Đổi chủ ở bộ tham nhũng nhất Nga, Tổng thống Putin dành tiềm lực cho "kinh tế chiến tranh"
Đổi chủ ở bộ tham nhũng nhất Nga, tổng thống Putin dành tiền lực cho "kinh tế chiến tranh" ; Tại sao Nga thắng thế ở Kharkiv ở vùng đông bắc Ukraine ? "Trục Nga - Trung" muốn trở thành một giải pháp thay thế phương Tây ; Tại sao bạo loạn lại bùng phát ở lãnh thổ hải ngoại Pháp Nouvelle Calédonie ở Thái Bình Dương ? Thảm đỏ Cannes 2024 lại chờ một làn sóng #Metoo mới. Trên đây là một số chủ đề của Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.
Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu và tổng thống Nga Vladimir Putin sau một cuộc họp với sĩ quan cấp cao Bộ Quốc phòng tại Moskva, Nga, ngày 19/12/2023. AP - Mikhail Klimentyev
Tổng thống Putin dành tiềm lực cho "kinh tế chiến tranh"
Lần đầu tiên kể từ năm 2012, Bộ Quốc phòng Nga có lãnh đạo mới. Ông Sergei Shoigu phải nhường ghế cho kinh tế gia Andrei Belosov, cựu thủ tướng Nga và cũng là một người trung thành với tổng thống Vladimir Putin. Người giữ chức bộ trưởng quốc phòng lâu nhất lịch sử Nga tạm thời được tổng thống Putin cho "hạ cánh an toàn" sau khi được bổ nhiệm làm thư ký Hội đồng An ninh Nga - một vị trí "rất quan trọng", theo điện Kremlin.
Những tai tiếng tham nhũng được phát giác gần đây trong Bộ Quốc phòng càng khiến uy tín của ông Shoigu thêm sụt giảm kể từ vụ nổi loạn của Yevgeny Prigozhin, ông chủ tập đoàn bán quân sự Wagner. Cho đến nay, ít nhất hai quan chức cấp cao bị bắt : Thứ trưởng quốc phòng phụ trách các dự án xây dựng Timur Ivanov, trợ lý đắc lực của ông Shoigu, bị bắt tháng 04/2024 với cáo buộc nhận hối lộ trong quá trình xử lý các hợp đồng quốc phòng ; người đứng đầu Tổng cục Nhân sự của Bộ Quốc phòng Nga Yury Kuznetsov bị bắt chỉ một ngày sau khi ông Shoigu được bổ nhiệm chức vụ mới, vì bị nghi ngờ "nhận hối lộ quy mô đặc biệt lớn".
Lãnh đạo quân sự "ăn bẫm" trong khi người dân bị huy động cho cuộc chiến được xác định "trường kỳ", có lẽ chính quyền Moskva thấy cần phải chỉnh đốn Bộ Quốc phòng. Và vị trí thư ký Hội đồng An ninh Nga là "lối thoát trong danh dự" cho ông Shoigu, theo nhận định với đài RFI ngày 13/05 của chuyên gia địa-chính trị Ulrich Bounat, nhà nghiên cứu hợp tác với Viện Open Diplomacy :
"Việc cộng sự đắc lực của nguyên bộ trưởng quốc phòng bị bắt cách đây gần hai tuần vì tham nhũng là một dấu hiệu mạnh mẽ cho việc ông Shoigu gần như bị bật khỏi vị trí đó, không hẳn là do tham nhũng vì đó không phải là một tiêu chí trong chính quyền Nga. Nhưng dù sao vào thời điểm này thì mọi nguồn lực đều cần thiết và đều phải được huy động cho nhu cầu của quân đội. Đúng là có ai đó (ông Andrei Belosov) nổi tiếng chính trực, chí ít là trong mắt chính quyền Nga, cũng có thể là cơ hội để dọn bớt những thành phần tham nhũng. Nhưng cần phải nhắc lại rằng tham nhũng là điều gì đó thuộc về cơ cấu trong cách hoạt động của Kremlin. Không phải vì thế mà tham nhũng sẽ biến mất. Nhưng có thể một số thành phần tham nhũng sẽ bị đưa ra khỏi Bộ Quốc phòng trong những tháng tới".
Chiến tranh Ukraine : Tại sao Nga thắng thế ở Kharkiv ?
Tình hình chiến sự ở Kharkiv, miền đông Ukraine, "vô cùng khó khăn" trước cuộc tấn công bất ngờ của quân Nga từ ngày 10/05. Đích thân tổng thống Volodymyr Zelensky đến thị sát chiến trường ngày 16/05 và họp nội các chiến tranh. Quân Nga tấn công nhiều làng mạc và chiếm được vài trăm km2. Tuy nhiên, tổng thống Zelensky trấn an đã ngăn được "đà tiến" của đối thủ ở một số khu vực trong vùng đông bắc và "vẫn kiểm soát" được tình hình.
Tại sao Nga lại bất ngờ tấn công vùng Kharkiv ? Trả lời RFI ngày 11/05, trung tá Jérôme de Lespinois, nhà nghiên cứu tại Viện Chiến lược so sánh (ISC), phân tích :
"Đây là một vùng biên giới với Nga, nhất là với vùng Belgorod được coi là giao điểm quân sự quan trọng về mặt hậu cần và cũng là nơi đặt bộ chỉ huy các chiến dịch ở Ukraine. Có lẽ đây không hẳn là một cuộc tấn công có quy mô lớn. Cho nên người ta thắc mắc về mục đích thực sự của Nga".
Dựa vào dấu hiệu nào để có thể nói đây không phải là một cuộc tấn công lớn ?
"Dựa vào những phương tiện được huy động. Kharkiv là một vùng đồng bằng nên có thể dễ dàng huy động đông đảo xe bọc thép. Nhưng tôi thấy phía Nga huy động những phương tiện có thể coi là hạng nhẹ. Có lẽ đây là một đợt trinh sát vũ trang nhiều hơn là một cuộc tấn công lớn. Do đó người ta thắc mắc đây có phải là sự khởi đầu của một cuộc tấn công lớn hay không và liệu cuộc tấn công vũ trang này có phải là tìm cách thăm dò hệ thống phòng thủ của Ukraine vốn tương đối yếu trong khu vực hay đó là một kiểu đánh lạc hướng các chiến dịch cho đến giờ vẫn chủ yếu tập trung ở vùng Donbass".
Trả lời báo giới ngày 17/05 tại Cáp Nhĩ Tân trong chuyến công du Trung Quốc, tổng thống Nga phủ nhận ý định xâm chiếm Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine khi phát biểu "những dự án như vậy hiện không tồn tại". Tuy nhiên, ông Putin nhắc đến ý định tạo một "vùng an toàn, một vùng đệm" dọc biên giới do Ukraine liên tục oanh kích các vùng lân cận của Nga.
"Trục Nga - Trung" : Giải pháp thay thế phương Tây ?
Tổng thống Nga Vladimir Putin chọn Trung Quốc cho chuyến xuất ngoại đầu tiên của nhiệm kỳ thứ 5. Chuyến công du hai ngày 16-17/05/2024 cũng là lần thứ hai ông đến Bắc Kinh trong hơn 6 tháng. Chủ tịch Tập Cận Bình và tổng thống Vladimir Putin ca ngợi mối quan hệ song phương là "một tác nhân ổn định trên trường quốc tế" và sẵn sàng "ủng hộ công bằng và công lý trên thế giới".
Trung Quốc và Nga tự coi là một trục mới thay thế cho phương Tây. Trả lời RFI ngày 16/05, nhà nghiên cứu Emmanuel Véron, chuyên gia về Trung Quốc đương đại, Viện Inalco tại Paris, nhận thấy hai nhà lãnh đạo Putin và Tập Cận Bình gia tăng các cuộc trao đổi từ năm 2022 :
"Điều đáng quan tâm ở đây là chúng ta thấy rằng ông Putin, một lần nữa, ngay sau khi được bầu làm tổng thống thêm nhiệm kỳ mới, đã dành chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Trung Quốc. Đó như trở thành một kiểu "truyền thống ngoại giao Nga hướng đến Trung Quốc" nhằm mục đích củng cố mối quan hệ Nga-Trung trên mọi lĩnh vực, từ ngoại giao đến kinh tế hay về mặt chiến lược để dần dần xây dựng thế cạnh tranh mới.
Chuyến công du cũng nhằm gửi một tín hiệu mạnh mẽ về mối quan hệ Nga-Trung bền vững trên mọi mặt đến Hoa Kỳ, nhìn rộng hơn là đến phương Tây, cũng như đến những nước khác, đồng thời cho thấy một mô hình mới, một giải pháp thay thế phương Tây cho các nước đang phát triển. Vì vậy thông qua chuyến công du này còn có một thông điệp rõ ràng gửi đến một phần của Châu Á, một phần Châu Phi và một phần Nam Mỹ và Trung Cận Đông rằng hiện giờ có một giải pháp thay thế tiếng nói của Washington, của Liên Hiệp Châu Âu hay của những chính phủ Châu Âu trong các vấn đề thế giới".
Nouvelle Calédonie : Nguồn cội của bạo loạn ?
Nouvelle Calédonie (Tân Đảo), vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở Thái Bình Dương, đang trải qua giai đoạn khủng hoảng kể từ khi bạo loạn bùng nổ trong đêm 13-14/05. Tình hình "tạm yên ắng" sau khi nhiều biện pháp hạn chế được ban hành như cấm tụ tập, mang vũ khí, bán rượu, cũng như lệnh giới nghiêm. Tuy nhiên, trong đêm 17-18/05, nhiều vụ đập phá, gây rối lại xảy ra ở phía bắc thủ phủ Nouméa.
Cho đến ngày 18/05, có ít nhất 6 người thiệt mạng, thiệt hại về tài sản ước tình khoảng 200 triệu euro và gây tình trạng khan hiếm thực phẩm. Azerbaidjan, mạng xã hội TikTok… bị cáo buộc là một trong những tác nhân kích động bạo loạn ở Nouvelle Calédonie. Tại sao bạo loạn lại bùng phát ở vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp ?
Trang Franceinfo ngày 17/05 giải thích nguyên nhân chính là do chính phủ Pháp muốn cải cách Hiến Pháp để mở rộng thành phần cử tri. Thực vậy, Nouvelle Calédonie là vùng lãnh thổ hải ngoại tự trị, có ba vùng và mỗi vùng có nghị viện và cơ quan hành pháp riêng. Chiếu theo Thỏa thuận Nouméa ngày 05/05/1998, chỉ những người được coi là công dân Nouvelle Calédonie, được xác định theo những tiêu chí đặc biệt thì mới có thể được đi bầu cử cấp vùng hoặc tham gia các cuộc trưng cầu dân ý liên quan đến địa phương. Ví dụ, những người sống ở Nouvelle Calédonie từ 1988 đến 1998 hoặc con cái có cha mẹ hoặc một trong hai người có đủ điều kiện trên có thể được hưởng quyền lợi cử tri.
Những quy định này bảo đảm quyền đại diện phù hợp cho người bản địa, tức người Kanak, chiếm khoảng 41% dân số Nouvelle Calédonie. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là khoảng 1/5 dân cư ở đây bị loại khỏi quá trình bầu cử : 19,28% dân số vào năm 2023, theo Thượng Viện Pháp, so với 7,46% vào năm 1999. Và bộ trưởng nội vụ Gérald Darmanin nhận định tình hình này "đi ngược lại những nguyên tắc dân chủ và những giá trị của nền Cộng hòa".
Ngày 15/05, biện pháp cải cách được đưa ra bỏ phiếu ở Hạ Viện nhằm cho phép những người sống ở Nouvelle Calédonie từ ít nhất 10 năm được phép đi bầu cử, như vậy số lượng cử tri sẽ tăng thêm 14,5% (gồm 12.441 người sinh ra ở Nouvelle Calédonie và 13.400 công dân Pháp), theo một báo cáo của Thượng Viện Pháp. Tuy nhiên, phe chủ trương độc lập Nouvelle Calédonie đã kêu gọi biểu tình phản đối vì sợ rằng sẽ bị "lép vế" trong bối cảnh ba cuộc trưng cầu dân ý gần đây về độc lập cho Nouvelle Calédonie đều thất bại. Tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát và trở nên hỗn loạn như hiện nay.
Theo giới chuyên gia, Paris và Nouméa cần mở đối thoại, gặp gỡ trực tiếp người dân để tháo gỡ khủng hoảng. Chuyên gia Jean-François Merle, nguyên cố vấn của thủ tướng Rocard năm 1988, cho rằng chính phủ hiện tạo cảm giác "thiên vị một bên" và giờ cần phải sửa chữa điều đó.
Pháp : Thảm đỏ Cannes lại chờ một làn sóng #Metoo mới
Phong trào #Metoo lan rộng đến Liên hoan phim Cannes lần thứ 77 khai mạc tối 14/05/2024 dù trước đó, ông Thierry Frémaux, trưởng đại diện cho Liên hoan phim Cannes, bày tỏ mong muốn "tổ chức một Festival không có luận chiến" và "chỉ chăm chút vào lý do chúng ta ở đây, đó là vì điện ảnh".
Rất nhiều "phụ nữ mạnh mẽ" quyết định lên tiếng tố cáo tình trạng lạm dụng, bạo hành tình dục và cưỡng hiếp trong nền nghệ thuật thứ 7 tại Pháp. Một ngày trước lễ khai mạc, đông đảo người biểu tình trước Trung tâm Điện ảnh và Hoạt hình Quốc gia (CNC) ở Paris đòi cách chức chủ tịch Dominique Boutonnat, phải ra tòa vào tháng 6 vì bị cáo buộc xâm hại tình dục con trai nuôi. Trang web của tạp chí Elle đăng lời chứng của 9 nữ nghệ sĩ hoặc học việc vì bị nhà sản xuất Alain Sarde quấy rối, tấn công tình dục hoặc cưỡng hiếp trong giai đoạn đầu sự nghiệp của họ. Trước đó là nữ diễn viên Judith Godrèche cáo buộc đạo diễn Jacques Doillon cưỡng hiếp khi cô 14 tuổi hoặc Isild Le Besco ra cuốn sách về "những năm tháng bị Benoît Jacquot thao túng"…
Chỉ vài giờ trước lễ khai mạc Liên hoan phim Cannes, gần 150 tên tuổi lớn ký chung một diễn đàn đăng trên nhật báo Le Monde yêu cầu một "luật toàn diện" chống bạo hành tình dục. Anna Mouglalis, một trong số những nghệ sĩ ký chung diễn đàn, giải thích thêm trên đài RFI ngày 14/05 :
"(…) Một luật toàn diện thực sự có nghĩa là phải nhìn nhận vấn đề của các vụ bạo hành giới và tình dục theo cách này. Đó là một vấn đề đối với tất cả mọi người : cứ ba phụ nữ thì có một người là nạn nhân trên thế giới và ở Pháp cũng vậy. Những câu chuyện đó không phải là chỉ xảy ra với những người khác. Mục đích của cuộc tập hợp lần này cũng là để đưa những "vụ lớn" khỏi thế cô lập, những vụ việc mà chúng ta đã nghe nói đến trong bảy năm. Người ta vẫn tự hỏi liệu #Metoo có tồn tại ở Pháp hay không, #Metoo tồn tại. Nhưng những tai tiếng như thế bị cô lập hoàn toàn trong các môi trường xã hội-nghề nghiệp… Tập hợp lại lần này là để nói rằng không thể chấp nhận, không thể chịu đựng những chuyện như thế. Cuộc sống của chúng ta không phải là hạ cấp, nỗi đau của chúng ta không phải là thứ yếu và các cuộc đấu tranh của chúng ta cũng tương tự. Ở một đất nước hòa bình, thật đáng ngạc nhiên khi vẫn có rất nhiều tội ác chống lại phụ nữ".
Thu Hằng