Nhờ khoa học, con người có thể trường thọ 120 tuổi trong tương lai ?
Trong dịp bước sang năm mới, L’Express dành hồ sơ cho một tin vui về tiến bộ của y học. Đặt vấn đề "Liệu con người có thể sống đến 120 tuổi với sức khỏe tốt hay không ?", tuần báo điều tra về một cuộc cách mạng khoa học đang diễn ra.
Trang phục của Genworth R70 khi mặc vào sẽ mô phỏng tác động do lão hóa. Ảnh tư liệu chụp ngày 19/11/2014 tại Redwood City, California, Hoa Kỳ. Associated Press - Lea Suzuki
Tái tạo tế bào để trẻ hóa cơ thể
Thần dược cải lão hoàn đồng là có thật, hàng triệu người trên thế giới đang sử dụng mà không biết. Đó là metformine, loại thuốc trị tiểu đường giá rẻ đã được phát hiện từ cả trăm năm trước, và ngày nay nhiều nhà nghiên cứu cho rằng còn có tác dụng làm chậm đi quá trình lão hóa.
Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy ngoài tác động vào đường huyết, thuốc này còn giúp giảm bớt nguy cơ bệnh tim mạch, ung thư hay loạn trí. Tại phòng thí nghiệm, metformine kéo dài đời sống của loài trùn đất và chuột. Được thử nghiệm trong thời kỳ đại dịch trên các bệnh nhân bị Covid, thuốc này làm giảm 40% nguy cơ trở thành dạng nặng và Covid kéo dài.
Tuy nhiên hiện các bác sĩ chỉ cho toa đối với bệnh nhân tiểu đường. Sau nhiều năm vận động hành lang, một nhóm nhà khoa học đã thuyết phục được FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) cho phép tiếp tục thử nghiệm từ năm 2024, khoảng 3.000 người không bị tiểu đường từ 65 tới 79 tuổi sẽ dùng thuốc này trong 6 năm.
Một sự thay đổi quan trọng : thay vì tiếp tục chữa từng bệnh một của tuổi già, các nhà khoa học muốn trước tiên xử lý nguyên nhân chính là sự lão hóa. Ý tưởng hấp dẫn nhất là lập trình các tế bào để làm trẻ lại, viễn cảnh này sinh ra từ nỗ lực của giải Nobel Y học Shinya Yamanaka. Ông đã thành công trong việc đưa các tế bào da hay máu trở lại giai đoạn gần như các tế bào gốc được chuyên biệt hóa, khá giống như trong phôi thai.
Ước mơ thêm 40 năm tuổi thọ
Vấn đề không phải là việc phá kỷ lục của bà Jeanne Calment, người phụ nữ Pháp sống đến 122 tuổi 5 tháng và 14 ngày, mà giới khoa học có tham vọng giúp thêm nhiều người sống lâu hơn. Mức sống thọ hiện nay là 80 tuổi đối với nam và 85 tuổi với nữ, con người không thể sống quá 120 tuổi. Tuổi thọ như vậy đã tăng gấp đôi kể từ 1870, thời đó người ta chỉ sống đến khoảng 40 tuổi. Như vậy tại sao con người nay không thể sống thêm 35 đến 40 tuổi nữa ? Thống kê cho thấy một người 50 tuổi có trên 90% cơ hội sống đến 70, nhưng chỉ phân nửa số người 70 tuổi có dịp đón sinh nhật thứ 90.
Từ 2013 đến nay, công nghệ sinh học trong lãnh vực kéo dài tuổi thọ đã huy động được gần 40 tỉ euro đầu tư, và riêng Altos Labs chuyên về tái tạo tế bào đã nhận được đến 3 tỉ đô la, số tiền khổng lồ chưa từng thấy. Nếu các đại gia nhiều tiền của không tiếc những món tiền lớn để được hưởng những phương thuốc mới vì cuộc sống là vô giá, thì các chuyên gia khuyên chúng ta trong khi chờ đợi được đại chúng hóa, nên tập 8 thói quen tốt : 150 phút tập luyện (hoặc 75 phút với cường độ cao) hàng tuần, ăn uống quân bình, không hút thuốc, ngủ 7 đến 9 giờ mỗi ngày, kiểm soát cân nặng, thường xuyên xem lại tỉ lệ cholestérol, đường và huyết áp.
Nga oanh kích ác liệt Ukraine trong ngày cuối năm
Một năm 2023 sắp trôi qua với hai cuộc chiến tranh đều dữ dội ở Trung Đông và Ukraine, cùng với những nguy cơ xung đột tại nhiều nơi. Và ngay trong những ngày thế giới chuẩn bị đón năm mới 2024, Moskva lại tung ra đợt oanh kích quy mô chưa từng thấy kể từ đầu cuộc xâm lăng, sau nỗi nhục bị mất thêm một chiến hạm ở Crimea. Còi báo động vang lên trên toàn quốc Ukraine.
Le Figaro cuối tuần cho biết tổng cộng 158 hỏa tiễn đủ loại và drone đã đồng loạt tấn công vào các thành phố chính của Ukraine từ tờ mờ sáng : Dnipropetrovsk, Kiev, Lviv, Kharkiv, Odessa làm ít nhất 30 người thiệt mạng và 160 người bị thương. Nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng và địa điểm dân cư bị tấn công, trong đó có bệnh viện phụ sản, trường học, trung tâm thương mại.
Theo Bộ Tổng tham mưu Ukraine, Nga dùng đủ loại hỏa tiễn từ Kh22 chống hạm, hỏa tiễn hành trình Kh101 và Kh555, chống radar Kh31P, địa-không Kh-59 và siêu thanh Kh46 Kinjal ; do các oanh tạc cơ Tu-95, Tu-22 và MiG-31K phóng đi từ Kursk, Crimea, Belgorod, Astrakhan. Khi công bố các chi tiết này, Kiev cho Moskva thấy khả năng nhận dạng các chiến dịch của đối thủ.
Viện trợ cho Kiev quá ít và quá trễ
Tuần báo L'Express nhận định "Viện trợ của Biden cho Ukraine ? Quá ít và quá trễ". Hy vọng giành được những chiến thắng như Kharkiv cuối 2022 không còn nữa. Câu hỏi ở đây là liệu Kiev có thể làm gì khác hơn không ?
Có những tiếng nói chỉ trích ở Mỹ, chủ yếu từ phe Cộng hòa, cho rằng tổng thống Joe Biden và cố vấn an ninh Jake Sullivan quá dè dặt. Nhà cựu ngoại giao Mỹ Eliot A. Cohen, giáo sư trường đại học Johns-Hopkins và là một người chống Trump cho rằng các biện pháp đều đúng đắn nhưng luôn too little too late. Nếu chúng ta sớm viện trợ các xe tăng Abrams M1, pháo tầm xa ATACMS và chiến đấu cơ F-16 như Kiev đòi hỏi, có lẽ đã thắng được cuộc chiến này. Các hỏa tiễn sẽ khiến Nga không giữ nổi Crimea.
Thực tế phương Tây đòi hỏi người Ukraine mà không một quân đội NATO nào muốn thực hiện, đó là đi chiến đấu mà không được không quân yểm trợ. Tướng Ben Hodges, cựu tham mưu trưởng quân đội Mỹ tại Châu Âu cho biết ông cảm thấy bất bình mỗi khi nghe thấy ai đó ở Berlin hay Lầu Năm Góc chỉ trích cách Ukraine tiến hành chiến tranh.
Biden không mong Ukraine thắng, chỉ muốn không thua
Theo ông, chính quyền Biden không định rõ mục tiêu chiến lược. Có thể nói Hoa Kỳ chỉ muốn tránh leo thang quân sự với Nga và bảo vệ lãnh thổ Ukraine để có thể đàm phán trong điều kiện tốt nhất. Với mục tiêu mơ hồ như vậy thì không thể nào chiến thắng. Christopher Nixon Cox, giám đốc Fondation Richard-Nixon ở California nói : "Biden không muốn Ukraine thắng mà chỉ muốn không thua mà thôi".
Phe diều hâu cho rằng đó là do tuổi tác. Phản ứng của ông giống như thời chiến tranh lạnh, theo logic tương quan lực lượng, nhưng với Ukraine không thể áp dụng. Còn với Châu Âu, Eliot A. Cohen không thể hiểu nổi thái độ lừng khừng, được ví như những người mộng du không hình dung được chiến tranh có thể làm đảo lộn mọi thứ. Nếu không tái vũ trang, hậu quả sẽ khủng khiếp cho Châu lục. Trong khi chờ đợi, cần trao tối đa phương tiện cho Kiev.
Cohen nói : "Nếu là tôi thì tôi sẽ trao cho Ukraine tất cả những thứ họ cần, tất nhiên là trừ vũ khí nguyên tử, mà Kiev cũng không hề đòi hỏi". Christopher Nixon Cox nói thêm : "Trong chiến tranh, nên tính toán mọi trang bị cần thiết, nhân lên 10 lần rồi 100 lần, vì có nguy cơ thiếu hụt". Jacob Heilbrunn, tổng biên tập The National Interest lưu ý, chính quyền Biden đã kiên quyết đóng băng 300 tỉ đô la tài sản Nga để phục vụ cho công cuộc chiến đấu của Ukraine, có thể dùng để bảo đảm những món nợ mà Kiev. Và như vậy tiền của Putin được dùng để tài trợ cho cuộc chiến của Ukraine. Ứng cử viên Biden - vốn thể cho phép bại trận ở Ukraine - vẫn chưa ra chiêu cuối cùng.
Kiev vẫn sẽ chiến đấu dù không còn được trợ giúp
Tương tự, triết gia, nhà điện ảnh Bernard-Henri Lévy giải thích trên Le Point "Vì sao tiếp tục vũ trang cho Ukraine là chuyện sống còn". Zelensky đã nói với Biden, nếu không còn quân viện phương Tây, người Ukraine vẫn tiếp tục chiến đấu. Họ sẽ đơn độc ở chân tường, với cái giá nhân mạng khủng khiếp. Nhưng nói cho cùng, thật ra những tháng đầu tiên của cuộc chiến cũng đã như vậy.
Phải đợi đến chuyến công du Ba Lan ngày 26/03/2022 Biden mới tỏ ra ủng hộ Ukraine, và còn phải chờ bốn tháng nữa, bộ máy chiến tranh Mỹ mới giao cho những vũ khí tự vệ. Và rồi một năm sau, tháng 9/2023, những chiếc xe tăng Abrams mới đến nơi. Những chiến binh Ukraine dũng cảm cộng với sự khôn ngoan của các chỉ huy tài giỏi trong nhiều tháng trời đã chống cự được quân đội Nga lúc đó vẫn còn rất hăng hái và tự tin.
Quốc hội Mỹ vẫn chưa chịu thông qua ngân sách do Nhà Trắng đề nghị, tại Châu Âu Hungary tiếp tục phá hoại. Ông Lévy, người theo dõi suốt hai năm qua thấy rằng quân đội Ukraine chuyển từ chiến tranh du kích sang chiến tranh vệ quốc rồi một cuộc chiến lâu dài, nhưng sẽ không bao giờ buông vũ khí.
Phương Tây chỉ mất đô la, Ukraine phải trả giá cho tự do bằng máu
Vấn đề bây giờ là phương Tây muốn rút ngắn chiến tranh hay cứ kéo dài, để mặc vô số quân nhân và thường dân gục ngã ? Liệu Hoa Kỳ với lý lẽ tệ hại là lá phiếu, sẽ để cho các lực lượng dân túy trên toàn Châu Âu được chắp cánh, hay giúp sức cho các đồng minh lâu bền ? Thông điệp nào sẽ được gởi đến đế quốc Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, các thế lực Sunni, hay Iran đang tiến gần đến quả bom nguyên tử ?
Theo tác giả, cần nhanh chóng gởi đến Zaporijia những hỏa tiễn hành trình Storm Shadow để những người lính của lữ đoàn 47 tiến được về phía nam : Verbove, Tokmak, Berdiansk và biển Azov. Những người điều khiển drone Ukraine, từng đánh chìm soái hạm Moskva, nhận được hỏa tiễn ATACMS để biến Hắc Hải thành vùng biển tự do. Những chiếc F-16 giúp giải phóng Bakhmut, Avdiivka, những tuyến đường Donetsk và Luhansk. Kherson do Ukraine tự lực tái chiếm được, cần phương tiện đổ bộ và chiến xa hạng nhẹ Bradley để vượt sông Dniepr. Cuối cùng là một Vòm Sắt thứ thiệt thay cho những thứ vũ khí tạm bợ tự chế.
Tất cả những phương tiện này đều có sẵn ở Mỹ và Châu Âu. Tất nhiên là tốn kém, nhưng đừng quên rằng ngân sách quốc phòng hiện nay thấp hơn thời chiến tranh lạnh trong khi Nga lại tăng mạnh, và nhất là phương Tây trả bằng đô la, còn người Ukraine phải trả bằng máu của họ.
Châu Âu tỉnh giấc
Trước thềm năm mới, Le Point lý giải "Vì sao không nên nhìn đời bằng màu đen". Tình trạng hiện nay khiến các dự báo địa chính trị cho năm 2024 có vẻ u ám. Giải pháp hòa bình giữa Israel và Palestine xa vời hơn bao giờ hết, tại Ukraine các bên đang sa lầy, bầu cử Mỹ có thể mở ra một thời kỳ rối loạn mới trong quan hệ quốc tế. Mặc cho chiến chinh và nguy cơ Donald Trump quay lại Nhà Trắng, một số dấu hiệu cho thấy nên lạc quan. Châu Âu đã thức tỉnh sau một loạt cú sốc (khủng hoảng tài chánh, Brexit, nhiệm kỳ đầu của Trump, đại dịch, cuộc xâm lăng Ukraine). Muộn còn hơn không !
Ủy ban Châu Âu ngày 14/12 đã quyết định cho Kiev có được viễn cảnh gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Chỉ có lời hứa về một tương lai mới giúp Ukraine chấp nhận những hy sinh cần thiết. Là nhà tài trợ nhân đạo lớn nhất cho Ukraine, EU cũng sắp dẫn đầu về quân viện, tuy Pháp - quân đội lớn nhất Châu Âu chỉ đứng thứ 15 về viện trợ quân sự cho Kiev. Việc Ba Lan quay lại với chiến thắng của Donald Tusk trong cuộc bầu cử ngày 15/10 làm Viktor Orban thân Putin bị cô lập.
Các chế độ độc tài gặp khó
Nga tuy vẫn chiếm 17,5% lãnh thổ của nước láng giềng nhưng không tiến thêm được, cũng không bẻ gãy được ý chí của người Ukraine ; và kinh tế Nga bắt đầu thấm đòn cấm vận. Khoảng 1/3 ngân sách phải dành cho quân đội, đã có đến 315.000 lính Nga thương vong.
Hai đồng minh chính của Nga - Iran giúp vũ khí và Trung Quốc hỗ trợ chính trị - cũng gặp nhiều khó khăn. Dù bị đàn áp khốc liệt, dân chúng tiếp tục nổi dậy và nhà độc tài Ali Khamenei 84 tuổi chưa thấy có người kế nhiệm. Tập Cận Bình đối mặt với kinh tế suy giảm, hai bộ trưởng quan trọng là ngoại giao và quốc phòng vẫn biệt tăm cho thấy quyền lực của ông ta không phải bất khả xâm phạm như vẫn tưởng.
Tình trạng đa cực dẫn đến một thế giới hỗn độn và bất định. Cuộc cách mạng trí thông minh nhân tạo cũng sẽ thay đổi quan hệ quốc tế, tác động đến cạnh tranh Mỹ-Trung, chuyển đổi binh pháp, đẩy nhanh việc bóp méo thông tin. Về mặt tích cực, AI mang lại công cụ mạnh mẽ cho phát triển, và có thể hy vọng giúp tìm được một giải pháp hòa bình cho Israel và Palestine, một cuộc xung đột từ 75 năm qua mà trí thông minh loài người đã thất bại. Như vậy theo Le Point, không nên nghe quá nhiều những lời tiên tri đầy vận xấu.
Thụy My