Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

26/11/2024

Quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc sẽ ra sao dưới thời Donald Trump 2.0 ?

RFI - BBC

Trump trở lại Nhà Trắng : Tác động đến quan hệ Mỹ-Trung trong hồ sơ Đài Loan

Phan Minh, RFI, 26/11/2024

Trong bối cảnh Donald Trump chuẩn bị trở lại Nhà Trắng, bàn cờ địa chính trị thế giới được dự báo sẽ có nhiều biến động, đặc biệt trong mối quan hệ phức tạp và nhạy cảm giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan. Với chính sách đối ngoại và lập trường hiếu chiến đối với Trung Quốc, nhà tỷ phú có thể tạo ra một tương lai bất ổn cho Đài Loan. Những yếu tố này sẽ làm thay đổi quan hệ Mỹ-Đài và gây ra những phản ứng mạnh mẽ từ Bắc Kinh.

hktq1

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. AFP – Jim Watson, Peter Klaunzer

Ba yếu tố tác động đến tương lai Đài Loan dưới thời Trump

Sau đây là những yếu tố có thể định hình tương lai của Đài Loan sau khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Đầu tiên là sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ, chuyển từ một chiến lược bảo vệ các giá trị dân chủ sang một chính sách mang tính chiến lược và lợi ích kinh tế.

Tiếp theo là tầm ảnh hưởng của những nhân vật thân cận với Trump, đặc biệt là những người có quan điểm hiếu chiến với Trung Quốc, có thể thúc đẩy việc quân sự hóa khu vực và thậm chí gây ra một cuộc "chiến tranh ủy nhiệm" ở Đài Loan.

Và cuối cùng là phản ứng của Trung Quốc, vốn tin rằng một chính quyền thấm nhuần tư tưởng "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" (MAGA) sẽ có lập trường cứng rắn hơn, khiến Bắc Kinh chuẩn bị sẵn sàng cho các kịch bản xung đột.

Chính sách của Trump trong quan hệ quốc tế

Sau khi Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ, tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức đã gửi lời chúc mừng, nhấn mạnh đến quan hệ đối tác lâu dài giữa Đài Bắc và Washington. Tuy nhiên, khái niệm "giá trị chung" mà Đài Loan và Mỹ thường nhắc đến có thể gặp nhiều thử thách với sự trở lại của Trump. Chính quyền Biden đã xây dựng mối quan hệ Mỹ-Đài xung quanh các giá trị dân chủ, Trump có thể định hướng mối quan hệ này sang một chính sách thực dụng, ưu tiên lợi ích chiến lược và kinh tế của Mỹ hơn là các giá trị dân chủ mà Đài Loan theo đuổi.

Dưới sự lãnh đạo của Trump, các giá trị của Hoa Kỳ có thể bị thay đổi. Câu hỏi đặt ra là liệu khái niệm "giá trị chung" giữa Mỹ và Đài Loan có còn trụ vững khi Trump, một người bị chỉ trích là "phát xít" và "phân biệt chủng tộc", trở lại lãnh đạo Hoa Kỳ ? Những giá trị mà Trump theo đuổi có thực sự đại diện cho nước Mỹ trong mắt cộng đồng quốc tế ? Đây là điều đáng lo ngại đối với Đài Loan, bởi vì khi cố nhấn mạnh đến việc duy trì quan hệ dựa trên "giá trị chung", hòn đảo có thể "nhắm mắt làm ngơ" trước những bất đồng về giá trị ngày càng gia tăng giữa hai bên, đặc biệt là nếu chính sách và giọng điệu của Trump không còn phù hợp với các lý tưởng dân chủ truyền thống của Đài Loan.

Quan hệ Mỹ-Đài dưới thời Biden

Dưới thời chính quyền Biden, chính sách của Mỹ đối với Đài Loan chủ yếu xoay quanh việc bảo vệ các giá trị dân chủ và cam kết duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Điều này được thể hiện rõ qua chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi vào năm 2022. Tuy nhiên, dưới thời Trump, chính sách này có thể sẽ thay đổi, khi ông ưu tiên các lợi ích chiến lược và kinh tế của Mỹ thay vì các lý tưởng dân chủ.

Trong chiến dịch tranh cử, Trump đã cáo buộc Đài Loan lợi dụng Mỹ trong ngành công nghiệp bán dẫn và yêu cầu Đài Bắc phải chi nhiều tiền hơn cho quốc phòng, cụ thể là tăng chi tiêu quốc phòng lên 10% GDP, một yêu cầu mà nhiều nhà lập pháp Đài Loan coi là vô lý. Ngoại trưởng Đài Loan Lâm Giao Long đã phản bác rằng hòn đảo đã chi trả cho quốc phòng thông qua các đơn đặt hàng mua vũ khí của Mỹ, trị giá 19 tỷ đô la. Tuy nhiên, Trump có thể tiếp tục gây áp lực và yêu cầu Đài Loan chi trả nhiều hơn để được Hoa Kỳ bảo vệ.

Tầm ảnh hưởng của những nhân vật "diều hâu"

Trump không phải là người duy nhất thúc đẩy một chính sách hiếu chiến đối với Trung Quốc. Trong đội ngũ của ông, Mike Waltz, Marco Rubio, Mike Pompeo, Robert O’Brien hay Elbridge Colby đều là những người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc và ủng hộ Đài Loan. Những người này coi Đài Loan không chỉ là đối tác, mà còn là một phần trong chiến lược của Mỹ để kiềm chế Trung Quốc.

Quân sự hóa và sự chuẩn bị cho xung đột

Kể từ khi chính quyền Trump 1 quân sự hóa vấn đề Đài Loan, chiến lược quân sự của Mỹ đối với khu vực đã có nhiều thay đổi. Những nỗ lực của Washington bao gồm việc tạo ra các liên minh quân sự chống Trung Quốc, như QUAD và AUKUS, cũng như việc mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ tại các căn cứ quân sự ở Đông Á, đặc biệt là ở Philippines. Những hành động này nhằm mục đích bảo vệ Đài Loan và chống lại bất kỳ hành động xâm lược nào của Trung Quốc.

Tuy nhiên, chiến lược này có thể phản tác dụng. Trung Quốc không chỉ gia tăng sự hiện diện quân sự quanh Đài Loan, mà còn có thể phản ứng bằng các biện pháp ngoại giao và kinh tế để đối phó với những hành động của Mỹ. Ví dụ, Bắc Kinh có thể gia tăng các hoạt động quân sự ở Biển Đông hoặc gần Đài Loan, cũng như sử dụng ảnh hưởng kinh tế để tác động đến những quốc gia đồng tình với chính sách của Hoa Kỳ.

Chiến tranh ủy nhiệm và các nguy cơ đối với Đài Loan

Một trong những kịch bản nguy hiểm nhất đối với Đài Loan dưới thời Trump là khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Chính quyền Trump có thể thúc đẩy một cuộc xung đột qua việc công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập. Một hành động như vậy chắc chắn sẽ làm leo thang căng thẳng và có thể dẫn đến việc Trung Quốc đưa ra những biện pháp chống Đài Loan, tạo cớ cho Washington ban hành những biện pháp trừng phạt kinh tế và cô lập Bắc Kinh trên trường quốc tế.

Đối với những nhân vật "diều hâu với Trung Quốc", việc Đài Loan bị tàn phá và kinh tế hòn đảo bị suy sụp trong nhiều thập kỷ do một cuộc chiến tranh ủy nhiệm có thể là một sự hy sinh cần thiết để bảo toàn sự thống trị của Mỹ trên toàn cầu. Một số người, như Elbridge Colby, từng đề xuất Đài Loan cần tăng mạnh ngân sách quốc phòng và như vậy Hoa Kỳ sẽ không cần phải tham chiến trực tiếp mà vẫn gây tổn hại đáng kể cho Trung Quốc, đồng thời hưởng lợi từ việc bán vũ khí và phát triển cho tổ hợp quân sự-công nghiệp của Mỹ.

Tách biệt kinh tế giữa Đài Loan và Trung Quốc

Một yếu tố quan trọng trong mối quan hệ Mỹ-Trung là sự tách biệt về kinh tế ngày càng rõ rệt giữa Đài Loan và Trung Quốc. Các công ty Mỹ đã bắt đầu rút dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc, và Đài Loan cũng đang tích cực đưa những cơ sở sản xuất của mình ra khỏi Trung Quốc.

Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng chính Mỹ đang cố tạo ra một cuộc xung đột, khi tìm cách gây áp lực với Trung Quốc và làm giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế nước này. Bắc Kinh tin rằng Washington đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột mà Mỹ sẽ không phải tốn quá nhiều nguồn lực mà vẫn đẩy Trung Quốc vào tình thế khó khăn.
Các toan tính chiến lược của Trung Quốc

Trung Quốc đã nhận thức rõ về các hành động của Mỹ và đang chuẩn bị cho một kịch bản xấu nhất liên quan đến Đài Loan. Nếu chính quyền Trump quyết định phá vỡ hiện trạng trong hồ sơ Đài Loan, Bắc Kinh dường như sẽ không lùi bước. Đối với Trung Quốc, từ bỏ Đài Loan sẽ gây thiệt hại lớn về chính trị và là một thảm họa về chiến lược khi Hoa Kỳ có cơ hội quân sự hóa khu vực đó. Cuối cùng, nếu chính quyền Trump buộc Bắc Kinh phải chọn giữa việc chấp nhận một thế bá quyền của Washington ở Đông Á, trong đó có eo biển Đài Loan, và làm suy yếu Trung Quốc, hay tiến hành một cuộc xung đột quân sự ở Đài Loan, Bắc Kinh có thể sẽ chọn phương án sau, và sẽ sẵn sàng cho tình huống này.

(theo The Diplomat)

Phan Minh tóm lược

**************************

Trump tái xuất : Chuyên gia Trung Quốc nói Bắc Kinh có cơ hội lớn ở Biển Đông

BBC, 25/11/2024

Chuyên gia Trung Quốc nói chính quyền Trump 2.0 có thể khiến căng thẳng ở Biển Đông leo thang nhưng cũng tạo ra cơ hội để Bắc Kinh chiếm lợi thế, báo South China Morning Post (SCMP) đưa tin.

hktq2

Chính quyền Trump 2.0 có thể khiến căng thẳng ở Biển Đông leo thang

Tiến sĩ Ngô Sĩ Tồn, nhà sáng lập Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia của Trung Quốc, cảnh báo rằng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ dùng vấn đề Biển Đông để cố gắng kiềm chế Trung Quốc cũng như kích động sự bất hòa giữa Trung Quốc và các quốc gia có tuyên bố chủ quyền trong khu vực.

Biển Đông là khu vực có tuyến đường vận chuyển hàng hóa trị giá 3.000 tỷ USD mỗi năm. Có nhiều nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông như Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia...

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, xâm phạm đến vùng đặc quyền kinh tế của một số quốc gia ven bờ, trong đó có Việt Nam. Tuy một phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã bác bỏ hầu hết các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, Bắc Kinh vẫn từ chối tuân thủ.

"Do thiếu các quy tắc hoặc cơ chế ràng buộc giữa Trung Quốc và Mỹ liên quan đến các cuộc chạm trán trên không hoặc trên biển ở Biển Đông, nên nguy cơ xảy ra các sự cố ngoài ý muốn hoặc leo thang xung đột sẽ tăng lên, đặc biệt là nếu các sự cố như vậy bị xử lý sai và nếu chính quyền Trump tăng cường các hoạt động quân sự tại khu vực này", ông Ngô nói tại một diễn đàn ở Đại học Trung văn Hong Kong, cơ sở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông.

Tiến sĩ Ngô nhận định các hành vi khó đoán của tổng thống Mỹ sắp tới có thể phá hủy những nỗ lực gần đây (của Trung Quốc) nhằm ổn định tình hình ở Biển Đông cũng như khiến mối quan hệ của Trung Quốc với các nước có yêu sách như Philippines và Việt Nam có thể bị lung lay. Tuy vậy, theo ông Ngô, Bắc Kinh có thể tận dụng chính quyền Trump 2.0 để tạo ra lợi thế cho mình.

Ông Ngô Sĩ Tồn nhận xét rằng ông Trump là một người không quan tâm nhiều tới đồng minh, mà trong trường hợp này là Philippines. Do đó, các động thái thách thức của Manila đối với Bắc Kinh trên tuyến đường thủy có thể giảm dần. Ông cho rằng có thể Tổng thống Trump sẽ tập trung tìm kiếm một thỏa thuận thương mại hơn là sự hợp tác, nghĩa là ông sẽ buộc đồng minh mua nhiều vũ khí của Mỹ hơn, tăng chi tiêu quốc phòng hơn.

Vì thế, ông Ngô khẳng định nhiệm kỳ tới đây của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể mang đến cho Trung Quốc một "cơ hội" chiến lược. "Chiến lược Biển Đông của Bắc Kinh có thể tập trung vào việc đòi lại các quyền và quyền lợi ban đầu thuộc về Bắc Kinh nhưng đã bị các quốc gia khác thách thức hoặc xâm phạm. Nếu chúng ta nắm bắt cơ hội này, các quyền và tuyên bố của chúng ta ở Biển Đông sẽ được củng cố hơn nữa", vị chuyên gia nói.

Các quan điểm khác

hktq3

Tàu Philippines và Trung Quốc chạm trán nhau trên Biển Đông hồi tháng 8/2024

Khi trả lời BBC vào đầu tháng 11/2024, các chuyên gia về Biển Đông nhận định dù ông Trump là một người khó lường thì khu vực này vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Mỹ và Washington sẽ không bỏ qua Đông Nam Á, trung tâm của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.

Nhà phân tích Derek Grossman từ RAND Corporation quan sát thấy chính quyền tổng thống Mỹ mới dường như đang chuẩn bị tái khởi động chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được đưa ra trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, tập trung vào việc chống lại Trung Quốc và bao gồm việc tăng cường các liên minh và quan hệ đối tác trên khắp khu vực. Một số quốc gia, cụ thể là Philippines và Việt Nam, sẽ hoan nghênh cách tiếp cận này.

Ông Joshua Espeña, phó chủ tịch tổ chức Hợp tác Phát triển và An ninh Quốc tế ở Philippines, nói với trang Rappler của nước này rằng tương lai của Mỹ và Philippines có thể sẽ ổn định "miễn là sự đồng thuận lưỡng đảng của Mỹ về vấn đề Trung Quốc cũng vậy".

Các quan chức Mỹ, từ các nhà ngoại giao đến các chính trị gia, đã nhiều lần nói rằng có sự ủng hộ của lưỡng đảng đối với Philippines, nhất là khi liên quan đến Trung Quốc.

Trang Rappler cũng chỉ ra sự bổ nhiệm của ông Trump cho các vị trí trong nội các mới, đặc biệt là bộ trưởng quốc phòng và ngoại trưởng, là những nhân vật có quan điểm "diều hâu" (cứng rắn) đối với Bắc Kinh.

Về điều này, ông Derek Grossman bình luận rằng ở Đông Nam Á thì Việt Nam và Philippines là hai nước hưởng lợi lớn nhất khi Mỹ có chiến lược diều hâu hơn đối với Trung Quốc.

"Hai nước này đang gánh chịu hậu quả nặng nề của các tuyên bố chủ quyền đường 9 đoạn mở rộng của Trung Quốc ở Biển Đông. Họ cũng tiên phong trong việc thách thức những tuyên bố này, vốn dựa trên cách giải thích của Bắc Kinh về quyền lịch sử của mình và trái ngược trực tiếp với luật pháp quốc tế và các chuẩn mực hành vi được ghi trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)", ông Grossman viết trên trang web của RAND.

Ông Ray Powell - nhà sáng lập và giám đốc của SeaLight, một dự án minh bạch hàng hải của Trung tâm Gordian Knot tại Đại học Stanford - trả lời BBC hôm 13/11 :
"Hà Nội và Manila từ lâu đã có chung quan điểm chống lại các hành động xâm lấn của Bắc Kinh ở Biển Đông. Cả hai đều đối mặt với cùng một kẻ thù và đều được hưởng lợi từ ý chí phản kháng của bên kia".

Ông Grossman cho rằng trong cuộc điện đàm mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump và Tổng bí thư Tô Lâm đã thảo luận tích cực về sự gắn kết kinh tế, một lần nữa cho thấy chính quyền Trump thứ hai có thể bỏ qua các mâu thuẫn thương mại vì lợi ích của việc duy trì sự hợp tác của Hà Nội chống lại Trung Quốc.

Nguồn : BBC, 25/11/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phan Minh, BBC tiếng Việt
Read 141 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)