Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

18/12/2023

Thủ tướng Hungary đã biến Nga từ thù thành bạn như thế nào ?

RFI tiếng Việt

Vốn có lập trường chống Nga, thân Châu Âu từ những năm đầu tiên bước vào chính trường, thủ tướng Hungary Viktor Orban, trong nhiệm kỳ thứ ba, đã nhiều lần đi ngược lại với các quyết định của Châu Âu, phản đối các viện trợ cho Ukraine, tìm cách giảm trừng phạt của phương Tây đối với Moskva. 

hungary1

Thủ tướng Hungary Viktor Orban gặp tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva, Nga, 18/09/2018. © AP / Alexander Zemlianichenko

Tại hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Châu Âu vào hai ngày 14-15/12/2023, 26 nước đã nhất trí bật đèn xanh được cho các cuộc đàm phán gia nhập khối của Ukraine đó là nhờ lãnh đạo Hungary vắng mặt trong cuộc biểu quyết. Trên thực tế, để "xoa dịu Budapest", một ngày trước khi hội nghị diễn ra, Liên Hiệp Châu Âu đã giải ngân gói hỗ trợ trị giá hơn 10 tỷ đô la, vốn đã bị chặn lại do Hungary vi phạm nguyên tắc về nhà nước pháp quyền. Nhưng tiến trình gia nhập Liên Âu của Ukraine còn rất dài và mỗi bước đều cần phải đạt được đồng thuận của tất cả 27 nước thành viên. Do vậy, lá phiếu phủ quyết của Hungary vẫn mang tính quyết định. 

Theo nhật báo Anh The Guardian, các lãnh đạo Liên Âu sẽ quá ngây thơ nếu tin rằng có thể dùng tiền để đổi lại sự ủng hộ của Hungary. Ông Orban có thể sẽ lặp lại chiến thuật bắt chẹt này nhiều lần nữa, tận dụng Ukraine để moi thêm tiền cho chế độ của mình. Hôm thứ sáu tuần trước, các quốc gia Liên Âu cuối cùng đã không thể thông qua khoản viện trợ mới 50 tỷ euro cho Kiev trong 3 năm tới, do thủ tướng Hungary Viktor Orban dùng quyền phủ quyết. Viktor Orban giải thích quyết định này là vì "tiền thuế của người dân Hungary không thể được dùng chống lại lợi ích của chính họ". Theo Libération, quyền phủ quyết của quốc gia nhỏ bé, dưới 10 triệu dân, và chiếm khoảng 1 % GDP của khối, đủ để làm tê liệt quyết định của 26 nước thành viên khác (hơn 400 triệu dân). Ngay sau đó, điện Kremlin đã bày tỏ vui mừng, vì "Hungary đã bảo vệ mạnh mẽ lợi ích của mình, đó là điều mà chúng tôi đánh giá rất cao".

Viktor Orban từng chống Putin ? 

Trên thực tế, theo nhật báo cánh hữu của Pháp Le Figaro, không phải lúc nào Viktor Orban cũng có thái độ ủng hộ Putin. Bắt đầu sự nghiệp chính trị từ năm 24 tuổi với lập trường chống Cộng Sản, Viktor Orban trở thành thủ tướng vào năm 1998 sau khi đảng cánh hữu Liên minh Công dân Hungary (Fidesz-Union civique hongroise – Fidesz), giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc Hội. Một năm sau đó, năm 1999, Hungary gia nhập NATO.

Sau khi Liên Xô sụp đổ và khối quân sự Vacxava tan rã, cánh hữu Hungary đã thay đổi lập trường, từ chủ nghĩa chống Liên Xô thành chủ nghĩa chống Nga ôn hòa. Khi Nga xâm lược Gruzia vào năm 2008, Viktor Orban đã nhanh chóng ủng hộ Ukraine gia nhập NATO để nước này không phải chịu chung số phận. Trong chuyến đi Hoa Kỳ, ông cũng từng cảnh báo "sự trỗi dậy của chủ nghĩa đế quốc Nga". 

Viktor Orban cũng từng được coi là một huyền thoại trong cuộc đấu tranh vì tự do, giới thiệu quân đội của Hungary là "những người thừa kế Pesti fiuk" - những chiến binh đã hét lên "quân Nga cút đi", ném bom xăng vào các tàu chở dầu của Liên Xô. Khi còn là sinh viên khoa luật, Viktor Orban, 26 tuổi, đã đứng trước đám đông yêu cầu Hungary rút khỏi khối Hiệp ước Vacxava, đòi tổ chức bầu cử tự do. 

Nhà khoa học chính trị Zsuzsanna Szelényi, đại học Trung Âu (Université d’Europe Centrale), từng là thành viên của đảng Fidesz, nhận định",về cơ bản, Orban có lập trường chống Nga…, ông ta có quan điểm cấp tiến, có tham vọng, không muốn Hungary rời Châu Âu hay NATO mà muốn có vị thế trên quốc tế…". Orban cũng luôn ủng hộ một liên minh phương Tây với Chính Thống Giáo, mà theo ông đây là điều duy nhất có thể ngăn chặn sự suy tàn của Kitô Giáo.

Lập trường của Orban thay đổi như thế nào ?

Khi Putin đến Budapest vào năm 2015, trong bối cảnh giao tranh diễn ra ác liệt giữa quân đội Ukraine và lực lượng li khai được Nga yểm trợ, phe bảo thủ Hungary đã bị quyến rũ bởi nguyên thủ quốc Nga. Trong một bức thư, Zsolt Bayer, đồng sáng lập đảng Fidesz của Viktor Orban, và là người được cho là có ảnh hưởng nhất Hungary, đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Vladimir Putin vì lãnh đạo Nga"không bán nước cho Mỹ như là tiền nhiệm Eltsin". Ông Bayer còn chỉ trích "những người ngày nay chống nước Nga cũng là những người thân Liên Xô và chấp thuận họ nghiền nát Hungary vào năm 1956".

Khi quay trở lại vị trí thủ tướng vào năm 2010, Viktor Orban đã có 10 cuộc gặp song phương với Vladimir Putin, tại Maxcơva và Budapest. Ông đã tăng cường sự phụ thuộc của Hungary vào năng lượng Nga, mở cửa cho một ngân hàng Nga, bị tình nghi làm gián điệp bất chấp cảnh báo của NATO. Ông cũng đã xích lại gần tổng thống Serbia. 

Orban cũng đã cố gắng giảm các lệnh trừng phạt của Châu Âu đối với Nga nhưng không ngăn chặn chúng, đồng thời làm chậm lại quá trình mở rộng NATO sang các quốc gia Bắc Âu. Trong khi Bruxelles lo ngại về sự can thiệp của Nga trong nội bộ chính phủ các thành viên, Quốc Hội Hungary lại thông qua một luật "bảo vệ chủ quyền", nhằm chống lại ảnh hưởng của Washington. 

Theo nhật báo Le Figaro, những người không ủng hộ Viktor Orban mô tả ông như là con rối của điện Kremlin. Ngay trước cuộc bầu cử Quốc Hội năm 2022, ứng cử viên của phe đối lập Peter Marki-Zay, dù không đưa ra bằng chứng cụ thể nào, đã cáo buộc "Orban phản bội lợi ích của Hungary và Liên Hiệp Châu Âu, phục vụ lợi ích của Trung Quốc và Nga. Lý do duy nhất tôi có thể giải thích là tham nhũng. Orban vốn có lập trường chống Putin và ủng hộ Châu Âu, nhưng ông ta đã quay ngoắt 180°. Có thể là từ cuộc gặp với Putin ở Saint-Petersburg vào ngày 25/11/2009. Tôi không biết Putin đã nói gì hoặc cho ông ấy thấy gì, hoặc liệu Putin có bắt chẹt Orban hay không, tôi chỉ có thể "tưởng tượng". 

Lập trường thân Nga của Orban được thể hiện như thế nào ?

Viktor Orban được coi là lãnh đạo Châu Âu thân cận nhất với tổng thống Nga Vladimir Putin. Hồi tháng 04/2022, thủ tướng Hungary cũng đã là lãnh đạo phương Tây đầu tiên gặp Putin kể từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra. Ông Orban đã nhiều lần cản trở các trợ giúp của Liên Hiệp Châu Âu cho Ukraine trong cuộc chiến chống Nga. Hungary cũng phản đối các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu đối với dầu khí Nga và phản đối các viện trợ quân sự của Liên Âu hay NATO cho Ukraine, vì cho rằng "cung cấp vũ khí cho Kiev chỉ kéo dài sự khổ đau". Ông Orban từng nhận định "Ukraine không thể thắng Nga", vì vậy nên đàm phán để hưu chiến. Trong cuộc hội đàm hồi tháng 10 với tổng thống Nga, truyền hình nhà nước Nga trích dẫn lời ông Orban "khẳng định Hungary không bao giờ muốn đối đầu Nga và luôn mong muốn mở rộng quan hệ". 

Viktor Orban có tham vọng gì khi xích gần lại Nga ? 

Trên thực tế, theo Le Figaro, Viktor Orban không từ bỏ việc "mở cửa về phía đông". Ông từng giải thích là "không muốn Trung Âu một lần nữa trở thành nạn nhân của các đối đầu giữa các bên". Viktor Orban tin vào sự tái sinh của Trung Âu khác biệt về văn hóa, nỗ lực biến Hungary thành cầu nối giữa phương Tây và phương Đông, đặc biệt là trong bối cảnh chiến tranh Ukraine, khi giữa phương Tây và Nga là cả một vực thẳm. 

Gần đây, Viktor Orban đã thực hiện nhiều chuyến thăm, gặp gỡ nguyên thủ quốc các nước. Ông đã bắt tay lãnh đạo Nga tại hội nghị về Con đường Tơ lụa mới ở Trung Quốc, gặp tổng thống Liên bang Thụy Sĩ, được tiếp đón ở điện Elysée và gặp tổng thống Pháp, rồi bay đến Achentina nhân lễ nhậm chức của tân lãnh đạo Javier Milei.

Agoston Mraz, nhà khoa học chính trị, có nhiều mối quen biết trong đảng Fidesz, cho rằng "Orban muốn để lại một dấu ấn lịch sử. Hiện ông ta đang chán nản với chính trường Hungary, và chúng ta có thể thấy điều này qua hiện trạng của phe đối lập... Orban sẽ phải trả giá đắt nếu quay trở lại làm một người bạn tốt của Liên Âu, chụp ảnh với Joe Biden. Orban tin rằng với lập trường địa chiến lược, ông ấy có thể đạt được nhiều thành tựu cho Hungary hơn là chỉ dựa vào một mình phương Tây".

Hồi đầu tháng 12, Viktor Orban giải thích rằng "để có thể đưa đất nước vượt qua thứ hạng khiêm tốn của mình trên trường quốc tế", Hungary cần phải đổi lại bằng chính sách ngoại giao "xung đột", "cực đoan", và từ bỏ các giá trị. Trên thực tế, chính sách ngoại giao này được lấy cảm hứng từ "America First" của Donald Trump. Theo cách tiếp cận này, Viktor Orban tự cho phép "một mình chống lại tất cả", như lập trường của Hungary trên vấn đề Ukraine trong Liên Hiệp Châu Âu. 

Chi Phương

Nguồn : RFI, 18/12/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chi Phương
Read 308 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)