm giam và Quốc hội Pháp đã dành một phút mặc niệm sau vụ việc này. Nhưng Nhà nước đã làm gì trước khi video cho thấy Nahel bị bắn chết được công bố ? Bất chấp vô số vấn đề về cơ cấu của lực lượng giữ gìn an ninh, từ quá trình đào tạo sử dụng vũ khí quân sự bị rút ngắn, cho đến việc cài những thành phần có tư tưởng cực hữu vào bộ máy cảnh sát, không có gì hoặc gần như không có gì đã được thực hiện để tránh một cái chết oan uổng. Bất kể kết luận của tư pháp là gì, và bất kể diễn biến của các cuộc biểu tình bạo lực, thì vụ này tái khẳng định rằng Nahel chết vì Nhà nước đã không thực hiện biện pháp cụ thể nào từ trước. 

Hố sâu ngăn cách giữa thanh niên và cảnh sát 

Nhật báo công giáo La Croix thì chú ý đến khía cạnh giới trẻ mất lòng tin vào lực lượng bảo vệ an ninh. Các cuộc bạo loạn xảy ra sau thảm kịch này cho thấy một hố sâu ngăn cách hai phe : cảnh sát và một bộ phận không nhỏ các thanh thiếu niên sống tại những khu bình dân. 

Dường như giới trẻ giờ đây có một sự ngờ vực rất lớn đối với cảnh sát. Những gì xảy ra vào ngày hôm qua dưới chân những tòa nhà thuộc khu chung cư Pablo Picasso ở Nanterre chứng minh điều đó. Một số thiếu niên, tất cả đều 14 tuổi, cùng có mong muốn tính sổ với cảnh sát. Ilyes nói : "Họ cứ đến đây đi, chúng tôi sẽ bẻ cổ họ". 

Những sự kiện này thực sự không khiến các nhà xã hội học nghiên cứu về cảnh sát ngạc nhiên. Họ đã cảnh báo trong nhiều năm về hố sâu ngăn cách ngày càng lớn giữa cảnh sát với một bộ phận giới trẻ sống ở các khu dân cư lao động. Sebastian Roche, nhà xã hội học tại Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia (CNRS) cho biết rằng một phần lớn trong số họ có cảm giác bị đối xử như công dân hạng hai. Vào năm 2022, theo thống kê của Science Po-Cevipof, 48% thanh niên từ 18-24 tuổi cho rằng cảnh sát không tôn trọng công dân. Con số này thậm chí là 55% vào năm 2021. Phần lớn những thanh niên này cũng đánh giá rằng cảnh sát không sử dụng vũ lực một cách đúng mực. 

Đối mặt với những thống kê này, nhiều tổ chức vẫn tin rằng có thể khiến hai bên xích lại gần nhau hơn. Réda Didi, người đồng sáng lập hiệp hội Graines de France, giải thích : "Đó là những gì chúng tôi đã làm trong 15 năm qua bằng cách tổ chức các cuộc gặp giữa những thanh thiếu niên từ 10-17 tuổi với lực lượng cảnh sát. Mỗi lần như vậy, chúng tôi đều rất ngạc nhiên khi hai bên không hoặc biết rất ít về nhau. Tôi nhớ trong một cuộc tranh luận gần đây tại một trường trung học ở Aubervilliers (Seine-Saint-Denis), một cảnh sát đã đến nói chuyện với khoảng 50 học sinh lớp 4, và vào lúc cuộc tranh luận kết thúc, đã có 7 học sinh cho biết muốn trở thành cảnh sát". 

Vào hôm qua, văn phòng công tố ở Nanterre đã mở một cuộc điều tra về tội cố ý giết người đối với viên cảnh sát đã bắn chết Nahel. Công tố viên Pascal Prache nhấn mạnh rằng các điều kiện pháp lý để sử dụng vũ khí không được đáp ứng. Sự cứng rắn này từ phía tư pháp có thể sẽ làm xoa dịu cơn giận dữ của giới thanh niên, những người trong hai đêm qua đã tăng cường các hành vi bạo lực ở hầu hết mọi nơi trên nước Pháp. 

Thành quả của Ukraine sau những đợt phản công đầu tiên 

Về chiến tranh Ukraine, nhật báo Le Monde dành trang nhất nói về những thành quả của Kiev đạt được kể từ khi tiến hành cuộc phản công. Hơn ba tuần sau khi phát động những cuộc phản công, Ukraine đang tìm cách trấn an quốc tế về tiến độ của các chiến dịch quân sự, trong khi những thành quả đạt được có vẻ vẫn còn khiêm tốn. Bộ trưởng quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết trong một cuộc phỏng vấn được nhật báo Financial Times của Anh đăng hôm 28/06 rằng các cuộc phản công hiện tại chỉ là "khúc dạo đầu" cho những chiến dịch lớn hơn trong thời gian tới. 

Cuộc phản công bắt đầu hôm 04/06 với các cuộc tấn công dọc theo tuyến đường từ Zaporijjia đến Donetsk, cho đến nay đã giúp Kiev chiếm lại 300 km2 lãnh thổ Ukraine, theo Ben Wallace, bộ trưởng quốc phòng Anh. Con số này thực sự vẫn khiêm tốn bởi quân đội Nga vẫn chiếm khoảng 100.000 km2 đất Ukraine. 

Những khu vực Ukraine tái chiếm được ghi nhận ở phía tây Vuhledar, thuộc tỉnh Donetsk và phía nam Orikhiv, thuộc vùng Zaporijjia. Họ tái chiếm hàng chục thị trấn ở đó (Rivnopil, Novodarivka, Makarivka, Piatykhatky, v.v.). Quân đội Ukraine cũng đang giành lại lãnh thổ xung quanh Bakhmut, một thành phố đã trở thành biểu tượng cho sự kháng cự của họ, bị rơi vào tay Nga vào cuối tháng 5. Họ cũng tái chiếm một vùng lãnh thổ đã bị lực lượng Nga chiếm đóng cách đây 9 năm ở Krasnohorivka, gần Donetsk. 

Theo các nhà phân tích quân sự, Ukraine cho đến nay mới chỉ triển khai ba trong số mười hai lữ đoàn được thành lập để thực hiện cuộc phản công. Giờ đây vẫn chưa rõ Ukraine sẽ tập trung sức lực vào đâu. Nhiều nhà quan sát cho rằng họ sẽ tìm cách phản công ở miền nam đất nước, nhằm phá cây cầu trên đất liền nối bán đảo Crimea với Nga và do đó chia cắt lực lượng của Moskva. Trong bài phát biểu ngày 27/06, tổng thống Nga Vladimir Putin gọi trục Orikhiv là "hướng tấn công chính" của cuộc phản công của Ukraine. Việc phá vỡ các tuyến phòng thủ của Nga ở đó sẽ mở đường cho quân Ukraine đến biển Azov và các thành phố Melitopol, Berdyansk. 

Việt Nam – con rồng nhỏ mơ về một nền kinh tế thay thế Trung Quốc 

Tờ Le Monde có bài viết nói nền kinh tế của Việt Nam đạt được những tiến bộ rõ rệt nhờ đầu tư nước ngoài. Mở cửa ra bên ngoài, quốc gia 99 triệu dân này đang tìm cách tận dụng căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây để trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045. 

Hiện tại đã có hơn 150 công ty, chủ yếu của nước ngoài, đặt trụ sở ở dọc bờ biển Hải Phòng. Công ty Bridgestone của Nhật Bản, đã có mặt ở đây từ năm 2011, sản xuất lốp xe mùa đông. Công ty Flat của Trung Quốc sản xuất các tấm pin mặt trời. Piaggio của Ý sản xuất những chiếc Vespa dành cho toàn Châu Á, và VinFast, tập đoàn sản xuất xe hơi của Việt Nam, đang chuẩn bị sản xuất ô tô chạy bằng điện. 

Thành phố Hải Phòng, vẫn đang trong quá trình chuyển đổi đô thị mà Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã từng trải qua, là biểu tượng của nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh. Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2007, đã có được mức tăng trưởng ngoạn mục (6% kể từ năm 2006) nhờ đầu tư nước ngoài, và chịu ít hạn chế hơn Trung Quốc. Do đó, từ 65% đến 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến từ các công ty có vốn nước ngoài. 

Việt Nam đang trải qua giai đoạn toàn cầu hóa mạnh mẽ, có được 15 hiệp định thương mại tự do, trong đó có một hiệp định với Liên Hiệp Châu Âu. Hà Nội là thành viên của dự án "Con đường tơ lụa mới" của Trung Quốc và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP do Nhật Bản đề xuất. 

Với mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, đây là quốc gia thứ hai ở Đông Nam Á, sau Indonesia, thiết lập quan hệ đối tác cho quá trình chuyển đổi năng lượng với phương Tây để cùng nhau hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi này. 

Phan Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phan Minh
Read 225 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)