Quốc hội Mỹ chuẩn chi quốc phòng 886 tỷ đô, trong đó có giúp Ukraine và chống Trung Quốc
Reuters, VOA, 15/12/2023
Hơn hai phần ba Hạ viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật chính sách quốc phòng hôm 14/12, bao gồm mức chi tiêu quân sự hàng năm kỷ lục 886 tỷ đô la và cho phép các chính sách như viện trợ cho Ukraine và đẩy lùi chống lại Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Lãnh đạo Khối Đa số Thượng viện Mỹ Chuck Schumer (phải) và lãnh đạo khối Thiểu số Mitch McConnell (trái) đi cùng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy khi ông đến thăm Washington, ngày 12/12/2023, để vận động thêm viện trợ.
Hạ viện ủng hộ Đạo luật Ủy quyền quốc phòng quốc gia (National Defense Authorization Act - NDAA), với tỷ lệ 310 trên 118, với sự ủng hộ mạnh mẽ từ Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ. Cần hơn 2/3 đa số cần thiết để thông qua dự luật trước khi gửi đến Tòa Bạch Ốc để Tổng thống Joe Biden ký thành luật.
Ngoài các dự luật phân bổ vốn quy định mức chi tiêu của chính phủ, NDAA cho phép mọi thứ từ tăng lương cho quân đội - năm nay sẽ là 5,2% - cho đến mua tàu, đạn dược và máy bay.
Bởi vì đây là một trong số ít những điều luật quan trọng được trở thành luật hàng năm nên các thành viên Quốc hội sử dụng nó như một phương tiện cho nhiều sáng kiến. Nó cũng được theo dõi chặt chẽ bởi các công ty quốc phòng lớn, chẳng hạn như Lockheed Martin, RTX Corp và các công ty khác nhận được hợp đồng của Bộ Quốc phòng.
Cuộc bỏ phiếu cho dự luật năm nay, vốn dài gần 3.100 trang và chuẩn chi mức kỷ lục 886 tỷ đô la, tăng 3% so với năm ngoái, có nghĩa là Quốc hội đã thông qua NDAA trong 63 năm liên tiếp.
Phiên bản cuối cùng của NDAA đã bỏ qua các điều khoản giải quyết các vấn đề xã hội gây chia rẽ, chẳng hạn như quyền tiếp cận phá thai và đối xử với các quân nhân chuyển giới, vốn đã được đưa vào phiên bản được Hạ viện đa số thuộc Đảng Cộng hòa thông qua trước sự phản đối của Đảng Dân chủ.
Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát đã ủng hộ NDAA, cũng với đa số lưỡng đảng mạnh mẽ - 87 trên 13 - vào ngày 13/12.
NDAA năm tài chính 2024 cũng bao gồm việc gia hạn thêm 4 tháng đối với thẩm quyền theo dõi trong nước, giúp các nhà lập pháp có thêm thời gian để cải cách hoặc duy trì chương trình gọi là Mục 702 của Đạo luật Theo dõi Tình báo Nước ngoài (FISA).
Điều khoản đó vấp phải sự phản đối ở cả Thượng viện và Hạ viện, nhưng không đủ để làm chệch hướng dự luật. Thượng viện đã đánh bại nỗ lực loại bỏ phần mở rộng FISA khỏi NDAA vào ngày 13/12 trước khi bỏ phiếu thông qua luật quốc phòng.
Hạ viện và Thượng viện từng thông qua phiên bản NDAA của riêng họ vào đầu năm nay. Dự luật được thông qua trong tuần này là sự thỏa hiệp giữa hai đảng và hai viện.
Dự luật mở rộng một biện pháp để giúp Ukraine, Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, đến cuối năm 2026, cấp 300 triệu đô la cho chương trình trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30/9/2024 và năm tiếp theo.
Tuy nhiên, con số đó chỉ là rất nhỏ so với khoản hỗ trợ 61 tỷ đô la dành cho Ukraine mà ông Biden đã yêu cầu Quốc hội chấp thuận để giúp đỡ Kyiv khi nước này chống lại cuộc xâm lược của Nga bắt đầu vào tháng 2/2022.
Yêu cầu chi tiêu khẩn cấp đó bị sa lầy tại Quốc hội, vì đảng Cộng hòa đã từ chối chấp thuận hỗ trợ cho Ukraine nếu đảng Dân chủ không đồng ý thắt chặt đáng kể luật nhập cư.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã gặp các nhà lập pháp tại Điện Capitol vào ngày 12/12 để thuyết phục chuẩn chi khoản tài trợ mà ông Biden yêu cầu, nhưng ông rời cuộc họp mà không có cam kết của đảng Cộng hòa.
Reuters
**************************
Có phải Thủ tướng Hungary Viktor Orban đang ‘tống tiền’ EU ?
Sofia Bettiza, BBC, 16/12/2023
Những diễn biến đầy kịch tính ở hội nghị thượng đỉnh Châu Âu tại Brussels, Bỉ tuần này đã gây sốc đối với cả những nhà quan sát kì cựu nhất.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban cáo buộc Brussels nắm giữ quá nhiều quyền lực
Khi các nhà lãnh đạo EU gặp nhau lần cuối trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, mọi ánh mắt đều đổ dồn vào một người : Thủ tướng Hungary, Viktor Orban.
Ông được coi là đồng minh thân cận nhất của Điện Kremlin ở Châu Âu và là nhà lãnh đạo EU duy nhất gặp mặt trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong năm nay.
Khi tiếng nói của ông Orban ngày càng lớn hơn với những lời đe dọa rằng ông sẽ ngăn chặn hai quyết định quan trọng về Ukraine, thì ở Brussels đã xuất hiện nhiều đồn đoán về việc các cuộc đàm phán sẽ đi đến đâu. Liệu ông Orban có làm tan vỡ thượng đỉnh không ?
Có thông tin rằng các cuộc đàm phán có thể kéo dài nhiều ngày và có thể kéo dài đến cuối tuần.
Trên đường đến Bỉ, Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo tỏ ra lạnh lùng : "Mối đe dọa từ Nga là có thật. Tôi sẵn sàng đàm phán và tôi đã mang thêm rất nhiều áo sơ mi".
Bên lề thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo EU thưởng thức bữa trưa với không khí lễ hội bao gồm món Breton, cá phi lê với các loại rau củ và bánh panettone.
Sau đó là lúc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra lời kêu gọi cuối cùng thông qua một đoạn video.
Tổng thống Emmanuel Macron của Pháp lên tiếng khó chịu với lập trường của ông Orban
"Mười năm trước ở Ukraine, người dân đã nổi dậy dưới lá cờ của Liên Hiệp Châu Âu… Hôm nay tôi xin nói với các bạn một điều : đừng phản bội người dân của chúng tôi và niềm tin của họ vào Châu Âu".
Nhiều giờ trôi qua. Thủ tướng Đức Olaf Scholz khoác thêm áo len bên ngoài bộ vest. Một nhà ngoại giao EU nói với tôi : "một dấu hiệu cho thấy ông ấy sẽ ở trong phòng họp lâu dài".
Sau đó, các cuộc họp về việc mở các cuộc đàm phán thành viên với Ukraine đã gặp phải trở ngại. Tình thế rơi vào bế tắc : 26 thuận 1 chống.
Đó là lúc thủ tướng Đức dẫn ông Orban vào góc phòng và đề nghị ông nên ra ngoài đi uống cà phê.
"Không ai có thể nghe thấy họ đang nói gì", một quan chức EU nói với tôi. "Nhưng không có vẻ như ông Scholz đang ra lệnh cho ông Orban. Thủ tướng Hungary tự nguyện rời đi. Ông đi vào phòng phái đoàn của mình ở cùng tầng".
Với việc ông Orban ra ngoài theo đúng nghĩa đen, 26 nhà lãnh đạo còn lại đã tiếp tục thảo luận và cuộc bỏ phiếu không gặp phản đối. Vì quyết định mở đàm phán tư cách thành viên cho Ukraine cần có sự ủng hộ nhất trí nên nếu có sự hiện diện của thủ tướng Hungary sẽ khiến điều đó sẽ không thể được thực hiện.
Sau đó, hóa ra ý tưởng để ông Orban rời phòng họp nhằm giúp cứu nỗ lực gia nhập EU của Ukraine đã được lên kế hoạch từ trước. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ý tưởng này là nỗ lực tập thể.
Thủ tướng Estonia, Kaja Kallas gọi chiến lược này là "sự kiện thú vị trong sử sách". Bà nói đùa rằng một ngày nào đó bà sẽ mô tả những gì diễn ra trong hồi ký của mình.
Khi tin tức về việc đàm phán về tư cách thành viên EU của Ukraine được đưa ra, không khí trong phòng họp báo - nơi hàng trăm phóng viên quốc tế đang đưa tin về thượng đỉnh EU - đã chuyển từ tỉnh táo sang hưng phấn chỉ trong vài giây.
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, Charles Michel, người chủ trì cuộc họp, đã đến nói chuyện với các nhà báo - chủ yếu là để tự chúc mừng mình về "thời điểm lịch sử thể hiện sức mạnh của Liên Hiệp Châu Âu".
Ông Charles Michel chủ trì hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng Châu Âu về việc Ukraine xin gia nhập EU
Ngay sau đó, ông Orban đăng một video lên mạng xã hội, mô tả quyết định này là "hoàn toàn vô nghĩa, phi lý và sai lầm".
Vậy tại sao ông lại để điều đó xảy ra ?
Thủ tướng Hungary biện minh cho quyết định bỏ phiếu trắng của mình bằng cách nói rằng ông đã "dành 8 giờ để thuyết phục họ không làm điều này". Ông cho biết các nhà lãnh đạo EU khác muốn đạt được điều đó một cách "điên cuồng", vì vậy ông đồng ý với họ rằng ông sẽ mặc kệ mối nguy hiểm và để họ tự lo liệu.
Trên thực tế, các cuộc đàm phán về tư cách thành viên EU là một loạt các vấn đề cần cân nhắc thận trọng và mang tính kỹ thuật. Sẽ mất nhiều năm trước khi Ukraine sẵn sàng gia nhập khối. Và ông Orban biết rằng ông vẫn còn nhiều cơ hội để ngăn chặn quá trình này.
Nhưng nếu các nhà lãnh đạo EU cho rằng Thủ tướng Hungary bất ngờ rơi vào tình thế khó khăn thì họ lại phải thất vọng.
Các cuộc đàm phán đã đổ vỡ vào khoảng 02g30 sáng, sau khi ông Orban sử dụng quyền phủ quyết của mình để ngăn chặn quyết định cụ thể hơn và cấp bách hơn nhiều là gửi gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro (55 tỷ USD) cho Kyiv.
Đây không phải là lần đầu tiên ông sử dụng quyền phủ quyết để giành được những nhượng bộ cho Budapest - chẳng hạn như miễn trừ nhập khẩu dầu của Nga. Nhưng ông chưa bao giờ ngăn cản một thỏa thuận của EU.
Hành động của ông Orban không mấy suôn sẻ với Tổng thống Pháp Macron.
"Hungary được tôn trọng trong cuộc họp này của Hội đồng Châu Âu. [Orban] đã được lắng nghe. Sự tôn trọng này bao hàm trách nhiệm và vì vậy tôi mong đợi ở Viktor Orban trong những tháng tới rằng… ông ấy sẽ cư xử như một người Châu Âu và không bắt tiến bộ chính trị của chúng ta làm con tin", ông Macron nói.
Nhưng Balazs Orban, giám đốc chính trị của ông Viktor Orban (hai người không phải họ hàng), cho biết Hungary không tống tiền EU, và trên thực tế thì ngược lại.
Viktor Orban được coi là đồng minh của tổng thống Nga Putin và đã gặp ông ở Bắc Kinh vào tháng 10/2023
Ông ngụ ý rằng Thủ tướng Hungary sẽ chỉ bắt đầu hợp tác nếu EU giải ngân khoản tiền 20 tỷ euro cho Hungary, vốn bị đóng băng vì lo ngại về nhân quyền và tham nhũng ở nước này.
"Chúng tôi không hiểu tại sao chúng tôi không thể tiếp cận 100% nguồn vốn tài chính", ông nói thêm.
Hungary muốn có số tiền đó trước khi đồng ý chi thêm cho Ukraine.
Bất chấp kịch tính ngoại giao đằng sau hậu trường, các nhà lãnh đạo khẳng định rằng giải pháp về tiền mặt cho Ukraine có thể được giải quyết vào đầu năm tới, bằng cách đưa ông Orban vào cuộc hoặc buộc gói viện trợ cho Kyiv phải được thông qua mà không có sự ủng hộ của ông.
EU đã chuẩn bị giải quyết vấn đề phủ quyết của Hungary nếu cần thiết, chẳng hạn bằng cách cho phép tất cả các nước EU ngoại trừ Hungary cung cấp tài trợ song phương cho Ukraine ngoài ngân sách EU vào năm 2024.
Việc một quốc gia Châu Âu trì hoãn quyết định về tiền của EU không phải là chưa từng có : Các nhà ngoại giao ở Brussels đã quen với việc hỗ trợ các thỏa thuận và thỏa hiệp. Và khi nói đến Ukraine - một quốc gia bị lôi kéo vào cuộc chiến ngay trước cửa EU - khối này rất muốn chứng tỏ rằng họ sẽ sát cánh cùng Kyiv, bao lâu cũng được.
Khi được hỏi làm thế nào để thuyết phục ông Orban thay đổi lập trường về Ukraine, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel cười và nói rằng ông sẵn sàng đón nhận các đề xuất.
Sofia Bettiza
Nguồn : BBC, 16/12/2023
**************************
Liên Âu bất ngờ đạt thỏa thuận mở đàm phán kết nạp Ukraine và Moldova
Trọng Nghĩa, RFI, 15/12/2023
Tại hội nghị thượng đỉnh mở ra vào hôm qua, 14/12/2023, ở Bruxelles, Liên Hiệp Châu Âu đã bất ngờ thông qua được một cách nhanh chóng thỏa thuận mở đàm phán với Ukraine để kết nạp nước này vào khối. Cho dù đã liên tiếp đe dọa sẽ dùng quyền phủ quyết bác bỏ thỏa thuận này, thủ tướng Hungary rốt cuộc đã chọn phương án không bỏ phiếu, trong lúc toàn bộ 26 thành viên còn lại đều bỏ phiếu tán đồng.
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel thông báo với giới truyền thông về việc mở đàm phán gia nhập kết nạp Ukraine và Moldova vào Liên Hiệp Châu Âu, Bruxelles, Bỉ, ngày 14/12/2023. AP - Virginia Mayo
Cùng với Ukraine, Liên Hiệp Châu Âu cũng bật đèn xanh cho Moldova mở đàm phán gia nhập, đồng thời cấp cho Gruzia quy chế ứng viên vào Liên Âu.
Theo thông tín viên RFI tại Bruxelles, thỏa thuận nói trên đã đạt được một cách chóng vánh bất ngờ chỉ sau vài tiếng đồng hồ thương thuyết, trong khi mọi người lo ngại thượng đỉnh sẽ phải kéo dài với những cuộc đàm phán khó khăn với thủ tướng Hungary Viktor Orban. Dù ông Orban chưa hẳn đã chịu thua trên vấn đề Ukraine, nhưng thỏa thuận đạt được hôm qua được xem là một thành công cho Liên Hiệp Châu Âu.
Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet phân tích :
"Rốt cuộc ông Viktor Orban đã quyết định không phủ quyết mà sử dụng phương án được gọi ở đây là "bỏ phiếu trắng mang tính xây dựng". Thủ tướng Hungary rời phòng họp vào lúc 26 lãnh đạo còn lại quyết định cho mở đàm phán gia nhập với Ukraine.
Ông Orban vẫn coi quyết định này là một điều phi lý, nhất là vì đối với ông, Ukraine chưa đáp ứng được ba trong số bảy tiêu chí cần thiết ban đầu là quyền dành cho các nhóm thiểu số, chống tham nhũng và ảnh hưởng của những đại tài phiệt.
Tuy nhiên, vẫn sẽ có một giai đoạn thứ hai, có thể là vào tháng Ba tới đây, khi một hội nghị liên chính phủ giữa 27 nước ấn định khuôn khổ các cuộc đàm phán. Điều đó đặt ra một thời hạn mới để tiếp tục đánh giá việc tuân thủ tất cả các tiêu chí sơ bộ.
Dù sao đi nữa, thỏa thuận hôm qua là một thành công đối với Liên Hiệp Châu Âu, vốn muốn gửi một tín hiệu mạnh mẽ về sự ủng hộ chính trị dành cho Ukraine, một tín hiệu gởi đến chính người dân Ukraine cũng như cho cả tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tín hiệu đó được củng cố thêm bằng quyết định mở các cuộc đàm phán gia nhập với Moldova và trao cho Gruzia tư cách quốc gia ứng viên vào Liên Âu".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dĩ nhiên đã thở phào nhẹ nhõm khi đón nhận tin vui từ Bruxelles. Đối với ông, đó là một "chiến thắng cho Ukraine" và "cho toàn bộ Châu Âu".
Pháp và Đức, hai đầu tàu của Liên Âu, cũng tỏ thái độ hài lòng. Đối với tổng thống Pháp Emmanuel Macron, quyết định của Liên Âu là "phản ứng hợp lý, công bằng và cần thiết", trong lúc thủ tướng Đức nói đến một "dấu hiệu ủng hộ mạnh mẽ… mang lại một triển vọng" cho Ukraine.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, Hoa Kỳ, nước ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến chống Nga cũng tuyên bố vui mừng. Trên mạng xã hội, Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ Joe Biden, đã "hoan nghênh quyết định lịch sử của EU về việc mở các cuộc đàm phán gia nhập với Ukraine và Moldova".
Về phía Nga, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov hôm nay cho rằng việc kết nạp Ukraine và Moldova "sẽ gây mất ổn định" cho Liên Hiệp Châu Âu vì những nước này "không đáp ứng các tiêu chí".
Trọng Nghĩa
***********************
Kiev kêu gọi Liên Âu khẩn trương giải tỏa ngân sách viện trợ 50 tỷ euro cho Ukraine
Thùy Dương, RFI, 16/12/2023
Sau khi thủ tướng Hungary Viktor Orban cản trở Liên Âu trích 50 tỷ euro từ quỹ chung của khối để viện trợ cho Kiev, hôm qua 15/12/2023, Bộ Ngoại giao Ukraine ra thông cáo kêu gọi Bruxelles có biện pháp giải tỏa viện trợ 50 tỉ euro cho Ukraine ngay trong tháng Giêng 2024 để Kiev có thể nhận được khoản tiền mà Liên Âu đã hứa và càng sớm càng tốt.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một cuộc họp báo với chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen tại Kiev, Ukraine, ngày 04/11/2023. AP - Efrem Lukatsky
Tại Bruxelles, hôm qua chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula von der Leyen, cũng khẳng định bằng mọi giá sẽ tìm ra giải pháp giải tỏa viện trợ cho Ukraine.
Về phía tổng thống Ukraine, trong video thường nhật phát trên mạng xã hội, ông Zelensky khẳng định sẽ làm mọi điều trong quyền hạn của mình để đưa Ukraine trở nên mạnh mẽ hơn và tự tin hơn cả về sự ủng hộ quốc phòng, tài chính và chính trị. Tổng thống Ukraine trong những ngày qua đã liên tục có những chuyến đi đến Mỹ, Đức, và sang cả Na Uy để tìm hiếm sự trợ giúp mới về quân sự và tài chính trong bối cảnh sự hỗ trợ của Liên Âu và Mỹ trong những tháng qua có dấu hiệu chững lại do chiến tranh Gaza, trong khi Nga giành được một số ưu thế.
Thủ tướng Hungary Orban được dư luận trong nước ủng hộ
Nhìn sang Hungary, chiến lược của thủ tướng Viktor Orban tại thượng đỉnh Liên Âu vừa qua nhìn chung được người dân hoan nghênh, không chỉ là những cử tri vốn dĩ ủng hộ ông.
Từ Budapest, thông tín viên Florence La Bruyère cho biết thêm chi tiết :
"Tiền của người Hung đóng thuế sẽ không được chuyển đến Ukraine". Câu nói đắc thắng này của Viktor Orban, người đã chặn viện trợ của Châu Âu cho Ukraine, xuất hiện trên khắp các phương tiện truyền thông mà thủ tướng Hungary kiểm soát.
Mandiner, một tờ báo bảo thủ chạy tựa "Viktor Orban đã thắng trên mọi mặt". Trên kênh truyền hình công, một nhà phân tích ủng hộ quan điểm của thủ tướng : "Chúng ta không thể mở các cuộc đàm phán với Ukraine. Trong hoàn cảnh bình thường, Ukraine dường như cũng không đủ điều kiện là ứng viên gia nhập khối, huống hồ là vào thời chiến !"
Ilona, một người dân Budapest ủng hộ Viktor Orban, hoàn toàn đồng ý với thủ tướng. Bà nói : "Thủ tướng rất kiên quyết. Ông ấy có thể trông thấy trước nhiều điều. Cho Ukraine gia nhập Liên Âu quả là một ý tướng kỳ quặc của Bruxelles. Ukraine đang bị tàn phá. Liên Âu không thể kiếm soát tình hình".
Ngay cả những người đối lập với Viktor Orban cũng tỏ vẻ hoài nghi (về việc để Ukraine gia nhập Liên Âu). Balazs, một người không muốn chúng tôi ghi âm câu trả lời, cho rằng nếu Ukraine gia nhập Liên Âu thì sẽ gây ra nhiều vấn đề. Ông nói : "Ukraine cũng như Hungary thôi, mà Bruxelles thì đã có quá nhiều vấn đề với Hungary rồi".
Thùy Dương
****************************
Hungary chặn viện trợ 50 tỷ euro của Liên Âu cho Ukraine
Phan Minh, RFI, 15/12/2023
Mặc dù đạt được thỏa thuận mở các cuộc đàm phán kết nạp Ukraine, nhưng các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu hôm qua, 14/12/2023, đã không thuyết phục được thủ tướng Hungary Viktor Orban bật đèn xanh trong việc trích 50 tỷ euro từ quỹ chung của khối để viện trợ cho Kiev.
Một số nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu đang trao đổi với nhau trong ngày đầu họp thượng đỉnh tại Bruxelles, Bỉ, 14/12/2023. Reuters – Yves Herman
Từ Bruxelles, đặc phái viên Daniel Vallot giải thích :
Viktor Orban tỏ ra cứng rắn về khoản hỗ trợ tài chính khi ông muốn các nước thành viên viện trợ trực tiếp cho Ukraine mà không thông qua quỹ chung của khối. Điều này rất khó thực hiện và nhất là sẽ khiến Kiev chịu nhiều rủi ro hơn. Vì vậy, Charles Michel, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, đêm qua cho biết các cuộc thảo luận mới về vấn đề này sẽ được tiến hành vào đầu năm tới.
Mặc dù vấp phải sự cản trở của thủ tướng Hungary, các nhà lãnh đạo Châu Âu mong muốn gửi một thông điệp ủng hộ rõ ràng tới Ukraine, vào thời điểm hết sức quan trọng, khi nước này đang phải đối mặt với khó khăn kép : phản công thất bại và hỗ trợ tài chính của Mỹ dường như chững lại, một tin xấu đối với Volodymyr Zelensky.
Tuy nhiên, tổng thống Ukraine hôm qua đã phát biểu qua video với các nhà lãnh đạo Châu Âu và đạt được điều quan trọng nhất mang tính biểu tượng, đó là việc khởi động các cuộc đàm phán để Ukraine gia nhập Liên Âu - điều mà cho đến 24 giờ trước khi hội nghị thượng đỉnh khai mạc, mọi người vẫn không nghĩ là có thể thực hiện được.
Phan Minh