Đức trục xuất đại sứ và đại diện tình báo Việt Nam (RFA, 02/08/2017)
Tờ Financial Times vào ngày 2 tháng 8 loan tin Đức đưa ra thời hạn 48 tiếng buộc đại sứ Hà Nội và viên chức trưởng cơ quan tình báo Việt Nam tại Berlin phải rời khỏi Đức, sau khi xảy ra vụ việc một cựu quan chức dầu khí Việt Nam, ông Trịnh Xuân Thanh, được nói bị mật vụ Việt Nam sang tận Đức bắt cóc rồi đưa lậu ra khỏi nước này.
Báo Financial Times đăng tin Đức trục xuất đại sứ và đại diện tình báo Việt Nam tại Berlin. Screen capture of Financial Times
Tờ Financial Times dẫn lại nguồn của Bộ công an Việt Nam nói là ông Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú với cơ quan công an tại thủ đô Hà Nội hôm thứ hai ngày 31 tháng 7 vừa qua. Trước đó khi còn ở Đức, ông Trịnh Xuân Thanh vừa lo chống bị trục xuất vừa tìm quy chế tỵ nạn.
Bộ ngoại giao Đức vào ngày 2 tháng 8 ra thông cáo cho biết sau khi có bằng chứng rõ rệt hơn và đủ căn cứ không còn nghi ngờ gì về việc các cơ quan và đại sứ quán Việt Nam tại Berlin có dính líu đến vụ bắt cóc công dân Việt Nam ngay tại thủ đô nước Đức, phía ngoại giao nước sở tại triệu đại sứ Việt Nam đến vào ngày 1 tháng 8.
Ngoài thời hạn rời nước Đức đưa ra đối với các quan chức Việt Nam có liên quan trong vụ việc ; phía Bộ ngoại giao Đức cũng ra thời hạn 48 tiếng đồng hồ, Việt Nam phải chấp thuận yêu cầu đưa ông Trịnh Xuân Thanh trả về lại Đức. Thời hạn chót cho yêu cầu này là vào trưa ngày 2 tháng 8.
Yêu cầu Hà Nội trả ông Trịnh Xuân Thanh lại về Đức là nhằm mục đích để biện pháp trục xuất cũng như việc xin quy chế tỵ nạn của ông Trịnh Xuân Thanh được xử lý theo đúng luật của Đức và luật pháp quốc tế.
Tờ Financial Times còn nói rõ giới chức Đức rất giận dữ vì vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh cách đây chưa đầy 1 tháng từng được thảo luận với phía Việt Nam ở một cấp cao nhân kỳ thượng đỉnh G20 diễn ra ở Hamburg. Dịp đó thủ tướng Việt Nam được mời như một khách tham dự.
Financial Times nhắc lại Việt Nam là một đối tác kinh tế khiêm tốn của Đức. Kim ngạch mậu dịch song phương tổng cộng 9 tỷ đô la Mỹ. Cả hai phía cam kết nâng kim ngạch mậu dịch song phương lên 20 tỷ đô la Mỹ.
Tại Đức, có một cộng đồng người Việt bắt đầu kể từ thời kỳ Chiến Tranh Lạnh ; lúc đó Hà Nội gửi sinh viên sang Đức để được đào tạo, rồi một số ở lại Đức.
********************
Đức : Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh giống phim gián điệp thời Chiến tranh lạnh (VOA, 05/08/2017)
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nói hôm 4/8 rằng nước này đang xem xét các biện pháp chống lại Việt Nam vì đã bắt cóc cựu lãnh đạo ngành dầu khí Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ Đức.
Hãng tin Reuters trích lời ngoại trưởng Gabriel nói việc Hà Nội chối bỏ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh “gợi nhớ lại những bộ phim gián điệp thời Chiến tranh lạnh.”
Ngoại trưởng Gabriel cho biết Đức đã yêu cầu một nhân viên tình báo tại sứ quán Việt Nam ở Berlin rời khỏi Đức vì có dính líu tới vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.
Lên tiếng trong một cuộc họp báo theo sau buổi hội đàm với Ngoại trưởng Slovak Miroslav Lajcak ở Wolfsburg, Ngoại trưởng Đức nói : “Chúng tôi không khẩn khoản yêu cầu ông ta rời nước Đức mà đòi ông phải ra khỏi đất nước chúng tôi bởi vì chúng tôi tin chắc là ông ta có dính líu trong vụ bắt cóc.”
Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh “không có gì đi ngược với cách suy diễn này mà ngược lại mọi chứng cớ đều hỗ trợ cho cách suy diễn là ông ta, với sự trợ giúp của mật vụ Việt Nam và sử dụng ưu thế cư ngụ trong Đại sứ quán Việt Nam ở Đức, để bắt cóc một người đã đệ đơn xin tị nạn.”
Trong thông cáo Bộ ngoại giao Đức hôm 2/8, Đức cáo buộc Việt Nam thực hiện vụ bắt cóc ở Berlin và yêu cầu nhân viên tình báo của sứ quán Việt Nam ra khỏi Đức trong vòng 48 giờ. Sứ quán Đức ở Berlin không trả lời câu hỏi của VOA liệu nhân vật bị Đức trục xuất đã rời khỏi nước này hay chưa.
Theo Reuters, Ngoại trưởng Gabriel không cho biết chi tiết các biện pháp trừng phạt kế tiếp mà Đức đang xem xét.
Ông Gabriel nói trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh,Việt Nam đã sử dụng phương thức thường thấy “trong các bộ phim hành động thời Chiến tranh lạnh.”
“Đây là điều mà chúng tôi không chấp nhận” Ngoại trưởng Đức nói.
Chính phủ Đức, trong thông cáo hôm 2/8, yêu cầu Việt Nam đưa ông Thanh trở về Đức. Ông Thanh bị Việt Nam ra lệnh truy nã quốc tế về tội làm thất thoát 3.300 tỷ đồng (khoảng 147 triệu USD) trong thời gian lãnh đạo PVC, một công ty con của tập đoàn dầu khí PetroVietnam.
Ngày hôm sau, 3/8, truyền hình nhà nước Việt Nam VTV tung ra hình ảnh ông Thanh với nét mặt mệt mỏi, lên tiếng trong chương trình thời sự buổi 19h, nói ông tự nguyện trở về và ra đầu thú.
Cộng đồng Việt “hoang mang”
Sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa Đức và Việt Nam từ vụ Trịnh Xuân Thanh đang gây lo lắng cho cộng đồng người Việt ở Đức, theo Chủ tịch Liên hiệp người Việt toàn liên bang Đức Nguyễn Văn Thoại.
Trao đổi với Đài VOA, Giáo sư-Tiến sĩ Thoại nói ông và cộng đồng người Việt “rất bất ngờ vì chuyện đó.”
"Lâu nay cứ nghe rằng mối quan hệ bang giao giữa Việt Nam và Đức đang phát triển rất tốt đẹp, thậm chí còn được nói là tốt đẹp nhất từ xưa đến nay," theo ông Thoại. "Thế mà đùng một cái có thông tin thế này nên bà con rất hoang mang».
Chính phủ Đức nói sẽ xem xét các biện pháp tiếp theo nếu cần thiết ở mức chính sách về chính trị, kinh tế cũng như phát triển trong thông cáo ra hôm 2/8.
Đây chính là mối lo lớn nhất của người Việt ở Đức, theo ông Thoại, vì “nếu mối quan hệ giữa Việt Nam và Đức xấu đi thì điều đó kéo đến hệ lụy là mối quan hệ giữa Việt Nam và EU (Liên minh châu Âu) cũng sẽ xấu đi.”
Người đại diện cộng đồng gồm hơn 150.000 người Việt ở Đức đã nhiều lần diện kiến thủ tướng Angela Merkel ở Berlin nói họ lo ngại Việt Nam sẽ mất đi sự ủng hộ của Đức và khối EU trong nhiều vấn đề từ kinh tế tới chính trị.
Một mối lo lắng khác của người Việt, đặc biệt là ở Berlin, nơi có khoảng 25.000 người Việt đang sinh sống hợp pháp, sau vụ bắt cóc ông Thanh ngay giữa thủ đô Berlin là vấn đề an toàn của họ.
Ông Thoại cho biết họ sợ những hiện tượng cướp giết theo kiểu giang hồ trong cộng đồng người Việt trong những năm 1990 sẽ tái diễn trong khi cuộc sống của cộng đồng ở đây đã ổn định kể từ đó.
Một cư dân Berlin và nhà báo sinh sống ở Đức từ năm 1993, Lê Trung Khoa, nhận định rằng nhiều người Việt cũng lo ngại về sự an toàn của bản thân sau vụ bắt cóc ông Thanh ngay giữa thủ đô.
Ông Khoa nói những người hay viết phản biện, tranh luận trên mạng xã hội về các vấn đề Việt Nam hay những người đang xin tị nạn ở Đức đều lo lắng liệu một ngày nào đó họ có bị quy chụp là phản động và họ cũng như gia đình có thể bị những đối tượng có vũ trang đột nhập bất hợp pháp vào lãnh thổ Đức để bắt cóc hoặc khủng bố.
Bộ ngoại giao Đức gọi vụ bắt cóc do mật vụ Việt Nam thực hiện tại Berlin hôm 23/7 là “chưa có tiền lệ”.
Công tố viên Berlin Martin Steltner nói với VOA hôm 4/8 rằng cuộc điều tra về vụ bắt cóc vẫn đang tiếp diễn. Ông nói vụ bắt cóc một người nước ngoài trên đất Đức được coi là một “tội hình sự” và lo ngại cho an ninh của cộng đồng người Việt ở đây.
Theo ông Khoa, người sáng lập Thoibao.de và là người đầu tiên đưa tin về vụ bắt cóc này, cảnh sát Berlin đang làm việc với một nhân chứng mới và vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh được điều tra bởi nhóm chuyên án hình sự cho những tội danh cao nhất kể cả tội giết người.
***********************
Bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, rất tai hại cho quan hệ ngoại giao (RFA, 02/08/2017)
Hình chụp ông Trịnh Xuân Thanh, không rõ ngày tháng, tại một công viên ở Đức. AFP
Ngày 2 tháng tám 2017, Bộ ngoại giao Đức ra lệnh trục xuất một quan chức tình báo Việt Nam làm việc ở thủ đô Berlin, vì cho rằng cơ quan tình báo Việt Nam đã tổ chức bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh một cách bất hợp pháp trên đất Đức để giải về Việt Nam.
Trước đó vài giờ Đại sứ Việt Nam Đoàn Xuân Hưng cũng đã bị triệu tập lên Bộ ngoại giao Berlin để trình bày về vụ việc.
Nhà báo Lê Trung Khoa làm việc tại Đức, là người đầu tiên đưa tin ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc về Việt Nam vào ngày 1 tháng tám. Ông nói với chúng tôi sau khi tin này đã được cơ quan ngoại giao Đức xác nhận :
“Đây là một việc ảnh hưởng rất lớn, rất tiêu cực, đến quan hệ ngoại giao Việt Nam và Đức trong thời gian tới đây. Trên trang mạng của Bộ ngoại giao Đức đã chính thức đưa thông cáo báo chí, nói rằng sẽ trục xuất một các bộ ngoại giao làm về tình báo của Việt Nam ở Berlin về nước sau khi xảy ra vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh này.”
Một nhà quan sát từ Canada là Luật sư Vũ Đức Khanh cho rằng quan hệ ngoại giao Đức Việt sắp tới đây sẽ gặp nhiều sóng gió, sau hành động trục xuất nhân viên tình báo Việt Nam :
“Đây là bước đầu tiên, rồi quan hệ giữa Đức và Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn nhiều sóng gió. Thứ nhất có thể là Đức sẽ yêu cầu Việt Nam làm rõ trường hợp này. Thứ hai là Đức có thể triệu tập một nhân viên nào đó từ Việt Nam trở về để phản đối chính phủ Việt Nam. Thứ ba là Đức có thể hạn chế các hồ sơ về hợp tác kinh tế và phát triển qua cộng đồng châu Âu”.
Ông Khanh nói thêm chuyện này có thể được Đức xử như một tiền lệ nhằm ngăn cản những vụ tương tự đối với Trung Quốc, khi nước này cho nhân viên an ninh tìm bắt các công dân của mình đào thoát sang châu Âu. Ông Khanh cho rằng Việt Nam là một quốc gia nhỏ nên sẽ dễ bị phản ứng mạnh, so với Trung Quốc.
Tuy nhiên, hơn nửa ngày sau khi Đại sứ Việt Nam tại Đức bị triệu tập đến Bộ ngoại giao Đức để trình bày vụ việc, báo chí Việt Nam cũng như cơ quan ngoại giao Việt Nam vẫn im lặng. Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam nói với chúng tôi khi được biết tin này :
“Cái nguồn tin đó thì trong nước chưa thấy phổ biến. Theo tiếng nói của đài thì tôi thấy Việt Nam cần có một mối quan hệ đa phương tốt trong tình hình kinh tế, chính trị, an ninh biển Đông, một việc làm như vậy sẽ có tác động dây chuyền, tạo nên nhiều thứ bất lợi, đó là điều đáng tiếc.”
Một cựu quan chức Việt Nam khác là ông Bùi Tín, từng giữ chức Phó tổng biên tập báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng cộng sản Việt Nam, hiện sống lưu vong ở Pháp nói :
“Cái này rất là nghiêm trọng, bởi vì Việt nam đã tham gia vào đời sống quốc tế, nên đã cam kết tôn trọng luật pháp của nước sở tại. Đây là một việc cực kỳ nghiêm trọng, tức là cho luật rừng sang nước người ta, không phối hợp với an ninh mật vụ của người ta, mà tự làm cái chuyện bắt cóc, mà chuyện bắt cóc là chuyện bạo lực phi pháp. Tôi nghĩ rằng họ triệu tập là rất có lý, họ tìm ra manh mối ngay, họ trục xuất, và cái này làm mất thể diện của nước Việt Nam”.
Những người Việt Nam sống ở châu Âu mà chúng tôi tiếp xúc đều cho rằng vụ việc bắt cóc này sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng Việt Nam tại châu Âu. Nhà báo Lê Trung Khoa nói :
“Cộng đồng Việt Nam ở Đức phải nói là rất kinh ngạc, vì họ thấy ở một nước rất ổn định, rất thoãi mái, họ được rất tự do, lại gặp cái hoàn cảnh này. Khi mà Bộ ngoại giao Đức đã ra thông cáo báo chí, thì Đức sẽ làm tới nữa, việc đó chắc có ảnh hưởng nhiều đến người Việt Nam đang sống tại đây.”
Ông Trịnh Xuân Thanh nguyên là Chủ tịch hội đồng quản trị của Tổng công ty xây lắp dầu khí, trực thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam. Ông được cho là có liên quan đến vụ án tham nhũng tại công ty này với số tiền trị giá 3300 tỉ đồng. Tháng bảy năm 2016 có tin ông trốn ra nước ngoài, và sau đó cơ quan chức năng Việt Nam phát lệnh truy nã quốc tế.
Bình luận về việc phải làm thế nào để dẫn độ những tình nghi tội phạm chạy trốn ra nước ngoài, ông Trần Quốc Thuận nói :
“Vừa qua mình có lệnh truy nã quốc tế, đưa qua Đức thì hình như họ cũng không kết nối để truy nã Trịnh Xuân Thanh với tư cách tội phạm. Pháp luật không thống nhất, dấu hiệu tội phạm của Trịnh Xuân Thanh không thuyết phục được bên Đức. Nếu Việt nam đưa được người qua thuyết phục Trịnh Xuân Thanh về đầu thú thì nó hoàn chỉnh. Bây giờ nghe nửa đầu thú, nửa bắt cóc không biết thế nào, chúng tôi yêu cầu nhà nước Việt Nam nên công khai mọi thứ ra nó là cái gì”.
Vào ngày 2 tháng tám, khi hầu hết tất cả các hãng thông tấn lớn trên thế giới đều đã đưa tin vụ nước Đức trục xuất viên chức tình báo Việt Nam và triệu hồi Đại sứ Việt Nam, chúng tôi có liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin để hỏi về vụ việc thì được trả lời như sau :
“Chúng tôi không có thông tin gì về việc này anh ạ”.
Hai ngày sau khi Việt Nam chính thức loan tin ông Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú, vẫn không thấy hình ảnh nào của ông trên báo chí Việt Nam để chứng minh cho việc đó.
Kính Hòa