Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

19/08/2017

Điểm tin báo chí Pháp - Những tiết lộ mới về bác sĩ Đức quốc xã

RFI tiếng Việt

Thế Chiến II : Những tiết lộ mới về bác sĩ Đức quốc xã

Thế giới tưởng đã biết hết mọi bí mật về sự tàn bạo của chủ nghĩa quốc xã, nhờ các hồ sơ lưu trữ được đưa ra ánh sáng. Tuy nhiên, gần đây, một bộ sưu tập não nạn nhân bị giết bằng phương pháp "an tử" (chết êm dịu, euthanasia) trong chương trình T4, được phát hiện trong kho của Viện Max-Planck, một trong những cơ quan nghiên cứu nổi tiếng của Đức. "Những tiết lộ mới về bác sĩ quốc xã" được tuần san L’Obs đưa trên trang nhất và dành 11 trang điều tra.

thechien1

Đường tầu dẫn đến trại tập trung Auschwitz thời Đức quốc xã (1940-1945). Wikipedia

Bộ sưu tập não "những người vô ích"

Aktion T4 là mật mã của chiến dịch bí mật "an tử" nhằm loại "những người vô ích". Trong số các nạn nhân có rất nhiều trẻ em bị Đức quốc cho là không đáng sống, nhưng chúng phục vụ lợi ích "khoa học". Cùng với phát hiện ở Đức, một phát hiện khác ở thành phố Strasbourg (Pháp) cũng khiến người ta kinh ngạc : phần thi thể còn lại của nhiều nạn nhân thí nghiệm của một bác sĩ quốc xã mới được an táng. Bị bỏ quên hay bị che giấu ? Dù ở Pháp hay ở Đức, tất cả đều nằm trên giá của các viện nghiên cứu trong suốt 70 năm.

Trong Thế Chiến II, chương trình loại bỏ người tàn tật mà Hitler muốn tiến hành đã giúp bác sĩ phẫu thuật thần kinh Julius Hallervorden lập "bộ sưu tập" não trẻ em. L’Obs lật lại hồ sơ ngày 28/10/1940 khi một chiếc xe ca chở 58 trẻ em đến "Bệnh viện công Brandeburg", thực ra là một phòng hơi ngạt. Cũng như những chuyến xe khác, chiếc xe chở đầy người vào trong và khi quay ra thì trống rỗng. "Bệnh viện Brandeburg" chính là phòng hơi ngạt đầu tiên được thí điểm tại Đức.

Tất cả 58 trẻ em đều bị cho là "vô ích" vì bị tàn tật, bị động kinh hoặc tiếp thu chậm ở trường. Đợt thanh trừng đó mang tên K58 (K - "Kinder" (trẻ em) và 58 là số trẻ em được nhận). Tất cả đều bị quên lãng, không tên tuổi, không hình ảnh.

Bác sĩ phẫu thuật thần kinh Julius Hallervorden, làm việc tại Cơ quan Kaiser-Wilhelm, nay là Viện Max-Planck, được mời đến tham dự vì ông hợp tác chặt chẽ với bác sĩ nhi Hans Heinze, người phát hiện ra một vài trường hợp đáng quan tâm cho đồng nghiệp chuyên về thần kinh.

Bác sĩ Heinze, tham gia quốc xã ngày từ đầu và tuyệt đối tin vào sự thuần khiết chủng tộc, là giám đốc bệnh viện Gorden, nơi điều trị 58 trẻ em trên. Ông khám cho những đứa trẻ này trước khi giết chúng bằng cách tiêm vào động mạch cảnh một loại thuốc tương phản, khiến các nạn nhân khóc vì đau đớn trước khi chết.

Nhà nghiên cứu Catherine Bernstein, tác giả bộ phim tài liệu duy nhất về Julius Hallervorden (2014), khẳng định : "Đó là vụ giết người theo yêu cầu. Hallervorden chọn nạn nhân tùy theo chương trình nghiên cứu của ông ta".

Sau khi đã lấy não ra, thi thể của 58 trẻ em được quân Đức quốc xã mang đến một lò hỏa thiêu ở nông thôn. Tro được đưa vào bình di cốt rồi trao lại cho gia đình với giấy chứng tử giả.

Bác sĩ Hallervorden cắt những bộ não lấy được thành những lát mỏng, sau đó ép chúng giữa hai mảnh kính để nghiên cứu. Tổng cộng, ông "sưu tập" được khoảng 700 bộ não đến từ sáu trung tâm "an tử" tại Đức. Theo con số được L’Obs đưa ra, tính đến tháng 01/1940, sáu trung tâm phục vụ chương trình T4 đã giết 70.273 người. Ngoài ra, vị bác sĩ này còn nhận được nhiều mẫu từ một bệnh viện ở vùng Lorraine (Pháp), lúc đó bị sáp nhập vào Đức.

Tháng 08/1941, Aktion T4 chính thức bị đình chỉ, và thay vào đó là chiến dịch 14f13, "an tử"do địa phương quản lý, đã khiến ít nhất 150.000 người chết, tính đến cuối Thế Chiến II. Năm 1942, các nhà phụ trách chính của chương trình T4 tham gia chiến dịch Reihard (mang tên của Reihard Heydrich). Đây là bước đầu tiên của chiến dịch tận diệt người Do Thái ở Châu Âu, khiến khoảng 5-6 triệu người Do Thái chết vì khí ga.

Năm 1965, Hallervorden chết nhưng bộ sưu tập của ông vẫn được giữ nguyên trong kho lưu trữ của Viện Max-Planck và tại nhiều cơ quan khác ở Đức… và tiếp tục được các nhà nghiên cứu sử dụng. Sau một cuộc chiến đấu dài hơi, nhà sử học Gotz Aly đã buộc Viện Max-Planck thừa nhận nguồn gốc của bộ sưu tập này. Năm 1990, các bộ não trong bộ sưu tập được chôn cất. Câu chuyện tưởng đã hết, nhưng đến năm 2015, rất nhiều bộ não khác đã được phát hiện trong kho của Viện Max-Planck ở Berlin, sau đó là ở Munich. Tháng 06/2017, Viện Max-Planck tiến hành nghiên cứu và tìm kiếm để nhận dạng 700 nạn nhân trong bộ sưu tập của Hallervorden.

Bộ sưu tập xương Do Thái thời quốc xã tại đại học Strasbourg

Trong Thế Chiến II, Strasbourg bị sáp nhập vào Đức. Năm 1944, bác sĩ giải phẫu Đức quốc xã August Hirt lập bộ sưu tập xương từ 86 nạn nhân Do Thái được chuyển từ trại Auschwitz "để có được những mẫu từ mọi nước".

Ngày nay, một số nhà nghiên cứu vẫn tìm được trong tầng hầm, nhiều bộ phận cơ thể, kết quả từ những công trình khổng lồ của bác sĩ August Hirt, như phát hiện của Raphel Toledano, bác sĩ kiêm sử gia về những thí nghiệm của các bác sĩ quốc xã tại đại học Reichsuniversitat.

Mẫu da, mang số 107969, được Toledano tìm thấy trong một căn phòng khóa kín ở Viện Y khoa thuộc đại học Strasbourg. Cũng như rất nhiều sinh viên y khoa khác, Raphel Toledano từng nghe những tin đồn rằng trong trường còn rất nhiều bộ phận của thi thể từ thời Thế Chiến II. Trong kho của Viện Giải phẫu vẫn còn nhiều "lọ" chứa nội tạng.

Để tránh khó xử về những sự kiện lịch sử, một bia tưởng niệm các nạn nhân thời Reichsuniversitat đã được dựng. Đa số các bác sĩ thuộc đại học Reichsuniversitat được ân xá trong những năm 1950.

Hạt nhân Bắc Triều Tiên : Trung Quốc bị mắc bẫy

Từ lâu, Bắc Kinh nhắm mắt làm ngơ để Bình Nhưỡng phát triển hạt nhân. Liệu hiện nay, các lãnh đạo Trung Quốc còn có khả năng thuyết phục được chế độ Kim Jong-un ? Đây là câu hỏi được tuần báo L’Obs đặt ra trong bài viết : "Trung Quốc bị mắc bẫy" trong vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Để thể hiện quan hệ bằng hữu với Bắc Triều Tiên, các lãnh đạo Trung Quốc thường so sánh "như răng với môi", cụm từ được Mao Trạch Đông sử dụng. Thế nhưng, từ khi Kim Jong-un trở thành lãnh đạo trẻ của Bắc Triều Tiên, "răng với môi" không còn giữ vững nữa. Trung Quốc xích sang một bên để Hoa Kỳ đối đầu với những đe doạ hạt nhân, tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. Những lời kêu gọi kiềm chế, đàm phán hòa bình trên bán đảo Triều Tiên của Trung Quốc có gì đó thể hiện sự bất lực của chính quyền Bắc Kinh.

Kim Nhật Thành, nhà sáng lập chế độ hiện nay, tự cho mình là thủ lĩnh cách mạng Châu Á thật sự, và coi Mao Trạch Đông là một lão già, đồng thời quấy nhiễu Mao để có được công nghệ nguyên tử của Trung Quốc. Cuối cùng, chính Liên Xô lại là nhà cung cấp đầu tiên những lò phản ứng cho Bình Nhưỡng. Sau đó, Kim Jong-il khiến các nước bảo trợ bực mình vì cho tiến hành những vũ thử hạt nhân đầu tiên, nhờ trợ giúp của Pakistan. Cùng thời điểm đó, Trung Quốc ký hiệp định không phổ biến hạt nhân và dè chừng một cường quốc nguyên tử ngay sân sau. Nhưng chính lãnh đạo Bắc Triều Tiên hiện nay, Kim Jong-un, mới là người ngày càng trở nên khó bảo.

Tại sao Trung Quốc tỏ ra bất lực để thuyết phục chư hầu của mình đến như vậy ? L’Obs cho rằng nguyên nhân nằm trong khẩu hiệu cho thấy chính sách của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng : "Không chiến tranh, không có bất ổn định, không vũ khí hạt nhân". Trong ba ưu tiên của Trung Quốc, điều quan trọng nhất là loại bỏ mọi nguy cơ dẫn đến xung đột quân sự. Ưu tiên thứ hai là cảnh báo mọi rủi ro rình rập, ví dụ bằng mọi giá tránh thay đổi chế độ. Chỉ ở điểm cuối cùng, người ta thấy lo ngại trong việc chống phổ biến hạt nhân.

Điều quan trọng đối với Bắc Kinh là chế độ Bình Nhưỡng vững chắc, chứ không phải ngăn cản nước láng giềng có vũ khí nguyên tử. Chính vì thế, phải cưng nựng Bình Nhưỡng như một đứa trẻ nhõng nhẽo để đưa Bắc Triều Tiên trên con đường phồn thịnh như Bắc Kinh làm được.

Dù trên nguyên tắc, Bắc Kinh tỏ ra phản đối việc Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân, nhưng trong thâm tâm, Trung Quốc thích nghi với việc này. Thế nhưng, từ 2012-2013, tinh thần lạc quan của chính quyền Trung Quốc bị sụp đổ một phần khi tướng Jang Song-taek, đồng thời là chú của Kim Jong-un, bị hành hình. Đây là gáo nước lạnh cho Bắc Kinh vì ông Jang là nhà đối thoại được Bắc Kinh ưu tiên và là nhà vô địch cho một cuộc cải cách theo mô hình Trung Hoa.

Khi lên cầm quyền, thay vì đến thăm Bình Nhưỡng như truyền thống, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chọn sang thăm Seoul. Năm 2015, tổng thống Hàn Quốc Park Guen-hye được mời tham dự kỷ niệm chiến thắng Thế Chiến II tại Bắc Kinh. Trong dịp này, đặc phái viên của Bắc Triều Tiên thậm chí không được Tập Cận Bình giành cho một buổi nói chuyện. Sau nhiệm kỳ 5 năm của chủ tịch Tập, lãnh đạo hai nước vẫn chưa từng gặp nhau.

Từ đầu 2017, Bình Nhưỡng chuyển sang chỉ trích Bắc Kinh khi Trung Quốc quyết định phê chuẩn các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Những cuộc khẩu chiến gần đây giữa Kim Jong-un và Donald Trump được ngoại trưởng Vương Nghị bình luận có phần hài hước trước Quốc Hội Trung Quốc là "Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên như hai con tầu đang lao thẳng vào nhau. Và, trong vai trò là nhà bẻ ghi, có Trung Quốc, đang cố gắng một cách vô vọng tránh vụ va chạm".

Bắc Triều Tiên-Hoa Kỳ : Canh bài hạt nhân

Vẫn liên quan đến vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, tuần báo Courrier international, trích bài viết của The Atlantic, cho rằng những lời đe dọa "biển lửa và căm hờn" của tổng thống Mỹ nếu Bình Nhưỡng tiếp tục hành vi khiêu khích chẳng có gì đáng tin tưởng. Với The Atlantic, thái độ này lại rất nguy hiểm trước một nhà lãnh đạo như Kim Jong-un, vừa không tin được vừa khó lường.

Venezuela chuyển sang thời chuyên chế

Đây là chủ đề trang nhất của Courrier international. Tuần báo nhận định trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, Venezuela thu mình trong vòng xoáy chuyên chế. Những lời đe dọa can thiệp của Hoa Kỳ càng gia tăng sức ép.

"Bắt mạch thảm kịch" mà Venezuela đang trải qua, Courrier international trích tờ El Universal, cho biết nguồn gốc của thảm kịch chính là dự trữ ngân sách thâm hụt, nợ nần chồng chất khiến quốc gia Nam Mỹ đang bên bờ vực thẳm, trong khi Venezuela nổi tiếng có trữ lượng dầu lửa dồi dào, song lại có chính sách quản lý thất thường. Hậu quả là người dân bỏ nước chạy sang các nước láng giềng, nhiều người còn có cảm giác trở thành ăn mày.

Vậy làm thể nào để Venezuela thoát khỏi một chế độ chuyên chế đang dần hình thành ? Một số người tin vào các cuộc đàm phán giữa chính quyền Maduro và phe đối lập. Nhưng một số khác thì lại nghĩ đến khả năng quân đội lật đổ chính quyền. Tuy nhiên, theo tuần báo Tây Ban Nha Cambio, chế độ Chavez lại rất nâng niu quân đội bằng cách trao nhiều quyền lực quan trọng để quân đội trung thành với chính phủ. Trong khi đó, về mặt đối ngoại, tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa can thiệp quân sự vào Venezuela.

Donald Trump và những ngông cuồng

L’Express tổng kết 7 tháng đứng đầu Nhà Trắng của Donald Trump trong số ra tuần này. Kết quả thu được thật nghèo nàn, trong khi tổng thống Mỹ liên tục đưa ra những ý tưởng phiêu lưu và những tuyên bố nảy lửa, đến mức khiến cả các cố vấn phải ngạc nhiên.

Trong bài viết "Một nhiệm kỳ ở điểm chết", tác giả nhắc lại một số thất bại kể từ khi ông Trump nhậm chức tổng thống : không loại bỏ được bảo hiểm y tế Obamacare như từng hứa khi tranh cử ; Nhà Trắng hai lần đổi chánh văn phòng, giám đốc truyền thông và cố vấn an ninh quốc gia ; cải cách thuế sắp tới cũng có khả năng sụp đổ.

Trong danh sách những người "bất khả xâm phạm", ngoài phó tổng thống Mike Pence, chỉ là những thành viên trong gia đình Trump. L’Express nhận định, tổng thống Trump "cô độc với gia đình mình", "một gia đình trung thành và gắn bó với nhau vì nghi ngờ thế giới bên ngoài gần như hoang tưởng".

Donald Trump bị coi là "Một người lạ trong Phòng Bầu Dục", vì khác với những người tiền nhiệm, ông chưa hề giữ một trọng trách nào trong chính quyền. Thiếu chuẩn bị, lộn xộn và xung động, đôi khi ông bị chính ngay phe Cộng Hòa bỏ rơi. Chưa một đời tổng thống Mỹ nào, kể cả Nixon, lại phải đối mặt với tình hình nguy hiểm đến như vậy.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ
Read 647 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)