Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

19/03/2024

Điểm báo Pháp - Người dân Cuba lại xuống đường

RFI tiếng Việt

Đói khổ, người dân Cuba lại xuống đường

Le Figaro ngày 19/03/2024 cho biết tại Santiago, thành phố lớn thứ nhì Cuba, nạn đói và điện cúp thường xuyên đã khiến hàng ngàn người biểu tình phản đối. Người dân Cuba còn lo sợ nếu Donald Trump quay lại sẽ cứng rắn hơn đối với di dân và gia tăng trừng phạt kinh tế.

cuba1

Một phụ nữ và một trẻ em cố gắng xin đi nhờ xe trong một ngày cúp điện ở Bauta, Cuba, 18/03/2024. Tình trạng cúp điện xảy ra thường xuyên ở đảo quốc. AP - Ramon Espinosa

Nga : Tỉ lệ phiếu bầu cao không tưởng ở những vùng chiến sự

Các báo hôm nay chọn những chủ đề khác nhau cho trang nhất, như báo động về vấn đề chuyển giới của thiếu niên, nguy cơ phong trào phản kháng nông dân dấy lên trở lại, tưởng niệm những người vô gia cư chết ngoài đường, nhân viên cơ quan khí tượng đình công. Tuy nhiên ở các trang trong, nước Nga của Putin tiếp tục được đề cập đến nhiều nhất sau cuộc bầu cử tổng thống cuối tuần qua.

Le Monde đưa tít lớn "Putin gia tăng khống chế nước Nga". Tờ báo nhận thấy tỉ lệ phiếu bầu cho Vladimir Putin cao một cách không tưởng nơi những khu vực khó khăn. Chẳng hạn vùng biên giới Belgorod thường xuyên bị phía Ukraine tấn công sang (96,45%), vùng chiếm đóng Donetsk (95%), Zaporijia (92%), Chechnya (99,3%), ngay cả trung tâm phản kháng là Moskva cũng đạt 85,3%.

Nhật báo Pháp cho biết đã chứng kiến những nơi bỏ phiếu không có màn che, cử tri bị cảnh sát giám sát. Có nhiều vụ bắt giữ vì những dòng chữ ghi trên lá phiếu – tại Nga phiếu bầu không được cho vào bao thư, ngay cả người trong ê-kíp của ứng cử viên chống chiến tranh Boris Nadezhdin cũng bị bắt. Đối với kiều dân, Bộ Ngoại giao Nga phân biệt giữa những nước có cử tri ngoan ngoãn hay cứng đầu. Tại Đức chỉ có 2 phòng phiếu cho 2 đến 3 triệu công dân Nga, còn Transnistria chỉ có 250.000 cử tri thì có đến 27 địa điểm bỏ phiếu.

Putin nhất thiết phải đắc cử

Trong bài xã luận "Vladimir Putin, chiến thắng bắt buộc", Le Monde nhận định cuộc bầu cử vừa qua giúp kéo dài thời kỳ trị vì đến 30 năm. Và nếu muốn, Putin có thể ứng cử thêm một nhiệm kỳ thứ sáu để ngồi lại điện Kremlin tới năm 2030, vì ông đã sửa đổi Hiến pháp cho việc này.

Không nói đến điều kiện bỏ phiếu lẫn sự thiếu vắng các quan sát viên độc lập, kết quả này đã được chờ đợi, trước làn sóng đàn áp những người có vẻ như là đối lập từ khi ồ ạt xâm lăng Ukraine ngày 24/02/2022. Cũng chẳng trông mong gì vào ba ứng cử viên bù nhìn được đưa ra để tránh tiếng độc diễn. Những người can đảm thực sự đã bị trừ khử, sát hại luôn nếu cần thiết như trường hợp Alexei Navalny.

Các nhà độc tài thời hiện đại luôn coi trọng tính chính danh bề ngoài thông qua bầu cử, dù không ưa dân chủ. Với ông Putin, được bầu lên với chỉ 53,44% vào năm 2000, tỉ lệ này không ngừng tăng lên trong mỗi kỳ bỏ phiếu và bị chống đối vì gian lận - trừ năm 2012, khi ông ta đổi vai với Dimitri Medvedev. Trong 24 năm, từ 53% tăng vọt lên 87%, phải chăng đây là sự hàm ân của cử tri trước công trạng của Vladimir Putin. Nhưng Putin đã làm nên một nước Nga như thế nào ?

Một nước Nga thảm hại sau một phần tư thế kỷ của Putin

Đó là một nền kinh tế không biết đa dạng hóa dù phong phú tài nguyên. Một dân số sút giảm đến nỗi Putin trong bài diễn văn mới đây phải kêu gọi phụ nữ Nga chịu khó sinh con. Một đất nước từ nay chinh chiến thường xuyên, đến nỗi phải mộ quân từ các nhà tù, mua đạn pháo, drone của Bắc Triều Tiên và Iran, dồn tất cả mọi nguồn lực vào kỹ nghệ vũ khí, chấp nhận làm chư hầu cho Trung Quốc. Giới tinh hoa thành thị vắng hẳn đi vì những người trẻ đổ xô ra nước ngoài để tránh bị động viên. Một hệ thống cầm quyền tập trung vào Putin, khiến Bộ Chính trị của Đảng cộng sản Liên Xô có thể coi như một mô hình dân chủ.

Về ngoại giao, khi biến hóa cuộc xâm lăng Ukraine thành cuộc thập tự chinh chống phương Tây, tổng thống Nga được cảm tình của một phần các nước phương Nam. Nhưng ông ta không thể tranh thủ được vì lệnh truy nã của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) khiến phải hạn chế những chuyến ra nước ngoài. Putin đã khiến phương Tây đoàn kết chống lại mình khi xâm lược nước láng giềng. Nhờ Putin mà NATO có thêm hai thành viên mới quan trọng là Phần Lan và Thụy Điển. Trong bối cảnh này, Vladimir Putin sẽ lại tiếp tục bành trướng và cách duy nhất để chặn đứng là buộc ông ta phải bại trận trước Ukraine.

Chuẩn bị chiến tranh để có hòa bình

Trên trang Ý kiến của Libération, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Charles Michel nhấn mạnh, "Nếu muốn hòa bình, hãy chuẩn bị chiến tranh". Charles Michel nhớ lại, vào lúc ba giờ rưỡi sáng ngày 24/02/2022, chuông điện thoại reo làm ông tỉnh giấc. Bên kia đầu dây là giọng nói nghiêm trọng của tổng thống Volodymyr Zelensky : "Bom rơi xuống cùng khắp, đó là một cuộc xâm lăng toàn diện !".

Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu biết rằng hệ thống an ninh hậu Đệ nhị Thế chiến sẽ hoàn toàn thay đổi từ lúc này, và Liên Hiệp Châu Âu (EU) cũng nhanh chóng đổi thay. Chỉ trong vài giờ, các nhà lãnh đạo EU đã có mặt tại Bruxelles để dự cuộc họp khẩn cấp, những quyết định ngày hôm ấy đã khai sinh ra một EU địa chính trị. Lần đầu tiên Liên Âu gởi vũ khí sát thương cho Kiev. Hai năm sau, rõ ràng là Nga sẽ không dừng lại ở Ukraine, cũng như cách đây 10 năm đã không dừng ở Crimea. Moskva sẽ tiếp tục khuấy đảo Moldova, Gruzia, Nam Kapkaz, Balkan…

Nếu không có phản ứng thích đáng ở cấp độ châu lục và không viện trợ đầy đủ cho Ukraine, các nước Châu Âu sẽ là nạn nhân kế tiếp. Không thể trông cậy vào các chu kỳ bầu cử ở Hoa Kỳ hay nơi nào khác. Ông Michel khẳng định cần chuyển sang nền kinh tế chiến tranh, chuyển giao cho Kiev tất cả những gì cần đến, nhất là khi Nga đang cố gây chia rẽ. Ông cũng đề nghị đầu tư mạnh vào kỹ nghệ quốc phòng, dùng lợi tức từ tài sản Nga đang bị phong tỏa để mua vũ khí cho Ukraine.

Quân Nga linh hoạt hơn, hy vọng sẽ chiến thắng năm 2026

Về mặt quân sự, Le Figaro nhận thấy "Sau những thất bại ban đầu, bộ chỉ huy Nga đã rút ra các bài học về chiến tranh ở Ukraine". Họ dần dà sửa chữa những sai lầm, thế nên chiến dịch phản công của Kiev năm ngoái đã không thành công. Phát ngôn viên quân đội Nga không nói một lời nào về việc cách chức đô đốc Nikolai Yevmenov, tư lệnh Hạm đội Hắc Hải, nhưng bộ trưởng quốc phòng Sergei Shoigu cuối tuần trước hàm ý cần thay đổi để chấn chỉnh hải quân đã bị địch thủ làm chao đảo, huấn luyện nhân sự nhằm đối phó với không kích và drone biển. Theo một nguồn tin quân sự Pháp, những sĩ quan bất tài đã bị loại, thay bằng một thế hệ mới.

Dù cấp trên vẫn thờ ơ trước số phận của bộ binh, như đã nướng 15.000 quân trong trận Avdiivka, nhưng không còn những đoàn xe tăng làm mồi cho Ukraine như hồi năm 2022. Thay vào đó là những vụ tấn công của những nhóm nhỏ cơ động, tung ra tại rất nhiều địa điểm để làm lực lượng Ukraine kiệt sức. Phòng tuyến Surovikin được những đơn vị thiện chiến trấn giữ. Nhà nghiên cứu Dimitri Minic trong một báo cáo cho IFRI cho rằng không nên đánh giá thấp khả năng thích ứng của quân đội và Nhà nước Nga.

Kiev trông cậy rất nhiều vào các mini drone FPV, Moskva sẽ gia tăng sản xuất loại này. Do quân Nga gây nhiễu, Himars không gây được thiệt hại nặng nề như trước, Ukraine nay phải dùng hỏa tiễn Scalp hay Storm Shadow để tấn công vào những mục tiêu chiến lược, nhưng Nga đã biết phân tán địa điểm. Các nhà phân tích Jack Watling và Nick Reynolds của Royal United Service Institute nhận định quân Nga có chiến lược ba giai đoạn : làm cạn kiệt nguồn lực Ukraine, phá vỡ sự ủng hộ quốc tế cho Kiev và sau đó sẽ tấn công trở lại. Hiện giờ Nga không thể đột phá để có được chiến thắng mang tính chiến thuật trên mặt trận, nên chuyển sang nền kinh tế chiến tranh, hướng đến chiến thắng trong năm 2026. Một giai đoạn mới nữa trong chiến tranh mạng cũng đã bắt đầu.

Trường Sa : Philippines bám chặt đảo Thị Tứ trước sức ép Trung Quốc

Liên quan đến Biển Đông, đặc phái viên Libération đến thăm đảo Thị Tứ, nơi có 200 dân Philippines sinh sống, dưới áp lực thường xuyên của tàu Trung Quốc. Bài phóng sự mang tựa đề "Biển Đông : Thị Tứ, viên sỏi Philippines chống lại Goliah Trung Quốc".

Hòn đảo thuộc cụm Thị Tứ của quần đảo Trường Sa được thống đốc Nam Kỳ Jean-Félix Krautheimer ký nghị định sáp nhập vào địa phận tỉnh Bà Rịa từ năm 1933. Đầu thập niên 60, các tàu hải quân của Việt Nam Cộng Hòa thường ghé thăm đảo này, nhưng khoảng năm 1970-1971 Philippines cho quân bí mật chiếm đóng đến nay. Tuy nhiên báo Pháp chỉ nói đến việc năm 1971 quân Tưởng Giới Thạch rời đi do bão rồi Manila tiếp thu, và theo cách viết thì độc giả có thể hiểu là hòn đảo lâu nay được Manila tranh chấp với Bắc Kinh, không hề nhắc đến Việt Nam.

Mỗi chuyến tàu tiếp tế thường xuyên bị tàu Trung Quốc gây hấn, mới đây nhất vào đầu tháng 3, bốn thủy thủ Philippines đã bị thương vì phía Trung Quốc bắn vòi rồng. Dù phương tiện nghèo nàn, Philippines vẫn cố gắng bảo vệ Thị Tứ mà họ gọi là Pag-Asa, tức đảo Hy Vọng theo tiếng Tagalog. Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. xích lại gần Hoa Kỳ, cho phép mở thêm 9 căn cứ quân sự mới trong khuôn khổ hiệp ước hỗ tương quốc phòng.

Một người dân cho biết khi đến đảo năm 1999, Thị Tứ chỉ có 6 thường dân, và ngư dân Việt Nam thường xuyên ghé. Đến 2007 Bắc Kinh bắt đầu đào đắp các đảo nhân tạo, Đá Xu Bi cách đó khoảng 20 kilomet đã trở thành nơi đóng quân của Trung Quốc. Manila có những ưu đãi để cư dân ở lại trên đảo : trợ cấp hàng tháng 8.000 peso (132 euro), tương đương 80% lương tối thiểu. Gạo, nước ngọt, nhà ở, điện, wifi được nhà nước cung cấp, việc học hành của trẻ em hoàn toàn miễn phí ; và dự kiến đầu tư thêm 3 tỉ peso (50 triệu euro) cho Thị Tứ. Không chỉ các quân nhân, mà thường dân cũng là những người giữ đất.

Đói khổ, người dân Cuba lại xuống đường

Nhìn sang châu Mỹ la-tinh, Le Figaro cho biết "Ở Cuba, cư dân khủng hoảng trước khả năng quay lại của Donald Trump". Họ sợ ông Trump cứng rắn hơn đối với di dân và gia tăng trừng phạt kinh tế. Tại Santiago, thành phố lớn thứ nhì Cuba, nạn đói và điện cúp thường xuyên đã khiến hàng ngàn người biểu tình phản đối.

"Chúng tôi đói. Cần có điện và thực phẩm. Tự do !". Chiều Chủ nhật, đông đảo người dân Santiago đã xuống đường đòi chấm dứt tình trạng thiếu thốn thực phẩm, điện cúp có khi đến 15 tiếng đồng hồ một ngày. Đồng peso Cuba (CUP) vào ngày 01/01/2021 có tỉ lệ 25 peso đổi 1 đô la Mỹ, nay trên thị trường chợ đen phải đến 325 peso mới đổi được 1 đô la. Một nữ y tá cho biết cha của bà với số lương hưu 1.600 peso mỗi tháng chỉ đủ để mua 12 quả trứng hay 3 ký rưỡi gạo. "Những người già làm thế nào để sống một khi lương hưu gần như chẳng còn mua gì được nữa ?".

Cư dân nhiều địa phương tiếp tục biểu tình đến sáng thứ Hai, chế độ phải cắt internet tại trung tâm các thành phố Oriente, Santiago, Holguin, Las Tunas. Dân Bayamo, một thành phố lớn khác gần Santiago xuống đường trong bóng tối với những tiếng hô "Tự do !". Chính quyền trung ương điều đặc nhiệm Boinas Negras (bê-rê đen) đến, nhưng không dùng vũ lực, đổ cho "đế quốc Mỹ muốn gây bất ổn tại Cuba". Một người dân La Habana cho biết dân Oriente là những người đầu tiên ủng hộ cách mạng. "Họ vẫn luôn là cộng sản, nhưng họ không chịu đựng được nạn đói".

Năm 2023, Hoa Kỳ đã chấp nhận cho 67.000 người Cuba được tị nạn theo chương trình Parole của chính quyền Biden, nhưng có hơn 400.000 hồ sơ khác đang chờ đợi. Trong ba năm qua, khoảng 600.000 đến 800.000 trong số 11 triệu dân Cuba đã di cư sang đất nước của Chú Sam. Người Mỹ gốc Cuba đã gởi cho thân nhân trong nước 1,9 tỉ đô la trong năm 2023. Lúc làm tổng thống, Donald Trump đã có 241 biện pháp chống lại Cuba, và nếu "remesa" (gởi kiều hối) lại bị cấm sẽ là thảm họa cho đảo quốc.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 198 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)