Nga, Trung Quốc nhất trí về biện pháp chống phi đạn Mỹ (VOA, 13/01/2017)
Hệ thống phòng vệ THAAD.
Tân Hoa Xã ngày 13/1 loan tin Trung Quốc và Nga nhất trí có thêm "các biện pháp đối lại" với kế hoạch của Mỹ triển khai hệ thống chống phi đạn tại Hàn Quốc.
Tân Hoa Xã trích dẫn thông cáo được loan báo sau một cuộc họp an ninh Trung-Nga cho biết thêm là những biện pháp này "sẽ nhằm bảo vệ những lợi ích của Trung Quốc và Nga và cán cân chiến lược trong vùng".
Tháng 5 năm ngoái, Trung Quốc và Nga đã tổ chức tập trận chung chống phi đạn sau khi Washington và Seoul bắt đầu thảo luận về việc bố trí hệ thống phòng vệ THAAD chống phi đạn để đối phó với bất cứ đe dọa nào của Bắc Triều Tiên.
THAAD hiện đang được bố trí tại một sân gôn Hàn quốc. Moscow và Bắc Kinh lo ngại hệ thống ra-đa hùng hậu này sẽ đe dọa an ninh hai nước mà không giúp làm giảm bớt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Vào tháng 10 năm ngoái Trung Quốc và Nga cho biết sẽ tổ chức một cuộc tập trận thứ hai trong năm nay.
Việc Bắc Triều Tiên nỗ lực phát triển khả năng vũ khí hạt nhân gây bất bình Trung Quốc, nước lớn duy nhất ủng hộ ngoại giao và kinh tế cho Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Bắc Kinh lo ngại là THAAD và các radar của hệ thống này có tầm hoạt động lan đến lãnh thổ Trung Quốc.
Hôm thứ năm, Bộ trưởng thương mại Hàn Quốc tuyên bố Seoul có thể phàn nàn với Trung Quốc về những hành động của Bắc Kinh dường như để trả đũa quyết định của Seoul triển khai hệ thống chống phi đạn Hoa Kỳ.
************************
Thủ tướng Ba Lan chào mừng đội quân Mỹ đầu tiên tới trú đóng tại Ba Lan (VOA tiếng Việt, 14/01/2017)
Ba Lan hôm thứ Bảy 14/1 chính thức nghênh đón một đội quân Mỹ đã tới nước này trước đây trong tuần trong khuôn khổ một sứ mạng của NATO nhằm răn đe thái độ hung hăng của Nga trong khu vực.
Thủ Tướng Ba Lan Beata Szydlo và Bộ trưởng Quốc phòng Antoni Macierewicz có mặt trong buổi lễ tổ chức tại thị trấn Zagan ở hướng Tây Ba Lan.
Chào mừng các binh sĩ Mỹ, Nữ Thủ Tướng Szydlo nói :
"Sự hiện diện của các binh sĩ Mỹ ở Ba Lan là thêm một bước nữa trong chiến lược của chúng tôi để bảo đảm sự an toàn và an ninh cho Ba Lan và cho khu vực".
Đội quân Mỹ đầu tiên tới Ba Lan hôm thứ Năm vừa rồi từ nước Đức. Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov miêu tả động thái này là "một mối đe dọa nhắm vào "các lợi ích và an ninh của Nga".
Nói chuyện với báo chí, ông Peskov nói :
"Điều này càng rõ rệt hơn nữa khi một bên thứ 3 củng cố sự hiện diện quân sự của họ ngay ngoài ngõ của chúng ta tại Châu Âu".
Theo dự trù, Hoa Kỳ rốt cuộc sẽ điều động hơn 3000 binh sĩ đến trú đóng tại Ba Lan, đánh dấu động thái củng cố lực lượng lớn nhất tại Ba Lan kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Sứ mệnh của NATO mang tên "Quyết tâm Đại Tây Dương" ngoài điều động binh sĩ, còn điều động 87 xe tăng Abrams và hơn 500 xe khác, luân phiên có mặt tại Ba Lan và các nước thành viên NATO kế cận kể cả Estonia, Latvia, Lithuania, Romania, Bulgari và Hungary.
Phát biểu tại buổi lễ cử hành hôm thứ Bảy 14/1, Đại sứ Hoa Kỳ tại Ba Lan Paul James nói :
"Đây là lực lượng thiện chiến nhất của Mỹ : sẵn sàng ứng chiến, lữ đoàn thiết kỵ được đào tạo chuyên nghiệp, trang bị với những thiết bị và vũ khí tiên tiến nhất".
Lệnh triển khai đã được chính phủ của Tổng Thống Obama ban hành vào năm 2014 để đáp lại hành động hung hăng của nga tại Ukraine.
Về lâu về dài, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan cho biết tổng cộng sẽ có 7000 binh sĩ Mỹ và NATO trú đóng ở Ba Lan.
********************
Nga phẫn nộ trước sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Ba Lan (RFI, 13/01/2017)
Một xe thiết giáp Mỹ tại cảng Bremerhaven, Đức, ngày 06/01/2017. PATRIK STOLLARZ / AFP
Kể từ ngày 12/01/2017 Mỹ đưa quân và trang thiết bị quân sự đến Ba Lan trong khuôn khổ chiến dịch "Atlantic Resolve" được tổng thống Barack Obama quyết định sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina năm 2014. Sự kiện nói trên đã khiến Moskva giận dữ.
Đây là đợt triển khai quân sự từ phía Hoa Kỳ sang Châu Âu hùng hậu nhất từ trước tới nay. Trong những ngày tới sẽ có đến 3.000 quân nhân, 87 chiếc xe tăng và hơn 500 xe vận tải của quân đội Mỹ sẽ được điều tới Ba Lan. Sau Ba Lan, số này sẽ tuần tự đến đóng tại ba nước trong vùng Baltic, tại Hungary, Roumania và Bulgaria.
Việc tăng quân ở sườn phía đông Liên Minh Bắc Đại Tây Dương - NATO đã được các thành viên trong khối nhất trí thông qua, nhân thượng đỉnh Warsawa hồi tháng 7/2016. Không nêu đích danh Hoa Kỳ, nhưng điện Kremlin cho rằng việc triển khai quân sự nói trên gây "bất ổn" cho Châu Âu. Thông tín viên đài RFI, Muriel Pomponne từ Moskva cho biết thêm về phản ứng của Nga :
"Ông Dmitri Peskov, phát ngôn viên phủ tổng thống Nga cho biết : theo quan điểm của điện Kremlin, chiến dịch này là một "mối đe dọa nhắm vào quyền lợi và an ninh" của nước Nga. Không nêu đích danh Hoa Kỳ, ông Peskov tố cáo việc "một nước thứ ba, mà không thuộc Châu Âu tăng cường sự hiện diện quân sự ngay sát biên giới Nga" tại Châu Âu.
Theo Moskva, việc triển khai quân sự nói trên là một "yếu tố gây bất ổn cho an ninh Châu Âu". Các cơ quan tuyên truyền của Nga cho rằng quyết định triển khai quân ở Đông Âu chỉ khiến cho các nước Châu Âu lo ngại, ngoại trừ Ba Lan và các nước trong vùng Baltic là cảm thấy an tâm. Theo báo chí thân chính phủ Nga, tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vội vã đưa xe thiết giáp sang Ba Lan trước khi chuyển giao quyền lực cho Donald Trump là do việc khác với Obama, ông Trump không mắc hội chứng bài Nga.
Thật ra việc Mỹ đưa xe thiết giáp sang Ba Lan không phải là điều bất ngờ vì quyết định này đã được các bên đồng ý nhân thượng đỉnh của khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương hồi tháng 7/2016 vừa qua tại thủ đô Vacxava. Năm nay, NATO và Nga dự trù họp lại hai lần tại Bruxelles. Điều đó chứng minh là đối thoại giữa Liên Minh Bắc Đại Tây Dương và Moskva vẫn được duy trì".
Thanh Hà