Phương thức kinh doanh mới của VinFast khiến các đại lý Mỹ thận trọng nhưng quan tâm
VinFast, nhà sản xuất ô tô điện Việt Nam đã gây ấn tượng trong tuần qua khi ra mắt cổ phiếu trên sàn Nasdaq, đang khiến các đại lý vừa thận trọng vừa quan tâm sau sự thay đổi gần đây về cách thức phân phối xe tại thị trường Mỹ, theo Reuters.
Xe VinFast trưng bày trước một cửa hiệu bán xe tại Los Angeles, California - Ảnh minh họa
Nhà sản xuất ô tô này, sau khi đã vận chuyển hơn 3.000 chiếc xe tới Bắc Mỹ kể từ cuối năm ngoái, thông báo vào thứ Ba rằng họ đang thay đổi mô hình phân phối, một mô hình dựa trên cách tiếp cận trực tiếp đến người tiêu dùng của Tesla (TSLA.O).
Giờ đây, họ còn muốn bán thông qua các đại lý.
Một số đại lý tại Mỹ mà hãng tin Reuters liên hệ cho biết họ cởi mở với ý tưởng này, nhưng cho biết họ cần biết thêm chi tiết về kế hoạch của VinFast, bao gồm chiến lược bán hàng, yêu cầu đối với đại lý, kế hoạch phân phối phụ tùng và bảo hành xe.
"Liệu có còn chỗ cho các thương hiệu khác không ? Có thể có chứ. Nhưng giờ bình luận thì còn quá sớm", George Glassman, Chủ tịch Tổ hợp Ô tô Glassman đang kinh doanh năm thương hiệu ô tô khác nhau ở ngoại ô Detroit, cho biết. "Tôi cần thêm thông tin trước khi đưa ra quyết định thông minh".
VinFast ra mắt thị trường chứng khoán Mỹ vào thứ Ba và cổ phiếu của họ đã tăng vọt, có lúc đã giúp cho nhà khởi nghiệp này có giá trị thị trường lên tới 85 tỷ USD – cao hơn nhiều so với Ford hoặc General Motors tại thời điểm đó. Kể từ đó, giá cổ phiếu VinFast đã giảm và giảm 33,6%, xuống mức 20 USD vào cuối phiên ngày thứ Năm.
Giữa lúc tăng cường các nỗ lực, VinFast đối mặt với những thử thách khó khăn. Kế hoạch bán xe kết hợp (giữa bán trực tiếp và thông qua đại lý) vừa công bố chỉ là một thách thức nữa và hãng sản xuất ô tô hạng sang này đã tiếp xúc với các đại lý.
"Việc mở cửa hàng riêng là tuyệt vời nhưng lại tốn rất nhiều thời gian", CEO Lê Thị Thu Thủy nói với Reuters vào thứ Ba. "Hợp tác với các đối tác khác để tiến nhanh hơn luôn là bản năng của chúng tôi".
Các lãnh đạo tại VinFast, công ty vốn đã mở 122 cửa hàng trên toàn cầu tính đến tháng 6 với hầu hết tại Miền Tây Hoa Kỳ, cho biết ngoài việc bán trực tiếp cho khách hàng, hãng sản xuất ô tô này sẽ hợp tác với đại lý để mở điểm bán hàng mới tại Bắc Mỹ và các thị trường toàn cầu khác.
"Chúng tôi đang xác định các điều khoản của mô hình mới này và đang thảo luận với các đối tác tiềm năng. Chi tiết hơn sẽ được công bố trong thời gian tới", bà Thủy nói trong một thông cáo.
Các đại lý Mỹ cho biết vẫn còn quá nhiều câu hỏi chưa có lời giải, bao gồm cách VinFast phân phối phụ tùng cần thiết để sửa chữa.
'Rủi ro ẩn tàng'
"Đại lý phải quan tâm đến danh tiếng của họ", ông Scott Fink, CEO của Tổ hợp Ô tô Fink, đơn vị sở hữu các cửa hàng Volkswagen và Subaru gần Tampa, Florida, chia sẻ. "Nếu tôi bán xe cho anh mà anh không mua được cái chắn bùn, anh sẽ nổi khùng với tôi ngay. Thế nên tôi sẽ không làm thế".
"Thấy vậy thôi chứ đi vào chi tiết mới gay go", ông bổ sung.
Tesla đã thiết lập vị thế dẫn đầu thị trường xe điện nên các nhà khởi nghiệp khác gặp khó khăn trong nỗ lực vươn xa, các đại lý cho biết. Ngoài ra, VinFast còn phải cạnh tranh với các thương hiệu lâu đời cũng đã có xe điện riêng, bao gồm GM, Ford và Hyundai.
"Điều đầu tiên anh phải xem xét là liệu anh có thể tồn tại trong năm năm tới hay không ? Đó là điều rất đáng lo ngại", Andrew DiFeo – chủ đại lý Hyundai of St. Augustine ở mạn nam Jacksonville, Florida – cho biết.
Một số đại lý nói rằng VinFast có thể cần phải đề xuất biên lợi nhuận hấp dẫn hơn cho đại lý để bù đắp những rủi ro phụ trội ấy. Ngoài ra, hãng sản xuất ô tô này cũng có thể cần phải cung cấp chế độ bảo hành hàng đầu ngành ô tô đối với xe của họ để khiến người mua an tâm.
Những khả năng ấy khiến nhà cố vấn ngành ô tô và cựu chủ tịch GM Warren Browne đưa ra các đánh giá bi quan.
"Đấy là một chiến lược tự sát", ông nói về kế hoạch sử dụng đại lý. "Để phục vụ các đại lý thì phải trích xuất quá nhiều giá trị. Chiến lược này sẽ dẫn tới rắc rối ở Phố Wall".
Nhưng với giá bán của các đại lý đang cao ở mức lịch sử, việc có đủ chủ đại lý tham gia sẽ giúp cải thiện tình hình, ông Rhett Ricart đánh giá. Rhett Ricart là CEO của Tổ hợp Ô tô Ricart tại Columbus, Ohio, đơn vị kinh doanh 10 thương hiệu ô tô. Nhiều người cũng đánh giá cao việc VinFast đang xây dựng một nhà máy ở Mỹ.
Các đại lý cũng nói rằng việc chưa có tên tuổi không phải là yếu tố quyết định, tương tự việc Toyota, Honda và Hyundai đều có xuất phát điểm rất thấp và đã phát triển thành công.
"Nếu sản phẩm tốt và có bảo hành tốt thì người Mỹ sẽ mua", Ricart nói.
Cuối cùng, các đại lý luôn tìm kiếm những cơ hội độc đáo, ông Beau Boeckmann đánh giá. Beau Boeckmann là chủ tịch của Galpin Motors, đơn vị kinh doanh 12 thương hiệu ở khu vực Los Angeles, bao gồm thương hiệu xe điện khởi nghiệp Polestar.
Boeckmann, người đã thăm nhà máy của VinFast tại Việt Nam năm ngoái và gặp gỡ CEO Thủy, vẫn mở cửa cho cơ hội mới này.
"Các đại lý là dân buôn và họ là người sẵn sàng mạo hiểm", ông nói. "Dân bán hàng thì thích được bán mình".
Nguồn : BBC, 19/08/2023
*************************
Vingroup tặng quà 30 cổ phiếu VFS vừa phát hành trên thị trường chứng khoán Mỹ cho chủ xe Cộng đồng VinFast
RFA, 18/08/2023
Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa thông báo sẽ tặng quà tương đương 30 cổ phiếu của hãng xe điện VinFast là VFS vừa được phát hành trên thị trường chứng khoán Mỹ hôm 15/8 vừa qua.
Vingroup tặng mỗi chủ xe VinFast 30 cổ phiếu VFS, cả cộng đồng xôn xao
Truyền thông Nhà nước hôm 17/8 cho biết đây là chương trình tri ân khách hàng đặc biệt chưa từng có trên thị trường xe toàn cầu dành cho những khách hàng tiên phong đã ủng hộ VinFast từ những ngày đầu tiên, thể hiện nhất quán triết lý "Đặt khách hàng làm trọng tâm" của VinFast.
Trang tin VTC News dẫn lời đại diện VinFast cho biết : "Tất cả thành viên Cộng đồng VinFast Việt Nam trước ngày 15/8/2023 và đang còn sở hữu xe VinFast đều sẽ nhận được phần quà trên".
VinFast cho biết thành viên có quyền thanh khoản thành tiền tương đương cổ phiếu được tặng nhưng có giới hạn thời gian. Cụ thể, thành viên có quyền bán lại một phần hoặc toàn bộ số quà tương đương cổ phiếu được tặng cho Vingroup vào ngày 15/8/2024, tức là một năm sau. Mức giá bán sẽ tính vào thời điểm ngày 15/8/2024 và thành viên sẽ được nhận tiền mặt với giá trị tương ứng.
Hãng xe điện non trẻ VinFast của Việt Nam có tham vọng chinh phục thị trường Mỹ khi lần đầu tiên xuất khẩu 999 xe điện sang Mỹ vào tháng 11 năm ngoái. Hãng cũng vừa khởi công xây dựng nhà máy xe điện tại bang North Carolina, Hoa Kỳ hôm 28/7 vừa qua. Nhà máy được cho biết nằm trên diện tích rộng 1,800 mẫu đất (acres) và có công suất sản xuất 150.000 xe trong giai đoạn một.
Nhà máy được hy vọng sẽ đi vào hoạt động vào năm 2025, chậm hơn một năm so với kế hoạch ban đầu là năm 2024.
Để gây vốn, VinFast cũng tìm đường để được niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ và đã sáp nhập thành công với một công ty séc khống là Black Spade Acquisition (BSA). Vào ngày 15/8 vừa qua cổ phiếu VFS của VinFast đã lên sàn Nasdaq của Mỹ với giá khởi điểm ngày đầu tiên là 22 đô la một cổ phiếu. Đến cuối ngày, giá cố phiếu này tăng vọt lên 37 đô la đưa VinFast thành một trong những hãng xe điện có giá trị vốn hóa cao nhất trên sàn chứng khoán Mỹ, ở mức 85 tỷ USD.
Tuy nhiên, hai ngày liên tiếp sau đó, VFS đã liên tục tụt giá xuống còn 20 đô la một cổ phiếu vào lúc đóng cửa thị trường ngày 17/8 vừa qua làm dấy lên nghi ngờ về khả năng thành công của cổ phiếu này trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Nguồn : RFA, 18/08/2023
**************************
Sau ngày đầu tăng mạnh trên thị trường Mỹ, cổ phiếu VinFast giảm sâu trong 2 ngày
VOA, 17/08/2023
Sau màn chào sân ấn tượng trong phiên đầu tiên, cổ phiếu của hãng xe hơi điện Việt Nam VinFast đã lập tức lao dốc, đồng nghĩa là thị giá của hãng giảm hàng chục tỷ đô la, đẩy ông Phạm Nhật Vượng, ông chủ VinFast, ra khỏi nhóm 30 người giàu nhất thế giới chỉ sau một ngày.
Cổ phiếu VFS của VinFast vừa lên sàn Nasdaq của Mỹ
Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/8 trên sàn chứng khoán Nasdaq ở New York, mã cổ phiếu VFS của VinFast đã giảm 19%, từ 37,06 đô la/1 cổ phần xuống còn 30,11 đô la. Ở thời điểm 10g45 sáng 17/8, VFS tiếp tục giảm hơn 13% còn 26 đô la, theo trang msn.com.
Trở lại với ngày 16/8, khi thị trường vừa mở cửa, cổ phiếu VFS đã bị ồ ạt bán ra và giá giảm chỉ còn 25 đô la. Đến cuối phiên giao dịch, giá đã khôi phục được phần nào và tính chung trong cả ngày mức giảm là gần 20%.
Với mức giá cổ phiếu ở thời điểm chốt phiên giao dịch hôm 16/8, giá trị vốn hóa của VinFast đã mất 15 tỉ đô la chỉ sau một ngày, xuống còn 70 tỉ đô la.
Trong phiên này, chỉ có hơn 2,8 triệu cổ phiếu VFS đã được giao dịch trong tổng số 2,3 tỉ cổ phiếu VFS được lưu hành. Tập đoàn Vingroup và các doanh nghiệp liên kết hiện nắm hơn 99% cổ phần của VinFast, theo Tuổi Trẻ.
Trước đó, trong phiên giao dịch chào sân hôm 15/8 sau khi lên sàn, VFS đã có sự bứt phá mạnh mẽ khi mở cửa ở mức 22 đô la, tức cao hơn gấp đôi so với mức giá 10 đô la được xác định trong thỏa thuận hợp nhất với công ty Black Spade, và sau đó tăng vọt lên mức 37,06 đô la khi chốt phiên.
Với mức giá cổ phiếu này, có lúc giá trị vốn hóa của VinFast đã tăng lên hơn 85 tỷ đô la, gấp ba lần so với định giá ban đầu, cao hơn cả những hãng xe hơi danh tiếng của Mỹ như Ford và General Motors vốn có giá trị vốn hóa lần lượt là 48 và 46 tỷ đô la.
Với giá trị 85 tỷ đô la này, VinFast đã trở thành hãng xe điện có giá trị vốn hóa cao thứ ba thế giới, sau Tesla của Mỹ và BYD của Trung Quốc.
Cổ phiếu VFS có màn ra mắt ấn tượng bất chấp thành tích kinh doanh không mấy khả quan trên thị trường Mỹ trong nửa đầu năm 2023. VinFast đã phải thu hồi toàn bộ số xe đầu tiên đã bán ra trong lô xe 999 chiếc đầu tiên do lỗi phần mềm. Trong khi đó, việc xây dựng nhà máy đầu tiên ở bang North Carolina đã bị trì hoãn do vướng mắc về thủ tục mãi đến gần đây mới khởi công.
Cổ phiếu VFS tăng đột biến hôm 15/8 đã cộng thêm 39 tỷ đô la vào 44,3 tỷ đô la tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, theo tính toán của Bloomberg. Trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, với tài sản gần 84 tỷ đô la trên lý thuyết, ông Vượng xếp thứ 16 trong danh sách những người giàu nhất thế giới, theo Forbes.
Tuy nhiên, ông Vượng không giữ vị trí này được lâu. Sau phiên giao dịch ngày 16/8, tức chỉ sau một ngày, Forbes đã điều chỉnh tài sản ông Vượng xuống còn hơn 44 tỷ đô la, và ông Vượng đã bật ra khỏi nhóm 30 người giàu nhất thế giới.
****************************
'Tesla' của Việt Nam được lên 'dây cót' trước một cú ngã lớn ?
BBC, 17/08/2023
Tự hào trước một cú ngã, và đó là một lối đi chông gai mà người giàu nhất Việt Nam, Phạm Nhật Vượng đã trải qua sau khi công ty sản xuất xe điện của ông được niêm yết trên sàn chứng khoán của Mỹ, theo một bài bình luận của tác giả Anshuman Daga trên Reuters.
Công ty sản xuất xe điện VinFast của ông Phạm Nhật Vượng được niêm yết trên sàn chứng khoán của Mỹ
Cổ phiếu của VinFast tăng vọt 270% vào thứ Ba 15/08 sau thương vụ sáp nhập trị giá 27 tỷ USD của công ty này với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (Spac).
Sự kiện này nâng vọt giá trị vốn hóa của doanh nghiệp này lên gần 90 tỷ USD, một kết quả đáng kể chỉ có thể xảy ra bởi vì ông Vượng và các công ty liên quan vẫn còn sở hữu 99% cổ phiếu của công ty muốn trở thành Tesla của Việt Nam.
Không giống thỏa thuận với Spac của Grab trị giá 40 tỷ USD vào hai năm trước, khi Grab huy động được 4,5 tỷ USD từ các nhà đầu tư toàn cầu, đợt niêm yết mới nhất lần này không phải là một sự kiện huy động vốn.
Và sự kiện này có thể khiến ông trùm của tập đoàn bất động sản bán lẻ Vingroup lúng túng cho động thái tiếp theo.
Giá cổ phiếu niêm yết của công ty vốn đang chịu thua lỗ này nằm ở mức gấp 142 lần so với giá bán vào năm 2022, gấp khoảng 16 lần hệ số giá của Tesla.
Mức định giá đó giảm xuống 58 lần nếu VinFast có thể đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu ở mức 145% năm nay, cùng tốc độ mà các nhà phân tích dự đoán dành cho đối thủ Rivian từ Mỹ, mà VinFast xác định là ngang hàng với trong lĩnh vực xe điện của Elon Musk.
Nhưng tốc độ tăng trưởng như vậy có vẻ 'vượt sức'. Doanh thu của VinFast đã giảm 7% vào năm ngoái và doanh số bán hàng giảm trong quý đầu tiên của năm 2023 sau khi công ty này ngưng sản xuất xe chạy xăng, và các đối thủ cạnh tranh đang giảm giá thành.
VinFast sẽ phải vượt qua thách thức đó và các vấn đề hiện có trong khâu vận hành của mình với sự chú ý toàn diện từ thị trường chứng khoán Hoa Kỳ.
VinFast đã đẩy lùi kế hoạch vận hành nhà máy trị giá 4 tỷ USD tại Bắc Carolina trong một năm cho đến năm 2025. Dự án này vẫn chưa có được mức giảm thuế như kỳ vọng và các đánh giá về xe ô tô của họ thì không tạo được cảm hứng.
Chỉ có 137 xe điện VinFast được đăng ký tại Mỹ trong năm nay trong suốt tháng Sáu qua, theo S&P Global Mobility.
Quan trọng nhất là VinFast phụ thuộc nặng nề vào ông Vượng, người đặt cược lớn vào xe điện. Ông ấy đã đổ 9,3 tỷ USD vào công ty này thông qua Vingroup và các công cụ đầu tư khác sau khi đóng cửa một liên doanh điện thoại di động, bỏ một dự án hàng không và thanh lý chuỗi cửa hàng tiện lợi.
Nhưng ít ra không có nhu cầu nào cấp thiết nào về vốn : Giám đốc tài chính của VinFast David Mansfield nói với Reuters rằng công ty đang đàm phán với các nhà đầu tư bao gồm các quỹ đầu tư quốc gia, và có thể hoàn tất việc huy động vốn trong vòng 18 tháng tới.
VinFast có thể trì hoãn bất kỳ sự 'rối reng' nào từ việc định lại giá trị doanh nghiệp một cách khó khăn, nhưng không thể nào hoàn toàn tránh được điều này.
Trước đó, cổ phiếu của hãng sản xuất xe điện VinFast đã tăng 270% lên mức 37 USD khi được niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ Nasdaq vào ngày 15/08 sau khi sáp nhập với công ty mua lại Black Spade Acquisition.
Thương vụ sáp nhập đã mang lại cho VinFast giá trị doanh nghiệp là 27 tỷ USD, hai công ty cho biết.
Các cổ đông hiện tại của VinFast - cơ bản là công ty mẹ Vingroup, và thông qua các công cụ đầu tư, người sáng lập Phạm Nhật Vượng - tiếp tục sở hữu 99% cổ phần của công ty sau sáp nhập.
Nguồn : BBC, 17/08/2023