Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

07/10/2023

Điểm tuần báo Pháp - Độc tài hoành hành, Liên Hiệp Quốc bất lực

RFI tiếng Việt

Xâm lăng Ukraine, bi kịch Karabakh : Độc tài hoành hành, Liên Hiệp Quốc bất lực

Hạ Viện Mỹ bị tê liệt sau vụ truất phế chủ tịch, chính quyền Slovakia đổi chiều sau chiến thắng của đảng thân Nga là những tin bất lợi cho Ukraine, tuy đang giành thế thượng phong ở Hắc Hải. Dưới vũ lực thô bạo của Azerbaijan, Thượng Karabakh chấm dứt cả ngàn năm tồn tại. Độc tài Nga-Trung bắt tay tìm cách lật đổ trật tự thế giới. Phải chăng nên nghĩ đến một định chế mới thay thế Liên Hiệp Quốc đang bất lực ?

bikich1

Người tị nạn đến làng biên giới Kornidzor của Armenia ngày 27/09/2023 sau khi Thượng Karabakh bị quân Azerbaijan đánh chiếm. Reuters – Irakli Gedenidze

Truất phế McCarthy và hậu quả cho Kiev

L'Express tóm tắt "Những đe dọa về viện trợ cho Ukraine" : Chiến thắng của Robert Fico ở Slovakia và vấn đề "shutdown" ở Washington là những sự kiện đáng lo cho Kiev. Phải chăng đây là dấu hiệu "mệt mỏi" của phương Tây trước một cuộc chiến tranh kéo dài ?

Chính khách dân túy Robert Fico của Slovakia tuyên bố "Không một viên đạn nào cho Kiev". Ở Ba Lan, thủ tướng Mateusz Morawwiecki loan báo không cung cấp thêm vũ khí sau khi hợp đồng cuối cùng kết thúc. Trầm trọng hơn nữa cho Ukraine : chấm dứt viện trợ không còn là điều cấm kỵ ở Hoa Kỳ. Trong thỏa thuận tạm thời để tránh việc chính phủ phải đóng cửa, không có quân viện bổ sung cho Kiev.

The Economist nhận định "Việc truất phế ông Kevin McCarthy : Tệ hại cho nước Mỹ, và còn tồi tệ hơn cho Ukraine". Hai tháng trước Cách mạng Pháp 1789, Quốc hội Mỹ họp lần đầu ở New York, và 234 năm sau đó, chưa hề có chủ tịch Hạ Viện nào bị truất phế bằng kiến nghị bất tín nhiệm từ đảng của chính mình như vậy. Mỗi lần Cộng hòa kiểm soát Hạ Viện mà tổng thống của đảng Dân chủ, đều có những rắc rối ; như đã từng bị "shutdown" thời Bill Clinton và Barack Obama.

Lần này vụ đóng cửa tránh được trong đường tơ kẽ tóc nhờ thỏa hiệp của McCarthy, và vì vậy mà ông mất chức. Việc tài trợ cho Ukraine sẽ kết thúc trước cuối năm. Tuần báo cho rằng Hạ Viện rốt cuộc sẽ tìm ra giải pháp, nhưng sự chậm trễ này chỉ có lợi cho Vladimir Putin, và làm cho người Ukraine phải thiệt hại thêm nhiều sinh mạng.

Ukraine đánh đuổi hạm đội Hắc Hải khỏi Crimea

Trên chiến trường Ukraine, Le Monde cuối tuần nhận thấy một nghịch lý : Tuy Kiev tập trung hầu hết lực lượng trên bộ cho cuộc phản công, nhưng thành công lớn nhất lại ở Hắc Hải, dù hải quân Ukraine hầu như không có.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) trong báo cáo ngày 04/10 khẳng định, Nga đã chuyển ít nhất 10 chiếc tàu từ Sevastopol sang Novorosyik, một quân cảng nằm trên đất Nga ở phía đông Hắc Hải. Những hình ảnh vệ tinh cho thấy "hai chiến hạm Đô đốc Makarov và Đô đốc Essen, ba tàu ngầm diesel, năm tàu đổ bộ và nhiều chiến hạm nhỏ phóng hỏa tiễn" đã được dời đi. Những chiến hạm khác cũng sang đậu tại cảng Feodosia ở phía đông Crimea. Tại Sevastopol chỉ còn "bốn tàu đổ bộ và một tàu ngầm Kilo".

Nga phải rút đi các chiến hạm sau một loạt oanh kích thành công của Ukraine vào Sevastopol. Hai cầu cảng nằm ngay trung tâm quân cảng đã bị hư hại nặng, tổng hành dinh Hạm đội Hắc Hải bị đánh trúng khiến khoảng 30 sĩ quan tử thương, và theo Kiev trong số đó có cả tư lệnh là đô đốc Viktor Sokolov. Thông tin này bị Moskva bác bỏ, đưa ra hai video có Sokolov hiện diện, nhưng các nhà phân tích nghi ngờ tính xác thực. Những tuần lễ vừa qua lại có thêm sự tham gia của các drone biển, một loại xuồng điều khiển từ xa qua vệ tinh, chứa đầy chất nổ. Một chiếc tấn công vào tàu dầu Nga đang đậu ngoài khơi, chiếc khác xâm nhập được cảng Novorosyik cách duyên hải Ukraine đến 700 kilomet…

Giờ đây chiến hạm Nga không còn dám tiến gần bờ biển Ukraine dưới 100 hải lý vì sợ hỏa tiễn địa-hải và drone biển. Nga chuẩn bị mở một cảng mới ở cực đông Hắc Hải, tại Abakhazia, vùng đất ly khai thân Nga của Gruzia. Chiến hạm Nga lùi ra xa, Ukraine mở được một hành lang cho ngũ cốc, phá thế phong tỏa. Mười mấy tàu lớn đã đi qua được, quân Nga hiện không cản trở tàu buôn, nhưng mối đe dọa còn đó. Vấn đề là liệu có rút đi hẳn hay không, vì Moskva vẫn coi chiếm đóng Crimea là ưu tiên.

Nhân vật thân Nga thắng cử : Bất lợi cho Ukraine, EU và cả Slovakia

Một trong những yếu tố bất lợi cho Kiev là sự thay đổi chính quyền ở Slovakia. Courrier International dịch lại bài viết của báo Aktuality.sk ở Bratislava nhận định, chiến thắng của đảng Smer và chính phủ có thể do đảng này khống chế là bất lợi lớn cho chính sách đối ngoại của Slovakia, mà việc bỏ rơi Ukraine là rõ ràng nhất.

Đảng Smer không coi Ukraine là nạn nhân bị Nga xâm lược, mà là nước gây chiến. Fico kêu gọi chấm dứt chiến tranh với điều kiện Kiev không những phải từ bỏ Crimea, mà cả những vùng đất đang bị quân Nga chiếm đóng. Với chủ trương này, Slovakia coi như tự ra khỏi liên minh gồm Hoa Kỳ và đại đa số quốc gia EU. Nếu đảng Pháp luật và Công lý của Jaroslaw Kaczynski thắng trong kỳ bầu cử sắp tới ở Ba Lan, 3/4 nhóm Visegrad (trừ Cộng hòa Czech) sẽ tạo thành một khối thù địch với Bruxelles.

Thậm chí bộ ba này có thể đe dọa ra khỏi EU một khi Hungary, Slovakia, Ba Lan không còn hưởng lợi từ trợ cấp Châu Âu mà phải đóng góp. Về NATO, còn phải chờ xem ngoại trưởng mới có phải là Lubos Blaha hay không. Với nhân vật cực đoan từng hô hào trong các cuộc mít-tinh "Không bao giờ chống Nga", sỉ nhục nữ tổng thống Caputova... rất có thể Smer sẽ kêu gọi trưng cầu dân ý về việc ra khỏi NATO. Tờ báo kết luận : "Mong rằng Thượng Đế giúp chúng ta tránh được khả năng này".

La Croix cuối tuần cho biết thêm, trước khi Fico thắng cử đã diễn ra một làn sóng tin tức thất thiệt. Cử tri bị chìm ngập trong những thông tin bị bóp méo từ nhiều nguồn, đặc biệt từ Nga ; coi chính quyền Kiev là "phát-xít", tạo sợ hãi về làn sóng tị nạn. Tổng thống cánh trung Zuzana Caputova lên án việc "lợi dụng những cảm xúc như giận dữ thậm chí thù ghét, nói chung là tiêu cực" để kiếm phiếu.

Cặp Nga-Trung tạm gác quá khứ để phá hoại trật tự thế giới

Nhìn rộng hơn, L'Express trong bài "Nga-Trung : Cặp độc tài muốn xô đẩy thế giới" cho rằng những lợi ích chung trong việc hợp tác giữa Tập Cận Bình và Vladimir Putin trước mắt đang vượt qua những xung đột trong quá khứ.

Khi Bắc Kinh công bố bản đồ hôm 28/08 gộp luôn toàn bộ đảo Bolchoi Usurisk rộng 300 kilomet vuông - mà quân Liên Xô đã chiếm năm 1929 nhưng thỏa thuận chia lại phân nửa cho Trung Quốc năm 2004 – ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov không nhảy nhổm lên như thường lệ mà chỉ nói đó là "vấn đề kỹ thuật". Moskva đang quá cần Bắc Kinh.

Trung Quốc không những chưa bao giờ lên án cuộc xâm lăng Ukraine, mà còn ủng hộ về kinh tế và ngoại giao. Tập Cận Bình dành chuyến công du đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ ba cho Nga, và tháng này sẽ tiếp "người bạn thiết" dự diễn đàn "Con đường tơ lụa mới". Một cơ hội bằng vàng cho Vladimir Putin, vốn không dám rời khỏi Nga từ khi bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) truy nã. Putin và Tập như vậy gặp nhau đến 41 lần.

Bắc Kinh vẫn ấp ủ hy vọng giành lại vùng Viễn Đông Nga

L’Express nhắc lại, nước Nga Sa hoàng vào đầu thế kỷ 20 đã giành được miếng bánh to nhất khi cùng với các cường quốc phân chia Trung Hoa thời nhà Thanh sau cuộc chiến tranh nha phiến : gần 2 triệu cây số vuông đất, rộng hơn cả Đức và Pháp cộng lại. Nga chiếm phần phía bắc và duyên hải phía đông của Mãn Châu, khiến Trung Quốc mất đường ra biển Nhật Bản. Ở Trung Á, Nga sở hữu vùng đất nay là Kazakhstan và Kyrgyzstan.  

Sự thành lập Cộng hòa nhân dân Trung Hoa không thay đổi tình thế giữa hai chế độ. Để cho thấy ai là ông chủ, Stalin đã bắt Mao phải ăn chực nằm chờ ở ngoại ô Moskva hai tháng trời mới cho gặp để ký hiệp ước Nga-Trung ngày 14/02/1950. Nhà sử học Pierre Andrieu thuật lại, "Mao phàn nàn chẳng biết làm gì ngoài ‘ăn, ngủ và đi toa-lét’". Năm 1969, giữa hai "nước cộng sản anh em" đã suýt xảy ra chiến tranh nguyên tử.

Nhà phân tích Alice Ekman cho rằng dưới mắt Tập Cận Bình, việc xích lại gần với Nga lợi nhiều hơn hại. Trước hết, có thể yên tâm về 4.200 kilomet đường biên giới với Nga trong trường hợp xung đột với Hoa Kỳ về Đài Loan chẳng hạn. Cả hai nhà độc tài đều chống Mỹ, coi Washington là mối đe dọa cho an ninh và chính trị. Dù kinh tế Nga chỉ bằng 1/10 Trung Quốc, Moskva vẫn là ủy viên Hội đồng Bảo an, sở hữu bom nguyên tử, Bắc Kinh cần đến để phá hoại trật tự quốc tế do Hoa Kỳ thống trị. Nhóm BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải lập ra để loại phương Tây, tập trung nỗ lực của Nga và Trung Quốc cho mục đích trên.

Những vết thương quá khứ vẫn chưa liền sẹo, giới tinh hoa ở Hoa lục vẫn hy vọng thu hồi vùng Viễn Đông Nga. Nhưng theo nhà nghiên cứu Bobo Lo của IFRI, trước mắt Trung Quốc chưa cần đến vì đang thống trị về kinh tế tại đây. Ông cho rằng mối nguy lớn nhất là bất ổn tại Trung Quốc nếu kinh tế sụp đổ hay lao vào một cuộc chiến với Mỹ và bại trận. Tương tự, nếu chế độ Putin bị lật đổ cũng dẫn đến tình thế bất lợi cho Bắc Kinh.

Thảm kịch Karabakh, nền văn minh có nguy cơ bị hủy diệt

Về một cuộc chiến khác cũng tại Châu Âu, L’Obs nhận định "Một bi kịch Armenia". Courrier International chạy tựa trang nhất "Thượng Karabakh, thùng thuốc súng của Kavkaz". Le Point lo âu "Armenia, một nền văn minh có nguy cơ bị hủy diệt". Sống sót qua một thế kỷ căng thẳng và đẫm máu, sau ba thập niên chiến đấu vì độc lập, Thượng Karabakh vừa chấm dứt sự tồn tại, chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi quân Azerbaijan tấn công. Ngay khi kẻ chiến thắng mở lại con đường nối với Armenia, những người dân đói khát, khủng hoảng, kiệt lực sau chín tháng bị phong tỏa toàn bộ, đã ồ ạt ra đi.

Hầu như toàn bộ cư dân Thượng Karabakh đều di tản, trước sự sững sờ của phương Tây : tổng thống độc tài của Azerbaijan, ông Aliev từng hứa hẹn không dùng đến vũ lực. Đó là kết quả của chính sách thanh lọc chủng tộc bằng khủng bố, bằng vây hãm như thời Trung Cổ. Người dân không còn thực phẩm, thuốc men, xăng dầu… trường học đóng cửa vì không có điện nước, người bệnh không được chữa trị cũng không chuyển viện, còn Ilham Aliev nói rằng họ là "khủng bố". Người ta cũng không quên trong trận chiến năm 2020, Baku từng sử dụng bom bi, tra tấn tù nhân Armenia rồi phổ biến những hình ảnh thê thảm của họ trên mạng xã hội.

Nhà sử học Michel Marian nhận định, cộng đồng quốc tế sẽ phải cắn rứt lương tâm trước cuộc di tản khổng lồ này. Từ đầu cuộc xung đột, các định chế vẫn ưu tiên cho nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ (Karabakh thuộc về Azerbaijan) thay vì quyền tự quyết (cư dân Karabakh không phải là người Azerbaijan). Cuộc di tản lần này là vĩnh viễn, là chấn thương lâu dài cho một cộng đồng khác với người Armenia ở Armenia. Karabakh có phương ngữ riêng, lịch sử riêng, rất gắn bó với Nga từ thời kỳ Sa hoàng. Họ gần như song ngữ Nga-Armenia, đóng góp nhiều người hùng trong "Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại". Sự phản bội của Moskva khiến việc mất quê hương còn đau đớn hơn.

Khủng hoảng tị nạn đe dọa Armenia

Về hậu quả, L'Express cảnh báo "Bóng ma một cuộc khủng hoảng tị nạn ở Armenia". Khả năng tiếp nhận của quốc gia miền núi chưa đầy 3 triệu dân đứng trước thử thách chưa từng thấy. Thủ tướng Nikol Pachinian trước đó tuyên bố sẵn sàng đón nhận 40.000 người anh em Thượng Karabakh, nhưng hầu như cả 120.000 dân của vùng đất này đều bỏ chạy sang Erevan. Đây là cú sốc lớn.

Họ sẽ ở đâu ? Thủ đô Erevan tập trung 40% dân số, từ năm ngoái đã bị khủng hoảng nhà ở vì mấy chục ngàn người Nga trốn lệnh động viên sang tị nạn, tiền thuê nhà vượt quá khả năng của dân địa phương. Những vùng đất xung quanh thì kém phát triển, các bệnh viện, trường học ở Erevan sẽ nhanh chóng quá tải. Một số người tị nạn có người thân tại Armenia có thể tạm ở nhờ, những người khác tạm ngụ trong khách sạn, trung tâm xã hội, trường học.

Về lâu về dài phải có chỗ ở cho họ, số 25 triệu đô la do Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu gởi sang như muối bỏ biển. Và còn 120.000 cuộc đời phải làm lại. Gia tài cả đời phải bỏ lại sau lưng, người tị nạn hiện chỉ có 100.000 dram (240 euro) được thủ tướng hứa hẹn. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn và thị trường lao động bão hòa, việc hội nhập của họ sẽ rất vất vả, chưa kể chấn động lớn lao về tâm lý. Nhiều người đã thất lạc người thân trong lúc chạy loạn, khoảng mấy trăm người đã bị thương hay thiệt mạng vì mìn trên đường di tản. 

Định chế nào thay thế Liên Hiệp Quốc ?

L'Obs đặt câu hỏi "Làm thế nào thay thế Liên Hiệp Quốc ?". Cứ mỗi lần những hình ảnh thảm khốc xuất hiện, một tiếng thét lại bật ra từ trái tim : Vậy cộng đồng quốc tế làm gì ? Lời đáp thường là : Chẳng làm gì cả. Bởi vì không còn cộng đồng quốc tế.

Người Armenia cô đơn trước vũ lực của Azerbaijan, không ai ngăn được hồi kết của một vùng đất ngàn năm tuổi. Chẳng phải là Armenia vốn yếu về quân sự. Chẳng phải là Nga, đóng vai trọng tài trong lần xung đột trước nhưng lần này để mặc vì tính toán. Không phải là Châu Âu không có phương tiện lẫn quyền hạn vì Thượng Karabakh là nước cộng hòa tự phong. Và chẳng phải là Liên Hiệp Quốc, chỉ là con số cộng các quốc gia thành viên, bị tê liệt khi ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an lại là kẻ đi xâm lược.

Trong thập niên 30, Hội Quốc Liên từng bất lực với những cuộc khủng hoảng trước khi xảy ra Đệ nhị Thế chiến. Năm 1936, vua Hailé Sélassié của Ethiopia, khi quân đội Mussolini xâm chiếm nước mình đã cảnh báo các thành viên Châu Âu tại Hội Quốc Liên, nếu để yên, các vị sẽ là những người tiếp theo. Dự báo này đã thành sự thực sau đó.

Thất bại của Hội Quốc Liên dẫn đến sự thành lập Liên Hiệp Quốc năm 1945 tại San Francisco bởi các nước thắng trận. Ngày nay Liên Hiệp Quốc có nhiều điểm yếu : các định chế đã lỗi thời, sự đối địch giữa các cường quốc. Thế nên cần nghĩ đến một cơ cấu an ninh tập thể và quản trị thế giới thay thế Liên Hiệp Quốc một ngày nào đó, với hy vọng không như thời kỳ cuối của Hội Quốc Liên - phải có một thảm họa lớn hơn để hình thành một thế giới mới.

Miến Điện : Thầy bói, hy vọng cuối cùng cho thân nhân tù chính trị

Tại Đông Nam Á, Courrier International trích dịch tờ Frontier Myanmar cho biết "Thầy bói nay là hy vọng cuối cùng" của gia đình các tù nhân chính trị Miến Điện. Từ sau vụ đảo chánh, hàng ngàn nhà ly khai bị bắt và kết án, ngay cả giới luật sư cũng bị đàn áp. Sư sãi Phật giáo thường đứng về phía chính quyền nên những người tuyệt vọng nhất quay sang trông cậy vào…thầy bói.                                                           

Họ nghe lời "thầy" nhang đèn, hoa quả cúng bái, niệm Phật, phóng sinh chim sẻ, cua… để mong người thân được trả tự do. Một thầy bói khi vào tù, được bạn tù nhờ xem vận mệnh, mới biết đa số là những công dân bình thường, chẳng phải là những kẻ nổi dậy. Người này tin rằng việc tập đoàn quân sự thường xuyên phóng thích tù chính trị là để trả bớt "nghiệp" giống như người dân phóng sinh, vì các tướng tá cũng rất mê tín.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 205 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)