Trả đũa Iran : Israel nhắm đến cơ sở hạt nhân ?
Trả đũa Iran : Israel nhắm đến cơ sở hạt nhân ? ; Bị hạ oanh tạc cơ Tupolev 22, Nga mất một lá bài để oanh kích ồ ạt Ukraine ; Tăng trưởng quý 1 của Trung Quốc tăng nhưng cường quốc Châu Á vẫn hụt hơi ; Ứng viên tổng thống Mỹ Donal Trump không bị bỏ rơi dù phải hầu tòa ; 50.000 người Ấn Độ hàng ngày vẫn trầm mình trong dòng sông Hằng ô nhiễm. Trên đây là một số chủ đề của Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.
Tên lửa do Iran sản xuất trong buổi lễ diễu hành nhân Ngày thành lập Quân đội Iran tại một căn cứ quân sự ở phía bắc Tehran ngày 17/04/2024. AP - Vahid Salemi
Trả đũa Iran : Israel nhắm đến cơ sở hạt nhân ?
Israel khẳng định đã "chốt" kế hoạch trả đũa Iran sau vụ huy động hơn 300 tên lửa và drone tấn công Nhà nước Do Thái. Ngày 19/04/2024, nhiều vụ nổ đã xảy ra ở Ispahan, miền trung Iran, nơi có cơ sở hạt nhân Natanz. Theo cơ quan thông tấn Iran Tasnim, cơ sở "hoàn toàn an toàn". Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) xác nhận "không có bất kỳ thiệt hại nào" tại các khu hạt nhân, đồng thời kêu gọi kiềm chế.
Một số quan chức cấp cao Mỹ cho rằng các vụ nổ là đòn trả đũa của Israel, nhưng được tiến hành trực tiếp từ lãnh thổ Iran. Tấn công vào các cơ sở hạt nhân ở Iran là một trong ba khả năng trả đũa của Israel được giới chuyên gia nêu lên trước đó vì Nhà nước Do Thái không muốn Iran có bom nguyên tử.
Tính đến cuối tháng 02/2024, khối lượng uranium được Iran làm giàu đã cao gấp 27 lần mức cho phép, được ấn định trong thỏa thuận Vienna (JCPOA) năm 2015, theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế. Kể từ khi tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận, Iran tiếp tục chương trình làm giàu uranium. Trả lời đài RFI ngày 19/04, nhà nghiên cứu Heloïse Fayet, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp - IFRI, cho biết :
"Chương trình hạt nhân của Iran nằm giữa hai điểm, không hẳn là quân sự nhưng cũng không hoàn toàn là dân sự. Nhưng có thể nói rằng Iran là "Quốc gia ở ngưỡng" hạt nhân, có nghĩa là nếu có một quyết định chính trị được ban hành về phát triển vũ khí hạt nhân, họ có năng lực công nghệ để tiến hành".
Nhìn chung, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với chương trình hạt nhân Iran hoặc của Liên Hiệp Châu Âu đối với việc Iran xuất khẩu vũ khí cho Nga... đều thiếu hiệu quả, theo nhận định của nhà nghiên cứu Heloïse Fayet :
"Iran bị Mỹ trừng phạt về chương trình hạt nhân, còn Châu Âu nhắm vào việc Iran xuất khẩu vũ khí cho Nga vì Tehran bán drone cho Moskva và có thể là cả tên lửa đạn đạo. Vì vậy nhiều doanh nghiệp và cá nhân đã bị nhắm đến. Tuy nhiên, có thể thấy là các biện pháp trừng phạt không phải quá hiệu quả vì Iran tiếp tục làm giàu uranium, tiếp tục sản xuất tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và drone. Những biện pháp trừng phạt không gây hậu quả cho chính phủ Iran, cũng như cho Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo vì thị trường "chợ đen" và khả năng lách các biện pháp trừng phạt vẫn rất lớn. Vụ tấn công của Iran nhắm vào Israel ngày 13/04 là bằng chứng rõ nhất cho thấy những chiến lược gây sức ép tối đa do ông Donald Trump áp đặt, hiện giờ vẫn được tiếp tục phần nào, không đem lại hiệu quả".
Bị bắn hạ oanh tạc cơ Tu-22, Nga mất một lá bài để oanh kích ồ ạt Ukraine
Một phi công của Nga bị thiệt mạng khi oanh tạc cơ Tupolev 22M3 bị rơi. Ngày 19/04, Moskva và Kiev đưa ra hai phát biểu khác nhau. Nga cho là do "sự cố kỹ thuật" còn Ukraine khẳng định chiến đấu cơ Nga đã bị bắn hạ. Oanh tạc cơ Tu-22M3 mang tên lửa tầm xa là thủ phạm các vụ bắn phá thành phố, làng mạc Ukraine.
Trả lời đài RFI ngày 19/04, chuyên gia về địa-chính trị Ulrich Bounat, nhà nghiên cứu liên kết tại Open Diplomacy, nhận định đây là một thắng lợi mang ý nghĩa biểu tượng cho Ukraine :
"Bắn hạ loại chiến đấu cơ này, dù gì đó cũng chỉ là một trong số khoảng 40 chiến đấu cơ loại này, nhưng đúng, đó là loại máy bay đã được Nga sử dụng để thả bom, như vụ xảy ra sáng nay (19/04), trong đó có những loại bom rất lớn, rồi mang theo tên lửa Kh-22, ban đầu là tên lửa chống hạm nặng đến 1 tấn. Nhưng chính những tên lửa này lại được Nga sử dụng tấn công thành phố Dnipro và nhà ga xe lửa vào sáng nay (19/04). Nếu Ukraine bắt đầu bắn hạ được chiến đấu cơ Tu-22 mang được bom đạn cỡ lớn, việc đó buộc Nga phải xem lại cách oanh kích, như sử dụng tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, drone... Nhưng tôi cho rằng thiệt hại này khiến Nga mất đi một lá bài trong chiến dịch oanh kích ồ ạt các thành phố và công trình hạ tầng của Ukraine".
Trung Quốc : Tăng trưởng quý I tăng nhưng cường quốc Châu Á vẫn hụt hơi
Tăng trưởng quý I/2024 của Trung Quốc khả quan hơn dự báo, tăng 5,3% so với mức "khoảng 5%". Tuy nhiên, ngày 16/04, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cảnh báo nguy cơ "hụt hơi" trong quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc do cuộc khủng hoảng nhà ở và tiếp tục duy dự báo tăng trưởng ở mức 4,6% trong năm 2024, thấp hơn so với mục tiêu được Bắc Kinh đề ra "khoảng 5%". Con số này cũng thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng thần kỳ mà Trung Quốc đạt được trong những thập niên gần đây, trừ giai đoạn Covid-19.
Trả lời đài RFI ngày 16/04, chuyên gia Marc Julienne, giám đốc Trung tâm Châu Á, Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Pháp - IFRI, cho rằng "nền kinh tế Trung Quốc rất đáng lo ngại".
"Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đang ở trong tình thế đáng lo ngại. Nền kinh tế Trung Quốc dựa vào hai trụ cột rất quan trọng từ 30 năm nay. Trụ cột thứ nhất là sản xuất công nghiệp, gia công và xuất khẩu. Trụ cột thứ hai là bất động sản. Từng chiếm đến 1/4 GDP của Trung Quốc, ngành bất động sản hiện chững lại hoàn toàn. Còn về vấn đề xuất khẩu, do nhu cầu thế giới giảm, hàng xuất khẩu của Trung Quốc cũng bị chậm lại đáng kể trong những năm gần đây.
Lĩnh vực kinh tế cũng bị trì trệ. Chúng tôi thấy có sự thoái vốn đầu tư vào Trung Quốc trong quý III/2023. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc lần đầu tiên bị âm sau khoảng 30 năm bởi vì môi trường kinh doanh ở Trung Quốc đã xấu đi từ vài năm nay và xu hướng này vẫn tiếp tục trong khi không thấy bất kỳ cải cách nào có thể thu hút các công ty nước ngoài đến đầu tư vào Trung Quốc".
Mỹ : Trump không bị bỏ rơi dù phải hầu tòa
Đúng cao điểm vận động tranh cử, ông Donald Trump phải ra hầu tòa từ ngày 15/04. Ông Trump là cựu tổng thống Mỹ đầu tiên đối mặt với tố tụng hình sự. Vụ "Stormy Daniels", được đặt theo tên của nữ diễn viên khiêu dâm mà cựu tổng thống bị cáo buộc đã mua chuộc im lặng của bà cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, sau đó ngụy trang số tiền thành chi phí tranh cử. Ứng viên đảng Cộng hòa coi đây là phiên tòa chính trị nhằm ngăn cản ông trở lại Nhà Trắng.
Vụ kiện chưa chắc đã ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử và sự ủng hộ của những cử tri truyền thống của nhà tỉ phú. Trả lời đài RFI ngày 15/04, chuyên gia về Hoa Kỳ Romual Sciora, nhà nghiên cứu cộng tác tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược - IRIS, giải thích :
"Chúng ta có thể thấy một số thành viên Hội thánh Phúc âm sẽ hơi bị sốc chẳng hạn hoặc bớt nhiệt tình với ông Trump khi kết thúc phiên tòa này, bất luận kết quả thế nào. Nhưng chúng ta đừng quên rằng đối với các phong trào truyền giáo Phúc âm, ông Trump thực sự là người được Chúa chọn và do đó phải tha thứ cho những lỗi lầm của ông vì ông là sứ giả của Chúa để khôi phục nước Mỹ trở lại sự vĩ đại ban đầu. Cho nên, theo tôi, kết quả của vụ Stormy Daniels sẽ không gây tác động về cuộc bầu cử tháng 11 đến những thành phần cử tri này".
Ấn Độ : 50.000 người hàng ngày vẫn trầm mình trong dòng sông Hằng ô nhiễm
Từ ngày 19/04, gần một tỷ cử tri Ấn Độ đi bỏ phiếu bầu Quốc Hội và ông Narendra Modi có thể sẽ tiếp tục giữ thêm một nhiệm kỳ thủ tướng. Nhưng lời hứa làm sạch dòng sông Hằng (Ganges) linh thiên được đưa ra từ đợt tranh cử lần trước vẫn chưa được thực hiện. Năm 2018, nước sông bị ô nhiễm cao gấp 3.000 lần ngưỡng tiêu chuẩn của Tổ Chức Y Tế Thế Giới.
Hàng ngày, chừng 3 tỉ lít nước thải đổ thẳng ra dòng sông vẫn có khoảng 50.000 người xuống tắm, theo ghi nhận trong phóng sự ngày 17/04 của đặc phái viên RFI Cléa Broadhurst tại Benares (Varanasi), bang Uttar Pradesh, cứ địa quan trọng của thủ tướng Narendra Modi :
"Tẩy uế dòng sông Hằng là lời hứa từ lâu của ông Narendra Modi. Nhưng hiện giờ, tiến sĩVishwambhar Nath Mishra, Viện Công nghệ Benares, cho rằng hiện trạng dòng sông còn kinh khủng hơn cách đây 10 năm. Ông phẫn nộ : "Nhiều người xuống tắm vì kính trọng. Một số khác thì uống nước sông chứa đầy phân. Chị thấy chấp nhận được không ? Việc này dẫn đến các bệnh về da, dịch tả, tiêu chảy".
Theo ông, vẫn có thể tẩy rửa được dòng sông nếu thực sự triển khai mọi phương tiện, nguồn lực được dành cho việc này : "Cần phải chặn nguồn xả nước xú uế ra sông, tiếp theo là chuyển hướng chảy trước khi nước ra sông và xử lý nước thải cho đến khi có thể tái sử dụng. Họ đã không triển khai đúng quy trình hệ thống này".
Đối với một số đông người vẫn quen đến tắm hàng ngày, như Prateek, họ không quan tâm đến mức độ sạch của nước sông Hằng. Ông nói : "Đối với chúng tôi, không cần biết nước có sạch hay không. Chúng tôi tôn thờ sông Hằng, như một người mẹ. Tắm trong dòng nước thánh là một trải nghiệm hoàn toàn khác. Chúng tôi vẫn tắm và không sợ gì cả".
Hàng ngày có khoảng 50.000 người đến ngụp lặn trong dòng sông linh thiêng nhất Ấn Độ".
Thu Hằng