Số phận thỏa thuận hạt nhân Iran nằm trong tay Trump (RFI, 16/01/2017)
Ông Donald Trump phát biểu tại một cuộc tập hợp chống thỏa thuận hạt nhân Iran, do đảng Tea Party Patriots tổ chức trước trụ sở Quốc hội Mỹ, Washington, ngày 9/09/ 2015. NICHOLAS KAMM / AFP
Ngày 16/01/2017 là đúng một năm ngày thỏa thuận lịch sử về hạt nhân của Iran bắt đầu có hiệu lực, nhưng số phận của thỏa thuận này nay nằm trong tay của tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump.
Ngày 16/01 năm ngoái, phần lớn các biện pháp của quốc tế trừng phạt Iran đã được dỡ bỏ đổi lấy việc Iran hạn chế chương trình hạt nhân, theo như dự trù của thỏa thuận được ký kết cách đó 6 tháng giữa một bên là Teheran và bên kia là 6 cường quốc (Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Anh Quốc, Pháp và Đức).
Thỏa thuận về hạt nhân Iran mừng "sinh nhật" một tuổi chỉ vài ngày trước khi nhà tỷ phú New York lên nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ ngày 20/01/2017. Trong thời gian tranh cử, ông Trump đã liên tục chỉ trích thỏa thuận hạt nhân với Iran và đã hứa là một khi lên nắm quyền, ông sẽ "xé bỏ" bản thỏa thuận đó.
Ông Trump cũng đã giao các chức vụ chủ chốt trong chính quyền của ông cho những nhân vật có lập trường chống Iran, như Ngoại trưởng được chỉ định, Rex Tillerson. Bản thân ông Tillerson đã tỏ ý muốn "xét lại toàn diện" thỏa thuận hạt nhân Iran.
Trả lời phỏng vấn hai nhật báo Bild (Đức) và Times (Anh) hôm nay, tổng thống tân cử Hoa Kỳ đã một lần nữa xem thỏa thuận hạt nhân Iran là "một trong những thỏa thuận tồi tệ nhất được ký kết cho tới nay", là "một trong những thỏa thuận ngu xuẩn nhất", tuy vẫn từ chối nói rõ là ông có sẽ xét lại thỏa thuận này hay không.
Đối với các chuyên gia Iran như Fouad Izadi, một giáo sư đại học ở Teheran, được AFP trích dẫn hôm nay, với việc một tổng thống Cộng hòa lên nắm quyền, chắc chắc thái độ của Hoa Kỳ đối với Teheran sẽ cứng rắn hơn. Ông Abbas Araghchi, trưởng phái đoàn thương lượng Iran về thỏa thuận hạt nhân, hôm qua cũng đã cho rằng, một năm sau khi thỏa thuận này bắt đầu có hiệu lực, thái độ "thù nghịch" của Mỹ gia tăng từng ngày. Theo ông Araghchi, Hoa Kỳ đã làm đủ mọi cách để "làm chậm lại tiến bộ của Iran" sau khi đạt thỏa thuận.
Tuy nhiên, các chuyên gia không dự đoán là chính quyền Trump sẽ xóa bỏ hoàn toàn một thỏa thuận mà phải mất nhiều năm thương lượng gay go và phức tạp quốc tế và Iran mới đạt được.
Dầu sao, nếu ông Donald Trump có hành động gì đối với thỏa thuận hạt nhân Iran, ông sẽ gặp phản ứng mạnh từ các nước Châu Âu, Nga và Trung Quốc, những quốc gia đã bày tỏ sự hài lòng về thỏa thuận.
Tại Bruxelles hôm nay, lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu, bà Federica Mogherini vừa tuyên bố rằng khối này sẽ tuân thủ thỏa thuận hạt nhân, vì đây là một thỏa thuận "cực kỳ quan trọng", nhất là đối với an ninh của lục địa này.
Ngoại trưởng của Anh Quốc, đồng minh Châu Âu thân cận với Mỹ, ông Boris Johnson, hôm nay cũng tuyên bố là Luân Đôn muốn thỏa thuận hạt nhân tiếp tục được thực thi vì thỏa thuận này, tuy "khó khăn và gây tranh cãi", nhưng đã giúp ngăn chận Teheran trang bị bom nguyên tử.
Thanh Phương
************************
Châu Âu phản ứng mạnh mẽ vì D.Trump coi NATO đã "lỗi thời" (RFI, 16/01/2017)
Lính NATO tập trận ở Litva. Ảnh ngày 2/12/2016. REUTERS/Ints Kalnins
Năm ngày trước khi bước vào Nhà Trắng, trả lời báo Times của Anh và Bild của Đức số ra ngày 16/01/2017 Donald Trump quan niệm : NATO đã "lỗi thời", chính sách đón nhận người nhập cư của thủ tướng Đức là "một sai lầm", Liên Hiệp Châu Âu sẽ tan rã, sẽ có những quốc gia khác theo gương Luân Đôn chia tay với Liên Hiệp.
Paris và Berlin đồng thanh phản bác quan điểm của ông Trump. Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault, kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu "đoàn kết", để trả lời Donald Trump về sự tan rã đã được ông báo trước của khối Châu Âu. Về phần lãnh đạo ngành ngoại giao Đức Frank Walter Steinmeier đặc biệt tỏ ra "quan ngại" trước những tuyên bố của tổng thống Mỹ tương lai.
Riêng trong quan hệ với nước Nga, ông Trump chủ trương áp dụng chính sách chìa bàn tay thân thiện khi đề nghị dỡ bỏ cấm vận trừng phạt Moskva thôn tính bán đảo Crimea của Ukraine để đối lấy một thỏa thuận giải trừ vũ khí hạt nhân với Vladimir Putin.
Theo thống kê chính thức của Bộ quốc phòng Mỹ, Hoa Kỳ hiện đang nắm giữ 1.367 đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo, phía Nga là gần 1.800 đơn vị. Trước mắt Moskva thận trọng trước tuyên bố của tổng thống tân cử Mỹ trên vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân. Chủ tịch ủy ban đối ngoại Hạ Viện Nga Konstantin Kossatchev cho rằng đề nghị bãi bỏ cấm vận không cho phép Moskva nhượng bộ trên vế an ninh. Một tiếng nói khác ở Thượng Viện được hãng tin Ria Novosti của Nga trích dẫn thì cho rằng đề nghị của ông Trump khá thú vị và cần được xem xét.
Cũng liên quan đến nước Nga, ông Trump chỉ trích chính sách can thiệp quân sự của Moskva tại Syria, khi cho rằng sự can thiệp đó đã dẫn tới thảm họa nhân đạo tại quốc gia này.
Về vai trò của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, NATO tổng thống Mỹ tương lai cho rằng định chế này, dù vẫn chiếm một vị trí quan trọng, nhưng đã "lỗi thời" vì hai lý do : một là không quan tâm đến mục tiêu chống khủng bố, hai là cả một tổ chức đồ sộ như vậy nhưng lại chỉ dựa vào khoản đóng góp của 5 thành viên. Theo ông Trump, NATO trông đợi quá nhiều vào Mỹ và đó thực sự là "điều bất công". Hoa Kỳ hiện đóng góp khoảng 70 % các chi phí quân sự trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương.
Thanh Hà
******************************
Trump : NATO đã lỗi thời, Brexit tuyệt vời, EU sẽ phân rã (Đất Việt, 16/01/2017)
Trước đây, tôi từng cho rằng NATO đã có vấn đề. Thứ nhất, NATO đã lỗi thời, vì nó được thiết kế bởi nhiều người và cách đây đã rất lâu...
Ngày 16/1/2017, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo The Times of London của Anh và báo Bild của Đức, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump nhận định NATO đã lỗi thời so với nhiệm vụ và chức năng của nó.
Tân tổng thống Mỹ cũng cho rằng sự kiện người dân nước Anh chọn rời EU – Brexit – là sự kiện tuyệt vời và cảnh báo EU có thể phân rã, nếu giới lãnh đạo liên minh không thay đổi.
Việc vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đưa ra những nhận định trên trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là ông bước vào Nhà Trắng, khiến cho giới phân tích có thể nhận diện chương trình hành động của chính quyền mới tại Mỹ trong những vấn đề quốc tế liên quan tới nước Mỹ khi ông Trump chính thức nắm quyền lực.
Tân Tổng thổng Trump đã bắt đầu cho sự đổi thay của Washington trong các vấn đề liên quan tới nước Mỹ
NATO đã lỗi thời và là gánh nặng cho nước Mỹ
Thực ra, trong quá trình tranh cử, ứng viên Donald Trump đã nhiều lần bày tỏ sự thất vọng về hệ thống cấu trúc an ninh chung Mỹ - Châu Âu được thể hiện qua Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Vị tổng thống doanh nhân của nước Mỹ cũng thể hiện sự bức xúc với sự chênh lệch giữa trách nhiệm và quyền lợi của nước Mỹ so với các đồng minh trong NATO.
Tuy nhiên, khi ông Trump lên tiếng trong thời điểm ông chuẩn bị chính tức trở thành Tổng tư lệnh tối cáo của nước Mỹ cũng đồng thời nắm vai trò quyết định với cấu trúc an ninh chung Mỹ - Châu Âu thì có thể hiểu rằng đó không khác gì mệnh lệnh được phát ra từ Nhà Trắng. Do vậy, các đồng minh cũng như các thực thể trong NATO phải chuẩn bị cho một sự đổi thay lớn.
"Trước đây nhiều lần tôi cho rằng NATO đã có vấn đề. Vấn đề của NATO thể hiện ở hai khía cạnh. Thứ nhất, NATO đã lỗi thời, vì nó được thiết kế bởi nhiều thành phần, trong thời điểm cách đây đã rất lâu. Thứ hai, trong NATO tồn tại sự phi lý là có nhiều nước đang được sử dụng miễn phi những thứ mà đúng ra họ phải trả tiền", AFP dẫn lời ông Trump.
Có thể thấy rằng, gần 70 năm qua, từ khi được thành lập năm 1949 cho đến nay, Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương luôn tự hào là liên minh quân sự hùng mạnh nhất thế giới. Ngay cả khi Chiến tranh Lạnh Xô – Mỹ đang diễn ra, khối Hiệp ước Quân sự Warszawa còn tồn tại thì NATO vẫn luôn cho rằng mình vượt trội so với đối phương.
Đây là điều rất nguy hiểm bởi nó khiến những nhà hoạch địch chiến lược của liên minh quân sự này trở nên chủ quan và bảo thủ. "Tôi rất mệt mỏi khi nghĩ về NATO. NATO đã lỗi thời khi nó không thể làm được gì trong cuộc chiến chống khùng bố", người đứng đầu Nhà Trắng nhiệm kỳ 57 thể hiện sự thất vọng.
Năm 1966 khi nước Pháp của Charles de Gaulle rút khỏi bộ khỏi bộ chỉ huy tiền phương NATO và mãi đến năm 2009, nước Pháp của Nicolas Sarkozy mới quay trở lại và trở thành thành viên đầy đủ của NATO, đã cho thấy liên minh quân sự này có vấn đề lớn. Song dường như 43 năm vắng bóng nước Pháp không được NATO nhìn nhận là lời cảnh báo cho tổ chức này.
Tuy nhiên, khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra, khi Putin thực hiện những hành động quyết liệt và mạnh mẽ thì NATO mới giật mình vì sai lầm trong chiến lược và nhận ra sự rệu rã trong hệ thống tổ chức của mình. Khi sức mạnh Nga được Putin hồi sinh kịp lúc NATO chuẩn bị cắm cờ của mình xuống sát biên giới nước Nga, NATO mới nhận ra sự già cỗi của mình.
Sau chiến thắng của Trump, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg từng lên tiếng rằng liên minh quân sự này đã là nền tảng cho an ninh xuyên Đại Tây Dương gần 70 năm qua và đặc biệt cần thiết tại thời điểm có nhiều thách thức mới như hiện nay. Do vậy "đây không phải là thời điểm xem xét lại cấu trúc an ninh đặc biệt này", AFP dẫn lời ông Stoltenberg.
Tuy nhiên, đó là quan điểm của người điều hành hoạt động của NATO, còn với quan điểm của quốc gia đóng góp tới 70% kinh phí cho hoạt động của NATO thì ông Trump có cách nhìn khác. "Thật phi lý khi chúng ta phải trả tiền cho việc bảo vệ các quốc gia khác. Vậy nhưng chỉ có 5 nước chia sẻ chi phí này. Thật quá ít ỏi", ông Trump bức xúc.
Brexit là sự kiện tuyệt vời
Trong một bài phát biểu của mình, ông Trump đã nhận định Brexit – sự kiện thể hiện quyền tự quyết của người dân Anh – kết thúc vai trò của nước Anh trong EU là một điều tuyệt vời. Vị tổng thống doanh nhân của nước Mỹ cho biết ông ủng hộ thỏa thuận thương mại Mỹ - Anh thời hậu Brexit, bởi điều đó là tốt cho cả hai quốc gia.
"Chúng tôi sẽ cố gắng nhanh chóng hoàn tất thoả thuận phù hợp với tình hình hai nước, theo đúng tiêu chuẩn của các hiệp định thương mại song phương". Ông Trump cũng cho biết ông sẽ gặp Thủ tướng Anh Theresa May ngay sau khi nhậm chức. Có thể thấy rằng mọi việc diễn ra rất nhanh chóng, tuy nhiên điều đó chỉ có được khi Anh không còn bị ràng buộc bởi EU.
Thực tế đó cho thấy cơ chế của Liên minh Châu Âu (EU) không phải là hình mẫu cho việc liên hiệp các quốc gia hình thành nên một cộng đồng, một liên minh, bởi lẽ không phải nó luôn mang lại những tích cực cho các quốc gia dân tộc. Biểu hiện rõ nhất là chủ quyền quốc gia có thể bị nhạt nhoà trong cơ chế liên minh, thậm chí có thể làm suy giảm sức mạnh quốc gia.
Người Anh không thể không so sánh sức mạnh của Anh quốc với Trung Quốc – cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện nay và không khỏi chạnh lòng. Khi Trung Quốc bước vào cải cách thì sức mạnh của họ chỉ ngang ngửa với với nước Anh thời kỳ đó, nhưng nay thì một trời một vực.
Liệu nữ Thủ tướng Anh thời hậu Brexit có cùng với vị tổng thống doanh nhân của nước Mỹ hiện thực hoá ý nghĩa của Brexit bằng lợi ích cho người dân xứ sở sương mù ?
Cho dù Trung Quốc có những lợi thế tuyệt đối mang tính mặc định, song người Anh cũng không thể nuốt nghẹn khi GDP danh nghĩa của Anh quốc năm 2015 chỉ là 2.945 tỷ USD, còn của Trung Quốc đã là 10.400 tỷ USD, theo tài lệu của WB. Dư luận cho rằng, sự chênh lệch sẽ khác nếu nước Anh không bị kiềm chế bởi mâu thuẫn nội tại của EU.
Là một người theo chủ nghĩa dân tộc, ông Trump đã xem Brexit là một sự kiện tuyệt với. Không những vậy, vị tổng thống doanh nhân của nước Mỹ còn hiện thực hoá ý nghĩa của Brexit qua những hành động cụ thể mang lại lợi ích cho người dân xứ sở sương mù. Điều đó là một sự khích lệ cho những người ủng hộ Brexit và cũng là lời cảnh báo cho EU.
EU sẽ phân rã nếu không thực sự đổi thay
Ông Trump nhận định rằng các quốc gia khác sẽ rời khỏi Liên minh Châu Âu trong tương lai, mà nguyên nhân chính là do áp lực của EU đối với đề người tị nạn. "Nếu các thành viên không bị buộc phải có trách nhiệm trong vấn đề người tị nạn, khi họ đã phải đối mặt với nhiều vấn đề khác, tôi nghĩ sẽ không có một Brexit tiếp theo. Song đây đã là giọt nước tràn ly".
Tân tổng thống Mỹ cũng chỉ trích Thủ tướng Đức Angela Merkel khi bị cho là chấp nhận dân nhập cư bất hợp pháp. "Tôi cho rằng bà Merkel đã sai lầm rất nghiêm trọng, bởi chính sách nhập cư thân thiện của bà tạo điều kiện cho những kẻ nhập cư bất hợp pháp. Thậm chí chẳng ai biết chúng đến từ đâu". Thật nguy hiểm, cho dù ông Trump cho biết rất tôn trọng nữ thủ tướng Đức.
Việc giới lãnh đạo EU gạt bỏ quan điểm của các bậc tiền bối khi phá bỏ nguyên tắc nền tảng của các tổ chức tiền thân vào năm 1991 bằng việc ký kết Hiệp ước Maastricht cho ra đời Liên minh Châu Âu (EU), thay thế EC, là sai lầm từ tham vọng quá lớn. Bởi từ đó EU đã mở rộng sự liên kết trách nhiệm sang nhiều lĩnh vực mới, như chính sách đối ngoại và an ninh chung
Và cũng từ đó khái niệm công dân EU ra đời và quy định về quyền công dân EU, cho phép người dân các nước trong EU được đi lại tự do giữa các quốc gia thành viên. Đặc biệt giới lãnh đạo EU đã xây dựng chính sách điều phối về người tị nạn chính trị, nhập cư và khủng bố. Điều này khiến quyền lực của giới lãnh đạo EU tăng lên nhưng cũng báo trước nguy cơ EU phân rã.
Có thể thấy rằng, giới lãnh đạo EU gia tăng tiêu chí liên kết giữa các thành viên trong EU sẽ khiến cho mức độ liên kết giảm theo chiều ngược lại, bởi hệ thống cấu trúc của EU không phải là hệ thống chính trị của một quốc gia. Do đó, càng muốn có nhiều điểm chung trong EU thì yếu tố tương đồng trong mỗi điểm chung sẽ phải giảm đi.
Song dường như giới lãnh đạo EU lại kỳ vọng cả hai cùng tăng – tăng điểm chung và sự tương đồng trong mỗi điểm chung cũng tăng – điều đó là trái nguyên lý và họ đã phải trả giá bằng Brexit. Do vậy, nếu giới lãnh đạo EU không thay đổi thì lời cảnh báo của ông Trump sẽ khiến cho liên minh kinh tế hùng mạnh nhất thế giới này đối mặt sự phân rã, thậm chí tan rã trong tương lai.
Ngọc Việt
**********************
Trung Quốc đả kích Trump dữ dội về hồ sơ Đài Loan (RFI, 16/01/2017)
Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump lại bị báo giới Trung Quốc 'điểm mặt'. REUTERS/Mike Segar
"Bắc Kinh sẽ không nể nang gì", "Ông Trump tự nã súng vào chân mình". Chính quyền Bắc Kinh và báo chí chính thống hôm nay 16/01/2017, đã có những lời cảnh báo như trên nếu như ông Donald Trump, sau ngày nhậm chức vẫn tiếp tục có những lời lẽ khiêu khích về vấn đề Đài Loan, hai ngày sau khi bộ Ngoại Giao nước này cảnh báo là "không thể mặc cả" chính sách "một nước Trung Hoa".
AFP dẫn lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trong một buổi họp báo ngắn cho biết Bắc Kinh và người dân nước này cũng như cộng đồng quốc tế phản đối bất cứ ai có ý định vi phạm nguyên tắc "một nước Trung Hoa" hoặc khai thác vấn đề này như một đòn bẩy thương mại. Bà cảnh báo "nếu như thế, người đó sẽ tự bắn vào chân của mình".
Về phần mình, Trung Hoa Nhật Báo (China Daily), của chính phủ trong ấn bản tiếng Anh viết rằng : "Nếu như ông Trump kiên quyết sử dụng chiến thuật này một khi đã nhậm chức, một giai đoạn đáp trả dữ dội có thể gây thiệt hại sẽ là điều không thể tránh khỏi, bởi vì Bắc Kinh sẽ không có chọn lựa nào khác là không còn nể nang gì cả".
Hoàn Cầu Thời Báo cũng hùa theo cho là Trung Quốc sẽ "có những biện pháp đáp trả mạnh" nếu như ông Trump "đảo lộn" nguyên tắc "một nước Trung Hoa". Bài xã luận còn đi xa hơn khi viết rằng : "Hoa Lục sẽ có động lực thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình hợp nhất với Đài Loan và chiến đấu không thương tiếc chống lại những ai đòi hỏi độc lập cho Đài Loan".
Theo nhật báo này, sự ủng hộ của ông Trump dành cho Đài Loan là một thủ đoạn để đòi hỏi những lợi ích ngắn hạn của chính quyền mới. Do đó, "kết quả của chiến lược đáng khinh bỉ này là Đài Loan có thể sẽ là vật hy sinh".
Reuters nhắc lại, Trung Quốc đã có phản ứng giận dữ như trên sau khi tờ Wall Street Journal hôm thứ Sáu 13/01/2017 đăng bài phỏng vấn tổng thống tân cử Mỹ, cho rằng chính sách "một nước Trung Hoa" mà Washington đang đeo đuổi, yêu cầu cắt đứt bang giao với Đài Loan, là "có thể mặc cả". Thứ Bảy, bộ Ngoại Giao Trung Quốc, đã có phản ứng, khẳng định là "không".
Minh Anh
*******************
Báo Trung Quốc dọa ‘cởi găng’ với ông Trump về vụ Đài Loan (VOA, 16/01/2017)
Một tờ tạp chí tại Bắc Kinh đăng hình Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump, ngày 12 tháng 12 năm 2016.
Trung Quốc sẽ "cởi găng tay" và có hành động mạnh mẽ nếu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tiếp tục khiêu khích Bắc Kinh về vấn đề Đài Loan sau khi ông lên nhậm chức, Reuters dẫn lời cảnh báo từ hai tờ báo hàng đầu của nhà nước Trung Quốc hôm thứ Hai.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal hôm thứ Sáu, ông Trump nói chính sách "một Trung Quốc" sẽ được đem ra thương lượng. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói chính sách "một Trung Quốc" là nền tảng của mối quan hệ Mỹ - Trung và không thể thương lượng.
Tháng trước, ông Trump đã phá vỡ một tiền lệ kéo dài nhiều thập niên bằng việc nhận cuộc gọi điện thoại chúc mừng từ Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Điều này đã khiến cho Bắc Kinh, vốn lâu nay vẫn xem Đài Loan là một phần của Trung Quốc, rất tức giận.
Phiên bản tiếng Anh của tờ China Daily nói : "Nếu ông Trump quyết sử dụng nước cờ này khi lên nhậm chức, thì thời kỳ của những tương tác gay gắt, tổn hại là điều không thể tránh khỏi, khi mà Bắc Kinh không có sự lựa chọn nào khác hơn là cởi găng tay ra".
Trong khi đó, tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một tờ báo nhà nước có ảnh hưởng, hưởng ứng tờ China Daily, nói Bắc Kinh sẽ có "các biện pháp đối phó mạnh mẽ" để chống lại dự tính làm hỏng chính nguyên tắc "một Trung Quốc".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói Hoa Kỳ nhận thức rõ ràng về quan điểm chính sách "một Trung Quốc" của Bắc Kinh.
Bà nói trong một cuộc họp báo thường kỳ : "Bất cứ ai cũng nên hiểu rằng trong thế giới này, có những điều chắc chắn không thể trao đổi, mua và bán".
"Nguyên tắc một Trung Quốc là điều kiện tiên quyết và cơ sở chính trị cho bất kỳ quốc gia nào có quan hệ với Trung Quốc".
Bà Hoa Xuân Oánh nói thêm : "Nếu bất kỳ ai âm mưu phá hỏng nguyên tắc một Trung Quốc hoặc nếu họ ảo tưởng rằng họ có thể sử dụng điều này làm một con cờ để thương lượng, họ sẽ bị chính quyền và nhân dân Trung Quốc phản đối".
Bà cảnh báo : "Rốt cục, nó sẽ giống như gậy ông đập lưng ông vậy".
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo nói việc ông Trump chứng thực Đài Loan chỉ là một mánh khóe để tiếp tục có được những lợi ích ngắn hạn. Tờ báo nói thêm : "Đài Loan có thể bị hy sinh theo kết cục của chiến lược đê hèn này".
Năm 1979, Hoa Kỳ đã thừa nhận quan điểm của Trung Quốc cho rằng chỉ có "một Trung Quốc" và Đài Loan là một phần của nước này.
*********************
Đức nói phát biểu NATO ‘lỗi thời’ của ông Trump khơi lên lo ngại (VOA, 16/01/2017)
Thủ tướng Đức Angela Merkel trong một cuộc họp báo tại Berlin, Đức, ngày 16 tháng 01 năm 2017.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức hôm thứ Hai cho biết phát biểu của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump rằng NATO đã lỗi thời khơi lên lo ngại khắp liên minh 28 thành viên này.
Phát biểu sau cuộc hội kiến tổng thư ký của liên minh Jens Stoltenberg tại Brussels, ông Frank-Walter Steinmeier nói rằng nhận định của ông Trump mâu thuẫn với những quan điểm được thể hiện bởi người được ông chọn làm bộ trưởng quốc phòng James Mattis. Ông cũng bày tỏ "sự kinh ngạc" về nhận định này. "Hôm nay tôi đã nói chuyện với không chỉ ngoại trưởng các nước trong khối EU mà còn với ngoại trưởng các nước trong NATO và có thể báo cáo rằng căng thẳng vẫn chưa lắng dịu", ông Steinmeier nói với báo giới khi được hỏi về cuộc phỏng vấn của ông Trump hồi cuối tuần với báo Bild của Đức và Times of London của Anh.
"Rõ ràng những phát biểu của Tổng thống đắc cử Trump, rằng ông ấy xem NATO là lỗi thời, được nhìn nhận bằng nỗi lo lắng", ông nói.
Ông Trump, người sẽ được tuyên thệ nhậm chức tổng thống vào ngày thứ Sáu này, nói rằng NATO đã lỗi thời vì liên minh này đã không phòng vệ được trước những vụ tấn công khủng bố.
Ông cũng nói rằng ông luôn dành "nhiều sự tôn trọng" cho Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhưng chỉ trích quyết định của bà hồi năm 2015 cho phép làn sóng một triệu di dân nhập cảnh là một "sai lầm thảm họa" mở cửa cho những vụ tấn công khủng bố.
Từ những năm 1950 NATO vẫn được xem là nền tảng của hệ thống phòng thủ tây Âu, mở rộng khu vực hoạt động của mình trong thời hậu Chiến tranh Lạnh đến sát biên giới của Nga trước sự tức tối của nước này. Hiệp ước thành lập liên minh quy định các nước thành viên phải xem một cuộc tấn công nhắm vào bất kỳ nước nào là một cuộc tấn công nhắm vào tất cả các nước.
Một phát ngôn viên Điện Kremlin của Nga cho biết ông đồng ý với ông Trump rằng NATO, được các quan chức Nga mô tả là tổ chức thù địch còn sót lại từ thời Chiến tranh Lạnh, đã lỗi thời.
*********************
Trump nói Merkel 'sai lầm nghiêm trọng' về di dân (BBC, 16/01/2017)
Ông Trump nói sẽ tiếp tục viết trên Twitter để đáp trả những tin tức "không trung thực"
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump nói Thủ tướng Đức Angela Merkel phạm "sai lầm rất nghiêm trọng" khi nhận hơn một triệu người di cư.
Ông nhận định bà Merkel là nhà lãnh đạo quan trọng nhất của Châu Âu.
Ông Trump nói chi tiết về mục tiêu chính sách đối ngoại của ông trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Anh và Đức.
Ông nói với tờ Times và Bild rằng ưu tiên của ông là tạo ra giao thương công bằng hơn đối với Mỹ và có biên giới vững mạnh.
Ông cho biết Mỹ phải giải quyết thâm hụt thương mại với phần còn lại của thế giới, nhất là với Trung Quốc.
Tầm quan trọng của chính quyền Trump là thương mại thông minh, chứ không phải là thương mại tự do, ông nói.
Cuộc phỏng vấn được nghị sĩ Anh Michael Gove, người đóng vai trò chủ chốt trong chiến dịch trưng cầu dẫn đến Brexit, thực hiện cho tờ Times. Ông Gove chia sẻ trên Twitter hình chụp ông và ông Trump tại Trump Tower.
Khi được hỏi về một thỏa thuận có thể với Nga, ông Trump nói đó là "cắt giảm đáng kể" vũ khí hạt nhân đổi lại việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt của Mỹ.
Về Trung Đông, ông lên án cuộc xâm chiếm Iraq năm 2003 có thể là quyết định tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ, và cho biết các khu an toàn nên được thiết lập tại Syria và các đồng minh vùng Vịnh của Hoa Kỳ phải trả chi phí cho việc này.
Những điểm chính trong cuộc phỏng vấn Trump :
- Brexit : Đó là quyết định "thông minh" của Anh quốc
- Giao thương Anh - Mỹ : "Chúng ta sẽ có một cái gì đó được thực hiện rất nhanh chóng"
- Angela Merkel : Bà ấy phạm "sai lầm nghiêm trọng" khi nhận một triệu người di cư
- EU : "Đó là phương tiện cho Đức" và các quốc gia khác cũng sẽ rời khối này vì tức giận vì vấn đề di dân
- Nato : Đã "lỗi thời" nhưng "rất quan trọng với tôi"
- Thỏa thuận hạt nhân với Iran : Đó là "một trong những thỏa thuận ngu ngốc nhất mà tôi từng thấy"
- Cuộc chiến Iraq : Giống như 'ném đá tổ ong'
- Twitter : "Tôi sẽ tiếp tục viết trên Twitter [từ khi vào Nhà Trắng] để đáp trả những tin tức "không trung thực"
Ông Trump cũng nói ông nghĩ Anh "rất thông minh" trong việc rời EU.
"Các nước đều muốn có bản sắc riêng và Anh quốc muốn bản sắc riêng của họ", ông nói.
"Tôi nghĩ rằng quý vị đang làm rất tốt".
Ông dự đoán rằng sẽ có thêm nhiều nước [ở Châu Âu] đi theo hướng này.
***********************
Nga : Còn sớm để xem xét phát biểu đổi trừng phạt lấy cắt giảm vũ khí của ông Trump (VOA, 17/01/2017)
Tư liệu- Các quan chức Quốc phòng Nga đang nhìn xuống một hầm phóng tên lửa xuyên lục địa Topol-M, Nga.
Hôm thứ Hai, Nga nói còn quá sớm để nhận xét về các đề xuất chính sách từ Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, người đề xuất trong một cuộc phỏng vấn với báo chí rằng ông sẽ ủng hộ việc bãi bỏ lệnh trừng phạt Nga để đổi lấy một thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân.
Phát ngôn viên của Tổng thống Nga Dmitry Peskov nói với các nhà báo : "Chúng ta hãy chờ đợi cho đến khi ông nhậm chức trước khi chúng tôi đưa ra đánh giá về bất kỳ sáng kiến nào".
Ông Trump đã đưa ra phát biểu trên trong một cuộc phỏng vấn chung với báo The Times của London và báo Bild của Đức.
Ông đã chỉ trích sự can thiệp của Nga tại Syria và lặp đi lặp lại điều đã nói trong chiến dịch vận động của ông về NATO rằng liên minh này là "lỗi thời" và nhiều thành viên đã không đóng góp phần của họ. Nhưng ông cũng nói rằng "NATO rất quan trọng đối với tôi".
Tại Brussels hôm thứ Hai, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nói phát ngôn của ông Trump đã gây "bất ngờ và lo lắng" giữa các nước thành viên NATO.