Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

24/06/2017

Biển Đông : Mỹ phản đối mọi thay đổi, Trung Quốc lo sợ liên minh mới

RFI tiếng Việt

Mỹ khẳng định phản đối thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông (RFI, 24/06/2017)

Hoa Kỳ khẳng định không thay đổi lập trường về Biển Đông. Tuyên bố được ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis đưa ra trong phiên họp đầu tiên của hội nghị cấp cao Quốc Phòng và Ngoại Giao Mỹ-Trung khai mạc ngày 21/06/2017 tại Washington.

bd1

Hội đàm cấp cao Quốc Phòng, Ngoại Giao, giữa Mỹ (trái) và Trung Quốc tại Washington ngày 21/06/2017. REUTERS/Kevin Lamarque

Hai nhà lãnh đạo Mỹ Tillerson và Mattis đã tiếp đón ông Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), Ủy viên Quốc vụ phụ trách đối ngoại và tướng Phòng Phong Huy (Fang Fenghui), tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc.

Theo trang tin Philstar ngày 24/06/2017, trước báo giới, ngoại trưởng Mỹ cho biết phía Mỹ đã trao đổi thẳng thắn các quan điểm của mình liên quan đến tranh chấp tại Biển Đông với các quan chức Trung Quốc.

Ông Tillerson nhấn mạnh : "Chúng tôi phản đối mọi thay đổi nguyên trạng bằng cách quân sự hóa các tiền đồn tại Biển Đông và đưa ra đòi hỏi chủ quyền quá đáng không phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng tôi bảo vệ quyền tự do lưu thông hàng hải và hàng không trong khu vực".

Về phần mình, bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis tuyên bố đã thảo luận về tầm quan trọng của quyền tự do lưu thông hàng hải, giải pháp hòa bình trong tranh chấp hàng hải và các biện pháp nhằm giảm căng thẳng tại Biển Đông. Ông cũng nhấn mạnh Hoa Kỳ tiếp tục tuần tra trên không, trên biển và hoạt động tại những khu vực mà luật pháp quốc tế cho phép.

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ cho biết : "Về vấn đề Biển Đông, đây là một cuộc đối thoại mà chúng tôi nêu lên những lĩnh vực mà hai bên có thể cùng làm". Tuy nhiên, theo ông, đây mới chỉ là bước đầu của quá trình đối thoại mà hai bên sẽ còn duy trì trong tương lai.

Vài tuần trước, ngoại trưởng Mỹ Tillerson cáo buộc Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế để lẩn tránh nhiều vấn đề, như tranh chấp tại Biển Đông. Bất bình trước những lời chỉ trích của ngoại trưởng Mỹ, bộ Ngoại Giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh và các nước Đông Nam Á đang nỗ lực để duy trì hòa bình và ổn định ở các vùng biển có tranh chấp.

Thu Hằng

*******************

Trung Quốc theo dõi "chặt chẽ" thượng đỉnh Mỹ-Ấn (RFI, 24/06/2017)

Trung Quốc kêu gọi các quốc gia không liên quan đứng ngoài tranh chấp Biển Đông. Lời kêu gọi trên được đưa ra ba ngày trước chuyến công du đầu tiên của thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi đến Hoa Kỳ kể từ khi tổng thống Donald Trump lên cầm quyền.

bd2

Ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị (thứ ba bên phải) hội đàm với đồng nhiệm Ấn Độ Vijay Kumar Singh tại Điếu Ngư Đài, bắc Kinh ngày 18/06/2017. WANG Zhao / AFP

Bắc Kinh lo ngại trước viễn cảnh Washington và New Delhi thắt chặt quan hệ quân sự, làm ảnh hưởng đến khu Biển Đông và khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Nhật báo The Times of India, số ra ngày 23/06/2017 trích lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Cảnh Sảng (Geng Shuang) trong buổi họp báo đã tuyên bố : " Nhờ những nỗ lực chung giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, tình hình ở Biển Đông đã lắng dịu. Chúng tôi hy vọng những quốc gia khác, đặc biệt những nước ngoài khu vực, tôn trọng những nỗ lực của các bên liên quan để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, đồng thời có thể đóng một vài trò tích cực trong mục đích đó".

Theo như nhận định của tờ báo, nếu như Trung Quốc lo ngại về khả năng Mỹ và Ấn Độ tăng cường hợp tác quân sự, thì ngược lại Bắc Kinh đang kỳ vọng nhiều vào khả năng New Delhi và Washington đẩy mạnh hợp tác kinh tế.

Một chuyên gia Trung Quốc thuộc đại học Tinh Hoa tại Bắc Kinh trả lời trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo nêu lên một thí dụ cụ thể : chính sách của Mỹ giới hạn việc cấp visa cho người lao động theo diện H1B ảnh hưởng nhiều đến các công dân của Ấn Độ và Trung Quốc, do vậy Bắc Kinh ủng hộ những nỗ lực của thủ tướng Modi thuyết phục tổng thống Trump xét lại biện pháp đó.

Mặt khác, Trung Quốc là một đối tác kinh tế quan trọng của Ấn Độ, cho nên nếu như Washington thuyết phục được New Delhi có chính sách cởi mở hơn với các nhà đầu tư nước ngoài, thì biện pháp đó cũng sẽ có lợi cho các tập đoàn của Trung Quốc.

Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi lần đầu tiên hội kiến tổng thống Mỹ, Donald Trump tại Nhà Trắng vào ngày 26/06/2017.

Thanh Hà

Quay lại trang chủ
Read 747 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)