Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

14/03/2024

Điểm báo Pháp - Lưỡng cực, đơn cực rồi "phi cực"

RFI tiếng Việt

Lưỡng cực, đơn cực rồi "phi cực" : Mỹ đứng ra xa, thế giới như ngựa bất kham

Le Monde ngày 14/03/2024 nhận định "Giờ đây Hoa Kỳ không còn đứng phía sau điều khiển, mà đơn giản là chẳng còn muốn lãnh đạo nữa". Sự thiếu vắng các nhân tố chủ chốt có thể làm thay đổi cục diện Trung Đông cho thấy thực trạng thế giới ngày nay : không một cường quốc nào có thể áp đặt trật tự.

phicuc1

Ảnh của Hải quân Hoa Kỳ: Một phi cơ chuẩn bị cất cánh từ hàng không mẫu hạm USS Dwight D.Eisenhower (CVN 69) trong một phi vụ trên Hồng Hải, ngày 22/01/2024 © AP - Mass Communication Specialist 3rd Class Kaitlin Wattca

Quốc hội Pháp mạnh mẽ ủng hộ Ukraine

Quốc hội Pháp bỏ phiếu thông qua việc hỗ trợ Ukraine nhưng không thống nhất về phương thức. Hai mươi năm sau đạo luật 2004, tính thế tục vẫn bị Hồi giáo đe dọa. Tại Hoa Kỳ, cả Joe Biden và Donald Trump đều thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng. Vladimir Putin sắp tiếp tục một nhiệm kỳ sáu năm qua cuộc bầu cử nặng phần trình diễn. Đó là những vấn đề được chú ý hôm nay.

Xã luận Le Monde nhận định, thỏa thuận an ninh Pháp-Ukraine ký ngày 16/02, đã được Quốc hội thông qua với 372/99 phiếu. Có giá trị 10 năm, hai bên tăng cường hợp tác về quân sự, đặc biệt về pháo binh và phòng không. Ngoài kết quả rõ ràng, sự chừng mực trong tranh luận cũng rất đáng chú ý. Jean-Louis Bourlanges, chủ tịch ủy ban đối ngoại thuộc đảng cánh trung MoDem nêu ra "hiểm nguy đang chực chờ", nguy cơ Châu Âu "mất uy tín và bị lăng nhục" nếu Nga chiến thắng. Thủ tướng Gabriel Attal nhấn mạnh đến sự đảo lộn rõ rệt trong cuộc sống người dân, khi giá cả từ ngũ cốc đến khí đốt tăng vọt.

Cánh tả bị chia rẽ : đảng cực tả LFI và đảng cộng sản PCF bỏ phiếu chống, trong khi đảng Xã Hội và đảng Xanh nhất quyết ủng hộ. Cực hữu chọn cách vắng mặt, dù "tôn trọng và ủng hộ một đất nước bị xâm lăng". Bà Marine Le Pen biện minh rằng không muốn Ukraine gia nhập NATO, lo nông nghiệp bị ảnh hưởng… nhưng những lý lẽ của bà không đứng vững. Dù chỉ trích tổng thống, cánh hữu vẫn nhiệt tình bênh vực thỏa thuận. Phát biểu trên hai đài truyền hình TF1 và France 2 hôm nay, ông Emmanuel Macron khẳng định "sẵn sàng với mọi quyết định" nếu tình hình xấu đi, để "Nga không bao giờ thắng được cuộc chiến này".

Vladimir Putin, 25 năm từ vô danh đến nhà độc tài thù ghét phương Tây

Còn vài ngày nữa đến bầu cử tổng thống tại Nga, Les Echos lược lại 25 năm cầm quyền của Vladimir Putin. Lên làm tổng thống năm 2000, cựu sĩ quan KGB chẳng có gì nổi bật ngoài sự trung thành, lý do chính để Boris Yeltsin giao cho chiếc chìa khóa điện Kremlin và vận mệnh nước Nga. Nhiệm kỳ đầu được đánh dấu bằng những cải cách kinh tế và những cuộc gặp gỡ thoải mái với các nhà lãnh đạo phương Tây. Một điểm khác biệt với Yeltsin vốn không sợ bị chỉ trích công khai : Putin, một người vô danh cho đến 1999 và thích tuyên truyền, không tin vào xã hội dân sự.

Đến cuối 2003, giới an ninh (siloviki) thay chân các nhà tài phiệt khống chế các lãnh vực. Mikhail Khodorkovski bị bắt và bị kết án, tập đoàn dầu lửa Yukos bị xẻ thịt. Nhà tỉ phú này quản lý theo kiểu phương Tây và thậm chí còn muốn sáp nhập với tập đoàn Mỹ EssonMobil. Ngày nay, "siloviki" có mặt khắp nơi và lãnh vực quốc phòng đã trở thành động cơ chính của nền kinh tế.

Ngày 10/02/2007, diễn văn của Vladimir Putin đọc tại Munich gây sững sờ cho phương Tây vì ông đả kích bá quyền Mỹ, lên án việc mở rộng NATO, mở đầu cho việc đối kháng với thế giới dân chủ. Mười một năm sau, năm 2018, trước khi đắc cử lần thứ tư, Vladimir Putin kết thúc bài nói chuyện với quốc dân bằng một video 3D dài nửa tiếng về lực lượng đạn đạo nguyên tử mới và cảnh cáo : "Không ai muốn nói chuyện, muốn lắng nghe chúng tôi. Bây giờ thì hãy nghe !". Từ đó đến nay, Putin không ngừng thách thức phương Tây.

Khao khát tự do chính trị, giới trung lưu biểu tình phản đối, bất chấp giá lạnh và nỗi sợ, có khi cả 100.000 người, từ mùa đông 2011 đến mùa xuân 2012. Đa số thành viên ban tổ chức đã phải chạy ra nước ngoài. Boris Nemtsov bị ám sát ngay trước điện Kremlin năm 2015, kẻ chủ mưu chưa bao giờ được tìm thấy. Alexei Navalny, bị đầu độc suýt chết và bị bắt vào tù ngay khi về nước, đã qua đời tại một trại giam Bắc Cực ngày 16/02/2024. Trong chiến tranh cuộc xâm lăng Ukraine, tất cả những tiếng nói chỉ trích đều bị đàn áp. Dù bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) truy nã, sau cuộc bầu cử giả hiệu mà đối lập đã bị gạt ra ngoài, tổng thống Nga sẽ tiếp tục tại vị đến 2030, tức là đến năm 77 tuổi.

Quân đoàn "Nước Nga tự do" khuấy động trước bầu cử

La Croix quan tâm đến sự kiện các tình nguyện quân Nga, thay vì lá phiếu, đã dùng xe tăng để biểu lộ tiếng nói của mình. Vào lúc còn vài ngày nữa đến bầu cử tổng thống Nga, "Quân đoàn nước Nga Tự do" đã tập kích vào vùng Kursk ở sát biên giới Ukraine.

Được thành lập sau khi Nga xâm lăng, "Quân đoàn nước Nga Tự do" được cho là có khoảng vài chục hay vài trăm chiến binh người Nga chống lại Kremlin. Không đủ để "giải phóng nước Nga", nhưng có thể gây tiếng vang về "một nước Nga khác" mong muốn thay đổi. Kiev nói họ không liên quan, nhưng khó thể tin được. Mùa xuân 2023, những chiến binh này đã nhiều lần tấn công vào đất Nga, nhiều tuần lễ trước cuộc phản công của Ukraine, để buộc Moskva phải dồn một số quân đến biên giới.

Trong vụ tấn công vào Kursk hôm thứ Ba, một thiết vận xa Nga bị phá hủy và một ngôi làng bị chiếm một thời gian ngắn, tiếp đến Ukraine tung ra đợt tấn công bằng drone tự sát quan trọng nhất từ kể từ đầu cuộc chiến. Hôm sau, cuộc không tập tiếp diễn. Theo Moskva, ít nhất 58 drone Ukraine đã đánh vào nhiều mục tiêu, chủ yếu là cơ sở hạ tầng dầu khí. Với các cuộc tấn công trên bộ và trên không, có vẻ như Kiev muốn phá hoại "lễ hội bầu cử" của Vladimir Putin và chứng tỏ quân đội Nga bất lực trong việc bảo vệ lãnh thổ của mình.

Sợ Nga xâm lăng, Latvia phát động quốc phòng toàn dân

Nhìn sang nước láng giềng, đặc phái viên Le Figaro nhận thấy "Đối mặt với Nga, Latvia chọn lựa "phòng vệ tổng lực". Ngoài việc hỗ trợ Ukraine, quốc gia vùng Baltic còn huy động toàn dân tham gia bảo vệ đất nước.

Đến Riga có nghĩa đến là hậu phương cuộc chiến Ukraine, không xa tiền tuyến bao nhiêu. Nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, từng bị chiếm đóng năm 1939 rồi 1945, mãi đến năm 1991 mới được giải phóng, lo sợ gấu Nga sẽ tiến về phía mình nếu Kiev thất bại. Đại sứ Latvia tại Paris, Rolands Lappuke khẳng định : "Đó cũng là cuộc chiến của chúng tôi ! Về cả tình cảm và chiến lược, chúng tôi đứng bên Ukraine (...) Đế quốc Nga hiếu chiến tiếp tục đe dọa cả Châu Âu".

Tại Latvia, hiệp hội Tavi Draugi (Bạn bè) bỗng trở thành lá phổi hậu cần của cả một chiến dịch quy mô nhằm hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine. Ngay từ ngày 26/02/2022, khi dòng người tị nạn bắt đầu đổ sang biên giới Ba Lan-Ukraine, họ đã tổ chức xe đến đón những thường dân chạy loạn, dựng lên những căn lều dọc theo đường biên. Hiệp hội giúp tìm chỗ ở tại nhà dân và khách sạn, làm giấy tờ, giúp trẻ em nhập học, chăm sóc y tế... Sau ba tháng, Tavi Draugi phải thuê một kho 1.500 mét vuông ở trung tâm Riga. Hàng ngàn món đồ lạc quyên, từ quần áo, thuốc men cho đến đồ đạc, phụ tùng, sản phẩm vệ sinh được xếp trên những kệ dài ngút mắt, dành cho người tị nạn và giao đến tận mặt trận Ukraine.

"Thế giới chỉ còn hai màu trắng và đen"

Người dân Latvia còn chuẩn bị cho một cuộc chiến trực tiếp. Bộ trưởng quốc phòng Andris Spruds nhắc lại, cách tốt nhất để tránh chiến tranh là chuẩn bị đối phó. NATO có thể yếu đi nếu Donald Trump đắc cử, và sự chậm chạp tái vũ trang của Châu Âu cũng làm Latvia sốt ruột. Cựu tổng thống Egils Levits nhấn mạnh, phải mất 5 đến 10 năm, mới tạo được năng lực quân sự. Latvia đã là nạn nhân của "chiến tranh đa diện" : Nga và Belarus thả lỏng cho di dân Trung Đông đổ xô vào Baltic và Phần Lan. Ba nước Baltic đã loan báo xây dựng các boong-ke và hàng rào để bảo vệ biên giới, và đang tranh luận về việc gài mìn.

Cả ba nước cũng đón nhận lực lượng NATO, tham gia các nhóm liên kết với Bắc Âu và Anh, Hà Lan, "liên minh drone" với Anh và Ukraine. Theo Latvia, điều quan trọng là cung cấp cho Ukraine hỏa lực cần thiết, đồng thời cho Moskva thấy nếu tấn công họ sẽ bị thiệt hại. Latvia nỗ lực tăng ngân sách quốc phòng lên 3% GDP, và phát triển phòng vệ dân sự theo kiểu Phần Lan, quay lại với chế độ quân dịch 11 tháng bằng cách rút thăm, và xã hội chấp nhận điều này.

Dù người gốc Nga chiếm 25% dân số, chỉ có 3-4% ủng hộ Putin, hầu hết đều trung thành với Latvia. Tiếng Nga trong trường học nay chỉ là môn nhiệm ý. Andrejs Pantelejevs, cựu thủ lãnh đảng tự do, nay là cố vấn bộ trưởng giáo dục nhận xét, hệ quả chính của cuộc xâm lăng Ukraine là "biến một thế giới đa sắc thành trắng và đen. Tất cả người dân Latvia đều hướng về phía tây, không có chỗ cho những người lưng chừng. Đại đa số không còn muốn quan hệ với Nga, ít nhất là trong ngắn hạn".

Hoa Kỳ không còn giựt dây, cũng chẳng muốn lãnh đạo

Nhìn chung toàn cảnh thế giới, Le Monde nhận định "Giờ đây Hoa Kỳ không còn đứng phía sau điều khiển, chẳng còn muốn lãnh đạo nữa". Sự thiếu vắng các nhân tố chính có thể làm thay đổi cục diện Trung Đông cho thấy thực trạng thế giới ngày nay : Không một cường quốc nào có thể áp đặt trật tự.

Hôm thứ Hai 11/03, Trung Quốc, Nga và Iran thông báo tập trận chung trên Ấn Độ Dương từ vịnh Oman. Trước những cuộc tấn công của phiến quân Houthi trên Hồng Hải gây rối loạn cho các tàu buôn, có thể nghĩ rằng Trung Quốc với căn cứ hải quân ở Djibouti có thể giúp ổn định, nhưng rốt cuộc chẳng có gì xảy ra sau năm ngày tập trận. Loan báo trên đây chỉ nhằm khẳng định tiếp tục gây bất ổn. Hoa Kỳ đã điều hai hàng không mẫu hạm đến từ đầu cuộc chiến, nhưng cho đến nay phe Houthi vẫn không ngưng bắn hỏa tiễn.

Thế giới năm 2024 là một thế giới mà các cường quốc va chạm, giám sát, đối địch, hay hợp tác với nhau tùy trường hợp, nhưng không ai áp đặt được trật tự. Nhà báo Gregg Carlstrom viết trên Foreign Affairs : "Hãy quên đi cái nhãn đơn cực hay đa cực. Trung Đông chẳng có cực nào cả, không ai ra lệnh được". Khoảng trống này càng đáng chú ý khi Hoa Kỳ, đại cường số một thế giới trước đây là nhân tố chính ở Trung Đông, nay vẫn hiện diện, nhưng chỉ là yểm trợ quân sự và tài chánh cho Israel. Hàng không mẫu hạm trấn ở Hồng Hải nhưng chỉ nhằm tránh leo thang.

Barack Obama từng bị coi là "leading from behind" (điều khiển từ phía sau) trong chiến dịch can thiệp vào Libya do Pháp và Anh tiến hành năm 2011. Những người chỉ trích thấy rằng đó là dấu hiệu co cụm của Mỹ, và đúng vậy : Hai năm sau, Obama cho đồng minh leo cây, từ chối tấn công chế độ độc tài Syria dù chế độ này đã vi phạm lằn ranh đỏ do chính ông đặt ra là dùng vũ khí hóa học giết dân. Vụ rút quân thảm hại khỏi Afghanistan tháng 8/2021 là hồi kết cho pax americana (hòa bình Mỹ).

Một thế giới loạn ly không có siêu cường can thiệp

Trong cuộc khủng hoảng quốc tế khác là cuộc xâm lăng Ukraine của Nga, chính quyền Biden ủng hộ Ukraine - khi đối lập Cộng hòa cho phép - nhưng việc chọn lựa lối thoát chiến tranh được để cho tổng thống Volodymyr Zelensky quyết định. Tại hội nghị an ninh Munich giữa tháng 2, các viên chức Mỹ vẫn hiện diện đông đảo, kể cả phó tổng thống Kamala Harris. Nhưng tiếng nói duy nhất có trọng lượng là thượng nghị sĩ phe Donald Trump J. D. Vance, theo đó Châu Âu phải tự xoay sở.

Một cường quốc khác là Trung Quốc được cho là sẽ lợi dụng chủ trương biệt lập của Mỹ để nhảy vào. Nhưng Bắc Kinh, đang muốn tái thúc đẩy kinh tế và tập trung quyền lực, vẫn giữ khoảng cách. Trong chiến tranh Ukraine, dù âm thầm giúp Nga đồng thời làm Moskva lệ thuộc mình hơn, Trung Quốc không tìm cách làm xoay chiều cuộc chiến, mà luôn dành ưu tiên luôn cho Biển Đông.

Còn lại cựu cường quốc thế kỷ 20 : Nga không còn thuộc về "nhị cường". Với Moskva bây giờ là sự hỗn loạn, bóp méo thông tin, gây bất ổn. Nga lợi dụng sự thờ ơ của "nhị cường" thế kỷ 21 để làm tổn hại trật tự quốc tế, Bắc Kinh vẫn để yên nếu không đụng đến lợi ích của mình. Nhờ đó Nga ghi điểm ở Châu Phi và một số nơi, nhưng do phải dồn hết sức lực vào Ukraine nên đành rút hệ thống phòng không khỏi Syria, và không thể can thiệp vào Trung Đông.

Châu Âu vẫn còn xa để trở thành "sức mạnh địa chính trị", Ấn Độ nghiêng ngã giữa Washington và Moskva, thủ lợi bằng mọi cách, nhưng mắt không rời khỏi Trung Quốc. Thế giới "phi cực" hoàn toàn có lợi cho Ấn Độ, ít nhất là trong lúc này, vì khoảng trống đến lúc nào đó sẽ được lấp kín.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 208 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)