Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

04/08/2017

Điểm tin báo chí Pháp - Shadow banking, mối đe dọa mới

RFI tiếng Việt

Tài chính : Shadow banking, mối đe dọa mới

Danh thủ Neymar về đầu quân cho đội bóng đá Paris PSG với cái giá 220 triệu euro chiếm trang nhất nhiều tờ báo trong ngày : "Một vụ chuyển nhượng phá kỷ lục thế giới". Nhưng trước hết xin được tập trung vào bài viết trên Libération báo động trước nguy cơ luồng tài chính không chính thức trên toàn thế giới lớn như thổi từ sau khủng hoảng tài chính 2007/2008 tới nay.

shadow1

Nhân dân tệ của Trung Quốc và đô la Mỹ. Ảnh minh họa. REUTERS

10 năm sau khủng hoảng tín dụng địa ốc subprime, nợ ngoài sổ sách, còn được gọi là shadow banking không ngừng gia tăng. Các hoạt động ngoài vòng kiểm soát của các ngân hàng trung ương và chính phủ này lên tới gần 100.000 tỷ đô la, tương đương với 150 % tổng sản lượng của toàn cầu và "nặng" gấp 3 lần so với các hoạt động tài chính truyền thống của thế giới. Đây là một kỷ lục.

Hội Đồng Nghiên Cứu về Ổn Định Tài Chính (CFS) của Pháp thẩm định, chỉ riêng trong năm 2015, các khoản giao dịch tài chính ngoài luồng này được bơm thêm 3.800 tỷ đô la. Để so sánh GDP của Pháp là 2.225 tỷ đô la (2016).

Luật lệ tài chính vô hiệu quả

Tác giả bài báo nêu ra một vài con số cho thấy sức "lớn như thổi" của các luồng tư bản ngoài vòng kiểm soát này : năm 2002, số tiền đó xấp xỉ 26.000 tỷ đô la. Trước khi khủng hoảng subprime bùng nổ vào mùa hè năm 2007, hệ thống shadow banking hoạt động với 63.000 tỷ đô la.

Đến đầu mùa thu 2008 sau vụ ngân hàng Lehman Brothers tuyên bố phá sản, đe dọa tài chính và kinh tế toàn cầu, lãnh đạo G20 cam kết làm tất cả để kịch bản đen tối đó "không bao giờ" tái diễn. Cộng đồng quốc tế, liên tục cho ra đời hàng loạt các bộ luật để điều tiết, để kiểm soát ngành tài chính và ngân hàng.

Một thập niên sau, các hoạt động tài chính không chính thức đang "lớn mạnh hơn bao giờ hết". Luồn lách giỏi nhất là Châu Âu với khoảng 30.000 tỷ đô la được mua đi bán lại trong năm 2015, kế tới là Mỹ với 26.000 tỷ. Trung Quốc bị bỏ lại xa phía sau với 8.000 tỷ đô la.

Theo bảng xếp hạng của CFS quần đảo Caimans, lại có hệ thống shadow banking lớn hơn cả so với Canada hay là Nhật Bản. Với 6.000 tỷ đô la, vốn ngoài luồng đổ vào thiên đường thuế khóa này tương đương với 1.700 lần GDP của quần đảo Caimans.

Giải thích cho hiện tượng "lớn như thổi này" là khi lãi suất ngân hàng rơi xuống thấp, gửi tiền tiết kiệm ở nhà băng không có lời. Những ai có "của ăn của để" chuyển hướng tới các quỹ đầu cơ. Nguy hiểm nằm ở chỗ các quỹ này thu tiền vào cũng dễ và cho vay lại càng dễ hơn vì họ không bị vướng mắc vào bất kỳ một rào cản pháp lý nào. Chính sự dễ dãi đó là một mối đe dọa.

Điều gì sẽ xảy tới khi con nợ mất khả năng thanh toán ? Những người ủy thác tiền vào các quỹ này không biết là tiền của họ được dùng để làm vào việc gì.

Libération trích dẫn nhiều chuyên gia giải thích về khác biệt mang tính kỹ thuật của hệ thống tài chính chính thức và hệ thống không chính thức trước khi đi đến kết luận : luật điều tiết ngành tài chính ngân hàng càng tinh vi, thì các chuyên gia được trả tiền hậu hĩnh để lách luật lại càng tỏ ra xuất sắc.

Riêng trong trường hợp của Trung Quốc, năm 2016 hệ thống shadow bangking tăng thêm 31%. Tác giả bài báo chốt lại vấn đề : chỉ cần nhìn lại bài học từ khủng hoảng subprime 2007 tại Hoa Kỳ, ta đã biết trước hồi kết tiếp của câu chuyện dài nhiều tập này.

Một người Việt bị bắt cóc người giữa lòng thủ đô Berlin

Trở lại với vụ Berlin cáo buộc Hà Nội "bắt cóc" một cựu quan chức Việt Nam Trịnh Xuân Thanh, Thomas Wieder trên tờ Le Monde mở đầu bài viết như trong một cuốn tiểu thuyết trinh thám :

"Berlin, một buổi sáng mùa hè. Một người đàn ông đi dạo trong công viên Tiergarten, cách không xa phủ thủ tướng. Bất thình lình, nhiều người mang súng ống xuất hiện, tẩn cho người đàn ông vài đòn, bắt hắn lên một chiếc xe gắn bảng số của Cộng hòa Séc, chiếc xe lao đi mất hút".

Đó không phải là một màn trong cuốn sách của nhà văn Philip Kerr mà là câu chuyện thật ngoài đời đã xảy ra với ông Trịnh Xuân Thanh hôm 23/07/2017 ngay giữa lòng thủ đô nước Đức.

Berlin và Hà Nội trải qua một "cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng". Wieder nhắc lại, ông Thanh sống tại Berlin từ nhiều tháng qua, đang bị tư pháp Việt Nam điều tra. Ông hy vọng "làm lại cuộc đời" trên nước Đức. Ngày 24/07/2017 Trịnh Xuân Thanh phải trình diện sở di trú nơi đơn xin tị nạn của ông đang được cứu xét. Luật sư ngạc nhiên vì sự vắng mặt của ông Thanh và không hề hay biết những gì đã xảy ra ở công viên Tiergarten vài giờ trước.

Mãi đến ngày 31/07/2017 khi báo chí Việt Nam thông báo cựu lãnh đạo Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí đã về nước và ra đầu thú tại Cơ Quan An Ninh Điều Tra, bộ Công an, phía Đức mới vỡ lẽ. Theo tiết lộ của Le Monde, hồ sơ Trịnh Xuân Thanh đã được "nhiều quan chức cao cấp Việt Nam" nêu lên với phía Đức nhân thượng đỉnh G20 tại Hamburg đầu tháng 7/2017. Hà Nội yêu cầu Berlin cho dẫn độ ông Trịnh về nước.

Nga - Mỹ : "Chiến tranh kinh tế toàn diện"

Về cuộc đọ sức Nga–Mỹ, nhật báo Les Echos nói tới "phản ứng mạnh mẽ" từ phía Moskva sau khi Hoa Kỳ ban hành lệnh trừng phạt Nga. Trong vỏn vẹn hai ngày, tổng thống Trump chọc giận 2 đối tác kinh tế và ngoại giao quan trọng của Washington là Bắc Kinh và Moskva.

Trên mạng xã hội Twitter, thủ tướng Medvedev coi đây là một "lời tuyên chiến" mở màn một cuộc chiến "toàn diện về mặt kinh tế" nhắm vào nước Nga, "tiêu tan hy vọng cải thiện quan hệ với chính quyền mới ở Hoa Kỳ". Thủ tướng Nga không quên chỉ trích tổng thống Trump "nhu nhược" để phải chịu áp lực từ phía bên Quốc hội.

Thuần túy về mặt kinh tế, lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhắm trực tiếp vào ngành năng lượng Nga. Washington có thể khóa van tín dụng của các tập đoàn Mỹ giao thương với Nga, hay cũng có thể đóng cửa thị trường Hoa Kỳ với những ai muốn buôn bán với Nga.

Biện pháp này gây thiệt hại luôn cả cho các doanh nghiệp của Liên Hiệp Châu Âu đang mở rộng hoạt động với các đối tác Nga trong ngành dầu khí. Đó chính là lý do vì sao Le Monde nói tới "nỗi lo sợ của Châu Âu" khi Mỹ trừng phạt Nga.

Năm tập đoàn năng lượng Châu Âu vừa đạt đồng thuận với Gazprom trong dự án đường ống dẫn khí Bắc Hải Lưu 2. Nói một cách dễ hiểu, Châu Âu lo ngại bị vạ lây trong cuộc đọ sức giữa Washington và Moskva.

Rio vỡ mộng một năm sau Thế Vận Hội

Vào lúc Paris đang phấn khởi khi gần như cầm chắc trong tay thắng lợi được tổ chức Olympic 2024, nhật báo La Croix như dội một gáo nước lạnh vào ngọn lửa Thế Vận Hội với bài phóng sự cho thấy, một năm sau JO 2016, thành phố Rio đứng trước thực tế phũ phàng.

Vào ngày khai giảng 01/08/2017, Đại học Rio de Janeiro đóng cửa im ỉm. Lý do : từ hai tháng qua các giáo sư không được trả lương, Viện đại học không có khả năng đón 42.000 sinh viên. Chính quyền thành phố nợ Viện đại học 100 triệu euro.

Gần một nửa trong số 200.000 công nhân viên chức không được trả lương một cách trọn vẹn. Cảnh sát nhận lương trễ, nhiều đơn vị thậm chí không còn xe để tuần tra gìn giữ trật tự an ninh.

Ngôi sao nổi tiếng của trường múa nghệ thuật Rio phải giải nghệ chuyển sang nghề chạy xe taxi cho hãng Uber kiếm sống. Mọi người còn nhớ, cách nay đúng một năm, Rio là nơi hàng tỷ đôi mắt hướng về, nhân ngày lễ khai mạc Thế Vận Hội Olympic 05/08/2016. Một năm sau, người dân ở Rio nói riêng, ở Brazil nói chung vỡ mộng. Rio de Janeiro là một thành phố phải đối mặt với khủng hoảng, nợ nần và tình trạng mất an ninh.

Đầu tư đến 11 tỷ euro vào các cơ sở hạ tầng cho một mùa Thế Vận Hội để rồi một năm sau, nhiều sân vận động của thành phố bị bỏ trống. "Những hứa hẹn biến đấu trường, các trường đua thành trường học chỉ còn là dĩ vãng". Thông tín viên của La Croix tại chỗ kết luận một cách buồn thảm : Chỉ sau một năm thôi, "giấc mơ Olympic của Rio đã thật xa vời".

Neymar và Usain Bolt

Mở ra các tờ báo trong ngày không thể bỏ qua hình ảnh cầu thủ người Brazil Neymar, về đầu quân cho đội bóng PSG của Paris. Một vụ chuyển nhượng "ngoại hạng" với số tiền "kỷ lục" là những cụm từ xuất hiện rất nhiều trên các trang báo.

Le Monde ghi nhận 25 tuổi Neymar da Silva Santos Junior là cầu thủ "đắt giá" nhất mọi thời đại. Điều đó cũng xứng đáng với một cầu thủ "tài ba hiếm có". Khi còn làm mầm non của trường phái bóng đá Brazil, anh đã được mệnh danh là một danh thủ "Pelé mới". Neymar chưa mọc mũi, câu lạc bộ Tây Ban Nha Real Madrid đã đánh tiếng để mời cậu thanh niên này về đầu quân.

Le Figaro gắn liền hợp đồng khổng lồ 220 triệu euro với thành quả kinh tế mà Neymar đem lại cho câu lạc bộ PSG. Đừng quên rằng, Neymar có 80 triệu fan trên Instagram, 60 triệu trên Facebook và 30 triệu trên Twitter. Mỗi người hâm mộ anh đều là một người tiêu dùng tiềm tàng.

Nhưng làm thế nào để giải thích cho "cơn sốt" Neymar ? Nhà triết học Robert Redeker giải thích với phóng viên báo Le Figaro : Các cầu thủ bóng đá đang trở thành những tượng đài trong một thế giới "rỗng tuếch" về mặt tư tưởng. Khi không còn những tư tưởng lớn của thời đại, lòng ngưỡng mộ của con người chuyển dần sang làng giải trí và thể thao. Có điều, học giả này lấy làm tiếc là thế giới thể thao ngày nay trong tay các nhà quảng cáo.

Tên tuổi của Neymar và sự kiện anh về đấu dưới mầu cờ của PSG không làm tất cả các báo quên đi một sự kiện quan trọng khác trong lĩnh vực thể thao : giải vô địch điền kinh tế giới khai mạc tại Luân Đôn, và đây cũng là lần cuối cùng ông vua trên sân vận động người Jamaica, Usain Bolt tranh tài trước khi giải nghệ.

La Croix nói tới "lời giã từ" của một huyền thoại trong làng điền kinh. Libération dành hai trang cho một nhà vô địch "ngoại hạng, đã 8 lần đoạt giải Olympic" và từ 2008 Usain Bolt không chia sẻ thắng lợi với bất kỳ một ai, đoạt 19 huy chương vàng ở cự ly 100 và 200 mét, ít nhất 6 lần phá kỷ lục thế giới ở hai hạng mục này. Một thành tích mà tới nay không mấy ai sánh kịp.

Nam Á biến thành sa mạc

Chúng ta nghĩ gì khi những Ấn Độ, Pakistan, Nepal hay Bangladesh, Sri Lanka… chỉ còn là những bãi đất không người ? Libération dành một khung nhỏ để nói về nghiên cứu vừa được tạp chí Science Advances của Mỹ công bố ngày 03/08/2017.

Giới khoa học không loại trừ kịch bản đến năm 2100 - tức trong 83 năm nữa thôi - Nam Á sẽ trở thành một mảnh đất khô cằn, 1/5 nhân loại phải di dời chỗ ở. Hiện tượng khí hậu bị hâm nóng là một mối đe dọa thực sự với con người. Cái nóng ẩm của Đông Nam Á còn nguy hại hơn cái nắng khô ở những vùng sa mạc Châu Phi. Cái nóng ẩm đó trở thành một thứ vũ khí giết người khi nhiệt độ mới chỉ tăng lên tới 35°C.

Thanh Hà

Quay lại trang chủ
Read 607 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)