Mỹ cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử tại nhiều nước trên thế giới
Thu Hằng, RFI, 21/10/2023
Nga sử dụng mạng lưới gián điệp, các cơ quan truyền thông Nhà nước, mạng xã hội của nước này phục vụ cho các chiến dịch làm suy yếu uy tín nhiều cuộc bầu cử trên toàn thế giới. Trong báo cáo công bố ngày 20/10/2023 và được chia sẻ với hàng trăm nước, tình báo Mỹ cho biết "nhiều quan chức cấp cao trong chính phủ Nga, kể cả điện Kremlin, khen ngợi kiểu chiến dịch gây ảnh hưởng này và đánh giá là có hiệu quả".
Logo của Cơ quan Tình báo Mỹ CIA. Reuters
Theo tình báo Mỹ, "đây là một hiện tượng quy mô thế giới". Nga đã "cố hết sức" trong những năm 2020 đến 2022 để bào mòn niềm tin của người dân tại ít nhất 11 cuộc bầu cử ở 9 nước dân chủ, trong đó có Hoa Kỳ. Khoảng 17 nước khác bị nhắm đến thông qua những phương pháp "ít lộ liễu hơn", như hoạt động trên mạng xã hội, tin nhắn điện tử. Tuy nhiên, tình báo Mỹ không nêu rõ những nước nào bị nhắm đến.
Những chiến dịch này được thực hiện qua cơ chế "bí mật hoặc công khai", ví dụ trường hợp tình báo Nga FSB ngầm can thiệp để hăm dọa nhân viên bầu cử trong một cuộc bầu cử tại một nước Châu Âu không được nêu tên vào năm 2020. Còn truyền thông Nhà nước Nga gia tăng "cáo buộc sai sự thật về gian lận bầu cử" ở nhiều nước Châu Á, Châu Âu, Trung Đông và Nam Mỹ từ năm 2020 đến 2021.
Vẫn theo báo cáo của tình báo Mỹ, những chiến dịch "phá hoại" này mang lại hai lợi ích cho Nga : "phát tán bất ổn trong các xã hội dân chủ và tung tin biến các cuộc bầu cử dân chủ thành rối loạn tạo nên những chính phủ bất hợp pháp". Hoa Kỳ cũng có "điểm yếu" trước những "mối đe dọa" này.
AFP cho biết tình báo Mỹ đã gửi tài liệu này qua đường ngoại giao tới đại sứ quán của khoảng 100 nước Châu Phi, Châu Á, Châu Âu, Bắc Mỹ vào lúc căng thẳng gia tăng giữa Washington và Moskva về chiến tranh Ukraine. Phía Nga chưa bình luận về báo cáo của tình báo Mỹ.
Thu Hằng
**************************
Mỹ 'quan ngại' về mối quan hệ của Hungary với Nga
Reuters, VOA, 20/10/2023
Đại sứ quán Mỹ tại Budapest nói hôm thứ Sáu 20/10 rằng Mỹ quan ngại về mối quan hệ của Hungary với Nga và thấy rằng quyết định của Thủ tướng Viktor Orban gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin thật "đáng lo".
Đại sứ Mỹ tại Hungary David Pressman cầm cở Mỹ đi diễu hành hồi tháng 7/2023 ở Budapest, Hungary.
Ông Orban họp song phương với ông Putin hôm 17/10 bên lề Diễn đàn Vành đai và Con đường ở Bắc Kinh. Ông là nhà lãnh đạo duy nhất thuộc EU tham dự diễn đàn và cũng duy trì mối quan hệ chặt chẽ với ông Putin kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/2/2022.
Đại sứ Mỹ tại Hungary David Pressman nói trong một tuyên bố : "Mỹ quan ngại về mối quan hệ của Hungary với Nga".
Đầu tuần này, ông Pressman viết trong một bài đăng trên mạng xã hội X : "Lãnh đạo Hungary chọn lập trường là đứng về phía một người có lực lượng chịu trách nhiệm về tội ác chống lại loài người ở Ukraine, và làm như vậy một mình trong số các đồng minh của chúng tôi".
Hungary, nước cũng là thành viên NATO, đã phản đối nhiều sáng kiến của EU về trợ giúp Ukraine chống lại lực lượng Moscow. Hungary nhập phần lớn dầu thô, khí đốt từ Nga.
Ông Orban nói với ông Putin trong cuộc gặp ở Bắc Kinh rằng Hungary không bao giờ muốn chống Nga và vẫn cố giữ các mối liên lạc song phương.
Đài Châu Âu Tự do đưa tin rằng sau cuộc gặp của ông Orban, các đại sứ của các nước NATO và Thụy Điển có trụ sở tại Budapest đã họp lại với nhau để thảo luận về mối lo ngại của họ về mối quan hệ ngày càng tăng của Hungary với Moscow.
Phụ tá chính trị hàng đầu của ông Orban là Balazs Orban đã phản bác những lời chỉ trích của Hoa Kỳ trong một bài đăng trên X đầu tuần này, nói rằng Hungary đã "chán ngấy" "sự đạo đức giả" của đại sứ Hoa Kỳ.
Mối quan hệ giữa Budapest và Washington đã trở nên xấu đi trong năm qua do Hungary kéo dài quá trình phê chuẩn việc Thụy Điển gia nhập NATO.
Nguồn : VOA, 20/10/2023