Thượng đỉnh EU-Trung Quốc : Thảo luận thẳng thắn nhưng không có tiến triển cụ thể
Trọng Nghĩa, RFI, 08/12/2023
Đúng như dự báo của giới quan sát, hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu-Trung Quốc lần thứ 24 diễn ra tại Bắc Kinh ngày hôm qua 07/12/2023 đã cho phép hai bên thảo luận về những bất đồng mọi mặt trong quan hệ song phương, đặc biệt là nhu cầu tái cân bằng quan hệ thương mại giữa hai bên.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, bà Ursula von der Leyen, và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, trước cuộc họp thượng đỉnh tại Bắc Kinh, ngày 07/12/2023. AP - Huang Jingwen
Theo thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh, các cuộc thảo luận đã diễn ra một cách thẳng thắn, nhưng trước mắt không có tiến triển cụ thể nào được ghi nhận :
"Một lần nữa tiếng Anh lại được sử dụng làm ngôn ngữ chung tại hội nghị thượng đỉnh giữa Châu Âu và Trung Quốc vào hôm qua tại Bắc Kinh, một ngày họp đã bắt đầu trong bầu không khí rộn ràng, với các thượng khách Châu Âu di chuyển trong những chiếc xe Hồng Kỳ màu đen sang trọng được nước chủ nhà cung cấp.
Trong cuộc họp báo của các lãnh đạo Liên Âu bắt đầu sau 8 giờ tối một chút, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Layen khẳng định : "Châu Âu không muốn tách rời với Trung Quốc". Bà đồng thời nêu bật tình trạng bất cân đối trong thương mại song phương : "Có 2,3 tỷ euro hàng hóa được trao đổi mỗi ngày giữa Trung Quốc và Châu Âu, nhưng EU cũng ghi nhận mức thâm hụt 400 tỷ euro, cao hơn gấp 10 lần so với 20 năm trước". Tuy nhiên, người đứng đầu ngành hành pháp Liên Âu vẫn tuyên bố "hài lòng" trước việc đã nhất trí được với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về sự cần thiết của một quan hệ thương mại cân bằng hơn.
Thái độ hài lòng cũng được vụ trưởng Vụ Châu Âu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc thể hiện. Trong một khu nhà phụ của tòa nhà kiên cố dùng làm trụ sở Bộ Ngoại giao Trung Quốc, vào lúc 18 giờ ngày hôm qua, ông Vương Lỗ Đồng (Wang Lutong) đã hoan nghênh cuộc trao đổi kéo dài 3 tiếng rưỡi đồng hồ giữa ông Charles Michel, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, bà Ursula von der Leyen và chủ tịch Trung Quốc.
Ông Vương Lỗ Đồng khẳng đinh : "Chúng ta (tức là EU và Trung Quốc) là đối tác", trước khi né tránh không trả lời câu hỏi liên quan đến việc Bruxelles đã yêu cầu Bắc Kinh khuyên Moskva thay đổi lập trường trên vấn đề Ukraine".
Trọng Nghĩa
******************************
Ông Tập Cận Bình cảnh báo Châu Âu ‘đừng đối đầu’ với Trung Quốc
Reuters, VOA, 08/12/2023
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 7/12 nói với các quan chức hàng đầu của EU rằng Trung Quốc và Châu Âu không nên coi nhau là đối thủ hoặc ‘đối đầu nhau’ do chế độ chính trị khác biệt, trong cuộc gặp thượng đỉnh mặt đối mặt đầu tiên giữa Trung Quốc và EU trong bốn năm.
Các nhà lãnh đạo Châu Âu trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Trong một cuộc gặp để thảo luận về các vấn đề từ mất cân bằng thương mại cho đến Ukraine, ông Tập cũng cho biết Trung Quốc sẵn sàng đưa Liên minh Châu Âu trở thành đối tác kinh tế và thương mại chủ chốt của họ và hợp tác về khoa học và công nghệ, trong đó có trí tuệ nhân tạo.
Trong các cuộc đàm phán tại Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, ông Tập đã kêu gọi EU ‘loại bỏ tất cả các hình thức can thiệp’ vào quan hệ song phương, đài truyền hình nhà nước CCTV cho biết.
Ông Tập nói cả hai bên cần xây dựng ‘nhận thức đúng đắn’ về nhau, và khuyến khích sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel và người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cũng đã hội kiến Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường trong chuyến thăm kéo dài một ngày.
Ông Lý nói với các nhà lãnh đạo EU rằng Trung Quốc phản đối ‘việc chính trị hóa và an ninh hóa rộng rãi’ các vấn đề kinh tế và thương mại, vi phạm các nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường, theo đài truyền hình nhà nước Trung Quốc.
"Chúng tôi hy vọng EU sẽ thận trọng khi đưa ra các chính sách kinh tế và thương mại mang tính giới hạn cũng như trong khi sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm giữ cho thị trường thương mại và đầu tư của EU luôn mở", ông nói.
Các cuộc họp hôm 7/12 là cơ hội cuối cùng của các quan chức EU gặp mặt các lãnh đạo Trung Quốc trước khi cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu bắt đầu vào năm tới để thay đổi thành phần lãnh đạo của khối gồm 27 quốc gia.
Trong một đòn giáng khác vào quan hệ EU-Trung Quốc, Ý, một nước thành viên trong khối, đã chính thức thông báo cho Trung Quốc ‘trong những ngày gần đây’ rằng họ sẽ rời khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường do ông Tập đề xuất, các nguồn tin chính phủ Ý nói với Reuters hôm 6/12.
EU muốn Bắc Kinh dùng ảnh hưởng đối với Nga để chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine và trọng tâm chính của chuyến đi là kêu gọi ông Tập ngăn các công ty tư Trung Quốc xuất khẩu các mặt hàng lưỡng dụng do Châu Âu sản xuất sang Nga để nước này sử dụng cho chiến tranh. Brussels ban đầu đã loại các công ty Trung Quốc này ra khỏi gói trừng phạt Nga mới nhất được công bố hồi tháng trước, các quan chức Châu Âu cho biết.
Khối này cũng lo ngại về điều mà họ cho là quan hệ kinh tế ‘mất cân đối’ và cho biết thâm hụt thương mại gần 400 tỷ euro với Trung Quốc cho thấy những hạn chế đối với các doanh nghiệp EU làm ăn ở Trung Quốc.
Trung Quốc trước đó đã chống lại cuộc điều tra chống trợ cấp của EU đối với xe điện của họ và chính sách ‘giảm rủi ro’ của EU nhằm giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa nhập từ Trung Quốc, nhất là các nguyên liệu thô quan trọng.
"Phía Trung Quốc cho rằng cuộc điều tra này... phá vỡ và bóp méo nghiêm trọng chuỗi sản xuất của ngành ô tô toàn cầu... và sẽ có tác động tiêu cực đến quan hệ kinh tế và thương mại Trung Quốc-EU", ông Hạ Á Đông, phát ngôn nhân Bộ Thương mại Trung Quốc, cho biết trong một cuộc họp báo hôm 7/12.
Tháng trước, Ngoại trưởng Vương Nghị nói với người đồng cấp Pháp Catherine Colonna rằng rủi ro lớn nhất là ‘sự bất định do chính trị hóa gây ra’ và rằng ‘sự phụ thuộc cần cắt giảm nhất là chủ nghĩa bảo hộ’.
Trong chuyến thăm của bà Colonna, Trung Quốc cũng đề xuất miễn thị thực nhập cảnh cho công dân của năm nền kinh tế lớn nhất EU trong nỗ lực thúc đẩy du lịch sau đại dịch và cải thiện hình ảnh của Trung Quốc ở phương Tây, sau khi quan hệ xấu đi trong đại dịch Covid-19.
Reuters
Nguồn : VOA, 08/12/2023
*****************************
Thượng đỉnh EU–Trung Quốc : Bruxelles kêu gọi Bắc Kinh giải quyết các "bất đồng"
Trọng Thành, RFI, 07/12/2023
Các lãnh đạo của Liên Hiệp Châu Âu, gồm chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, hội kiến với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay, 07/12/2023 tại Bắc Kinh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm với chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen và chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel trong cuộc gặp tại Nhà khách Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 07/12/2023. AP - Liu Bin
Theo AFP, trả lời báo giới, sau cuộc tiếp xúc trưa nay tại Điếu Ngư Đài, chủ tịch Ủy Ban Ursula von der Layen đã bày tỏ sự "hài lòng" về việc hai bên đạt thỏa thuận về điều chỉnh để quan hệ thương mại song phương trở nên "cân bằng hơn". Lãnh đạo Ủy Ban Châu Âu cũng khẳng định giữa hai bên có "những mất cân bằng và khác biệt rõ ràng mà chúng ta phải giải quyết".
Về phía chủ tịch Trung Quốc, theo đài nhà nước Trung Quốc CCTV, trong cuộc hội kiến nói trên ông Tập Cận Bình đã kêu gọi hai bên hướng tới "hợp tác song phương cùng có lợi", và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc từ bỏ "lập trường thù địch, đối đầu".
Từ nhiều tháng nay, Bruxelles và Bắc Kinh nỗ lực chuẩn bị cho cuộc thượng đỉnh này. Tổng cộng tám ủy viên Châu Âu đến Bắc Kinh từ đầu năm đến nay. Bắc Kinh cũng đã có một số cử chỉ tỏ thiện chí trong những tuần qua, cụ thể như với việc dỡ bỏ thị thực nhập cảnh ngắn hạn với công dân nhiều quốc gia Châu Âu hay xóa bỏ một số trừng phạt với Litva, thành viên Liên Âu.
Thông tín viên Stéphane Lagarde từ Bắc Kinh ghi nhận nỗ lực song phương tìm kiếm một số thỏa hiệp, tránh tái diễn cuộc đối thoại giữa những người điếc như thượng đỉnh lần trước :
Phía Trung Quốc cố gắng làm nhòa đi các khác biệt, ngược lại Liên Âu làm nổi rõ. Điều mà hai bên nỗ lực là tránh để tái diễn cuộc đối thoại giữa những người điếc, từng xảy ra tại cuộc thượng đỉnh trực tuyến lần trước (tháng 4/2023). Theo nhiều nhà ngoại giao, các khâu chuẩn bị đã được xúc tiến công phu. Vấn đề còn lại là xem ở những điểm nào hai bên có thể đạt được các tiến bộ.
Các vấn đề địa-chính trị và căng thẳng thương mại là nội dung chính của bữa ăn trưa vừa diễn ra giữa các lãnh đạo Châu Âu với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và bữa ăn tối nay với thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. Các bất đồng song phương đặc biệt liên quan đến cuộc xâm lăng Ukraine của Nga và các mất cân bằng về kinh tế cần được điều chỉnh, với việc khắc phục tình trạng Châu Âu nhập siêu từ Trung Quốc, cho đến chính sách "giảm thiểu nguy cơ" (de-risking) mà Bruxelles chủ trương.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula von der Leyen, cho biết Châu Âu có các công cụ để bảo vệ thị trường của khối, ngụ ý nhắc đến cuộc điều tra Châu Âu có thể tiến hành về lĩnh vực hàng hóa liên quan đến y tế, cũng như khả năng Trung Quốc trợ giá cho xe ô tô điện sản xuất tại Trung Quốc.
Cuộc điều tra này gây bất mãn tại Trung Quốc. Theo ông Vương Nghĩa Ngôi (Wang Yiwei), giám đốc Viện nghiên cứu về Châu Âu, Đại học Nhân Dân Bắc Kinh, khi công nghệ Trung Quốc vượt mặt Châu Âu trong lĩnh vực xe ô tô điện, năng lực cạnh tranh của Châu Âu sụt giảm, tuy nhiên Châu Âu đã không chấp nhận việc này, và tìm cách giảm bớt các nguy cơ từ Trung Quốc. Giám đốc Viện nghiên cứu về Châu Âu, Đại học Nhân Dân Bắc Kinh cảnh báo là Bắc Kinh "có thể sẽ tìm cách trả đũa, và đó là điều mà ở đây không ai muốn".
Trọng Thành