Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

20/03/2024

Điểm báo Pháp - Nông sản Ukraine đe dọa nông nghiệp Châu Âu

RFI tiếng Việt

Khi xuất khẩu nông sản Ukraine đe dọa nông nghiệp Châu Âu

Thời sự được các báo Pháp chú ý nhiều trong ngày 20/03/2024 liên quan đến các vấn đề của Liên Hiệp Châu Âu và xung quanh cuộc chiến tại Ukraine cũng như ở Trung Đông.

nongsan1

Nông dân Ba Lan sát biên giới với Ukraine nổi giận vì bị cạnh tranh bất bình đẳng. Ảnh ngày 09/02/2024. Agencja Wyborcza.pl via Reuters - Jakub Orzechowski/Agencja Wyborc

Nhật báo Le Figaro báo động xu hướng chính trị ở Châu Âu liên quan đến cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu vào ngày 09/06, với hàng tựa trang nhất : "Ở các nước Châu Âu, sự trỗi dậy của các quyền tự chủ". Tờ báo cho hay, theo một thăm dò dư luận của viện IPSOS ở 18 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, những đảng có xu hướng cực đoan, cực hữu ở khắp nơi đang lên mạnh và có nhiều khả năng thắng thế trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu lần này.

Dự báo các đảng cực hữu hay cánh hữu cực đoan, chủ trương đòi quyền tự chủ của quốc gia, chống lại chính sách chung của Liên Hiệp sẽ có ảnh hưởng lớn ở Nghị Viện Châu Âu mới. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của các đảng này cũng chưa đủ mạnh để làm thay đổi cân bằng chính trị tại Nghị Viện. Cuộc đua vào Nghị Viện Châu Âu ở các nước thành viên hứa hẹn sẽ rất gay cấn và có những bất ngờ.

Vào thời điểm các chính đảng khắp Liên Hiệp Châu Âu đang hối hả vận động tranh cử. Tại Bruxelles, bắt đầu từ 19/03, các nghị sĩ Châu Âu họp bàn về nông sản Ukraine, gần đây được cho là một trong những nguyên nhân châm ngòi khủng hoảng nông nghiệp ở hàng loạt quốc gia trong Liên Âu.

Trang kinh tế báo Le Figaro với bài viết "Hướng tới các hạn chế ngũ cốc Ukraine" cho biết, hàng nhập khẩu từ Ukraine vẫn tiếp tục khiến Châu Âu đau đầu. Sau trứng gà, đường, gia cầm, các nghị sĩ Châu Âu muốn đặt giới hạn cho việc mua ngũ cốc của Ukraine. Các tổ chức nông nghiệp của Liên Âu từ nhiều tháng nay đã lên tiếng đòi phải có các biện pháp khẩn cấp và hiện giờ các cấp cơ quan khác nhau của Liên Âu đang bắt đầu phải hành động. Nhất là khi cuộc bầu cử Nghị Viện đang tới gần, thì ưu tiên của Bruxelles là làm dịu nỗi phẫn nộ của nông dân nhiều nước trong Liên Âu, vẫn kêu ca không thể cạnh tranh với các nông sản từ Ukraine, đã nhiều, giá thấp và lại còn được hưởng ưu đãi thuế quan, không phải tuân theo các chuẩn mực gắt gao của Châu Âu.

Theo Le Figaro, xuất khẩu của Ukraine sang Liên Âu đã tăng 176% trong khoảng thời gian từ 2021-2023. Nhà nông, nhất là ở những nước ở sát cạnh Ukraine như Ba Lan, đã bị đẩy vào cuộc cạnh tranh không lành mạnh, hệ quả là họ bị thất thu, làm ăn đình đốn. Đầu tháng Hai vừa qua, Ủy ban Châu Âu đã đề xuất một số biện pháp hạn chế trong nỗ lực cứu nông nghiệp các nước thành viên liên quan nhưng vẫn bị đánh giá là hời hợt và chưa đủ.

Tờ báo giải thích thêm, việc sản phẩm nông nghiệp nói chung và ngũ cốc nói riêng của Ukraine được hưởng những ưu đãi của Liên Âu là vì các nước Châu Âu muốn đáp trả chiến lược của Nga dùng lúa mì như là một vũ khí chiến tranh. "Bằng cách chặn cửa ra cho hàng xuất khẩu Ukraine trên Biển Đen, Nga đã chiếm thêm thị phần. Với lý do chống đói họ viện trợ ngũ cốc cho Châu Phi để mua chuộc, lôi kéo các quốc gia ủng hộ họ. Nga giờ có thể thao túng thị trường xuất khẩu ngũ cốc trên thế giới".

Cũng về vấn đề này, nhật báo Les Echos nhận định : "Vấn đề nông nghiệp Ukraine gây thêm náo động ở Bruxelles". Tờ báo phân tích các biện pháp được các nghị sĩ Châu Âu thảo luận tại Bruxelles ngay từ giờ đã gây chia rẽ các nước thành viên theo các nhóm : Nhóm thứ nhất gồm các nước kế bên Ukraine như Ba Lan, Romania, Hungary, Bulgaria, Slovakia, thiên về lập trường của Nghị Viện. Nhóm thứ hai gồm các nước Baltic và Bắc Âu ủng hộ Ủy Ban Châu Âu với các giải pháp mềm dẻo cho hàng xuất khẩu Ukraine. Ở giữa hai nhóm trên là các nước gồm Pháp, Ý, Tây Ban Nha hay Hy Lạp.

Nga-Ukraine phối hợp tránh tai họa hạt nhân.

Liên quan đến chiến tranh Ukraine, nhật báo Le Monde có bài phóng sự mang tiêu đề : "Tại Zaporijia, Ukraine và Nga buộc phải phối hợp với nhau". Đó là phối hợp để quản lý nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Châu Âu tại Zaporijia, vùng đất hiện do Nga chiếm đóng và lâu nay vẫn là khu vực chiến sự. Nga và Ukraine thường xuyên đổ lỗi cho nhau là gây nguy hiểm cho trung tâm hạt nhân này. Bài phóng sự của Le Monde cho thấy tình hình ở Zaporijia hết sức rất phức tạp, từ quản lý vận hành an toàn nhà máy, đến bảo đảm an ninh, nhất là khi mà cuộc chiến tại Ukraine ngày càng diễn biến khó lường. Các nhân viên, kỹ sư người Ukraine vẫn cho các lò phản ứng hạt nhân vận hành, nhưng dưới sức ép ghê gớm của cuộc xung đột. Le Monde cho hay "giữa chiến tranh, Kiev và Moskva đạt thỏa thuận trao đổi thông tin để bảo trì nhà máy hạt nhân Châu Âu, giờ là lãnh thổ bị chiếm đóng. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế được coi như là trung gian đối thoại duy nhất".

Bom bay Nga, mối đe dọa lớn với Ukraine

Vẫn liên quan đến chiến tranh Ukraine, nhật báo Les Echos có bài "Chiến tranh Ukraine : Bom bay, thành phần chủ chốt trong kho vũ khí của Nga". Bài phóng sự cho thấy, trong lúc Ukraine đang thiếu đạn dược từ nhiều tháng qua, thường dân và binh sĩ Ukraine giờ đây lại chịu thêm mối đe dọa từ loại bom bay, một thứ vũ khí có sức hủy diệt ghê gớm và khó vô hiệu hóa.

Bom bay được thả từ máy bay đã bắt đầu được xuất hiện từ Chiến tranh Thế giới Thứ nhất và đã được quân đội Đức hoàn thiện hơn trong Chiến tranh Thế giới Thứ 2, được dùng để tấn công quân đồng minh. Ngay từ năm 1954, Liên Xô đã trang bị cho quân đội loại bom bay "FAB-500" có gắn đầu nổ cực mạnh, nặng 500 kg. Bom được thiết kế chủ yếu để tấn công các mục tiêu chiến lược, như cầu đường, hay các cơ sở công nghiệp.

Theo tờ báo, những tháng qua, quân đội Nga đã hiện đại hóa loại bom bay bằng cách gắn thêm hệ thống dẫn đường và đưa vào sử dụng thường xuyên để tấn công các mục tiêu cả dân sự lẫn quân sự của Ukraine. Bom bay có thể đã đóng vai trò chủ lực trong cuộc tấn công đánh chiếm Avdiivka hồi giữa tháng Hai, một thắng lợi quan trọng của Nga trên chiến trường Ukraine.

Để ngăn chặn loại bom bay này, Ukraine phải bắn hạ các chiến đấu cơ của Nga, cho nên cần có chiến đấu cơ F-16 và rất nhiều hệ thống phòng không, những thứ vũ khí mà Kiev đang mong đợi từng ngày.

Estonia cấm dạy tiếng Nga

Chuyển sang khu vực vùng Baltic, Libérarion chú ý đến đối thoại ở Estonia với những người nói tiếng Nga bị phá vỡ. Tờ báo ghi nhận một thực tế: Cộng đồng người nói tiếng Nga ở Estonia vẫn còn rất đông nhưng bị chia rẻ. Từ khi cuộc chiến tranh tại Ukraine nổ ra, cộng đồng đồng này bị ngờ vực, dè chừng, bị coi như đội quân thứ 5 của Nga. Thực tế thì ở những nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, người nói tiếng Nga đã không ít lần được dùng như là một lá bài của Kremlin để gây áp lực, thậm chí là tấn công quân sự.

Chính phủ Estonia mới đây đã tiến hành cải cách giáo dục, xóa bỏ hoàn toàn việc giảng dạy tiếng Nga, mục tiêu là để các cộng đồng dân cư đoàn kết trong sự đồng nhất ngôn ngữ. Nhưng dường như chủ trương này càng làm tăng thêm các bất đồng ở nước này.

Cuba : Đảo tự do ngày càng kham khổ

Nhìn sang khu vực Châu Mỹ, nhật báo Le Monde trở lại các cuộc biểu tình phản kháng của người dân Cuba mới bùng lên cách đây ít ngày. Tờ báo có bài : "Ở Cuba, thiếu thốn kiệt quệ, nỗi giận dữ của người dân với chế độ lớn dần".

Theo Le Monde, trong nhiều tuần nay, tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng trong xã hội Cuba. Dân chúng phải đối mặt với tình trạng khan hiếm hàng hóa nghiêm trọng. Từ tháng Hai, một số thành phố đã cảnh báo người dân rằng khẩu phần sữa, được cung cấp theo sổ phân phối thực phẩm (libretas) tối thiểu với giá rất thấp cho người dân, chỉ còn đủ để cấp cho trẻ em dưới 14 tuổi.

Còn lại, gạo, thịt gà, bột mì hay đường, những sản phẩm cơ bản, ngày càng khan hiếm, phải đợi nhiều ngày và xếp hàng dài vô tận để có cơ hội nhận được. Trên thị trường chợ đen, mức lương tối thiểu của người Cuba là 2.100 peso (khoảng 80 euro) thậm chí không đủ để mua một hộp trứng. Cuối tháng 2, Chính phủ Cuba đã phải cầu cứu Chương trình Lương thực Thế giới để đảm bảo cung cấp sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi. Sống lay lất như vậy, người dân Cuba lại phải chịu thêm cảnh mất điện thường xuyên, giá xăng dầu tăng vọt. Vì thế họ đã xuống đường bày tỏ sự phẫn nộ hôm Chủ nhật vừa rồi.

Tờ báo ghi nhận : "Các cuộc biểu tình hôm Chủ nhật phản ánh sự tuyệt vọng của nhiều người dân Cuba, xuống đường bất chấp đàn áp. Không ai trên đảo quên được hàng nghìn vụ bắt giữ sau các cuộc biểu tình ngày 11/07/2021 tại La Havana và ở khoảng 50 thành phố. Ba năm sau, hàng trăm người vẫn đang phải chịu mức án rất nặng nề, lên tới 25 năm tù".

Phần lớn giới trẻ đã tìm đường ra nước ngoài. Theo số liệu từ Hoa Kỳ, gần 500.000 người Cuba đã rời "hòn đảo tự do" sang Mỹ trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến năm 2023, chưa kể những người đã đến Châu Âu, tức gần 5% dân số.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ
Read 237 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)