Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

01/07/2017

Quan hệ Mỹ - Trung : sự kiên nhẫn của Hoa Kỳ đã vượt quá mức chịu đựng

Tổng hợp

Tuần trăng mật Mỹ-Trung dường như đã kết thúc (RFI, 01/07/2017)

Quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã trở nên gay gắt hôm 30/06/2017. Bắc Kinh tức giận vì Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, và trừng phạt một ngân hàng Trung Quốc bị cáo buộc có liên hệ với Bắc Triều Tiên.

mytrung1

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago, Florida ngày 06/04/2017. REUTERS/Carlos Barria/File Photo

Các quyết định của Mỹ và phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc tương phản hẳn với không khí tương đối thân mật từ sau cuộc gặp gỡ với chủ tịch Tập Cận Bình và tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, tại tư dinh của nhà tỉ phú tại Florida.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu 30/6 tuyên bố : "Chúng tôi hy vọng Hoa Kỳ có thể chỉnh đốn lại hành vi sai trái, để đưa quan hệ Mỹ-Trung trở lại con đường đúng đắn, phát triển một cách vững chắc và ổn định".

Bắc Kinh nhấn mạnh "kiên quyết chống lại" các biện pháp trừng phạt của Bộ Tài chính Hoa Kỳ đối với một ngân hàng Trung Quốc. Ngân hàng Đan Đông (Dandong) bị Washington cáo buộc rửa tiền cho Bắc Triều Tiên, và từ nay không thể kết nối với hệ thống tài chính Mỹ.

Trung Quốc cũng "cực lực phản đối" việc chính quyền Trump cho phép bán cho Đài Loan 1,3 tỉ đô la vũ khí. Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trả đũa : "Ngay cả trong thời bình, chúng ta cũng đừng bao giờ quên rằng Đài Loan bị đe dọa nặng nề. Hòa bình chưa bao giờ có được, và không bao giờ được lơi lỏng việc bảo vệ đất nước chỉ vì hiện đang bình yên".

Ông Lục Khảng còn đả kích các phát biểu "vô trách nhiệm" của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Washington bày tỏ quan ngại về việc tôn trọng các quyền tự do ở Hồng Kông, trong dịp kỷ niệm 20 năm cựu thuộc địa Anh được trao trả cho Trung Quốc.

Giáo sư Lâm Hòa Lập (Willy Lam), trường đại học Trung Quốc ở Hồng Kông nói với AFP : "Chừng như tuần trăng mật, được bắt đầu với lời hứa của Bắc Kinh sẽ làm điều gì đó về vấn đề Bắc Triều Tiên, đã kết thúc hẳn rồi. Tôi nghĩ rằng ông Trump muốn dùng lá bài Đài Loan để thúc đẩy Trung Quốc hành động nhiều hơn về Bắc Triều Tiên, và có thể cả biện pháp thương mại nữa".

Nhưng đối với giáo sư James Reilly, chuyên về quan hệ quốc tế ở trường đại học Sydney, "nay ít có khả năng Trung Quốc làm điều gì đó về hồ sơ Bắc Triều Tiên, do vụ Mỹ trừng phạt và bán vũ khí".

Tổng thống Donald Trump đã kịch liệt đả kích chính sách thương mại của Trung Quốc, trong thời gian tranh cử. Giọng điệu của ông nhẹ nhàng hẳn đi sau khi gặp ông Tập Cận Bình : ông Trump cần sự giúp đỡ của Trung Quốc để thúc đẩy Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình nguyên tử và đạn đạo. Nhưng tổng thống Mỹ tuần rồi phải cau mày, trong một tin Twitter ông Trump khẳng định các nỗ lực của Trung Quốc không có kết quả.

Ngân hàng Đan Đông của Trung Quốc bị Hoa Kỳ cáo buộc là đã tạo điều kiện cho các giao dịch của những công ty có liên can đến việc phát triển hỏa tiễn đạn đạo Bắc Triều Tiên.

Bộ trưởng tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin nhấn mạnh, các trừng phạt này không chủ ý nhắm vào Trung Quốc. Nhưng ông cảnh báo : "Nếu chúng tôi phát hiện một hoạt động nào khác, thì sẽ trừng phạt thêm các định chế khác. Không có ai ngoại lệ cả".

Trung Quốc là láng giềng và là nước duy nhất ủng hộ Bắc Triều Tiên cả về ngoại giao lẫn kinh tế. Bắc Kinh coi việc thương lượng là phương cách duy nhất để thúc đẩy Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình đạn đạo và nguyên tử, khuyến khích Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên nhượng bộ lẫn nhau nhưng không đứng về bên nào.

Tân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng hành xử tương tự. Trên chuyến bay đưa ông đến công du Hoa Kỳ, Moon Jae-in tuyên bố Seoul và Washington cần phải đưa ra những nhượng bộ với Bắc Triều Tiên, nếu nước này chấp nhận một số điều kiện – theo báo chí Hàn Quốc. Ông Moon nói : "Tuy không tưởng thưởng Bắc Triều Tiên về những hành động đáng phê phán, nhưng Hàn Quốc và Hoa Kỳ cần phải cùng nhau xem xét nên đề nghị với Bình Nhưỡng những gì để đổi lấy việc đóng băng chương trình nguyên tử của họ".

Hôm thứ Sáu 30/06/2017, tổng thống Donald Trump tuyên bố "thời kỳ kiên nhẫn với Bình Nhưỡng đã kết thúc", khẳng định Hoa Kỳ sẽ phối hợp chặt chẽ với Hàn Quốc, Nhật Bản và các đối tác khác trên thế giới để có được "một tổng thể các biện pháp ngoại giao, kinh tế và an ninh". Ông không nhắc đến Trung Quốc.

Tuần trăng mật Mỹ-Trung đã thực sự trôi qua rồi chăng ?

Thụy My

***********************

Đài Loan 'lạc quan' về tàu hải quân Mỹ trở lại (BBC, 01/07/2017)

Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm 29/6/2017 bày tỏ lạc quan sau khi Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ thông qua một điều khoản nhằm tái lập các chuyến thăm thường xuyên của các tàu Hải quân Hoa Kỳ tới Cao Hùng hoặc "các cảng thích hợp khác" ở Đài Loan, thời báo Đài Bắc hôm 30/6 đưa tin.

mytrung2

Đài Loan hoan nghênh và lạc quan về các trao đổi và hợp tác mới với Hải quân Hoa Kỳ ở khu vực.

Điều khoản này cũng cho phép Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Hoa Kỳ tiếp nhận các chuyến "thăm, đậu" của tàu Đài Loan ở khu vực thuộc phạm vi hoạt động của Bộ chỉ huy này.

Ủy ban Quân vụ hôm thứ Năm đã bỏ phiếu cho phép việc trao đổi này như một phần của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Hoa Kỳ năm tới, mà sẽ được đệ trình lên Thượng viện để xem xét.

"Động thái này cho thấy Hoa Kỳ coi trọng trao đổi quân sự với Đài Loan. Bộ Ngoại giao hoan nghênh mọi hình thức hợp tác nhằm nâng cao năng lực quốc phòng của Đài Loan và mang lại sự ổn định cho khu vực," Bộ Quốc phòng Đài Loan tuyên bố.

Công ty Cảng Quốc tế Đài Loan, phụ trách hoạt động tại các cảng biển của quốc gia, cho biết Bộ Quốc phòng có các bến riêng tại một số cảng.

Nếu các tàu quân sự từ các quốc gia khác cần dừng tại Đài Loan, họ sẽ phải liên lạc với Bộ Quốc phòng cho phép đậu tại bến tàu của bộ này, Công ty Cảng Quốc tế Đài Loan cho biết thêm và nói rằng các tàu quân sự sẽ không neo đậu tại các bến mà các tàu thương mại sử dụng.

Bộ Quốc phòng có thể yêu cầu sự hỗ trợ của Công ty nếu bến tàu của họ không thể đón tàu chiến lớn hơn, hãng này bổ sung.

Thông điệp của Mỹ ?

Các cảng Chi-lung, Cao Hùng, Su-ao và Đài Trung có các cơ sở quân sự, theo Cảng vụ Đài Loan.

Một tàu sân bay nhỏ của Hoa Kỳ từng vào cảng Chi-lung trước đây, mặc dù không neo đậu lại, theo một quan chức Phó lãnh đạo Cục Cảng vụ Đài Loan, người từng là sinh viên của Đại học Quốc gia Đài Loan ở Chi-lung, khi Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ cập cảng tại đó.

Chỉ có Cảng Cao Hùng có thể chứa các tàu sân bay lớn, đi vào qua lối cảng thứ hai, vẫn theo quan chức này.

mytrung3

Giới quan sát tiếp tục chú ý theo dõi các chuyển động về hợp tác quân sự và quốc phòng của Mỹ tại Châu Á và biển Thái Bình Dương thời gian qua và tới đây.

Các cảng Chi-lung, Cao Hùng, Su-ao và Đài Trung có thể chứa các khu trục hạm loại 9.000 tấn trang bị hỏa tiễn, như tàu USS Fitzgerald, mà đầu tháng này đã có va chạm với tàu chở hàng ACX Crystal treo cờ Philippines tại Vịnh Tokyo, Phó lãnh đạo Cục Cảng vụ Đài Loan cho biết thêm.

Trong một diễn biến riêng biệt liên quan chuyển động và hợp tác quân sự của Hoa Kỳ ở khu vực, theo báo Straitstimes hôm 30/6, Hoa Kỳ sẽ có một cuộc tập trận chung với Australia với 33.000 quân tham dự, sự kiện dự kiến kéo dài một tháng ở ngoài khơi Sidney.

Tuy địa điểm tập trận ở xa các vùng biển tranh chấp của Châu Á nhưng giới chức Hoa Kỳ nói thẳng rằng đây là một thông điệp mà họ muốn gửi đến các đồng minh, đối tác và cả đối thủ của Mỹ.

Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuần này xác nhận Mỹ vẫn bán vũ khí trị giá 1,42 tỷ USD cho Đài Loan, và điều này ngay lập tức khiến Trung Quốc phản ứng.

Đại sứ Trung Quốc Thôi Thiên Khải nói quyết định của Washington bán vũ khí cho Đài Bắc "làm tổn hại niềm tin" song phương Mỹ - Trung.

Cũng có tin Hoa Kỳ áp đặt lệnh trừng phạt lên một số công ty trong ngành vận tải và ngân hàng của Trung Quốc "vì có hoạt động chống lệnh cấm vận" nhằm vào Bắc Hàn.

*********************

Donald Trump : Hoa Kỳ đã "hết kiên nhẫn" với Bắc Triều Tiên (RFI, 01/07/2017)

mytrung4

Tổng thống Mỹ Donald Trump và đồng nhiệm Hàn Quốc, Moon Jae-in trong buổi họp báo chung tại Nhà Trắng, Washington, ngày 30/06/2017. REUTERS/Jim Bourg

Ngày 30/06/2017, lần đầu tiên tiếp tổng thống Hàn Quốc Moon Jea-In tại Nhà Trắng, tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng cảnh cáo chế độ "nguy hiểm và tàn bạo" của Bắc Triều Tiên rằng Hoa Kỳ đã "hết kiên nhẫn". Ông Trump không loại trừ khả năng nào, khẳng định đã có trong tay "nhiều phương án" để đáp lại các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.

Từ Washington, thông tín viên Jean-Louis Pouret gởi về bài tường trình :

"Ông Donald Trump rất muốn biết lập trường của tân lãnh đạo Hàn Quốc, một người sẵn sàng đối thoại với miền Bắc hơn tổng thống tiền nhiệm. Nhưng hai vị tổng thống Mỹ - Hàn có chung mối quan ngại trước mối đe dọa hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Sau cuộc hội đàm với tổng thống Hàn Quốc, ông Donald Trump đã lên tiếng cảnh cáo chế độ Kim Jong-Un : "Chiến lược kiên nhẫn với Bắc Triều Tiên đã thất bại. Thật tình mà nói, chúng tôi đã hết kiên nhẫn. Chúng tôi kêu gọi các cường quốc khác trong khu vực cùng với chúng tôi thi hành các biện pháp trừng phạt. Mục tiêu của chúng tôi là hòa bình, an ninh và ổn định cho khu vực".

Tổng thống Mỹ tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ làm việc chặt chẽ với Hàn Quốc, Nhật Bản và các đối tác khác về các biện pháp ngoại giao, kinh tế và an ninh.

Trong một thời gian dài, ông Trump đã trông chờ vào Trung Quốc để gây áp lực lên Bắc Triều Tiên, nhưng ông đã thất vọng. Cho nên, tổng thống Mỹ đã thể hiện sự bất bình bằng cách ban hành các biện pháp trừng phạt một ngân hàng Trung Quốc có liên hệ với ngành công nghiệp hạt nhân Bắc Triều Tiên, đồng thời cho phép bán cho Đài Loan số vũ khí với tổng trị giá gần 1 tỷ rưỡi đôla".

Thanh Phương

Quay lại trang chủ
Read 857 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)