Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

06/05/2024

Điểm báo Pháp - Pháp không ảo tưởng khi tiếp Tập Cận Bình

RFI tiếng Việt

Ukraine và thương mại : Pháp không ảo tưởng khi tiếp Tập Cận Bình

Chuyến thăm Pháp của chủ tịch Trung Quốc chiếm hầu hết trang nhất của các nhật báo Paris hôm 06/05/2024. Chiến tranh Ukraine và thương mại là hai hồ sơ chính trong cuộc gặp giữa tổng thống Emmanuel Macron và ông Tập Cận Bình.

thuongmai1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến dự cuộc họp ở Hội đồng doanh nghiệp Pháp-Trung ở Paris ngày 06/05/2024. via Reuters - Mohamed Badra / Pool

Le Monde đưa tít "Tập Cận Bình đến Pháp : Những vấn đề của một chuyến thăm". Cũng với ảnh Tập Cận Bình, Les Echos chạy tựa "Chiến tranh và thương mại, hai chủ đề của cuộc họp thượng đỉnh Tập-Macron". Le Figaro nhấn mạnh "Đối mặt với nước Mỹ, Tập Cận Bình chìa tay cho Châu Âu". Libération đánh giá "Hội ngộ Tập-Macron : Pháp lịch sự, Trung Quốc xa cách". La Croix chú trọng tới Gaza, chỉ dành một bài viết nói về "Những chờ đợi của Pháp trong chuyến thăm của Tập Cận Bình". Các nhật báo cũng có những bài viết công phu, lược lại lịch sử 60 năm quan hệ đầy biến động giữa Paris và Bắc Kinh.

Cần thị trường Châu Âu, nhưng Bắc Kinh không nhượng bộ

Le Figaro tuy dành hẳn một trang báo lớn đăng bài viết của ông Tập, nhưng trong bài xã luận "Trung Quốc : Khi Châu Âu sẽ kháng cự", cho rằng trước người khổng lồ ngày càng hiếu chiến thấy rõ, Châu Âu chỉ mới bắt đầu tỉnh thức.

Đó là một Tập Cận Bình ngày càng tỏ vẻ đại đế, đã chọn Pháp để quay lại Châu Âu sau thời kỳ chật vật vì Covid. Thay vì một vinh dự, cần coi đó là một thách thức trước những đảo lộn của hiện tại. Vị chủ tịch suốt đời đầy quyền lực trong bài viết nhắc lại tình hữu nghị 60 năm sau khi tướng De Gaulle lập quan hệ với Trung Quốc cộng sản. Nhưng trước hết ông đến để bảo vệ những lợi ích chiến lược khổng lồ của mình mà không hề thay đổi quỹ đạo.

Quan hệ Mỹ-Trung cả địa chính trị lẫn thương mại vẫn căng thẳng, mối liên kết với nước Nga, đang bị phương Tây tẩy chay, được siết chặt hơn, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại một cách nguy hiểm... Bắc Kinh cần thị trường Châu Âu để tiếp tục hưởng lợi từ toàn cầu hóa, đồng thời vẫn bắt tay với Moskva và tất cả những chế độ phi tự do khác để làm yếu đi mô hình phương Tây.

Tập Cận Bình luôn muốn chia rẽ để thủ lợi

Trước một Trung Quốc đang gia tăng chạy đua vũ trang, bành trướng trên Biển Đông, thâu tóm tài nguyên, tung gián điệp và an ninh hoạt động tại các nước... Châu Âu dần dà mở mắt. Trong suốt ba mươi năm ngỡ rằng có thể đưa Trung Quốc vào khuôn khổ cạnh tranh lành mạnh, nhưng nay người ta nhận ra Bắc Kinh trợ giá quy mô cho các ngành kỹ nghệ sản xuất thừa, rồi trút hàng hóa giá rẻ vào thị trường Châu Âu vốn vô cùng cởi mở. Liệu ông Emmanuel Macron có đạt được gì hơn lời hứa "có qua có lại", cái giá tối thiểu để cựu lục địa không đứng về phía Washington ?

Theo Le Figaro, cơ hội hầu như bằng không, cũng như hy vọng Bắc Kinh ngưng hỗ trợ kỹ nghệ vũ khí Nga. Sở dĩ Tập Cận Bình chú trọng đến Pháp là vì ông ta coi đây là nhân tố chia rẽ sức nặng Châu Âu. Giữa tháng 4, ông Tập đã tiếp thủ tướng Scholz, người chỉ lo cứu vãn thị trường xe hơi và máy công cụ Đức. Tập Cận Bình sẽ đến Serbia và Hungary, hai điểm tựa đang bất đồng với Liên Hiệp Châu Âu (EU). Emmanuel Macron cần nhấn mạnh Bắc Kinh đang trên con đường đối nghịch khiến Châu Âu phải kháng cự thay vì hợp tác.

Riêng về chuyến công du Pháp của ông Tập, các báo cho biết ngành ngoại giao đã rất vất vả để thu xếp. Bắc Kinh muốn chủ tịch Trung Quốc được tiếp long trọng ở cung điện Versailles, muốn tháp Eiffel được nhuộm trong ánh sáng màu đỏ… nhưng Paris từ chối. Ngược lại, tuy Élysée đề nghị chỉ thăm duy nhất nước Pháp, Tập Cận Bình không bỏ lỡ cơ hội khiêu khích qua việc sang Belgrade và Budapest.

Châu Âu chỉ mạnh khi đoàn kết trước Trung Quốc

Le Monde cho rằng tuy "nói chuyện với Trung Quốc nhưng không nên ảo tưởng". Tại Pháp, Tập Cận Bình chắc chắn một lần nữa ca ngợi "mối quan hệ đặc biệt" giữa đôi bên, "sự tự chủ chiến lược" trước Hoa Kỳ. Nhưng ở Serbia ông ta sẽ tố cáo vụ NATO oanh tạc vào đại sứ quán Trung Quốc ngày 07/05/1999 mà theo Washington là do nhầm lẫn. Sau đó tại Hungary, ông Tập giúp nâng vị thế của Viktor Orban, người luôn phá rối EU và thân thiết với Vladimir Putin.

Bắc Kinh nói muốn một "Châu Âu mạnh mẽ", nhưng chẳng có gì giả dối hơn. Trung Quốc muốn làm yếu đi các nước dân chủ, phá hoại quan hệ giữa Hoa Kỳ và Châu Âu và ngay trong Liên Hiệp Châu Âu. Năm 2012, Bắc Kinh lăng-xê thượng đỉnh "17 + 1" để toan chiêu dụ các nước Trung Âu và Đông Âu, kéo ra xa khỏi Bruxelles. May mà ý đồ này không thành công.

Tổng thống Emmanuel Macron không bị lừa. Từ 2019, ông luôn mời các nhà lãnh đạo Châu Âu dự những cuộc gặp với nhân vật số một Trung Quốc, dù là ở Paris hay tại Hoa lục. Ông đã đúng. Trước cường quốc thứ nhì thế giới đã được EU coi là "đối thủ có hệ thống", Pháp chẳng có lợi gì khi một mình một ngựa, nghe lời phỉnh nịnh của đồng nhiệm Trung Quốc. Chỉ một Châu Âu đoàn kết mới có cơ hội gây được ảnh hưởng với Bắc Kinh, và cũng không phải trong mọi lãnh vực.

Đối thoại, nhưng không coi là bạn

Cũng theo Le Monde, chờ đợi thái độ trung lập của Trung Quốc về cuộc xâm lăng Ukraine sẽ phản tác dụng : sắp tới Putin sẽ lại thăm Trung Quốc, hai chế độ độc tài đã gắn kết bằng một liên minh không chính thức. Tuy không dám bán vũ khí cho Moskva, Bắc Kinh đã chuyển giao nhiều thiết bị giúp hiện đại hóa kỹ nghệ quốc phòng Nga.

Khi công nhận Trung Quốc cộng sản, Charles de Gaulle đã tuyên bố : "Trong quyết định này, không có việc ủng hộ hệ thống chính trị đang thống trị hiện nay tại Trung Quốc (…). Pháp chỉ nhìn nhận một thực tế thế giới". Sáu mươi năm sau, công thức này vẫn còn giá trị, tuy chỗ đứng của Bắc Kinh trên trường quốc tế đã khác.

Không đối thoại với Trung Quốc không phải là giải pháp, nhưng cũng chẳng nên coi Tập Cận Bình là bạn. Emmanuel Macron khi tiếp riêng ông Tập tại vùng Hautes-Pyrénées ngày mai không nên ảo tưởng. Cuộc đón tiếp trong vòng thân mật này sẽ không mang lại gì hơn cho Pháp và Châu Âu, cũng như cuộc gặp riêng tư ở Brégançon năm 2019 với Vladimir Putin.

Nga chiếm ưu thế trước Ukraine nhờ thiết bị quân sự từ Hoa lục

Liên quan đến Ukraine, tuy ông Tập chỉ gọi điện cho tổng thống Volodymyr Zelensky mỗi một lần cho có lệ, nhưng trong chuyến công du không thể không tránh được chủ đề này, và điều rất đáng quan tâm là sự hỗ trợ quan trọng của Trung Quốc đã giúp Nga chiếm ưu thế trong cuộc chiến.

Về điểm này, Le Monde dẫn lời thứ trưởng ngoại giao Mỹ Kurt Campbell nhấn mạnh đó là cả một kế hoạch chiến lược hoàn chỉnh giữa Trung Quốc và Nga, gây tác động rất lớn. Trong khi Châu Âu đóng cửa với Nga do xâm lược Ukraine, Bắc Kinh nhảy vào thay thế, cả trong những lãnh vực giúp tái khởi động sản xuất vũ khí, xuất khẩu sang Nga tăng 64,2%. Những tuần lễ gần đây các nguồn chính thức của Mỹ chỉ ra vai trò các tập đoàn Trung Quốc, như Dalian Machine Tool cung cấp máy công cụ để chế tạo hỏa tiễn đạn đạo. Trong quý cuối 2023, Nga nhập 70% máy công cụ từ Trung Quốc trị giá 900 triệu đô la.

Các công ty như Wuhan Global Sensor Technology, Wuhan Tongsheng Technology và tập đoàn chuyên về camera giám sát Hikvision bán cho Moskva các thiết bị quang học dùng cho xe tăng, thiết giáp. Bên cạnh đó là động cơ cho drone, động cơ đẩy cho hỏa tiễn hành trình, chất nitrocellulose dùng để chế thuốc súng cho đạn pháo. Thậm chí Bắc Kinh còn giúp Moskva cải thiện năng lực vệ tinh, và cung cấp trực tiếp hình ảnh về cuộc chiến ở Ukraine. Là nhà sản xuất drone lớn nhất thế giới, Trung Quốc cũng đóng vai trò trung tâm : chỉ trong nửa đầu năm 2023 Nga đã mua của Bắc Kinh14,5 triệu đô la các loại drone. Đặc biệt là drone mang đạn dược có thể bay 150 km/giờ đang khống chế chiến trường là do Nga lắp ráp từ thiết bị Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu Maria Snegovaya của CSIS nhận định, Bắc Kinh có một sự tính toán rất ma mãnh : "Phương Tây chi ra rất nhiều nguồn lực để cố ngăn chặn Nga, Nga cũng tiêu thụ vô số nguồn lực cho chiến tranh, và Trung Quốc tin rằng sẽ có lợi rất nhiều mà chẳng phải nhúng tay". Sau khi trừng phạt sáu tập đoàn Trung Quốc vì hỗ trợ Nga, hôm 01/05 Hoa Kỳ vừa cho thêm vào danh sách đen 20 công ty Hoa lục và Hồng Kông. Về phía Liên Hiệp Châu Âu rốt cuộc cũng đã trừng phạt vài công ty Trung Quốc bị nghi là tránh né cấm vận. Các ngân hàng Trung Quốc nay thận trọng hơn trong việc giao dịch với Nga.

Sản xuất thừa, bán phá giá : Trung Quốc bóp chết doanh nghiệp các nước

Về thương mại, Les Echos nhận thấy sự quay lại của "công xưởng thế giới" khiến Châu Âu và Hoa Kỳ vô cùng lo lắng. Những sản phẩm made in China bán dưới giá thành đe dọa sự sống còn của các doanh nghiệp và việc làm ở phương Tây. Bộ trưởng tài chánh Mỹ Janet Yellen đặt vấn đề này lên hàng đầu khi công du Hoa lục cách đây một tháng, và Bruxelles mở nhiều cuộc điều tra về xe hơi điện, đường sắt, năng lượng xanh, sản phẩm y tế... từ Trung Quốc. Mười mấy năm trước, năng lực sản xuất tăng vọt nhờ kế hoạch tái thúc đẩy của Bắc Kinh đã làm chao đảo thị trường thép và nhôm, đánh gục các công ty phương Tây trong những lãnh vực đầy hứa hẹn như pin mặt trời.

Lịch sử lặp lại nhưng lần này hậu quả trầm trọng hơn. Một mặt, nhu cầu nội địa yếu đi sau "zéro Covid", không có kế hoạch hỗ trợ nào, trong khi khủng hoảng địa ốc khiến các gia đình lo tiết kiệm thay vì tiêu xài. Mặt khác, Trung Quốc sản xuất thừa trong các lãnh vực mũi nhọn : xe hơi điện, pin mặt trời và bình điện. Sự mất thăng bằng này còn kéo dài.

Các nhà kinh tế của Rhodium Group nhấn mạnh, xu hướng tự động hỗ trợ nhà sản xuất công nghiệp thay vì người tiêu thụ giúp các công ty Trung Quốc gia tăng sản lượng dù lợi nhuận thấp, không phải lo phá sản như các công ty trong nền kinh tế thị trường. Đồng thời họ cho rằng tuy Bruxelles và Washington chủ yếu lo ngại về công nghệ xanh, sản xuất thừa của Trung Quốc giờ đây liên quan đến toàn bộ các ngành kỹ nghệ. Máy móc, hóa chất, thực phẩm, dược phẩm, dệt may... đều có sản lượng lớn hơn sức tiêu thụ nội địa, thế nên phải tìm cách xuất khẩu thậm chí bán lỗ.

Bắc Kinh nói rằng giá giảm là nhờ cải thiện năng lực cạnh tranh, nhưng không thuyết phục được phương Tây. Ông Joe Biden đã đòi tăng gấp ba thuế quan lên thép Trung Quốc, còn ứng cử viên Donald Trump đe dọa áp thuế 60% lên tất cả mặt hàng từ Hoa lục nếu ông đắc cử. Không chỉ Châu Âu và Hoa Kỳ, mà Brazil, Ấn Độ, Nam Phi, Mexico cũng đang lo hàng Trung Quốc ngăn trở kỹ nghệ nước mình phát triển. Rhodium dự báo nếu sự mất cân bằng này kéo dài, các thị trường mới nổi sẽ phản ứng - một thách thức đáng kể cho "công xưởng thế giới".

 Estonia : "Nga phải thua trong cuộc chiến thuộc địa cuối cùng"

Trên chiến trường Ukraine, đặc phái viên Les Echos tại Kharkiv cho biết từ nhiều tháng qua, thành phố này phải chịu đựng những cuộc oanh tạc dữ dội của Nga, được cho là nhằm dọn đường cho việc đổ quân sang chiếm. Nga đặc biệt nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng : hôm 22/03 tất cả các nhà máy nhiệt điện và trạm biến điện đều bị tấn công, khiến toàn thành phố chìm trong bóng tối.

Tuy nhiên cư dân Kharkiv vẫn bám trụ, từ 300.000 vào những tháng đầu chiến tranh, sau khi những người di tản quay về, dân số hiện nay là 1,3 triệu. Trả lời Les Echos, thị trưởng thành phố nhấn mạnh, Nga muốn biến Kharkiv thành nơi không thể sống nổi. Cũng về cuộc xâm lăng Ukraine, thủ tướng Estonia, bà Kaja Kallas, trong bài phỏng vấn trên Libération khẳng định "Nga phải thua trong cuộc chiến tranh thuộc địa cuối cùng của nước này", và bà ủng hộ việc lập tòa án đặc biệt để xét xử tội ác của Nga.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 184 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)