Nỗi nhục quá lớn, Iran đành chấp nhận ván bài nguy hiểm
Les Echos ngày 02/10/2024 nhận xét một lần nữa hệ thống Vòm Sắt của Israel chứng tỏ hiệu quả, chặn được hầu hết trong số 200 hỏa tiễn Iran bắn sang. Theo Libération, Tehran lâu nay kềm chế không đáp trả, vì muốn tránh đặt các cơ sở nguyên tử vào vòng nguy hiểm. Thế nhưng nỗi nhục là quá lớn cho các giáo sĩ. Không trả đũa, coi như quy phục sức mạnh của Israel, trong khi giới Hồi giáo Shia đã cáo buộc Iran bỏ rơi Hezbollah, nên Tehran đành chấp nhận rủi ro.
Hệ thống Vòm Sắt của Israel bắn chận sau loạt hỏa tiễn đạn đạo từ Iran bắn sang. Ảnh chụp từ thành phố Ashkelon (Israel) ngày 01/10/2024. Reuters - Amir Cohen
Đường hướng của tân thủ tướng Pháp Michel Barnier và xung đột Trung Đông chiếm tựa chính các báo hôm nay. Le Figaro nhận xét "Phương pháp của Barnier : Thực dụng và thỏa hiệp", Les Echos quan tâm đến việc "Barnier bắt đầu bằng tăng thuế". Le Monde chạy tít "Liban : Israel chuyển sang tấn công trên bộ", La Croix chú ý đến "Những người Công giáo Lebanon bị kẹt trong chiến tranh", Libération đặt câu hỏi "Trung Đông : Chiến tranh còn đi đến đâu ?". Ở các trang trong, sự kiện Iran bắn sang Israel số lượng lớn hỏa tiễn chiếm nhiều giấy mực của báo chí.
Vòm Sắt của Israel lại chứng tỏ hiệu quả
Les Echos nhận xét "Iran bắn gần 200 hỏa tiễn sang Israel, Vòm Sắt hóa giải hầu hết". Hiệu quả của hệ thống phòng không Israel được trắc nghiệm, vì cần ít nhất 10 phút để các hỏa tiễn đạn đạo Iran vượt qua khoảng cách 2.000 km với Israel. Vụ tấn công của Iran gây ngạc nhiên cho các chuyên gia về Trung Đông, vì rủi ro quá cao đối với Tehran.
Ông Ali Vaez thuộc Crisis Group lưu ý trong suốt 45 năm qua, chế độ của các giáo sĩ không đáp trả khi các lực lượng ủy nhiệm bị tấn công nếu Iran không bị trực tiếp nhắm đến. Nếu họ hành động, thì đó là do đánh giá rằng sự kềm chế từ khi thủ lãnh Hamas bị trừ khử trên lãnh thổ Iran cách đây hai tháng sẽ bị Jerusalem coi là dấu hiệu yếu kém, nên cần phải răn đe. Tehran cho rằng "cái giá của không hành động nay đã cao hơn hành động".
Nhưng Iran có nguy cơ đối đầu trực tiếp với Hoa Kỳ. Nhà Trắng cảnh báo "hậu quả nghiêm trọng", tổng thống Joe Biden ra lệnh cho quân đội Mỹ bắn chặn những hỏa tiễn nhắm vào Israel. Đây là thế lưỡng nan thực sự cho chế độ : Sợ chiến tranh với Israel nhưng phải sững sờ chứng kiến những lợi ích địa chính trị đã được tích lũy một cách có phương pháp từ đầu cách mạng Hồi giáo 1979, đã bị xóa sổ gần hết. Việc Israel triệt hại Hezbollah, cánh tay quyền lực của Iran ở Lebanon, làm mất đi một đòn bẩy quan trọng để gây bất ổn cho vùng Cận Đông. Chuyên gia Ali Vaez cho rằng Tehran khó thể từ bỏ 40 năm đầu tư vào lực lượng này.
Iran trong thế khó, cả đối ngoại lẫn đối nội
Một cuộc phiêu lưu quân sự lại càng rủi ro hơn cho chế độ đang gặp khó khăn cả đối ngoại lẫn đối nội. Iran không có đồng minh, ngoại trừ Syria đang trong tình trạng thảm hại. Còn trong nước, chuyên gia Clément Therme của đại học Paul-Valery ở Montpellier mô tả : "Bối cảnh kinh tế và xã hội xuống cấp trầm trọng do Mỹ trừng phạt, với các vụ đình công như của giới y tá mới đây, chảy máu chất xám, phong trào phản kháng vẫn mạnh mẽ và vượt quá chủ đề khăn choàng phụ nữ, nay đến thất nghiệp, dịch vụ công tồi tệ, tham nhũng, nạn nghèo khó khiến tình báo Israel dễ xâm nhập".
Tóm lại, nếu bại trận có thể dẫn đến nổi loạn, đe dọa sự sống còn của chế độ, và Tehran ý thức được điều đó. Iran có thể trả đũa bằng các hoạt động phi quân sự, chẳng hạn ám sát các nhà lãnh đạo Israel, Mỹ nhờ các điệp viên, tấn công tin học, cho dân quân ở Iraq bắn hỏa tiễn và drone vào lính Mỹ, bắt con tin.
Còn nếu tiếp tục tấn công như tối qua, liệu Tehran có thể kéo dài được bao lâu ? Les Echos cho biết do không có biên giới chung, bộ binh Iran không thể tấn công Israel. Các phi cơ Iran phải bay qua Saudi Arabia hoặc Iraq, dù không được phép, để đối đầu với không quân và phòng không Israel - thuộc loại hiệu quả nhất thế giới. Đây là nhiệm vụ bất khả thi vì Iran không có khả năng tiếp nhiên liệu trên không.
Tehran chỉ còn cách phóng drone và hỏa tiễn đạn đạo. Trong tổng số 3.000 hỏa tiễn đạn đạo đang có, đa số là tầm ngắn và tầm trung, tức dưới 1.000 km, Iran có vài trăm hỏa tiễn Kheibar hay Shadhid 3 có thể bắn đến Israel. Tuy nhiên đa số trong loạt 110 tên lửa phóng sang hồi tháng 4 đã bị rơi khi vừa cất cánh, bị vỡ khi đang bay, hay bị chặn lại bởi phòng không Jordan, Mỹ, Pháp, Anh, Israel.
Nỗi nhục quá lớn của các giáo sĩ
Libération nhận định, khi tung một trận mưa hỏa tiễn xuống Israel để trả đũa việc thủ lãnh Hezbollah Hassan Nasrallah bị tiêu diệt, Iran đẩy khu vực vào nguy cơ một cuộc chiến tranh khu vực thậm chí toàn cầu.
Thủ tướng Benyamin Netanyahou cũng như các nhà lãnh đạo phương Tây đều cho rằng Tehran sẽ không hành động, như đã từng tỏ ra bất lực khi thủ lãnh chính trị Hamas, Ismail Haniyeh bị oanh kích chết ngay tại thủ đô Iran. Điều này cho thấy Tehran muốn tránh đặt các cơ sở nguyên tử vào vòng nguy hiểm. Thế nhưng nỗi nhục là quá lớn cho các giáo sĩ. Không trả đũa, coi như quy phục sức mạnh của Israel, trong khi giới Hồi giáo Shia đã cáo buộc Iran bỏ rơi Hezbollah. Đành phải chấp nhận phản ứng của Tel Aviv : Israel đã đe dọa Iran "sẽ phải trả giá".
Nhật báo thiên tả lo sợ xung đột sẽ lan rộng nếu các nhà lãnh đạo không chịu dẹp qua một bên tự ái cá nhân, và chỉ trích ông Benjamin Netanyahou không chịu nghe ai cả. Chỉ còn vài ngày nữa đến dịp kỷ niệm vụ khủng bố của Hamas ngày 07/10, ông muốn đánh bóng lại hình ảnh trước người dân Israel, và nhân đó tái lập một "trật tự mới" - tên của chiến dịch ở Lebanon. Theo tờ báo, đó là một trật tự hoàn toàn quân sự, không có tầm nhìn lâu dài.
Iran và ván bài nguy hiểm
Le Figaro nói về "Ván cược đầy rủi ro của Tehran". Vụ tấn công bằng hỏa tiễn đạn đạo đã được giáo chủ Ali Khamenei thông qua - nhà lãnh đạo tối cao Iran đã được đưa sang một nơi bí mật sau khi đồng minh Hassan Nasrallah bị tiêu diệt. Chuyên gia Clément Therme cũng cho rằng Iran phải giữ thế diện trước các tay sai, nếu không sẽ mất hết uy tín đối với Hezbollah ở Lebanon, phe Houthi ở Yemen, dân quân Iraq. Mất Hassan Nasrallah có thể là giọt nước làm tràn ly vì thủ lãnh Hezbollah thực sự là người chỉ huy ở Trung Đông.
Vụ tấn công bằng hỏa tiễn đạn đạo lần này mạnh mẽ hơn hẳn hồi tháng Tư, khi Tehran tung ra 300 drone đánh vào Israel nhưng chỉ gây thiệt hại không đáng kể. Lần này là một cuộc tấn công quân sự, và Israel chắc chắn đáp trả. Vấn đề là liệu nước Cộng hòa Hồi giáo có sẵn sàng hy sinh lợi ích quốc gia hay không, sự tính toán của Iran hàm chứa đầy nguy hiểm. Hồi mùa xuân, Joe Biden đã "can" được Benjamin Netanyahou, nhưng lần này ông còn có thể can thiệp hay không ?
Đối với Le Monde, một lần nữa Lebanon trở thành chiến địa của hai kẻ thù không đội trời chung là Nhà nước Do Thái và Cộng hòa Hồi giáo Iran. Cuộc đối đầu mới nhất bắt đầu cách đây một năm, khi Hezbollah tấn công Israel để yểm trợ cho Hamas ngay sau vụ thảm sát người Do Thái. Sau chiến thắng năm 2000, Hezbollah không ngừng áp đặt chọn lựa của mình cho người Lebanon bất chấp hậu quả. Trước hết là vụ ám sát cựu thủ tướng Rafic Hariri năm 2005 có phối hợp với Syria, rồi can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria để cứu vãn chế độ Bachar Al-Assad. Chiến dịch của Israel là tự vệ chính đáng, tuy nhiên gây thêm hỗn loạn vào tình trạng đã hỗn loạn hiện nay không có lợi cho Nhà nước Do Thái, theo tờ báo.
Israel truy tìm các địa đạo ở Lebanon
Về chiến dịch trên bộ ở Lebanon, Les Echos cho biết xe tăng và bộ binh Israel rạng sáng hôm qua đã vượt qua đường biên, nhằm tiêu diệt các chiến binh Hezbollah suốt một năm qua vẫn bắn rốc-kết và drone sang miền bắc từ các ngôi làng dọc biên giới. Quân đội Israel chú tâm tìm kiếm các địa đạo.
Có sự trùng hợp ngẫu nhiên là cuộc tiến công diễn ra đúng 18 năm sau khi Israel rút quân khỏi nam Lebanon sau cuộc chiến với Hezbollah năm 2006. Hồi năm 2018, Tsahal đã phá hủy 6 địa đạo dẫn vào lãnh thổ Israel, và không loại trừ việc hãy còn những đường hầm loại này do Hezbollah đào nhằm xâm nhập, bên cạnh việc trữ vũ khí và đặt các giàn phóng rốc-kết. Chủ tịch Quốc hội Amir Ohana nhấn mạnh có những việc mà không quân và pháo binh không thể thực hiện, thế nên phải tổ chức chiến dịch trên bộ, đồng thời ngăn cản tăng viện cho phe khủng bố. Ba lữ đoàn quân dự bị Israel đã được triệu tập.
Hezbollah liệu còn đủ sức đối phó ?
Về phía Hezbollah, thông tín viên Le Monde tại Beyrouth cho biết phe này tuyên bố sẵn sàng đối phó với chiến dịch trên bộ. Chuyên gia Nicholas đánh giá, dù nhiều chỉ huy đã bị tiêu diệt, Hezbollah vẫn còn những sĩ quan cấp trung để thay thế. Tổ chức này có cơ cấu rất chặt chẽ, hoạt động không khác một quân đội chính quy, hơn nữa lại thông thạo địa thế. Nhưng những nguồn tin thông thạo cho rằng Hezbollah đang bị rối loạn hơn nhiều so với cuộc chiến năm 2006 trước Israel.
Diễn biến những trận đánh sắp tới sẽ cho thấy liệu Hezbollah còn có khả năng đối đầu với quân đội Israel hay không. Đáp trả những vụ oanh kích vào nam Lebanon, phe Hồi giáo Shia tiếp tục bắn rốc-kết nhưng cường độ đã giảm, và cũng không sử dụng những vũ khí tinh vi nhưng hỏa tiễn tầm xa dẫn đường. Cheikh Naim Qassem, nhân vật số hai của Hezbollah, kêu gọi "tinh thần hy sinh" của cộng đồng Shia, đồng thời nhìn nhận họ đã phải trả giá trong cuộc chiến này. Người theo Hồi giáo Shia chiếm đa số trong hàng ngàn người chết kể từ hai tuần qua, và trong một triệu người di tản.
Việt Nam đặc xá hàng ngàn tù nhân nhưng không thả tù chính trị
Liên quan đến Việt Nam, La Croix nhận xét chính quyền Hà Nội đã đặc xá cho gần 3.800 tù nhân trong dịp Quốc khánh vừa qua, nhưng trong số đó không có tù nhân chính trị nào. Như thường lệ, mỗi năm vào dịp 02/09 Việt Nam thường trả tự do trước thời hạn cho hàng ngàn tù nhân. Trong số được thả năm nay có khoảng 20 người ngoại quốc mang quốc tịch Lào, Thái, Trung Quốc, Ireland, Mỹ…, nhưng không có người tù nào bị kết án "tuyên truyền chống Nhà nước" hay "âm mưu lật đổ chế độ" - cáo buộc thường dành cho các nhà đấu tranh.
Lệnh đặc xá được ban hành vài ngày sau hai nhà hoạt động nổi tiếng được thả. Ông Trần Huỳnh Duy Thức, bị lãnh án 16 năm tù vào năm 2010 vì cáo buộc "âm mưu lật đổ", đã gần như thi hành gần hết bản án. Cùng được trả tự do là bà Hoàng Thị Minh Hồng, người thành lập tổ chức phi chính phủ Change để đấu tranh cho vấn đề môi trường, bị án 3 năm tù năm 2023 vì "trốn thuế". Động thái này trùng hợp với chuyến thăm Hoa Kỳ của tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Tô Lâm, dự cuộc họp lần thứ 79 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Tờ báo nhắc lại, những năm gần đây chế độ cộng sản Việt Nam đã bắt bớ và kết án nhiều nhà đấu tranh chính trị, nhất là về những bài đăng trên mạng xã hội. Năm 2024, theo Human Rights Watch, có trên 160 tù chính trị đang bị giam giữ, và Việt Nam đứng thứ 174/180 trong bảng xếp hạng tự do báo chí của Phóng viên Không biên giới (RSF).
Thụy My