Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

18/06/2024

Điểm báo Pháp - Hội chợ vũ khí Eurosatory

RFI tiếng Việt

Hội chợ vũ khí Eurosatory : Tấm gương phản chiếu cuộc chiến ở Ukraine

Le Monde ngày 18/06/2024 coi "Hội chợ Eurosatory là tấm gương phản chiếu chiến tranh". Những khẩu đại bác khạc lửa ở Ukraine, cách Paris 2.500 kilomet, nhưng tiếng vọng có thể nghe thấy ở tận Villepinte, nơi diễn ra hội chợ vũ khí lớn nhất thế giới.

eurosatory1

Drone Patroller hoạt động tầm trung do tập đoàn Safran (Pháp) sản xuất được trưng bày tại hội chợ vũ khí quốc tế Eurosatory ở Villepinte, ngoại ô Paris, ngày 17/06/2024. Reuters - Tessier

Cuộc xâm lăng Ukraine thúc đẩy chạy đua công nghệ

Với trên 2.000 gian hàng triển lãm của 61 nước - Nga bị loại, còn Israel không được mời vì chiến tranh Gaza - Eurosatory là kho hàng của tất cả những gì cần thiết cho cuộc chiến giữa Nga và Ukraine : đại bác, drone, hỏa tiễn địa-không, chuỗi vệ tinh, chiến tranh mạng... Những thiết bị được trí thông minh nhân tạo (AI) làm tăng cao hiệu quả. Có rất nhiều thay đổi kể từ hội chợ lần trước, năm 2022, khi mọi người đều sững sờ trước sự kiện Nga xâm lăng Ukraine.

Tổng thống Emmanuel Macron đã kêu gọi 4.000 công ty kỹ nghệ căn bản và công nghệ quốc phòng tiến hành "kinh tế chiến tranh" để sản xuất "nhanh hơn, mạnh hơn, giá rẻ hơn". Những tiến bộ đã thấy rõ nơi những thiết bị triển lãm.

Chưa bao giờ những vũ khí được điều khiển từ xa (drone, thiết bị chống drone...) hiện diện dày đặc như vậy trên chiến trường. Chưa bao giờ AI hỗ trợ các chiến binh mạnh mẽ như vậy để xử lý khối dữ liệu nhận được ngày càng lớn, nhằm tấn công xe tăng, đại pháo, sở chỉ huy địch. Chưa bao giờ chu trình sáng tạo lại ngắn như vậy, như cuộc đua giữa Nga và Ukraine hiện nay. Và chưa bao giờ các tập đoàn chịu khó dòm ngó các viên ngọc công nghệ như vậy.

Vai trò của drone và trí thông minh nhân tạo

Le Figaro dẫn lời tướng Bernard Barerra nhấn mạnh, chiến tranh Ukraine mở đầu cho phối hợp tác chiến giữa các phương tiện khác nhau : cảm biến, radar, rốc-kết, sở chỉ huy, phi cơ, vệ tinh ; thời gian đưa ra quyết định ngắn hơn và các hoạt động tăng nhanh tốc độ. Số lượng vũ khí sản xuất của Pháp chưa đạt quy mô như mong muốn, nhưng số đại bác tầm xa Caesar từ 2 khẩu mỗi tháng đã tăng lên 8 và sắp tới là 12, đạn pháo 155 ly tăng 50%, hỏa tiễn phòng không Mistral tăng gấp đôi. Tương tự đối với radar GM, đạn mooc-chê 120 ly cho thiết giáp. Đặc biệt Patroller, drone chiến thuật mới của lục quân có tầm hoạt động 250 kilomet.

Tại Eurosatory có 120 nhà sản xuất drone, gấp đôi hội chợ kỳ trước, trong đó Capa-X của Survey Copter được coi là một trong những drone "vơ-đét". Thiết bị này nặng 100 ký, mang nặng được 10 ký trong 10 tiếng đồng hồ trên quãng đường 100 kilomet, được trang bị hệ thống giám sát điện từ để phối hợp tác chiến. Tập đoàn Thales giới thiệu một loạt robot và drone, trong đó có MTO Toutatis, chống lại được việc gây nhiễu.

Nói đến drone thì cũng phải nói đến thiết bị chống drone. Chẳng hạn Sky Jacker của Safran nhằm bảo vệ xe tăng, thiết giáp, tàu... bằng công nghệ "spoofing", đánh lạc hướng địch. Eurosatory cũng phản ánh sự xuất hiện hàng loạt của trí thông minh nhân tạo trong các quân đội. Phiên bản sắp tới của radar GM200 kết nối với các drone và hỏa tiễn, chúng tương tác lẫn nhau và chuyển giao lập tức các dữ liệu đến người lính để nhận diện mục tiêu và phá hủy nhanh nhất.

Israel vắng mặt nhưng xuất khẩu kỷ lục

Les Echos lưu ý "Dù không được Paris mời dự triển lãm, các nhà buôn vũ khí Israel vẫn đạt kỷ lục xuất khẩu". Năm 2023, kỹ nghệ quốc phòng Israel xuất khẩu được 13 tỉ đô la, sổ tay đặt hàng đầy kín trong ba năm liên tiếp. Năm 2024 cũng đầy hứa hẹn cho Nhà nước Do Thái với 50 tỉ đô la đặt hàng cho ba tập đoàn lớn Israël Aerospace Industries (IAI), Rafael và Elbit.

Trong năm ngoái, Israel có được hợp đồng thế kỷ, bán hệ thống lá chắn tên lửa Arrow 3 cho Đức giá 3,5 tỉ đô la. Phần Lan mua hệ thống "David Sling" để chặn hỏa tiễn tầm trung giá 317 triệu đô la. Vũ khí chiếm 1/3 doanh số xuất khẩu và tỉ lệ này sẽ còn tăng sau khi Israel chặn được đến 99% trong số 350 hỏa tiễn và drone tự sát từ Iran vào giữa tháng 4.

Hội nghị hòa bình cho Ukraine tương đối thành công

Nhìn lại hội nghị về hòa bình cho Ukraine tại Thụy Sĩ vừa qua, Le Monde cho rằng kết quả chỉ tương đối. Có đến gần 100 phái đoàn tham dự mà phân nửa là CChâu Âu, nhưng số quốc gia ký vào bản thông cáo chung chỉ có 79, trong đó không có nước nào thuộc khối BRICS.

Như đã dự đoán, văn bản tái khẳng định "nguyên tắc chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước kể cả Ukraine", tố cáo việc "quân sự hóa an ninh lương thực", cảnh báo mối nguy nguyên tử nhất là xung quanh nhà máy Zaporijia, kêu gọi đưa về nước các trẻ em bị bắt sang Nga. Những khái niệm này đã được biết từ lâu nhưng không có bước tiến nào hơn ; trong khi Vladimir Putin đòi hỏi phải đầu hàng. Trong bối cảnh đó, theo một nhà quan sát, thông cáo chung còn yếu hơn những nghị quyết trước đó của Liên Hiệp Quốc, chẳng hạn văn bản tháng 2/2023 được 141 quốc gia ký kết, đòi hỏi Nga rút quân ngay lập tức khỏi Ukraine.

Tóm lại, để thuyết phục "các nước phương Nam" tham gia vào một sự kiện không liên quan trực tiếp đến họ, các nhà tổ chức đã chuẩn bị một văn bản nhẹ nhàng. Trên thực tế, phân nửa số nhà lãnh đạo Châu Âu hiện diện chỉ lưu lại vài tiếng đồng hồ để chụp hình chung, ăn tối chứ ít có những trao đổi riêng. Tổng thống Mỹ Joe Biden vắng mặt do phải tham gia một hoạt động gây quỹ tranh cử. Về phía nước chủ nhà thì tỏ ra hài lòng về hội nghị, được coi là thành công ngoại giao.

Pháp huấn luyện cấp tốc phi công Ukraine, chuẩn bị cho F-16

Về mặt quân sự, để chuẩn bị cho việc đón nhận các chiến đấu cơ F-16, Không quân Pháp đang huấn luyện cho một số phi công trẻ tuổi của Ukraine, tại một địa điểm giữ bí mật. Các báo khi tường thuật đều ghi nhận việc tiếp thu nhanh chóng của các quân nhân Ukraine, vốn đã được bồi dưỡng tiếng Anh 6 tháng tại Anh quốc trước đó, nên có thể trao đổi trực tiếp với người huấn luyện. Họ ý thức rằng tổ quốc đang trông cậy vào mình, khi quân Nga đang khống chế cuộc chiến trên không.

Le Monde miêu tả những khuôn mặt trẻ trung nhưng ánh nhìn nghiêm trọng, trong bộ đồ phi công, vừa kín đáo vừa kiệm lời. Họ được đào tạo từ tháng 3, nhưng giữa tháng 6 Không quân Pháp mới mở cửa cho báo chí. Các phi cơ được dùng để huấn luyện không phải là F-16 mà là Alphajet, với ưu điểm bảng điều khiển tương tự như F-16. Paris cam kết đào tạo 26 phi công Ukraine trong hai năm, và theo thỏa thuận với Kiev, nội dung được rút gọn, thời gian là 6 tháng thay vì 18 tháng như thường lệ.

Họ tập bay cặp để tuần tra, điều mà Ukraine không quen, bay "chiến thuật" (bay rất thấp ở 150 mét), bắn đại bác 30 ly… Không thể bay thực 150 giờ, mà 24 giờ trên Alphajet và 50 giờ trên hệ thống mô phỏng. Sau đó học viên sang Romania để tập trên F-16 thực sự. Le Figaro dẫn lời chỉ huy căn cứ giải thích, học điều khiển ngay trên F-16, Mirage hay Rafale hết sức khó. Các chiến đấu cơ này bay rất nhanh, hệ thống vũ khí phức tạp, còn Alphajet giúp đạt được những kỹ năng căn bản.

Libération cho biết thêm, khoảng 20 phi công Pháp kỳ cựu trong đó có một huyền thoại về phi cơ tiêm kích phụ trách chương trình, phân nửa là quân nhân thường trực. Lương cho quân nhân dự bị là 150 euro một ngày, chỉ là giọt nước so với chi phí đào tạo một phi công tiêm kích ước tính nhiều triệu euro. Vào mùa khai trường này, mười chàng trai tuổi từ 21 đến 23 thay vì ghi danh học thạc sĩ, sẽ phải đi vào cuộc chiến ngay từ đầu năm 2025 để thực hiện những nhiệm vụ nguy hiểm, đối đầu với các thiết bị gây nhiễu GPS, hỏa tiễn và không quân Nga mạnh gấp mười lần.

Israel và cái giá khổng lồ cho cuộc chiến với Hamas

Tại một đất nước khác cũng đang chiến tranh là Israel, Libération nói về cái giá của cuộc chiến với Hamas, dựa trên tính toán của cơ quan Bloomberg. Khoảng mấy chục tỉ vũ khí đã thành mây khói trong cuộc chiến kể từ ngày 07/10. Kỷ lục đạt được là 1 tỉ đô la chỉ trong vòng một đêm 14/04 khi Iran phóng sang hàng loạt hỏa tiễn và drone tự sát. Hệ thống Vòm Sắt đã chặn được hầu hết, nhưng mỗi vụ bắn chặn tốn từ 40 đến 50.000 đô la.

Mỗi hệ thống hoàn chỉnh trị giá gần 100 triệu đô la gồm radar, máy tính, ba hay bốn hệ thống phóng – mỗi hệ thống chứa 20 hỏa tiễn bắn chặn. Phía Iran chỉ tốn bằng 1/10 vì chỉ riêng hỏa tiễn Patriot đã đắt gấp 40 lần so với hỏa tiễn Iran. Ước tính từ nay đến 2025 Israel phải chi ra 65 tỉ đô la. Về phía Gaza, ngoài cái giá sinh mạng, cơ sở hạ tầng bị tiêu hủy lên đến 18,5 tỉ đô la, 40 năm đầu tư coi như trở thành số không.

Vụ "harakiri" của Macron

Chính trường Pháp vẫn chiếm trang nhất tất cả các báo hôm nay. Le Monde quan tâm đến "Các đơn vị bầu cử sẵn sàng ngả sang phía cực hữu", Libération khẳng định "Cực hữu, ngõ cụt về văn hóa". Le Figaro nhận thấy "Vẫn đang dưới cú sốc, phe Macron tìm kiếm đồng minh", La Croix dùng hình ảnh những mảnh puzzle sắp hình, chạy tít "Việc phối kết được đẩy nhanh". Nhật báo kinh tế Les Echos nói về "Các doanh nghiệp trong cú sốc chính trị".

Quyết định giải tán Quốc hội của tổng thống Emmanuel Macron tiếp tục bị chỉ trích. Libération coi đây là "tự sát chính trị", Le Figaro gọi là "vụ giải tán ‘harakiri’ của Macron". Đối mặt với Tập Hợp Dân Tộc (RN) và Mặt trận Bình dân mới, đảng cầm quyền cho thấy bản chất chỉ là tòa lâu đài trên cát. Không được lòng dân, thiếu mạng lưới bắt rễ sâu ở cơ sở, bất định : các dân biểu đảng này nay phải trả giá.

Les Echos đặt câu hỏi : "Một liên minh chống cực đoan liệu có khả thi ?". Phe Macron nhắm vào các nhân vật dân chủ xã hội đã liên kết với cực tả để tranh giành cử tri của họ. Những chiến lược gia của đảng cầm quyền cho rằng người Pháp muốn thay đổi, nhưng không muốn phiêu lưu. Sau bất ngờ lúc đầu, cử tri có thể cân nhắc, nếu cực tả hay cực hữu lên nắm quyền thì sẽ thiệt hại như thế nào ? Câu trả lời là : Quá nhiều ! Trước hai "chương trình điên rồ" - theo Macron - cần đưa ra những đề nghị hợp lý và xây dựng một khối trung dung. Những nhân vật kỳ cựu như François Bayrou, Edouard Philippe muốn có "liên minh mới", đảng cầm quyền nên mở rộng sang cánh hữu và cánh tả để thoát khỏi bế tắc. Có hai luồng ý kiến khác nhau : hoặc lập liên minh ngay lập tức, hoặc sau bầu cử, và Emmanuel Macron nghiêng sang hướng thứ hai.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 116 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)