Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

01/05/2024

Điểm báo Pháp - Đối đầu Mỹ-Trung

RFI tiếng Việt

Đối đầu Mỹ-Trung : Từ Biển Đông đến chiến tranh thông tin

Le Figaro ngày 29/04/2024 cho rằng chiếc tàu Sierra Madre được Philippines cố tình cho mắc cạn trên Bãi Cỏ Mây là một quả bom nổ chậm trong "trận đấu thế kỷ" Mỹ-Trung. Trong một cuộc chiến khác là chiến tranh thông tin, luật gia Isabelle Feng trên Le Monde khẳng định TikTok rõ ràng là công cụ tuyên truyền và gián điệp, lũng đoạn chính trị của Bắc Kinh.

mytrung1

Tàu tiếp liệu Philippines (ở giữa) bị hai tàu tuần duyên Trung Quốc xịt vòi rồng làm nhiều thủy thủ bị thương khi chiếc tàu cố tiến vào Bãi Cỏ Mây hôm 05/03/2024. Ảnh do tuần duyên Philippines cung cấp. AP

Philippines dùng tàu mắc cạn để xác định chủ quyền : Phương cách của nhà nghèo

Về Biển Đông, Le Figaro có bài phóng sự nói về xác tàu BRP Sierra Madre trở thành tiền đồn của Philippines, là nơi tập trung mọi nguy hiểm trong cuộc đối địch Mỹ-Trung tại Châu Á-Thái Bình Dương. Chiếc tàu cũ kỹ từ thời Đệ nhị Thế chiến đã được cố tình cho mắc cạn trên Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) năm 1999, vờ như một tai nạn để không làm mất lòng các nước láng giềng đang tranh chấp.

Giáo sư Renato de Castro, đại học La Salle, nhấn mạnh "Sierra Madre đối với Philippines còn hơn cả một biểu tượng. Nếu chúng tôi từ bỏ, Trung Quốc sẽ xây lên một đảo mới và chẳng bao lâu họ sẽ có mặt trong vịnh Manila !". Đô đốc Eduardo Santos, cựu tư lệnh hải quân Philippines, người đã đưa ra sáng kiến này nhấn mạnh nguy cơ Bắc Kinh lập căn cứ quân sự mới tại đây. "Ai có thể ngăn được ? Họ dùng vũ lực để áp đặt". Một nhà ngoại giao nhận định : "Sierra Madre là sự chiếm đóng của người nghèo".

Vỏ tàu khó thể chịu đựng được một thập niên nữa, thậm chí vài năm. Antonio Carpio, cựu thẩm phán tòa tối cao giải thích, "Trung Quốc chỉ đợi chiếc tàu bị rã để kiểm soát Bãi Cỏ Mây, nên phải gia cố hàng tháng". Cũng vì vậy mà tàu Trung Quốc ngăn cản các tàu tiếp liệu của Philippines, bằng chiến thuật "xám" : sử dụng vòi rồng để tránh bị coi là vũ khí.

"Quả bom nổ chậm" trong cuộc song đấu Mỹ-Trung

Le Figaro cho rằng chiếc tàu là một quả bom nổ chậm trong "trận đấu thế kỷ" Mỹ-Trung. Dù ở tình trạng thảm hại, Sierra Madre vẫn được phiên chế chính thức trong hải quân Philippines, một chi tiết liên quan đến hiệp ước quốc phòng Mỹ-Phi năm 1951. Hôm 11/04, tổng thống Joe Biden khẳng định: "Tất cả các vụ tấn công nhắm vào phi cơ, chiến hạm hay lực lượng vũ trang Philippines đều kích hoạt hiệp ước". Trong khi trước đó Barack Obama đã để yên cho Tập Cận Bình chiếm bãi cạn Scarborough năm 2012.

Một nhà ngoại giao nhận xét : "Nguy cơ xảy ra sự cố tăng lên, vì Trung Quốc hung hăng hơn, Philippines chấp nhận rủi ro và Mỹ cam kết bảo vệ". Phía sau chiếc tàu cũ kỹ là cuộc chiến giành ưu thế tại Thái Bình Dương. Một định mệnh kỳ lạ cho chiếc "Sierra Madre", vốn là chiến hạm "USS Harnett County", luôn gắn liền với lịch sử : từng tham gia chống đế quốc Nhật và di tản người tị nạn Việt Nam sau khi Sài Gòn sụp đổ.

"TikTok Bill" : Quyết tâm của Mỹ gây bất ngờ cho Trung Quốc

Trong một cuộc chiến khác là chiến tranh thông tin, luật gia Isabelle Feng phân tích trên Le Monde về việc Trung Quốc dùng mạng xã hội để gây ảnh hưởng. Bà khẳng định TikTok rõ ràng là công cụ tuyên truyền và gián điệp, thậm chí lũng đoạn chính trị.

Chỉ trong vòng chưa đầy năm ngày, dự luật được mệnh danh là "TikTok Bill" đã được Hạ Viện rồi Thượng Viện thông qua và tổng thống Joe Biden phê chuẩn hôm 24/04. Luật mới kỳ hạn tối đa 12 tháng cho mạng xã hội này để cắt đứt quan hệ với công ty mẹ Trung Quốc là ByteDance, nếu không sẽ bị cấm hoạt động tại nước Mỹ. Quyết tâm của Quốc hội trước ứng dụng được 170 triệu người Mỹ sử dụng đã gây bất ngờ. Nhiều nhà phân tích trước đó dự báo điện Capitol sẽ chịu thua trước lý lẽ tự do ngôn luận, hay những tính toán bầu cử.

Bắc Kinh đành ôm hận, khi trước đó đã công bố "Sự thật về cái gọi là tự do ngôn luận ở Hoa Kỳ", tố cáo Washington "đàn áp" TikTok, trong khi ứng dụng này bị cấm tại Trung Quốc ! Hồi tháng 9/2020, một nhóm người sử dụng WeChat, hầu hết là người gốc Hoa, đã chặn được "WeChat Ban" của ông Trump tại một tòa án California. Họ lý luận rằng đây là phương tiện duy nhất để liên lạc với nhau vì kém tiếng Anh.

Bắc Kinh lũng đoạn chính trị qua chiến tranh thông tin

Trong trường hợp TikTok, vấn đề là dữ liệu thu thập được các chính phủ sử dụng. Nếu chẳng ai dám kiện chính quyền Trung Quốc trước một tòa án Hoa lục, thì các công ty và cá nhân tất cả mọi nước kể cả Trung Quốc đều không ngần ngại đi kiện Mỹ và thường là thắng. Nhưng thế giới không còn giống như năm 2020, và TikTok cũng vậy.

Ở Hoa Kỳ, cả hai đảng đều có cùng nhận định là Trung Quốc của Tập Cận Bình đe dọa trật tự thế giới. Với TikTok, cách đây bốn năm Bắc Kinh đã âm thầm đưa một đảng viên vào ban giám đốc ByteDance. Công ty này đầu năm 2023 đã phải nhượng lại 98 % cổ phần TikTok cho những cổ đông bí ẩn thân cận với ông Tập. Một phóng sự đăng trên tuần báo uy tín Tài Kinh (Caixin Weekly) hôm 06/03/2023 cho biết ứng dụng này phải "duy trì mối liên hệ chặt chẽ với các tổ chức kiểm soát chủ chốt" của Trung Quốc.

Hôm 07/03, TikTok đã gởi tin nhắn cho nhiều triệu người sử dụng Mỹ, cổ vũ họ gọi điện thoại cho các dân biểu để phản đối việc cấm sử dụng, đồng thời cung cấp số điện thoại. Rất nhiều người sau đó đã làm bão hòa đường dây của các đại biểu, bằng chứng cho thấy ứng dụng này có thể lũng đoạn như thế nào.

Được đặt tên là Protecting Americans from Foreign Adversary Controlled Applications Act ("Bảo vệ người Mỹ trước những ứng dụng do các thế lực thù địch nước ngoài kiểm soát"), "TikTok Bill" nêu ra bốn nước Bắc Triều Tiên, Iran, Nga, Trung Quốc. Nước Mỹ giờ đây tham gia cuộc chiến tranh thông tin. Le Monde đặt câu hỏi : Phải chăng đã đến lúc để các nước khác từ bỏ sự đồng lõa với Bắc Kinh nhân danh "công việc làm ăn" ?

Vũ khí Mỹ có thể thay đổi chiến trường Ukraine ?

Trên chiến trường Ukraine, "Liệu vũ khí Mỹ có thể làm nên sự khác biệt ?", Les Echos đặt câu hỏi. Phải chăng năm 2024 sẽ là một sự lặp lại thời kỳ từ 1917 đến 1920 : Sự tham chiến mang tính quyết định của Mỹ và rồi sau đó co cụm lại.

Cách đây 107 năm, sau thời gian dài do dự, nước Mỹ đã quyết định tham gia trận đại chiến, đứng bên cạnh các đồng minh Châu Âu. Hoa Kỳ đã làm cán cân nghiêng hẳn về phía đồng minh nhờ quân đội, vũ khí và sức mạnh kỹ nghệ của mình. Năm 2024, vũ khí chứ không phải là các quân nhân Mỹ có thể làm thay đổi cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, nước Mỹ đang bị chia rẽ trầm trọng. Gói viện trợ đến quá trễ, trong khi quân Nga đã rút được kinh nghiệm từ những thất bại trước, sẵn sàng nướng quân. Liệu Ukraine có thể lấy lại được thế công, với những vũ khí mới ? Tác giả bài viết cho rằng điều này là khả thi, nếu phương Tây vẫn quyết tâm ủng hộ.

Sự đổi hướng của chủ tịch Hạ Viện Mike Johnson là vô cùng ngoạn mục. Ông đã đặt lợi ích của đất nước và nói chung là của dân chủ lên trên lợi ích cá nhân. Một trong những người tiền nhiệm Cộng hòa là Newt Gingrich đã khuyến khích ông : "Những người can đảm chỉ chết một lần, còn những kẻ hèn nhát chết cả trăm lần". Cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội Mỹ chứng tỏ danh dự vẫn chiến thắng dối trá.

Sự thực về các "quan sát viên quốc tế" trong cuộc bầu cử của Putin

Liên quan đến Nga, Le Monde tố cáo "các quan sát viên giả dạng đến để hợp pháp hóa cuộc bầu cử của Putin". Một tổ chức phi chính phủ Đức đã nhận diện một nhóm dân biểu và người ủng hộ từ các châu lục đóng vai trò gọi là "giám sát" trong cuộc bỏ phiếu có tỉ lệ gian lận rất lớn. Trong số đó có 13 người Pháp, thường là phe cực hữu.

Trong báo cáo ngày 26/04, European Platform for Democratic Elections (EPDE) công bố danh sách 183 "quan sát viên" và "chuyên gia ngoại quốc" được chính quyền Nga mời đến theo dõi cuộc bầu cử hồi tháng 3 giúp Vladimir Putin ngự trị tiếp nhiệm kỳ thứ năm. Một cuộc bỏ phiếu mà Nghị viện Châu Âu coi là "bất hợp pháp và phi dân chủ", ngay sau cái chết của nhà đối lập Alexei Navalny trong nhà tù Bắc Cực.

Từ sau khi chiếm Crimea năm 2014, Kremlin thường mời mọc các nhân vật được biết đến ở Châu Âu nhằm chính danh hóa việc vi phạm luật quốc tế và các quy tắc dân chủ. Song song đó, Moskva giảm dần sự hiện diện của các quan sát viên độc lập, nhất là Tổ chức An ninh Hợp tác Châu Âu (OSCE).

Lần này Ủy ban Bầu cử Nga không công bố danh sách, nhưng EPDE đã nhận diện được một số như trên. Rõ ràng là năm nay chính quyền Nga không thành công trong việc mời những nhân vật hàng đầu trong Liên hiệp Châu Âu (EU) : không có nghị sĩ nào của Châu Âu hay của các nước thành viên đến phục vụ cho Kremlin. Hoặc là do tính chất phản dân chủ của chế độ gây bất lợi cho họ, hoặc vì Châu Âu đã đưa ra bản quy tắc ứng xử nghiêm ngặt hơn cho các nghị sĩ.

Về phía Pháp, có thể kể ông Loup Bommier, thị trưởng Gurgy-le-Château (Côte-d’Or) chỉ có 46 dân ; Cyril Gaucher phụ tá thị trưởng Talant (Côte-d’Or), 12.000 dân và đã bị cách chức sau chuyến đi Nga ; Aymeri de Montesquiou-Fezensac, cựu thị trưởng Marsan (Gers), 470 dân - bị dính líu trong một xì-căng-đan rửa tiền và tham nhũng liên quan đến một tỉ phú Kazakhstan. Số còn lại thuộc về phe cực hữu. Về động cơ của các quan sát viên dỏm này, EPDE phân biệt hai nhóm. Nhóm thứ nhất hoàn toàn ý thức về sự gian lận, nhưng tiếp tay vì ủng hộ độc tài, còn nhóm thứ hai là những người ngây thơ hay chuộng hư danh.

Dân Gruzia biểu tình chống "luật Nga"

Tại nước láng giềng Gruzia, đặc phái viên Les Echos ghi nhận "Người dân biểu tình chống "luật Nga", tức dự luật về "nhân tố nước ngoài" nhằm bóp nghẹt đối lập và truyền thông phương Tây". Hôm nay là một ngày căng thẳng ở thủ đô Tbilissi với những cuộc biểu tình và phản biểu tình. Từ hai tuần qua, nước cộng hòa Nam Kavkaz có 3,7 triệu dân hàng ngày đều có những cuộc xuống đường để phản đối "luật Nga". Chính quyền đảng "Giấc mơ Gruzia" - của nhà tài phiệt Bidzina Ivanichvili làm giàu tại Nga trong thập niên 90 - vừa tung ra dự luật về "minh bạch đối với ảnh hưởng nước ngoài", một năm sau khi phải rút lại vì dân chúng phản đối.

Lần này chính quyền huy động một cuộc biểu tình chống lại người biểu tình, cũng trước Quốc hội. Hầu hết những người phản kháng là giới trẻ có học, tố cáo việc bắt chước những đạo luật khắc nghiệt của Moskva. Được biết Nghị Viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết kêu gọi Giấc mơ Gruzia ngưng việc xem xét dự luật, khẳng định sẽ không có cuộc đàm phán nào về việc gia nhập Liên Hiệp Châu Âu nếu văn bản này được thông qua.

Thành công của việc mở rộng EU : 20 năm nhìn lại

Le Monde hôm nay chạy tít "Xã hội Pháp bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột Gaza", trong khi Le Figaro nhấn mạnh "Đại học Science Po lùi bước trước áp lực của cánh tả thân Hồi giáo", còn Les Echos tiết lộ những nhượng bộ bí mật của chính phủ đối với nhân viên kiểm soát không lưu. La Croix nói về "Kỷ nguyên mới của phản gián" : Trước đây cơ quan phản gián Pháp chỉ lo đối phó với khủng bố Hồi giáo, nay phải hành động chống lại sự can thiệp của một số nước bằng việc bóp méo thông tin hay đánh cắp bí mật kỹ nghệ.

Les Echos rút ra "Những bài học về việc mở rộng "big bang" ở Châu Âu, hai mươi năm sau". Ngày 01/05 tới sẽ là dịp kỷ niệm 20 năm gia nhập Liên Hiệp Châu Âu (EU) của mười nước hầu hết là thuộc khối Liên Xô cũ, thường gọi là nhóm EU10, vào năm 2004. Thành công kinh tế, cuộc xâm lăng Ukraine, quyết tâm của các nhà lãnh đạo đã giúp các nước này có được sức nặng tại châu lục. Rumani và Bulgari do không chuẩn bị đầy đủ, đển 2007 mới trở thành thành viên EU. Có đến 8/12 nước này có đường biên giới chung với Nga hay Ukraine. Việc mở rộng EU là một thử thách mới, nhất là ứng viên Ukraine đang phải chiến đấu chống quân Nga xâm lược.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 203 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)