Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

01/05/2024

Điểm báo Pháp - Tệ nạn ma túy hoành hành

RFI tiếng Việt

Pháp : Tệ nạn ma túy hoành hành

Hôm nay, ngày Quốc Tế Lao Động, 01/05/2024, chỉ có nhật báo Le Monde ra số mới. Tờ báo dành trang nhất và bài xã luận nói về hoạt động buôn bán ma túy gia tăng ở Pháp cùng với những hệ lụy đi kèm.

matuy1

Cảnh sát bảo vệ tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong chuyến thị sát vấn đề an ninh và chống buôn bán ma túy tại khu dân cư La Castellane ở Marseille, Pháp, ngày 19/03/2024. AP - Christophe Ena

Bài xã luận chạy tựa "Sốc thuốc", đề cập đến việc thẩm phán, cảnh sát, hiến binh, luật sư hay thị trưởng của các thành phố ở Pháp đều có cùng chung nhận định rằng một kỷ nguyên mới đã bắt đầu, được thể hiện qua sự bùng nổ của những vụ thu giữ ma túy, độ tinh khiết của ma túy, nhà chức trách bị mua chuộc, bạo lực được bình thường hóa, cũng như các băng nhóm tội phạm có tổ chức được chuyên nghiệp hóa. Rất nhiều dấu hiệu cho thấy những hệ lụy của hoạt động buôn bán ma túy ngày càng gia tăng.

Pháp từ lâu đã là quốc gia đứng đầu Châu Âu về số lượng người tiêu dùng cần sa và cũng chứng kiến số lượng cocain tăng vọt trên lãnh thổ. Ngoài ra, Pháp cũng trở thành nút giao của các tuyến đường vận chuyển ma túy, điểm trung chuyển của hoạt động buôn bán cần sa đến từ Morocco và Tây Ban Nha, và buôn bán cocain đến từ Châu Mỹ Latinh qua các cảng phía bắc, như cảng Anvers và Rotterdam, và tiếp theo là cảng Le Havre ở tây bắc nước Pháp.

Để mô tả về hiện tượng đáng báo động này, Le Monde đề cập đến những cuộc điều tra về khâu nhập khẩu ma túy vào lãnh thổ, cách thức ma túy được bán và tiêu thụ, cũng như thiệt hại về mặt xã hội và sức khỏe. Những cuộc điều tra phân tích sự biến đổi đáng lo ngại trong thành phần của cần sa, cocain và ma túy tổng hợp. Cuộc điều tra cũng đi sâu vào cuộc sống hàng ngày tại lãnh thổ Guyane và hệ thống tư pháp đang phải đối mặt với nạn buôn bán ma túy, tìm hiểu về hiện tượng nhà chức trách bị những kẻ buôn ma túy mua chuộc, cùng với những cuộc đấu tranh kiên cường của các nhà điều tra, đã gặt hái được những thành công nhất định, song dường như không đáng kể so với quy mô của nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, điều tra cũng ghi nhận những nạn nhân thiệt mạng ở độ tuổi ngày càng trẻ.

Theo Le Monde, nước Pháp đang có những cuộc tranh luận với hai quan điểm đối lập nhau. Quan điểm đầu tiên được thể hiện qua chiến dịch "Thanh lọc đường phố" của chính phủ, chiến dịch nhằm mục đích tháo dỡ mạng lưới ma túy và lập lại trật tự, bảo đảm an ninh cho xã hội.

Quan điểm thứ hai hướng đến việc hợp pháp hóa cần sa. Đối với những người bảo vệ quan điểm này, đây dường như là giải pháp tối ưu để giảm gánh nặng đối với hệ thống tư pháp, cũng như giải tỏa các nhà tù bị quá tải. Đức đã chọn phương án này và kết quả sẽ cho các quốc gia khác biết có nên làm tương tự hay không. Nhưng theo Le Monde, giải pháp này không phải là một phép màu. Chưa có quốc gia nào chọn giải pháp này mà giải quyết được triệt để những vấn đề liên quan đến ma túy.

Bộ trưởng Tư pháp Eric Dupond-Moretti gần đây đã tuyên bố thành lập văn phòng công tố quốc gia chuyên chống lại tội phạm có tổ chức và cho biết về những tiến bộ trong quy chế áp dụng với những tội phạm sẵn sàng hợp tác với nhà chức trách, nhưng theo Le Monde, dường như những biện pháp nói trên chưa đủ để khắc phục mọi chuyện.

Tờ báo nhận định cần phải nhận thức về bản chất của việc buôn bán ma túy. Đó là một thị trường hết sức tự do, với đặc điểm là được sản xuất hàng loạt trên khắp thế giới, đi kèm với sự cạnh tranh gay gắt về giá cả. Giờ đây, việc loại bỏ hoàn toàn nạn buôn bán ma túy dường như nằm ngoài tầm với của nhà chức trách, song việc hạn chế những tệ nạn do ma túy gây ra, từ sự bất an mà người dân phải hứng chịu cho đến hiện tượng suy thoái xã hội, đòi hỏi mọi người phải có nhận thức chung và chính quyền sử dụng mọi biện pháp dân chủ.

Iran : Cảnh sát đạo đức tái xuất trên đường phố

Nhìn sang Trung Đông, trang nhất của Le Monde quan tâm đến sự trở lại của lực lượng cảnh sát đạo đức tại Iran. Nhà chức trách đã phát động một chiến dịch mới mang tên "Kế hoạch ánh sáng" nhắm vào những phụ nữ không chịu đeo khăn trùm đầu.

Từ nhiều tháng qua, cảnh sát đạo đức, chuyên trách giám sát việc tuân thủ luật đeo khăn trùm đầu, đã hoạt động kín đáo hơn. Tuy nhiên, kể từ giữa tháng 4, lực lượng này đã tái xuất trên đường phố Iran. Theo những lời khai do Le Monde thu thập được cùng với các video đăng trên mạng xã hội, những phụ nữ không chịu đeo khăn trùm đầu, đặc biệt ở Tehran, đã bị cảnh sát đạo đức bắt giữ một cách thô bạo. Kể từ cái chết của cô Mahsa Amini sau khi bị cảnh sát bắt giam hồi tháng 09/2022 vì đeo khăn trùm đầu không đúng quy cách, phụ nữ Iran đã từ chối trùm đầu. Mặc dù phụ nữ không trùm đầu vẫn bị những nhân vật cực đoan hay thân cận với chế độ quấy nhiễu và đe dọa, trong thời gian qua, họ ít bị cảnh sát "gây sự" hơn.

Tuy nhiên, mọi chuyện đang dần thay đổi khi vào đầu tháng 4, lãnh đạo tối cao Iran, giáo chủ Ali Khamenei bày tỏ sự bất bình với việc phụ nữ không tôn trọng luật đeo khăn trùm đầu, và cảnh sát đạo đức ngày 13/04, đã phát động chiến dịch "Kế hoạch ánh sáng" nhắm vào những phụ nữ này.

Tại Tehran, Sanam, 29 tuổi, bị bắt vào ngày thứ hai của chiến dịch này vì không đeo khăn trùm đầu, thậm chí còn không mang khăn theo người. Người phụ nữ này giải thích rằng "không đội khăn trùm đầu là cách cô chiến đấu để mọi người không quên tất cả những người đã bỏ mạng trong các cuộc biểu tình".

Tại đồn cảnh sát, Sanam đã phải gọi điện nhờ bạn bè mang cho cô một chiếc khăn trùm đầu. Cô được thả vào buổi tối cùng ngày, nhưng phải cam kết sẽ ra trước thẩm phán vào hôm sau. Tại tòa, cô gặp những phụ nữ khác có cùng hoàn cảnh. Một số người kể đã bị cảnh sát làm nhục bằng cách dùng dùi cui chọc vào bộ phận sinh dục.

Trước mặt thẩm phán, Sanam đã tỏ ra không hối hận về hành động của mình. Cô được lệnh phải nộp phạt 3 triệu toman (50 euro), tương đương 1/4 mức lương tối thiểu ở Iran. Cùng ngày, một phụ nữ khác, bị bắt lần thứ ba vì không đeo khăn trùm đầu, bị kết án dọn dẹp nhà vệ sinh công cộng trong vòng một tháng.

Hơn hai tuần sau khi được thả, Sanam vẫn còn những vết bầm tím trên lưng. Cô cho biết vẫn còn cảm thấy đau khi đi tiểu, và bác sĩ cho biết vùng thận của cô đã bị ảnh hưởng, nhưng không thể làm gì khác ngoài việc chờ đợi.

Đối mặt với áp lực này, nhiều phụ nữ Iran đành phải đeo khăn trùm đầu trở lại. Sahel, một nhân viên xã hội 35 tuổi, cho biết ở Tehran, sự hiện diện của phụ nữ tại những nơi công cộng đã giảm đáng kể. Cô khẳng định : "Khăn trùm đầu là cái cớ để chế độ kiểm soát đường phố và buộc phụ nữ phải ở nhà. Tôi muốn sống ở đất nước này. Tôi và những phụ nữ khác sẽ vẫn tiếp tục phản kháng, sẽ không bao giờ từ bỏ sự tự do mà chúng tôi đã đấu tranh vất vả để giành được".

Ukraine ngừng thủ tục lãnh sự đối với nam giới trong độ tuổi nhập ngũ

Về tình hình Ukraine, Le Monde có bài nói về việc chính quyền Kiev đã ra chỉ thị đình chỉ việc giải quyết mọi thủ tục lãnh sự đối với nam giới Ukraine từ 18 đến 60 tuổi sinh sống ở nước ngoài nhằm buộc họ trở về quê hương chiến đấu chống quân Nga.

Ngoại trưởng Ukraine, Dmytro Kuleba, coi biện pháp nói trên là một quyết định "công bằng", biện minh cho chỉ thị ông ban hành ngày 23/04 về việc đình chỉ giải quyết mọi thủ tục lãnh sự đối với những đàn ông Ukraine trong độ tuổi có thể phục vụ trong quân đội. Đất nước đang thiếu binh sĩ trầm trọng sẽ không cấp hộ chiếu cho nam giới từ 18 đến 60 tuổi sống ở nước ngoài, trừ một số trường hợp ngoại lệ, và chỉ có "chứng minh thư nhân dân để vào Ukraine" được duy trì. Đối với Vlodymyr Dovhan, một công dân Ukraine đang sinh sống tại Warszawa, "quyết định này hoàn toàn mang tính chính trị".

Đến Ba Lan cùng vợ và con gái ngày 23/02/2022, một ngày trước khi Nga xua quân xâm lược nước láng giềng, Vlodymyr tin rằng biện pháp này sẽ không khiến những công dân Ukraine đang sinh sống ở Ba Lan trở về nhà. Anh nói : "Con gái tôi đã nói được tiếng Ba Lan và cảm thấy rất thoải mái. Còn tôi đã thành lập doanh nghiệp ở đây".

Theo Kiev, các quy định được công bố, với các điều khoản vẫn chưa rõ ràng, nhằm mục đích ngăn chặn người dân Ukraine "trốn tránh nghĩa vụ quân sự", và cũng là cách gây áp lực với hàng chục nghìn người đã bỏ trốn khỏi đất nước sau khi quân đội Nga phát động chiến tranh. Dmytro Kuleba giải thích : "Trong bối cảnh Nga xâm lược đất nước trên diện rộng, ưu tiên của chúng ta là bảo vệ quê hương khỏi nạn diệt chủng. Hiện tại, mọi chuyện diễn ra như sau : một người đàn ông trong độ tuổi chiến đấu đã ra nước ngoài, không quan tâm đến sự sống còn của đất nước, nhưng lại đến sứ quán và muốn nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Mọi chuyện không thể tiếp tục như vậy. Đất nước chúng ta đang có chiến tranh và công dân sống ở nước ngoài không thể được miễn những nghĩa vụ đối với quê hương".

Biện pháp này có thể sẽ được duy trì cho đến khi các quy định của luật tăng cường huy động binh lính có hiệu lực vào ngày 18/05 tới. Đạo luật này gia tăng hình phạt đối với những công dân ngoan cố không chịu ra chiến trường, đồng thời hạ tuổi nhập ngũ từ 27 xuống 25 tuổi. Tuy nhiên, việc đình chỉ giải quyết các thủ tục lãnh sự không áp dụng đối với những người đã được phép qua biên giới trong một số trường hợp ngoại lệ nhất định, chẳng hạn như người khuyết tật hoặc những người đi theo trẻ mồ côi.

Phan Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phan Minh
Read 228 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)