Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

22/04/2024

Điểm báo Pháp – Drone mini trên chiến trường Ukraine

RFI tiếng Việt

Drone mini trên chiến trường Ukraine : Cuộc cách mạng làm đảo lộn cách đánh truyền thống

Les Echos ngày 22/04/2024 giải thích "Các drone mini đã làm thay đổi binh pháp ở Ukraine như thế nào". Việc sử dụng hàng loạt drone nhỏ trên chiến trường đã làm đảo lộn các cẩm nang chiến đấu truyền thống của bộ binh, pháo binh và tình báo.

minidrone1

Quân đội Ukraine không thực hiện một chiến dịch nào mà không có drone : không đạn pháo, họ dùng drone tự sát để tấn công. Ảnh minh họa một binh sĩ ukraine chuẩn bị phóng drone dọ thám "Leleka-100"

Bên cạnh các vấn đề trong nước như đảng cực hữu được bình thường hóa tại Pháp và luật về an tử, hai cuộc chiến tranh ở Ukraine và Trung Đông chiếm phần lớn các trang báo Paris hôm nay, đặc biệt là sự kiện Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua gói viện trợ lớn cho Kiev. Le Monde ra từ cuối tuần chạy tít "Ukraine, Gaza : Những hoài nghi và thách thức của chính quyền Mỹ". Les Echos nhận định "Ukraine : Washington khiến Châu Âu thở phào". La Croix đưa tít trang nhất "Nước Mỹ đã quay lại" : Khi thông qua một kế hoạch trợ giúp khổng lồ gần 61 tỉ đô la cho Ukraine, Hoa Kỳ tái cam kết duy trì an ninh Châu Âu. Một sự tiếp sức quan trọng trong lúc quân đội Ukraine đang hết sức khó khăn.

Chủ tịch Hạ Viện Mỹ : "Lịch sử sẽ phán xét chúng ta"

"Thà trễ còn hơn là quá trễ" - thủ tướng Ba Lan Donald Tusk bình luận có phần chua chát. Bởi vì sự chậm trễ của Washington đã giúp Nga lấy lại thế công. Từ tháng 10 năm ngoái, tổng thống Joe Biden đã trình bày kế hoạch cho Quốc hội nhưng phải mất đến hơn sáu tháng mới vượt được trở ngại.

Một nhóm dân biểu Cộng hòa cực đoan, đứng đầu là bà Marjorie Taylor Greene theo thuyết âm mưu, chống đối. Bà lặp lại những luận điệu của Vladimir Putin rằng muốn cứu Cơ đốc giáo chống lại Ukraine "phát-xít". Le Figaro nhắc lại, nhóm này ban đầu đòi hỏi phải kèm theo các biện pháp kiểm soát biên giới Mexico, rồi khi được nhượng bộ lại từ chối bỏ phiếu. Chủ tịch Hạ Viện Mike Johnson bị mắc kẹt trong trò chơi chính trị ; Donald Trump vừa chứng tỏ ảnh hưởng, vừa tránh được khả năng đối thủ Joe Biden khoe thành công ở Ukraine trong chiến dịch tranh cử.

Nửa năm trôi qua, Trump có thay đổi : Khi tiếp Mike Johnson tại Mar-a-Lago hôm 12/04, ông đã bật đèn xanh. Tình hình là khẩn cấp : lực lượng Ukraine đang lao đao trên chiến trường. Giám đốc CIA Bill Burns thậm chí còn đánh giá "nếu không viện trợ bổ sung, có nguy cơ thực sự là Ukraine bại trận từ nay đến cuối năm 2024". Theo La Croix, Donald Trump không muốn gánh lấy trách nhiệm nặng nề này. 

Le Figaro nói thêm, được thuyết phục bởi các báo cáo từ tình báo, ông Johnson đã dần dà ý thức được tầm quan trọng của viện trợ Mỹ và đạo đức giả của các đối thủ. Ông tuyên bố : "Tôi tin rằng Tập Cận Bình, Vladimir Putin và Iran thực sự tạo thành trục tội ác". Nếu không bị chặn lại ở Ukraine, Putin sẽ còn dấn sang vùng Balkan, Ba Lan và các đồng minh khác của NATO. "Và xin nói thẳng, tôi thà gởi đạn pháo cho Ukraine hơn là gởi những người lính Mỹ sang  (...). Tôi sẵn sàng chấp nhận những rủi ro cho cá nhân vì điều này, bởi vì chúng ta phải làm những gì cần làm, và lịch sử sẽ phán xét chúng ta".

Sáu tháng ngăn viện trợ giúp Nga lấn lướt trên chiến trường

Vụ tấn công của Iran đã đẩy nhanh sự việc. Trước nguy cơ xung đột mới ở Trung Đông, Hoa Kỳ phải tái khẳng định vị trí lãnh đạo.  Ngày 14/04, Mike Johnson loan báo bỏ phiếu vào ngày thứ Bảy với đôi chút chỉnh sửa như một số khoản tín dụng cho không trở thành cho vay, và khả năng tịch thu tài sản của Nga để tài trợ cho cuộc chiến phòng vệ của Ukraine.

Chủ tịch Dân chủ của Thượng Viện hứa sẽ nhanh chóng tổ chức bỏ phiếu còn tổng thống Biden nói sẽ ký duyệt ngay lập tức dự luật "để gởi thông điệp cho thế giới : Chúng tôi ở bên cạnh bạn bè và sẽ không để cho Iran hay Nga thắng lợi". Như vậy quân viện Mỹ sẽ sớm đến nơi, viễn cảnh này khiến các chiến binh Ukraine phấn chấn, chấm dứt việc hạn chế số đạn pháo bắn đi ở mặt trận.

Kiev thở phào nhẹ nhõm. Suốt mấy tháng qua, quân Nga đã gặm nhấm các chiến tuyến ở Donbass với cái giá nhân mạng khủng khiếp. Những ngày gần đây quân Nga đã đến được Chasiv Yar, thành phố chiến lược trên đường đến thủ phủ Kramatorsk ; và hôm Chủ nhật 21/04 loan báo chiếm được Bohdanivka, ngôi làng sát bên.

Nga tranh thủ Ukraine không còn hỏa tiễn phòng không để đánh vào cơ sở hạ tầng năng lượng. Kharkiv, thành phố lớn thứ nhì của Ukraine nằm cách biên giới Nga 40 kilomet chìm trong bóng tối nhiều tuần lễ. Đêm 21 rạng sáng 22/03, có đến 15 hỏa tiễn đạn đạo và 7/44 hỏa tiễn hành trình Nga đạt mục tiêu. Nhà máy nhiệt điện ở ngoại ô Kiev bị phá hủy hôm 11/04 "vì chúng tôi không còn hỏa tiễn" - Volodymyr Zelensky than thở.

Drone mini làm đảo lộn cách đánh truyền thống

Trên chiến địa, Les Echos giải thích "Các drone mini đã làm thay đổi binh pháp ở Ukraine như thế nào". Việc sử dụng hàng loạt drone nhỏ trên chiến trường đã làm đảo lộn các cẩm nang truyền thống của bộ binh, pháo binh và tình báo.

Không có đạn pháo, Kiev muốn sản xuất 1 triệu drone trong năm nay. Đây là con số tối thiểu khi trên chiến trường mỗi tháng mất khoảng 10.000 chiếc. Đương nhiên không phải là chế ra những drone có thể hoạt động ở độ cao nhiều tiếng đồng hồ như Reaper nổi tiếng của Mỹ, mà là vô số drone nặng vài chục ký có thể nhận ra các mục tiêu và quấy nhiễu, hay drone tự sát. Nói chung là trên toàn lãnh thổ Ukraine, cần những thứ rẻ tiền, dùng một số lần rồi bỏ.

Charles Beaudoin, phụ trách Salon Eurosatory cho biết, một drone quân sự nhỏ với camera nhiệt để giám sát và mang theo chất nổ, có giá 5.000 euro, rẻ bằng phân nửa so với một quả đạn pháo xe tăng. Lần đầu tiên trong một cuộc chiến cường độ cao, các drone và đạn điều khiển từ xa cỡ nhỏ, tức dưới 150 ký, được sử dụng hàng loạt. Kỹ sư vũ khí Claude Chenuil ghi nhận, một số người ở Ukraine còn coi như các drone đã thay thế cho xe thiết giáp, thường xuyên đe dọa những người lính trong chiến hào hay xe tăng.

Vào đầu cuộc chiến năm 2022, quân đội Ukraine chỉ sở hữu vỏn vẹn 400 drone ! Số drone tăng vọt chủ yếu nhờ xã hội dân sự và những người tình nguyện, kỹ sư và các "game thủ". Ngành công nghệ Ukraine có trên 250 nhà sản xuất, các xưởng nằm rải rác trên toàn lãnh thổ và thường xuyên di dời để tránh bị Nga oanh kích. Jean-Marc Zuliani, chủ công ty Pháp EOS Technologies ước lượng Ukraine có 200.000 drone còn Nga có 300.000 chiếc.

Đọ sức giữa công nghệ drone và công nghệ gây nhiễu

Les Echos cho biết ngày nay quân đội Ukraine không thực hiện một chiến dịch nào mà không có drone : không đạn pháo, họ dùng drone tự sát để tấn công. Mỗi tiểu đoàn đều có bộ phận drone, hàng ngàn người điều khiển giám sát chiến tuyến trên 1.000 kilomet. Các sĩ quan có được những hình ảnh trực tiếp khi hệ thống Starlink không bị gây nhiễu.

Một cuộc đọ sức tay đôi thực sự giữa công nghệ drone để tấn công và công nghệ gây nhiễu để phòng vệ. Bị lạc lối, bị nhiễu, tai nạn hay bị tiêu diệt, các drone hiếm khi phục vụ được trên 10 lần, thế nên phải sản xuất thường xuyên. Công nghệ cũng tiến triển : vượt qua giới tuyến, bay trong vùng bị nhiễu, chính xác hơn, tự hành nhiều hơn... Các drone thời kỳ đầu thành lỗi thời, như TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ quá dễ nhận ra, những chiếc Switchblade hay bị nhiễu và mang được ít chất nổ.

Hiện nay Ukraine chủ yếu dùng các drone mini hoặc đạn điều khiển cách xa 10 đến 20 kilomet khó thể nhận ra. Chủng loại đa dạng, từ các drone bốn cánh mang lựu đạn giá 500 đô la đến drone tấn công FPV - First Person View - giá 1.000 đến 3.000 đô la, hay drone lượn trên 10.000 đô la. Phía Nga nay kết hợp các máy làm nhiễu nhỏ với các thiết bị cơ động lớn ở tiền tuyến, chỉ kích hoạt khi bị xâm nhập, bên cạnh đó là MTO Lancet, loại đạn rất nguy hiểm.

Việc đào tạo và bảo vệ "phi công" drone trở thành thiết yếu, vì có thể chế ra 1 triệu chiếc drone nhưng không thể có 1 triệu người điều khiển. Trong khi Kiev phải xoay sở với nhiều chủng loại khác nhau, không ai nắm vững kỹ năng cho tất cả các loại drone. Việc huấn luyện mất ít nhất ba tháng, và mối lo cuối cùng, là trên một bầu trời đầy drone, còn phải biết phân biệt giữa ta và địch.

Không quan tâm đến drone, Pháp có nguy cơ tụt hậu

Trong khi drone trở thành vũ khí không thể thiếu trên chiến trường, Pháp, quốc gia xuất khẩu vũ khí thứ nhì thế giới lại trong thế việt vị. Cách đây 8 năm, chính phủ phải mua khẩn cấp các drone Reaper cho chiến trường Mali nhưng không trang bị vũ khí ; và giờ đây các drone Patroller được giao cho quân đội cũng vậy. Les Echos dẫn một số báo cáo mới đây cảnh báo bộ Quân lực về khuynh hướng ưu tiên cho những dự án lớn như phi cơ tiêm kích, tàu ngầm, hàng không mẫu hạm… mà bỏ quên nhân tố mới này. Lục quân Pháp hiện có 100.000 quân nhân và 5.000 drone. Dự kiến trong 20 năm nữa chỉ còn 50.000 quân nhưng đến 50.000 drone và 100.000 robot trên bộ.

Nếu chiến tranh nổ ra giữa Israel và Iran, bên nào sẽ thắng ?

Trên chiến trường Trung Đông, cả Israel và Iran đều tỏ dấu hiệu xuống thang, nhưng giai đoạn sắp tới chưa biết ra sao. Một nhật báo Israel viết về đợt trả đũa nhẹ nhàng vừa qua : "Chủ yếu là cho Iran thấy họ đã thất bại với 350 drone và hỏa tiễn, trong khi chúng ta xâm nhập dễ dàng chỉ với một, hai tên lửa. Chính họ phải tự hình dung chuyện gì sẽ diễn ra nếu chúng ta bắn đi 350 hỏa tiễn". 

Les Echos phân tích "Hỏa tiễn, drone, phi cơ, tàu ngầm : Kho vũ khí của Israel để tấn công Iran". Trong trường hợp chiến tranh, Nhà nước Do Thái hoàn toàn chiếm ưu thế. Không quân Israel có phi đội F-15 và F-16 vượt được 1.600 đến 2.000 kilomet khoảng cách giữa hai nước, có thể tung hoành trên toàn lãnh thổ Iran nhờ có các phi cơ tiếp liệu trên không. Bên cạnh đó còn có chiến đấu cơ tàng hình F-35 trang bị các bình xăng có thể vứt bỏ để mở rộng tầm hoạt động đồng thời vẫn không lộ tung tích. Các hỏa tiễn Jericho của Israel có tầm bắn đến vài ngàn kilomet. Trên biển, Nhà nước Do Thái có năm tàu ngầm trang bị hỏa tiễn, một số đang có mặt ở Hồng Hải.

Điều quan trọng là Israel nằm trong số những quốc gia hiếm hoi có thể tấn công nguyên tử cả từ trên không, trên đất liền lẫn trên biển, dù không chính thức công nhận. Theo nhiều nghiên cứu, Nhà nước Do Thái hiện có 80 đến 400 đầu đạn nguyên tử và các quả bom nhiệt hạch. Ngoài ra khả năng tấn công tin học cũng là vũ khí rất đáng gờm. Tháng 12 năm ngoái, những tin tặc bí ẩn đã làm tê liệt 3/4 số trạm xăng ở Iran, gây ra những vụ kẹt xe khổng lồ. Năm 2020, cảng lớn nhất của Iran là Bandar Abbas bị hỗn loạn trong nhiều ngày vì hệ thống máy tính tê liệt. 

Cuối cùng, Mossad từng khử được một số tên tuổi trong ngành nguyên tử Iran như Mohsen Fakhrizadeh. Hồi năm 2018, Benjamin Netanyahou tự hào cho truyền thông xem mấy chục ngàn dĩa lưu trữ chương trình nguyên tử của Iran mà các điệp viên của Mossad đã lấy được trong một tòa nhà ở ngoại ô Tehran. Sau vụ trả đũa vào địa điểm nguyên tử Isfahan vừa qua, báo chí Israel đăng tên và ảnh của một số thủ lãnh Vệ binh Cách mạng được cho là chịu trách nhiệm trong cuộc tấn công Israel cuối tuần trước – như một lời cảnh cáo.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 150 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)